Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Thăng trầm đời nghệ sĩ: Kẻ ăn không hết, người lần không ra!

Trần Mỹ Duyên Theo dõi Saostar trên google news

Ai cũng nghĩ rằng diễn viên là ngành nghề hái ra tiền từ catse cực khủng sau mỗi bộ phim, thế nhưng sự thật vẫn còn có những diễn viên gạo cội đang vật lộn từng ngày với cuộc sống khi đồng catxe chẳng đủ chi trả cho cuộc sống của họ.

Ngành điện ảnh Việt Nam đang phát triển từng ngày, đòi hỏi nguồn nhân lực mới mẻ và gấp gáp hơn, cường độ diễn xuất cũng nhiều hơn. Mỗi thời kì mỗi khác, nhà sản xuất cần người trẻ thay thế lớp gạo cội đi trước chính vì vậy những bộ phim thật sự cần nhân vật đứng tuổi cũng trở nên khan hiếm hơn. Không phủ nhận rằng diễn viên gạo cội không đủ năng lực để tiếp nhận vai diễn mà mọi chiều hướng hiện nay đều theo xu hướng cái đẹp, cái trẻ trung và cái mới mẻ. Bộ phim làm ra phải tiếp cận được công chúng, thế nên không thể đặt quá nhiều góc nhìn nghệ thuật vào một bộ phim thị trường hóa, đất diễn của những diễn viên 7X trở về trước bị cắt giảm đáng kể.

Nghĩ đến những trường hợp diễn viên Mai Phương hay chú Lê Bình là 2 diễn viên quen mặt thuở nhỏ của lớp 9x, nhưng giờ theo luồng showbiz mới, người ta chỉ quan tâm đến những thị phi đầy rẫy, đấu đá và cả những scandal của ca sĩ trẻ này, diễn viên mới nổi kia hay hot girl đời thường. Bẵng đi theo thời gian, những cái tên gạo cội không được nhắc tới quá nhiều trên phương tiện đại chúng chỉ khi có thông tin rằng họ bị ung thư và cái nghèo khó của nghiệp diễn không đủ để chi trả viện phí thì mọi người mới dồn sự vô tâm lâu nay của mình vào họ. Không chỉ riêng gì chú Lê Bình và chị Mai Phương; những nghệ sĩ chân chính NSƯT Hán Văn Tình, NSƯT Văn Hiệp, NSƯT Trần Hạnh và chú Nguyễn Hậu vẫn luôn vật lộn với cuộc sống hằng ngày để dành dụm từng đồng bạc trang trải cuộc sống khó khăn.

Trong cái suy nghĩ của công chúng về sự giàu có của nghiệp diễn xuất thì có những thế hệ diễn viên mới hiện nay đạt ngưỡng. Họ đâu chỉ đi diễn, họ có thêm thu nhập từ những hợp đồng quảng cáo, đại diện thương hiệu, làm mẫu và thậm chí những diễn viên tài năng kiêm luôn đạo diễn, biên kịch hay nhà sản xuất là chuyện thường tình. Với những nghệ sĩ đã quá tuổi lại yêu nghề hơn yêu vật chất hợp đồng quảng cáo catxe họ cũng không ép giá quá cao hay những bộ phim truyền hình họ cũng không được sắm vai chính nữa.

Mai Phương một gương mặt quen thuộc với thế hệ 8X, nhưng đến năm 2013 cô không còn xuất hiện quá nhiều trên sóng truyền hình vì tập chung chăm lo gia đình. Cuộc đời và cả sự nghiệp của Mai Phương trải qua nhiều truân chuyên. Năm 2004, chị cùng 3 người bạn thành lập nhóm nhạc Candy nhưng không được nhiều người chú ý. Dù đóng rất nhiều phim từ chính đến phụ nhưng Mai Phương thật sự vẫn chưa thể bật lên chỉ sau bộ phim Những Thiên Thần Áo Trắng chị mới được khán giả biết đến. Tiếp tục niềm đam mê ca hát của mình, năm 2009 Mai Phương ra mắt ca khúc Một lần nữa được yêu nhưng không được nhiều khán giả quan tâm.

Về chuyện cuộc sống, trong một bài phỏng vấn chị Phương chia sẻ về chuyện ba của bé Lavie chính là Phùng Ngọc Huy, tuy nhiên mối tình của 2 người trải qua rất nhiều sóng gió cuối cùng vẫn không có kết thúc tốt đẹp. Thời gian chị Phương mang thai Phùng Ngọc Huy có quan tâm chăm sóc nhưng khi bé Lavie được 1 tuổi, Phùng Ngọc Huy sang Mỹ định cư. Chị Phương một mình nuôi con, nhiều lần bật khóc khi phải đối diện với những khó khăn về kinh tế cũng như sự trách móc từ người thân. Thời gian mang thai, vì không có việc làm nên Mai Phương chỉ sống bằng số tiền 1-2 triệu đồng mỗi tháng. Khoảng đầu tháng 8 vừa qua, cộng đồng mạng truyền tai nhau một nữ diễn viên bị mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối nhưng không có tiền chạy chữa, sau nhiều lần dò hỏi người ta phát hiện nữ diễn viên đó chính là Mai Phương.

