Hẹn gặp NTK Đức Hùng - người đứng đằng sau những “tuyệt tác” trang phục trong Táo quân suốt 5 năm qua vào một buổi sáng cuối năm. Khác với ấn tượng về một nhà thiết kế gạo cội, kỹ tính được khắc hoạ trước truyền thông, Đức Hùng xuất hiện khá giản dị, cởi mở.
Anh nhâm nhi cốc trà nóng, thoải mái kể về chặng đường 5 năm đồng hành cùng Táo quân với công việc thiết kế trang phục. Câu chuyện làm nghề của NTK Đức Hùng xung quanh gấm vóc, nhung lụa và ánh đèn sân khấu không quá nặng nề, áp lực.
Chẳng phải vì anh không gặp khó khăn, đi theo con đường trải hoa hồng, mà bởi sau nét đăm chiêu, khắc khoải nơi gương mặt là con người nghiêm túc, nghiêm khắc, biết mình biết ta, trân trọng đồng nghiệp và không thôi đau đáu với nghề, với mong muốn lớp trẻ đừng lười lao động, lười làm nghệ thuật.
Chưa từng cạn ý tưởng khi thiết kế trang phục cho “Táo quân”
- Xin chào NTK Đức Hùng! Đã 5 năm kể từ khi anh đảm nhận vai trò thiết kế trang phục cho “Táo quân”, cơ duyên nào đưa NTK đến với chương trình?
- Người Việt mình vẫn hay nói không có Táo quân thì không có Tết. Tôi cũng vậy! Hâm mộ chương trình đã 15 năm, lại làm việc với bên VTV nhiều lần nên khi đạo diễn Đỗ Thanh Hải có lời mời, tôi chẳng có lý do gì mà từ chối. Càng làm tôi càng dành nhiều tình cảm, muốn được sáng tạo, cống hiến nhiều hơn cho chương trình cuối năm mà hàng triệu khán giả đều đón đợi.
- Công việc chuẩn bị cho một chương trình lớn như “Táo quân” thường bắt đầu khi nào và kéo dài trong bao lâu?
- Trước khi khởi quay khoảng 3 - 4 tháng là lúc tôi bắt đầu chuẩn bị vì tất cả trang phục đều yêu cầu thêu thủ công kỹ càng, tỉ mỉ. Trước Tết 2 tháng, khi kịch bản khung sẵn sàng, tôi cũng dựa vào đó để lên ý tưởng thiết kế trang phục sao cho phù hợp, khớp với lời thoại các nhân vật.
- Số “Táo quân 2018” kỷ niệm chặng đường 15 năm kể từ khi chương trình ra mắt, đạo diễn Đỗ Thanh Hải có yêu cầu gì đặc biệt với trang phục năm nay?
- Vì chương trình đánh dấu cột mốc 15 năm Táo quân lên sóng nên số lượng Táo năm nay nhiều, kéo theo sự chuẩn bị cũng lâu hơn. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải có nhắn tôi tuỳ ý sáng tạo, sao cho tạo được cái long lanh, cách điệu, ước lệ của nhân vật. Tất cả ý kiến tôi đưa ra được đạo diễn đón nhận một cách vui vẻ.
- Nhìn lại 5 năm đồng hành cùng “Táo quân”, NTK Đức Hùng tâm đắc nhất với chương trình năm nào?
- Mọi người hay nói rằng cô Đẩu ngày càng đẹp lên. Còn tôi lúc nào cũng mong ước các nhân vật đều long lanh, sang trọng, hoàn mỹ. Đến khi bắt tay vào làm, bộ trang phục nào tôi cũng cố gắng trau chuốt từng đường kim mũi chỉ. Vậy nên tất cả tôi đều tâm đắc. Nếu không tâm đắc thì không thể đem lại hiệu quả hình ảnh long lanh như vậy khi lên hình được.
- Vậy sau 5 năm, liệu NTK đã bao giờ gặp trường hợp cạn ý tưởng?
- Thật lòng, tôi chưa từng có suy nghĩ mình sẽ cạn ý tưởng khi thiết kế trang phục cho Táo quân. Mỗi năm chương trình đều có một nội dung, cách làm, cách thể hiện nhân vật khác nhau.
