Là một người lập gia đình sớm, từ năm 20 tuổi và trở thành vợ, thành mẹ khi tuổi đời còn trẻ là một trong những trải nghiệm quý giá nhất của Sa Huỳnh. Đó cũng chính là lý do khiến cô gái… già trước tuổi trong suy nghĩ và cho ra đời những sáng tác đậm chất cá nhân với góc nhìn khác lạ, thấu cảm và sâu sắc khó tìm thấy ở những ca khúc do người trẻ chắp bút.
Chính tình yêu và cuộc hôn nhân trẻ đã giúp cô trưởng thành, trải nghiệm những điều mà ở tuổi 20 khác, người ta chưa từng có. Vì thế, các ca khúc của Sa Huỳnh cũng như thế: Khi là Mang thai với những niềm hạnh phúc chân thật của một người đang mang thiên chức làm mẹ, háo hức chờ đón đứa con chào đời, Về ăn cơm với niềm vui dung dị của bữa cơm gia đình, Mặt mộc là khúc hát ngợi ca vẻ đẹp người phụ nữ trong xã hội hiện đại hay gần đây nhất là Hoạn Thư xuất hiện trên sân khấu vòng Tranh đấu của Sing My Song với một “hình hài” rất mới.
Phụ nữ viết về… phụ nữ, thì sẽ thế nào? Thì sẽ thấu tận tâm can nỗi lòng của kiếp chồng chung, của người đàn bà tài sắc từng bao phen gây tranh cãi trong văn học Việt vì những đòn ghen khủng khiếp dành cho Kiều, về góc khuất của người vợ chịu sự ghẻ lạnh của chồng và một mình bơ vơ trả thù, chống chọi với kẻ thứ ba - vốn luôn được người đời bao dung, vì thân phận truân chuyên.
Hoạn Thư trong ca khúc cùng tên của Sa Huỳnh hiện lên đầy day dứt với nỗi ai oán mất chồng, nhưng cũng đầy nhân văn khi một lần được “cất lời” minh oan cho chính mình qua từng lời ca tiếng hát trau chuốt mà Sa Huỳnh dành cho.
Ai cũng biết Kiều như thế nào, vì sao ra nông nổi, cũng biết Hoạn Thư đã độc ác ra sao với Kiều. Nhưng hiếm ai tự đặt ngược câu hỏi: Vì sao lại để lửa hờn ghen thiêu rụi mọi thứ? Ai nấy cũng muốn tước đi của Hoạn Thư - là một thân phận đàn bà khác, một cơ hội giải thích!
Và Sa Huỳnh đi giải thích thay câu chuyện uẩn khúc sau sự sắc sảo đến độc địa của Hoạn Thư, đó chính là vì Chồng chung ai dễ nhường ai cho dẫu không nỡ oán nhau, Chuyện ghen tuông đâu dễ nói bằng lời, rằng Vì khi ghen ai cũng lại đớn đau thôi, vì nỗi bẽ bàng Người còn vẹn nguyên lời thề khi xưa, sao nỡ lãng quên, vì sự đắng đót trước tình yêu nồng nàn một thời bỗng vỡ tan Một trời mộng mơ còn tan trong đôi mắt dối gian và để một mình ôm Hờn ghen đến đây cũng đã tận cõi lòng!
Chẳng ai trải qua tuổi 20 như Sa Huỳnh đã từng liều lĩnh chọn, nên cũng chẳng ai có những cảm thức độc đáo như cô khi viết về Hoạn Thư, để không chỉ làm mới một nhân vật quen thuộc, mà còn cao hơn là thay lời muốn nói, để giãi bày một góc nhìn khác cho thân phận cùng khổ của những người đàn bà này. Dù đứng ở vai chính diện hay phản diện, chỉ cần là đàn bà - đều có những khổ tâm riêng, mà sau tất cả, điều không nên là cảm thương một người phụ nữ này để trù dập, thương tổn một phận đàn bà khác.
Hoạn Thư đem đến tiếng khóc xé lòng, giúp người nghe hiểu thấu nhân vật này ở một lăng kính mới, vì thế khi ca khúc cất lên, Sa Huỳnh đã dễ dàng chạm đến trái tim khán giả, lan tỏa một thông điệp đầy nhân văn, sâu sắc để “minh oan” cho người phụ nữ bị ghét nhất của văn đàn Việt một thời.
Với những sáng tác chín chắn, đầy trải nghiệm, Sa Huỳnh là dấu ấn độc đáo tại sân chơi Sing My Song năm nay, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến nhiều bất ngờ, đột phá tại vòng chung kết của Bài hát hay nhất 2018.