Sau việc Mai Phương nằm viện điều trị ung thư, người ta phát hiện ra còn một diễn viên khác là chú Lê Bình nằm cùng phòng bệnh với chị Phương. Chú Lê Bình “khuôn mặt thân quen” với mọi lứa tuổi: tuổi nhỏ mở HTV3 lên thấy chú trong vai phù thủy, lớn hơn tẹo nữa khi ngồi xem TV cùng ba mẹ, ông bà lại gặp chú trong bộ phim truyền hình Đất phương nam, Đợi tàu, Đất khách, Người đàn bà không hóa đá,...tuổi teen thì gặp chú trong Nụ hôn thần chết, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,…Vì thế gia tài đời chú không phải tiền bạc vật chất mà đó là hơn 100 vai diễn, 3 giải vàng, 3 giải bạc trong các nghiệp diễn và một bằng khen của Bộ Quốc phòng nhưng mãi đến giờ chú chưa được lên hàng NSƯT.

Đôi lúc không được nhận vai diễn nào chú phải làm nghề tay trái để kiếm thêm. Chú sắm cái máy ảnh chuyên nghiệp đi chụp khắp xứ. Từng vẽ pano với giá quảng cáo đàng hoàng. Sau đó người ta thấy chú làm đạo diễn văn nghệ từ phong trào quần chúng cho đến sân khấu chuyên nghiệp. Và hình ảnh tác giả Lê Bình xuất hiện đều đặn mỗi đêm trên sân khấu 5B Võ Văn Tần, hoặc hàng trăm tiểu phẩm hài về đời sống của người bình dân, nông dân được phát sóng trên khắp kênh truyền hình. Có lần chú kể một hãng quảng cáo xe từ Hà Nội mời chú đóng, ra giá 1.500 USD, bao ăn, bao ở, bao đi chơi Hà Nội thoải mái. Thế mà, lúc chú vui vui đùa rằng thêm 500 USD tiền catxe vậy mà người ta cũng đồng ý, đó là mức lương kỷ lục trong đời chú.

Người ta thắc mắc rằng tại sao đóng nhiều phim như thế mà chú vẫn không có tiền chữa bệnh? Vì cuộc sống gia đình của chú với người vợ sống chung 37 năm nhưng nghiện cờ bạc, bao nhiêu tiền bạc chú làm được đều đem đi gánh nợ. Con trai cả bị tai nạn giao thông mất, con thứ hai thì nghiện ma túy nên phải vào trại cai nghiện, chỉ còn người con trai út tu trí làm ăn hùn hạp bạn bè mở một công ty quảng cáo nhỏ.

Nhắc đến Đất phương nam có chú Lê Bình tham gia thì cũng chẳng thể quên được chú Nguyễn Hậu trong vai ba của An. Chú Nguyễn Hậu cũng là một người nghệ sĩ gian truân vất vả từ cuộc sống cho đến nghiệp diễn xuất. Thuở nhỏ, chú Hậu thường được các anh chị dắt ra thị xã Sa Đéc coi phim. Hôm nào mẹ không cho đi thì rình lúc mẹ không để ý, đi bộ hơn cây số, đứng ngẩn ngơ rồi năn nỉ các cặp đôi cho vô coi ké. Riết tên diễn viên, nội dung phim, Nguyễn Hậu thuộc làu làu. Gia đình Nguyễn Hậu thuộc diện gia giáo, anh chị em trong nhà ai học hành cũng giỏi giang nên ba mẹ chú không mấy thiện cảm với nghề diễn.

Nghề chọn người thế nên chú Hậu may mắn học cùng con gái cố đạo diễn Bùi Sơn Duân cũng chính là đạo diễn dẫn dắt chú Hậu vào nghề. Năm 1995, nhờ chăm chỉ đóng phim chú tích góp được số tiền mua nhà. Sau đó chừng chục năm, con gái làm ăn thua lỗ, mắc nợ, chú quyết định bán đi tài sản duy nhất của cả nhà, trả nợ cho con. Cả gia đình lại dắt díu nhau đi ở thuê. Ở tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, Nguyễn Hậu vẫn lăn xả trên phim trường để có tiền trang trải cuộc sống. Tháng 2 năm 2018, chú Hậu mất vì căn bệnh ung thư gan chỉ mới phát hiện được vài tháng. Bộ phim Gạo nếp gạo tẻ cũng là bộ phim cuối cùng của chú khi mà bộ phim chưa đóng máy chú đã ra đi.

Câu chuyện của chị Phương, chú Lê Bình và chú Nguyễn Hậu ắt hẳn khiến người ta không khỏi suy nghĩ rằng liệu nghiệp diễn còn ai khắc khổ như vậy nữa không thì câu trả lời nằm ở chỗ NSƯT Hán Văn Tình. Hán Văn Tình là trưởng Đoàn ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, là nghệ sĩ sân khấu truyền thống tài năng, kiêm diễn viên phim truyền hình đã có nhiều cống hiến và hết mình cho nghệ thuật dân tộc. Mặc dù vậy, cuộc sống của chú rất vất vả. Với đồng lương “ba cọc, ba đồng”, nhiều lần nghệ sĩ Hán Văn Tình đã “kêu than” về cuộc sống nghèo khó của mình.