Khi đọc kịch bản, tính cách, lời thoại, thông điệp các vai diễn gửi đến là gì, tôi phải nắm rõ. Từ đó xác định hình thức nhân vật sẽ hiện ra như thế nào. Chính kịch bản đã gợi cho tôi cảm xúc, vẽ cho tôi ý tưởng để thiết kế.
Tuy nhiên Táo quân là chương trình rất đặc thù, kịch bản sẽ có lúc phải cải biên. Ví dụ khi đọc xong kịch bản, tôi nảy ra ý tưởng giá như nhân vật mặc bộ này thì rất tuyệt. Tôi chỉ nghĩ đơn giản về vấn đề trang phục thôi. Nhưng đôi khi từ đó, bên đạo diễn, biên kịch lại có cảm hứng để sáng tạo ra lời thoại cho nhân vật phù hợp với trang phục tôi thiết kế.
Hoặc đôi khi có một bộ trang phục tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sẵn sàng nhưng đến khi lên sàn tập nó không phù hợp nữa, đạo diễn thay đổi luôn thì tôi cũng vui vẻ tiếp thu. Đó là sự phối hợp hết sức nhịp nhàng, ăn khớp giữa nhà thiết kế và đạo diễn, là cái đặc thù của Táo quân.
Tôi không thấy “Táo quân” áp lực đâu!
- Bên cạnh việc thiết kế trang phục, trong năm 2018, lần đầu tiên NTK Đức Hùng góp mặt trên sân khấu “Táo quân” với vai trò diễn viên, anh có thể tiết lộ về nguyên nhân của sự xuất hiện đặc biệt này?
- Thật ra nó cũng là cái duyên. Trong nghệ thuật nói riêng và cuộc sống nói chung, chữ duyên rất quan trọng. Khi nhận lời đóng vai Phú “trọi” trong Người phán xử, tôi chỉ nghĩ đơn giản: “Ừ, các em bảo ‘anh ơi có vai này nó không dài, chỉ khoảng 4 - 5 tập nhưng anh làm đi, rất hợp với anh'”.
Đạo diễn đã ngắm mà bảo mình hợp thì chẳng có lý do gì lại từ chối. Hơn nữa, tôi cho rằng bản thân vẫn có thể làm được. Đến khi bắt đầu quay, tôi hoàn toàn không bao giờ nghĩ bộ phim sẽ gây chấn động đến thế trong năm 2017. Tôi nghĩ tôi vừa có duyên, vừa có sự may mắn của công việc lần đầu tiên mình làm.
Tôi bỡ ngỡ ngay từ lúc vào thay phục trang của bộ phim Người phán xử. Tôi hoang mang khi bên hoá trang bắt đầu hoạ cho tôi cái mặt bầm dập, tím tái. Trong khi, mình cả đời chẳng bao giờ bị đánh, bị dí điện, bị tổn thương về thân xác.
Nhưng đến khi máy bắt đầu bấm, tôi nhắc bản thân phải làm tốt, hết sức có thể để không phụ lòng tin của đạo diễn và ê-kíp từ nhân viên âm thanh đến ánh sáng, hoá trang… Họ lao động miệt mài, để phục vụ vai diễn của mình. Tích tắc ấy tôi ý thức rõ người ta vất vả như thế, tập trung như thế thì mình cũng phải nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của ê-kíp mình làm việc chung.
Đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ được giao trong Người phán xử, có lẽ đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho rằng tôi có chút khả năng diễn xuất nên chọn tôi vào một vai không dài trong Táo quân.
- Đến với “Táo quân 2018”, không chỉ đảm nhận việc thiết kế mà còn xuất hiện với tư cách diễn viên, NTK Đức Hùng có áp lực khi làm hai công việc cùng lúc?
- Bản thân tôi là một nghệ sĩ ưu tú trong chuyên ngành múa rối. Ở Việt Nam hiện tại có thể nói, tôi là người duy nhất vừa làm NTK vừa làm nghệ sĩ chuyên nghiệp. Mọi người thường hay thắc mắc việc tôi làm thời trang mà vẫn đi đóng phim, đóng kịch. Nếu ai hiểu công việc của tôi thì chẳng có gì bất ngờ đâu.
