Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Sau ánh hào quang showbiz: Bắt buộc phải là nước mắt thì bức tranh mới đẹp?

Quá nhiều nước mắt, những câu chuyện bi ai, lầm than được trưng trổ trên màn hình trong mỗi tập lên sóng của Sau ánh hào quang khiến khán giả từ thích thú, mong đợi chuyển dần sang "bội thực" và bắt đầu ngán ngẩm, nhất là khi những tranh cãi nổ ra...

Không khó để nhận ra, khi gõ từ khóa Sau ánh hào quang trên youtube, hàng loạt thumbnail của các tập hiện ra đều là hình ảnh u sầu, khóc lóc của các nghệ sĩ. Dường như, nước mắt vô tình trở thành “tuyệt chiêu cuối” của talkshow đời tư này.

Với format như đúng tên gọi, chương trình khai thác những câu chuyện sau ánh hào quang lần đầu công bố, mà thông tin gì đầu tiên, độc quyền đều là “hàng hiếm” hút khán giả. Ngỡ rằng motif này chỉ có thành chứ không thể bại, thế nhưng những nhà tổ chức đã không lường trước được chính thế mạnh lại đôi lúc trở thành rào cản nguy hiểm, tự “đặt bẫy” để rơi vào vòng lao đao trước dư luận.

Như câu chuyện của Lê Giang lan tỏa bởi lời “tố” chồng cũ bạo hành, Thủy Tiên nhắc đến Ưng Hoàng Phúc - tình cũ và giờ cũng kịp là “chồng người ta”, Thanh Hà với câu “vạch mặt”: Anh ấy nói tôi là con đàn bà ngu nhất thế giới, Xuân Lan bị nghi oan và ruồng rẫy bởi người cũ 7 năm, Cát Phượng “vạch” chi tiết cuộc nói chuyện dẫn đến ly hôn với Thái Hoà… đều khiến dư luận dậy sóng bởi những rắc rối để lại cho người được nhắc đến trong câu chuyện - vô tình bị kéo vào thị phi nhưng hoàn toàn… mất quyền lên tiếng, khi họ không hề được mời tới và ngồi trực tiếp “đối chất” trong chương trình.

“Tập thể người cũ” dù có được điểm mặt gọi tên đích danh, hay chỉ qua lời úp mở dưới lớp áo “anh ấy”, “chồng cũ” vẫn cứ lộ diện rõ nét trước mắt công chúng, vì họ đều là người nổi tiếng, chẳng khó gì để “truy tìm” và suy ra. Dù chẳng được mời đến chương trình để đối chất, những người liên quan này không chỉ là nhân vật chính trong câu chuyện “vạch áo cho người xem lưng”, mà còn ngay lập tức rơi vào tâm bão chỉ trích của đám đông người theo dõi chương trình. Như một ngày đẹp trời, họ chỉ ngồi yên trong nhà, mà bão tố bỗng đổ ập xuống sau một phát ngôn vô tư và cao hứng của “người lạ từng thương”.

Dễ hiểu khi đặc thù của những câu chuyện đời tư đã luôn là nhạy cảm, là những góc yếu mềm của mỗi người thì khi nhắc lại, khó lòng kiềm chế cảm xúc dẫn đến khóc lóc, kể lể. Thế nhưng, sau ánh hào quang, liệu có nhất thiết chỉ toàn là nước mắt?

Chương trình với xuất phát điểm từ mục tiêu tốt đẹp: khắc họa hình ảnh người nghệ sĩ gần gũi và chân thật nhất, kéo gần khoảng cách giữa khán giả và thần tượng. Những câu chuyện nghề được các khách mời chia sẻ, phần nào giúp khán giả thấu hiểu nỗi vất vả, khổ tâm của những người ngỡ chỉ toàn hào nhoáng, xa hoa; từ đó, cũng truyền đi nguồn cảm hứng tích cực, những kinh nghiệm quý báu.

Nghe và được lắng nghe là nhu cầu cơ bản của mỗi người, không riêng gì nghệ sĩ. Bởi lẽ, cuộc sống là sự kết nối, không ai có thể sống riêng lẻ một mình. Không chỉ người công chúng, mà cả người thường: ai cũng có truyền kỳ những bí mật, bí quyết “sau hậu trường” trước khi đạt được những thành tích, thành tựu trong cuộc đời. Mọi câu chuyện đều đáng giá, nhưng chỉ đời tư của người nổi tiếng thì lại đặc biệt được quan tâm, bởi vì họ là thần tượng của bao người - chắc chắn những câu chuyện sau ánh đèn sân khấu của họ, luôn có nhiều cột mốc đáng nhớ, đáng kể.

Khán giả có nhu cầu được biết người mình cuồng nhiệt yêu mến đấy là ai trong cuộc sống thường nhật, đối diện và giải quyết như thế nào trước những khó khăn, thử thách. Được lắng nghe nghệ sĩ chia sẻ cho họ cảm giác tiến gần hơn đến thần tượng.

Có cầu thì sẽ có cung, nghệ sĩ chia sẻ chuyện đời tư như cách tiếp cận, giãi bày những hiểu lầm và bộc lộ con người thật của mình nhiều hơn. Mục tiêu cuối cùng là nhận được thông cảm, kéo gần khoảng cách với khán giả hâm mộ.

Ai cũng được lợi trong chương trình này, mà quên đi mất những rủi ro cho chính mình và hệ lụy với những người liên quan. Những bí mật “động trời” được chia sẻ đều là những khuất tất trong cuộc sống riêng tư của người nghệ sĩ, không chỉ thiếu kiểm chứng trên truyền hình, mà càng không có gì để kiểm định trong đời thật. Vì thế, tìm ra sự thật gần như bất khả thi. Điều duy nhất rõ nét, đó là: người ta xô nhau vào những tranh cãi, dù không rõ kết quả để được chi, chốt được vấn đề gì? Và những ồn ào này đóng góp gì vào sự nghiệp của các nghệ sĩ khi mà vị trí trong nghề vốn chỉ được đánh giá qua thực tài, cống hiến, chứ không phải qua hằng hà những câu chuyện đẫm nước mắt?

Chương trình truyền hình như một “món ăn tinh thần” mà người tổ chức đôi khi không phải là một “đầu bếp giỏi” khi chỉ cần một chút “nêm nếm” quá tay, thì đã biến mọi nỗ lực và mục đích tốt đẹp trước đó thành “công dã tràng”.

Sau hậu trường, còn rất nhiều những “lát cắt” đẹp đẽ và ý nghĩa khác, không nhất thiết chỉ toàn nước mắt và những câu chuyện bi ai. Chưa một số nào của Sau ánh hào quang lên sóng mà không vấp phải những chỉ trích, tranh luận trái chiều, và câu chuyện Lê Giang chỉ là “giọt nước tràn ly”, là hồi chuông gióng mạnh mẽ để kêu gọi sự nhìn nhận, đánh giá những gì đang diễn ra.

Đã đến lúc “nêm nếm” lại “món đặc sản” ngỡ là hấp dẫn này, để trả chương trình về đúng mục đích và mang đến cho khán giả những phút giây giải trí “vừa vặn”, không tưng bừng tranh cãi!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ái Kỳ

Được quan tâm

Tin mới nhất