Được biết, vợ chồng nghệ sĩ Hán Văn Tình đang sống trong ngôi nhà cất tạm trên mảnh đất ruộng không sổ đỏ được họ mua cách đây vài năm. Ngôi nhà nằm cuối con ngõ ở phường Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, thuộc phố nhưng đặt chân tới là thấy đậm chất thôn quê. Thu nhập hiện nay của gia đình nghệ sĩ chỉ đến từ khoản lương tháng. Mỗi tháng ông nhận 5 triệu đồng từ Nhà hát Tuồng. Vợ ông từng là nhân viên Bệnh viện Xanh Pôn, về hưu nhận mức lương chưa đầy 4 triệu. Tuy nhiên vì không chống chọi được với căn bệnh ung thư phổi nghệ sĩ đã qua đời năm 2016 với bao sự tiếc nuối về một nghệ sĩ tâm huyết nhưng cơ hàn.

“Cuộc đời tôi khổ hơn phim, nhưng tôi chẳng buồn vì điều đó. Tôi yêu quý, và trân trọng cuộc sống này” đó chính là lời chia sẻ của NSƯT Trần Hạnh. Bác Trần Hạnh một trong những gương mặt quen thuộc của phim truyền hình thuộc đài truyền hình quốc gia như vai ông bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong phim Người cầu may, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em….

Gia đình bác có 9 người, 2 vợ chồng già và 7 người con nhưng không may, năm 2011, vợ bác mất vì bị tai biến sau hai năm nằm liệt giường, ở tuổi 84, bác dù già yếu vẫn phải chăm cậu con trai út 47 tuổi bị ngớ ngẩn vì bị tai nạn gia thông dẫn đến chấn thương sọ não. Mọi công việc trong gia đình một tay bác quán xuyến, dù có đi đóng phim nhưng vẫn phải về đúng giờ để cơm nước nuôi con. Đến gần 90 tuổi bác vẫn phải mưu sinh bằng việc đi bán giày, mũ bảo hiểm ở một sạp nhỏ gần nhà. Nghệ sĩ chia sẽ về cuộc sống khó khăn của mình: “1 tháng lương hưu của tôi cũng chỉ được 2-3 triệu, vừa phải chi tiêu cơm ăn hằng ngày, vừa phải lo các khoản lặt vặt khác… Thi thoảng con gái hay con dâu cũng cho một ít, nhưng tôi không lấy. Các con còn gia đình, còn nhiều việc phải lo. Kể hơi khó khăn một tí cũng không sao, bố con tôi có thì ăn thịt, không có thì ăn rau…”

Liệu có ai còn nhớ bác tổ trưởng tổ dân phố trong các bộ phim truyền hình 8-9h tối của đài truyền hình Việt Nam hay không? Người đóng vai đó và trở nên quen thuộc với mọi nhà chính là NSƯT Văn Hiệp, tuy bác đã mất ở tuổi 71 nhưng sự cống hiến của bác dành cho nghệ thuật Việt Nam không thể không nhắc đến và cuộc đời gian khổ đeo đuổi nghiệp diễn của bác cũng đáng để người đời nể phục.

Nghệ sĩ Văn Hiệp sống trong một căn phòng với diện tích vỏn vẹn có 8m2 thiếu ánh sáng. Thú vui duy nhất của bác là sắp xếp đồ đạc trong căn phòng của mình thật gọn gàng, ngăn nắp để quên đi sự cô đơn vốn có. Dù bị bệnh nặng, nhưng nghệ sĩ nhất định không chịu đến bệnh viện, cứ lặng lẽ đóng phim, diễn hài. Đến cuối năm 2013, khi bác gục ngã hẳn, bạn bè mới biết đến căn bệnh khó chữa của bác. Thậm chí đến khi ngã bệnh, bác vẫn nằng nặc đòi về nhà vì sợ ở lại viện tốn tiền của con cháu.

Qua những mảnh đời nghệ sĩ ở trên, hy vọng công chúng sẽ có góc nhìn khác về nghiệp diễn xuất, sẽ có người nghệ sĩ rât giàu từ việc đóng phim và cũng có những nghệ sĩ dù cố gắng theo đuổi nghề nhưng vẫn thăng trầm lận đận. Chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm” nói rằng diễn viên thì có rất nhiều tiền nhưng chẳng phải vậy, tổ nghiệp phù hộ được cái nghề nhưng cuộc sống lại chẳng may mắn cũng khiến những người làm nghệ thuật chân chính gồng mình chịu đựng vì đam mê với nghề.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Trần Mỹ Duyên

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hé lộ điều đặc biệt về không gian hẹn hò của Michael Trương ở Đảo Thiên Đường