Tôi được đào tạo từ năm 1983 - 1986, có khi trước cả thế hệ các em, khác cái là tôi theo chuyên ngành múa rối. Còn từ khi học trong trường, tôi đã học diễn xuất rồi học hát, học múa, tất cả những gì phải học như các bạn diễn viên chuyên nghiệp. Chính vì vậy, khi bắt tay vào đảm nhận thêm vai diễn trong Táo quân, tôi cũng không quá ngỡ ngàng.
Mọi người cứ bảo làm Táo quân áp lực. Tôi không thấy vậy đâu, kể cả gấp đôi công việc, vừa là nhà thiết kế vừa nhận thêm một vai diễn. Chắc do vai của tôi nhỏ. Cũng may, chính vì sự không áp lực ấy lại làm cho mình “phiêu”, có cái tự tin nhất định. Có lẽ nó tạo ra sự hồn nhiên, vô tư rất “đời” mà lại hợp với Táo quân.
Trên sân khấu, cảnh quay bắt đầu rất “ngọt”, không có gì vênh ra so với mọi người lắm. Tuy nhiên, để diễn được như hôm ghi hình, tôi cũng phải có sự giúp đỡ từ đạo diễn và các nghệ sĩ rất nhiều.
Đặc biệt là Công Lý, đau đáu lắm. Dù lời thoại không nhiều nhưng cũng dạy từng câu một. Xuân Bắc nữa, cứ dặn tôi “khi em nói ra câu này thì anh phải như thế này”. Phân đoạn tôi xuất hiện không có Tự Long nhưng Long vẫn quan sát những buổi tập hàng ngày. Khi vào cánh gà, Long nhắc “phần này anh phải diễn mềm mại, phần kia lại căng lên một chút, anh cứ bê cái chất ‘đời’ của mình ra nhưng vẫn phải diễn theo vai nữa”.
Anh Quốc Khánh nhiệt tình, giờ giải lao cũng ra bảo ban, góp ý. Nhận được chia sẻ của anh em đồng nghiệp, tôi lĩnh hội. Phần thoại không nhiều nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc lắm khi được làm việc với các nghệ sĩ lớn.
- Trong khả năng có thể, NTK Đức Hùng có thể tiết lộ về vai diễn của anh trong “Táo quân 2018”?
- Táo quân là chương trình lớn, là công sức của ê-kíp hàng bao nhiêu người, tôi rất trân trọng. Vì chương trình chưa lên sóng nên tôi chỉ có thể nói vai của tôi cũng là nghề của tôi. Tôi nghĩ rằng khán giả sẽ nhìn được một giao diện mới về công việc tôi đang làm, khác với những gì mà mọi người vẫn đang thấy.
- Nếu tự nhận xét, đánh giá, anh chấm điểm như thế nào cho vai diễn của mình trên sân khấu?
- Vai của tôi nhỏ, được bao nhiêu điểm hoàn toàn phụ thuộc vào người xem. Sau đêm 30, mọi người sẽ biết và chấm điểm. Tôi được mọi người nâng đỡ rất nhiều. Vai của tôi có thể không gây hài nhưng các nhân vật khác xung quanh biết đâu lại tạo tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Hình ảnh nghệ sĩ đa năng, tôi rất thích!
- Năm qua, bên cạnh công việc chính tại làng mốt, NTK Đức Hùng xuất hiện khá nhiều trong lĩnh vực điện ảnh, điển hình là vai diễn trong “Người phán xử” và “Táo quân”. Liệu đây chính là tín hiệu cho thấy khán giả sẽ gặp anh nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ hay thậm chí màn ảnh rộng
- Tôi vừa hoàn thiện một vai nhỏ trong Tình khúc bạch dương. Các em gọi thì tôi đi vì bản thân rất thích làm những công việc nghệ thuật. Vai dài hay ngắn đối với tôi chẳng quan trọng đâu. Vai nào cũng là vai. Công việc nào cũng là công việc. Vai nhỏ nhưng mình cố gắng thì nó vẫn là vai tốt. Cũng có thể với sức của tôi thì chỉ làm những vai nhỏ nhỏ như thế thôi.
Tôi cảm giác ở VFC mọi người hiểu nên đưa ra những công việc vừa vặn. Tôi biết khi lên sóng nó sẽ rất tròn trĩnh nên yên tâm và cảm động lắm. Không phải cứ đưa những vai dài, công việc lớn là mình vui. Việc gì nặng nhọc, trọng lượng quá lớn có khi khiến mình kiệt sức, phản tác dụng.
