Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Showbiz: Nguyên nhân khiến chủ nghĩa ngoại hình lên ngôi?

Có thể “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng gỗ tốt mà nước sơn… cũng tốt thì mới là tốt nhất. Dưới ánh đèn sân khấu, thứ hào quang ấy đủ mê hoặc tất thảy: giữ chân người nghệ sĩ và giữ lòng những người thưởng thức nghệ thuật.

Người đẹp thì mới đăng quang!

Trước hết là các đấu trường nhan sắc, minh chứng rõ nét và hiển nhiên nhất cho câu chuyện: chị đẹp, chị có quyền - có quyền chạm tay vào chiếc vương miện cao quý, có quyền nổi tiếng và có quyền được yêu mến.

Bỏ qua hằng hà bảng thể lệ với những dòng “mục tiêu - ý nghĩa - sứ mệnh” đầy sáo rỗng và tẻ nhạt, ý nghĩa thực tế nhất của các cuộc thi sắc đẹp: đổi đời cho người chiến thắng. Vì vậy, chiếc vương miện mới giá trị đến thế! Và chỉ có người đẹp mới là kẻ sở hữu sau cùng.

Đến các thể loại thi thố khác, thử điểm danh các quán quân: Hương Tràm, Ali Hoàng Dương, Phí Phương Anh, Mâu Thủy, Lâm Vinh Hải, Sơn Lâm, Trọng Hiếu, Hoài Lâm, Tố Tố,… có thể đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng điểm chung là: họ đều đẹp!

Sự ngẫu nhiên này phản ánh chân thật quán tính “mê trai xinh gái đẹp” của chúng ta. Chưa cần đến quán quân, mà ngay cả những nhân tố “gây bão”: Han Sara, Bảo Anh, Bùi Anh Tuấn, Lily Nguyễn, Anh Tú, Đào Bá Lộc… đều là những thí sinh có vẻ ngoài bắt mắt. Nếu tài năng quyết định 90 % thành công của các quán quân trong khuôn khổ cuộc thi, thì 10 % vận may còn lại, cứ để nhan sắc họ lo hết.

Thậm chí, không ít cuộc thi mà kết quả chung cuộc chứng kiến những màn lội ngược dòng ngoạn mục, khi thí sinh ít nhận được ưu ái từ ban giám khảo hay hội đồng chuyên môn, lại đăng quang bởi số phiếu áp đảo từ khán giả. Mà trong mắt những vị giám khảo nghiệp dư này, âm vực - luyến láy - làn hơi - kỹ thuật là một mớ lý thuyết lộn, chỉ có người đẹp mới là giỏi!

Người đẹp thì mới giàu có!

Người ta chỉ thấy ông giáo già lộc cộc xe đạp, anh công nhân tức tốc kiếm ăn từng bữa, thậm chí những kẻ tri thức “sai thời” cũng đôi lần ngậm ngùi trước đồng lương “ba cọc ba đồng”, chứ chẳng bao giờ trông thấy: nghệ sĩ nghèo!

Showbiz hào nhoáng - vàng thau lẫn lộn, nhưng dù sao… cũng có vàng! Trong từng khoảnh khắc, bất kể trên tivi hay báo chí, trên mạng internet hay kể cả một banner quảng cáo chợt thấy khi dừng vài giây đèn đỏ, người ta cũng choáng ngợp trước quần áo lụa là, lên xe xuống ngựa của những ngôi sao làng giải trí. Những bài báo nhan nhản khắp nơi: ca sĩ A sắm biệt thự tiền tỷ, người mẫu B du lịch khắp châu Âu, diễn viên C tậu “xế hộp” triệu đô… - khiến người đọc tin răm rắp: mình xấu thì mình là kẻ nghèo hèn duy nhất giữa thế gian!

Chứ trong thời buổi “hồng nhan bạc triệu”, “cầm ca bạc tỷ”, làm gì có chỗ cho những người nhan sắc “làng nhàng” có cơ hội chen chân.

Trong lúc người thường xấc bấc xang bang kiếm miếng cơm manh áo, mà nhìn thấy những mỹ nam - mỹ nữ tinh tươm váy áo, kỹ càng tóc tai, lượn nhẹ một sự kiện là đã thu lại số tiền đủ bằng cả năm mình quần quật, thử hỏi ai không từng chạnh lòng: đúng là, người đẹp thì mới giàu!

Người đẹp thì mới “triệu like”!

Thế giới ảo phát triển, “xâm lấn” tuổi thơ và “xâm lược” tuổi trẻ của nhiều người, nhưng đồng thời tạo ra… công ăn việc làm cho rất nhiều người khác. Đó là lúc những “nghề” mới ra đời: vlogger, KOL, influencer, beauty blogger… - nơi một status, một đường link chia sẻ hay vài dòng hashtag có khi trị giá đến chục triệu.

