Giữa muôn vàn gameshow, talkshow giải trí, Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ xuất hiện và trở thành món ăn tinh thần mới lạ dành cho khán giả truyền hình. Bên cạnh việc tập trung vào câu chuyện thương trường vốn chưa bao giờ được khai thác, Shark Tank còn cung cấp cho đối tượng khán giả, đặc biệt là các startup có đam mê khởi nghiệp nhiều kỹ năng gọi vốn đầu tư.
Tuy nhiên đến cuối cùng, Shark Tank vẫn chỉ là một show thực tế không thể thiếu đi các yếu tố giải trí. Vậy, khi không phải là một “lớp học kinh doanh” thực thụ, Thương vụ bạc tỷ liệu có đủ “chất” để các startup học hỏi và áp dụng?
Khán giả theo dõi Shark Tank phiên bản Việt, đặc biệt là các startup trẻ ngỡ ngàng và nghi ngờ trước các dự án giành được bạc tỷ chỉ trong… vài phút: Emwear nhận được 2 tỷ sau 10 phút hay dự án Cosplay của hai chàng sinh viên nhận về 3 tỷ chỉ sau 5 phút.
Trong thực tế, quá trình thương thảo giữa nhà sáng lập - founder với các shark - nhà đầu tư có thể diễn ra đến hàng giờ đồng hồ và luôn bắt nguồn từ mối quan hệ đã được xây dựng trước. Sẽ không có “kẻ săn mồi” nào đồng ý kí kết hợp đồng với doanh nghiệp vừa mới gặp mặt. Và tất nhiên, hiếm shark nào mạo hiểm bỏ ra số tiền đầu tư vài tỷ đồng chỉ sau vài câu thuyết trình đơn giản.
Tuy vậy, những màn thương thuyết ở Thương vụ bạc tỷ đều bắt buộc phải cắt gọn để đảm bảo thời lượng phát sóng và nội dung phong phú trong mỗi tập. Ở các phiên bản quốc tế, phần thương thuyết giữa nhân vật và các shark thường diễn ra trong vòng một giờ và được cắt gọn còn 15 phút. Vì vậy, không chỉ gây ra tranh cãi về độ xác thực, Shark Tank còn dễ khiến các startup ngộ nhận việc kêu gọi thành công số vốn vài tỷ đồng trong thời gian tích tắc.
Dù không phải chương trình dạy về chuyên môn kêu gọi vốn nhưng với sự thành công và tầm ảnh hưởng của mình, Shark Tank các phiên bản thế giới đã trở thành khuôn mẫu cho các startup trẻ học hỏi kêu gọi vốn. Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, đời thật với những “thương trường như chiến trường” có muôn hình vạn trạng diễn biến chứ không chỉ đơn giản tuân theo 3 phần Thuyết trình - Thương thảo - Quyết định như format Thương vụ bạc tỷ.
Các startup Việt có thể dõi theo Shark Tank để nạp thêm nguồn cảm hứng, tích lũy “mưu mẹo” và rèn giũa tinh thần, chứ tuyệt nhiên “sao y bản chính” theo những diễn biến Thương vụ bạc tỷ là điều bất khả trong thực tế và các founder chắc chắn không lường trước, sẽ gặp khó khăn với những thử thách đầy khắc nghiệt trong “công cuộc” gọi vốn ngoài đời thực.
Cuối cùng, dù đặt nặng yếu tố chuyên môn đến mấy thì Thương vụ bạc tỷ vẫn cần đến yếu tố “drama” đảm bảo tính giải trí cho mỗi tập phát sóng. Đó chính là lý do mâu thuẫn nội bộ trong đội ngũ Happy Trees, những tràng cười vì dự án nước thanh long phế thải hay điều kiện cầm nhà, làm thuê khi thua lỗ lại được lên sóng. Thế nên, dù được truyền cảm hứng đến mấy, các startup cũng đừng quên
Shark Tank cũng chỉ là một show giải trí khó có người xem nếu thiếu vắng “drama”.Nội dung mới lạ vừa có đậm chất thương trường vừa đầy tính giải trí có thể khiến Shark Tank trở thành show thực tế tâm điểm đối với các startup Việt. Khó có thể nhìn thấy ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực của Thương vụ bạc tỷ chỉ sau 4 tập phát sóng nhưng những khán giả sáng suốt sẽ chẳng bao giờ quên: Show thực tế là để giải trí chứ không phải để bắt chước!