Mọi người nhớ đến tôi trên lĩnh vực phim truyền hình có lẽ cũng nhờ đạo diễn cho tôi “xách” trọng lượng vừa với sức mình. Đỗ Thanh Hải còn xui tôi bỏ múa rối đi làm phim. Tất nhiên Hải chỉ đùa thôi nhưng cái đó phần nào thể hiện việc mình hoàn thành nhiệm vụ được người ta ghi nhận.
- Hoạt động “hết công suất” trong nhiều công việc như thiết kế, diễn viên, MC, giám khảo các cuộc thi người mẫu,… NTK Đức Hùng nghĩ sao về hình tượng nghệ sĩ đa năng?
- Là thế hệ đi trước, với tôi, việc một nghệ sĩ làm nhiều công việc, tôi rất trân trọng. Tại sao ư? Vì tôi muốn lớp trẻ hãy nhìn tiền bối trong nghề, họ miệt mài với nghệ thuật, nghiệp diễn, với những công việc đem lại niềm vui giải trí cho khán giả như thế nào.
Tôi cho rằng tất cả chúng ta dù ít tuổi hay lớn tuổi thì đều cần có khát khao và hoài bão. Nó không chỉ dành riêng cho lớp trẻ. Xuất phát từ đó, tại sao tôi nhận lời làm Táo quân, làm phim? Vì muốn các con nhìn tôi để sau này chúng phấn đấu. Mình nói miệng chưa đủ, phải có sản phẩm, hành động để chứng minh với bọn trẻ ở nhà.
Sau khi tôi làm Táo quân, ghi hình xong về nhà các con cũng rất bất ngờ. Tôi chỉ nói với chúng rằng bố làm vậy phần vì yêu và đam mê, phần nữa bố muốn sau này các con hãy nhìn bố làm gương. Ngần này tuổi mà mình vẫn làm nghề rất nhiệt huyết và thừa năng lượng thì bọn trẻ nó sẽ cuốn vào. Nó thấy bố mẹ như thế thì chắc chắn noi theo và không lười lao động.
Đấy là gia đình, còn rộng hơn nữa là với ai chuẩn bị có ý định bước chân vào làm nghệ thuật, các bạn cũng có quyền mơ ước và khát khao làm nhiều công việc. Nếu đã hoàn tất được việc chính, đừng ngại ngần thử sức trong lĩnh vực khác. Một nghệ sĩ đa năng, tôi rất thích hình ảnh này.
Khi làm công việc của các ngành nghề khác, có cái hay là mình hiểu được ngành nghề đó. Hiểu thì mới có cảm thông! Cuộc đời này, thứ giá trị nhất đọng lại đối với con người nói chung, nghệ sĩ nói riêng chính là sự chia sẻ, thấu hiểu nghề nghiệp lẫn nhau để có được khoảng không gian văn minh, sản xuất ra những sản phẩm nghệ thuật chất lượng nhất cống hiến cho khán giả nước nhà.
- Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều nghệ sĩ hướng đến hình tượng đa năng và chưa được khán giả đón nhận?
Các bạn có quyền thử sức, còn chuyện phù hợp hay không khán giả sẽ là ban giám khảo cầm cân nảy mực rõ nhất. Lúc đó, ắt sẽ có luật đào thải! Nếu ai chinh chiến, vượt qua được thì luật đào thải sẽ tạo cho bạn động lực để phấn đấu hơn nữa. Đừng dè dặt, kể cả bước sang lĩnh vực mới mà thất bại, hãy vẫn cứ ngẩng cao đầu mà đi, trừ khi không thể tiếp tục được nữa thì hẵng dừng lại.
Tuy nhiên, tôi không cổ suý cho những gì thái quá. Phải biết sức mình. Là diễn viên điện ảnh, bạn hát tốp ca thì được nhưng nếu hát đơn ca thì cần cân nhắc. Hoặc tôi là nhà thiết kế, tôi sang đóng phim vai phụ thì được, nhưng vai chính lại là câu chuyện khác. Ý tôi là thế! Các bạn có hoài bão nhưng hãy đi từ từ từng bước một. Đội đúng cái mũ vừa vặn với đầu mình, có gió cũng không bao giờ mũ rơi.
- Cảm ơn NTK Đức Hùng vì buổi trò chuyện! Chúc anh năm mới nhiều sức khoẻ và thành công.