Những “nghề” này không có trường đào tạo hay thi tuyển dụng, nhưng… tỷ lệ chọi rất cao và đặc biệt, chỉ dành cho người đẹp. Trên mạng xã hội, nơi con người ta nhìn thấy nhau qua màn hình, chẳng có gì dễ đồng điệu hơn là… một avatar đẹp, hoặc gu ăn mặc thời thượng, hoặc một khuôn mặt độc lạ. Nói chung là vẻ ngoài phải hợp nhãn, thì mọi thứ mới hợp lý!

Chẳng ai bỏ thời gian nghe livestream của một cô nàng xấu hoắc, mặt đầy mụn nói về cách dưỡng da, càng không có chuyện một KOL diện áo thun rách với dép lào mà lôi kéo được lượng lớn khán giả đến một sự kiện nào đó. Sự ảnh hưởng trên thế giới ảo xuất phát từ sự thật đầu tiên: người nói đẹp! Còn sự thật thứ n+1 nào đó, chỉ là bổ trợ, sẽ không cần xét đến nếu điều đầu tiên… lệch chuẩn.

Thế giới ảo là ảo, nhưng tiền và tiếng là thật!

Người đẹp thì mới… hợp lý hóa mọi sai lầm!

Chân lý thuộc về kẻ mạnh, mà người đẹp dẫu liễu yếu đào tơ nhưng… rất mạnh, là vì có nhan sắc. Thói đời ngoài kia, đàn bà xô vào nhau trong những trận cuồng ghen thịnh nộ, trưng lên báo toàn là những khuôn mặt khắc khổ, đầm đìa trong nước mắt.

Còn người đẹp trong showbiz - là người mẫu trang bìa của tạp chí danh tiếng, là đủ thể loại nữ hoàng: từ nữ hoàng giải trí cho đến nữ hoàng nội y, nói chung: chỉ cần là nữ hoàng thì làm gì cũng đúng, đến cả làm “tiểu tam” cũng… danh chính ngôn thuận, rằng: Em không giật chồng người, em chấp nhận là tình nhân. Và vì em biết thân biết phận, lại còn rất xinh đẹp, nên em vô tội! Thêm nữa, em cũng rất cá tính, sống bản năng và dám bảo vệ tình yêu đến cùng - đó là lý lẽ sống của em. Thiên hạ có nói gì, đều là do lòng đố kỵ và họ thật… lỗi thời.

Đại loại những chân lý như thế, chưa ai phân định chuyện đúng - sai, nhưng hệ quả ban đầu là nó huyễn hoặc những cô gái trẻ người non dạ dần dần tin rằng: chỉ cần đẹp, thì tha thứ hết. Và điều này nguy hại như lọ thuốc độc mất nắp, cứ rỉ rả nhưng ngấm sâu trong nhận thức của nhiều bộ phận giới trẻ.

Thế thì, ngại gì mà không đẹp bằng-mọi-cách?

Sau tất cả những “chứng cứ hùng hồn” kia, nhà nhà phẫu thuật, người người phẫu thuật để được giống cô A, anh B, chị C với ước mơ cuộc sống dễ thở và gặp nhiều may mắn hơn. Đôi khi, trong vòng đấu mà tất cả mọi yếu tố chuyên môn đều ngang bằng, kẻ thắng cuối cùng là… kẻ đẹp hơn. Nghe thì rất phũ, nhưng lại là sự thật.

Những giá trị thật - giả lẫn lộn của showbiz hào nhoáng, là lý do thiết yếu dẫn đến tâm lý đua đòi “đập mặt xây lại” trong bộ phận giới trẻ. Chưa bao giờ trào lưu thẩm mỹ lại được thoải mái thừa nhận và thử nghiệm như bây giờ. Người ta dễ dàng nhìn thấy những kết quả, nhưng thật khó có cơ hội để thấu được những rủi ro - khi các nhà tổ chức hoặc đơn vị chủ quản… giấu tịt hết dưới lớp vỏ hoàn hảo. Từ đó, hàng loạt tai nạn trên bàn mổ diễn ra, gióng lên hồi chuông báo động về chủ nghĩa ngoại hình và hệ lụy khủng khiếp trong xã hội, hy vọng thức tỉnh những kẻ liều lĩnh, đang “thiêu thân” trong hàng tá cuộc tiểu phẫu, đại phẫu chỉ để mặc lên mình lớp áo không-phải-là-của-mình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ái Kỳ

Được quan tâm

Tin mới nhất
FIFA dậy sóng với Nguyễn Xuân Son
Nguyễn Xuân Son quá hay, quá nguy hiểm