Chương trình do nhà báo Tạ Bích Loan đảm nhận vai trò dẫn dắt cùng nhiều khách mời, gồm MC Phan Anh, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nhà báo Hoàng Minh Trí, chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà.
Nội dung chính của chương trình 60 phút Mở xoay quanh câu hỏi “Động cơ đằng sau mỗi chia sẻ trên mạng xã hội là gì?', trong đó nhấn vào câu chuyện MC Phan Anh chia sẻ clip thí nghiệm cá chết ở Vũng Áng của VTC. Theo đó, các khách mời cùng đưa ra ý kiến đánh giá, phân tích và MC Phan Anh đóng vai trò người phản biện. Tuy nhiên, những ý kiến, đánh giá của các khách mời và MC được cho là thiếu thiện chí đối với MC Phan Anh gây nên một 'cơn bão' thực sự trên mạng xã hội.
Liên quan đến vụ việc này, PGS.TS Tâm lý học Nguyễn An Chất đã có những bình luận thẳng thắn dưới góc độ của nhà nghiên cứu tâm lý lâu năm. Chia sẻ với Saostar, ông cho biết: “Tất cả những người tham gia tranh luận trong 60 phút mở đều phải điều chỉnh lại, ngay cả Phan Anh phản ứng một số ý cũng nên nhìn nhận lại. Phan Anh nên cám ơn những người đó đầu tiên, vì họ đã quan tâm đến câu chuyện và những chia sẻ của anh”.
“Phan Anh nên cám ơn những người đấu tố mình”
Người xưa dạy: “Kim vàng ai nỡ uốn câu, Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời”, vì vậy, trong cuộc đối thoại 60 phút Mở của VTV, Hồng Thanh Quang và Tạ Bích Loan nên cân nhắc khi chỉ trích MC Phan Anh và phải nói như thế nào để anh ấy có thể tiếp thu được, chứ phản biện, tranh luận khiến đối phương “không kịp trở tay” hoặc tự vệ thì không nên. Ở trưởng hợp này, Phan Anh là người hoạt ngôn và có tri thức mới không bị lép vế, chứ những trường hợp khác tôi e là rất khó.
Tôi thấy rằng, tất thảy những người tham gia tranh luận trong 60 phút Mở đều phải điều chỉnh lại, ngay cả Phan Anh phản ứng một số ý cũng nên nhìn lại. Phan Anh nên cám ơn những người đó đầu tiên, vì họ đã quan tâm đến câu chuyện và những chia sẻ của anh, đồng thời họ cũng có cái nhìn khác về Phan Anh, không phải là một MC giải trí thuần túy.
Những gì người trong cuộc còn trăn trở, còn mơ hồ, nên trao đổi thẳng thắn với nhau. Tạ Bích Loan và Phan Anh không phải là người xa lạ, thậm chí rất gần gũi. Ngay cả Tổng thống Obama sang Việt Nam cũng nói: “Chúng ta là đồng bào cơ mà”, vậy vì sao chúng ta lại không mang đến cho đối phương sự phấn chấn, hứng thú và khoan dung. Đó mới là điều khiến người ta cảm phục.
Nhìn thiếu sót của người khác quá dễ, nhưng điều cần thiết hơn cả là nhìn thấy sự thiếu sót của chính mình. Người xưa nói: “No thì mất ngon, giận thì mất khôn”, Phan Anh nên cám ơn và trao đổi một cách thân thiện với người góp ý và ứng xử một cách văn minh, cao thượng.
“Đây không phải là một phiên tòa”
Đối với đồng nghiệp không được phép “đấu tố” hay tạo cho họ cảm giác giống như bị cáo trong một phiên tòa. Ngay cả những người làm làm luật và thi hành luật cũng đang có một sự lệch lạc như thế, họ nghĩ mình có quyền lực, nhưng thực chất không phải, đó là quyền hành mà thôi, tức là quyền của anh là thi hành các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tôi nghĩ những người “đấu tố” Phan Anh cần có một lời xin lỗi chân thành. Ở đây tôi nhấn mạnh sự chân thành và tử tế, bởi hiện nay, lời xin lỗi nói quá dễ, quan trọng là xin lỗi thế nào. Nguyễn Du từng nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, lời xin lỗi là cái tài để ứng xử, còn cái tâm có thật hay không lại là câu chuyện khác rộng hơn.
Ở câu chuyện này là sự thay đổi nhận thức, thay đổi cái tâm. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm hôm đó, những người trong cuộc hãy xem mình có gây tổn thương cho ai hay không để điều chỉnh hành vi, bởi lẽ thực tế xã hội bây giờ đang bội thực về lời xin lỗi, phải biến xin lỗi thành hành động.
Tôi chắc chắn rằng, những người làm tổn thương người khác sẽ không thanh thản được, giá trị cuộc sống của họ chưa chắc được nâng lên. Đối với những khiếm khuyết của người khác không bao giờ nặng nề, mà phải khoan dung, vị tha. Còn việc chỉ trích, thậm chí hạ uy tín của người khác thì những người đó đã tự làm giảm giá trị của mình.
“Nếu đây là thủ thuật câu view thì không nên”
Tôi có đọc trên báo bài viết của nhiếp ảnh gia Na Sơn: “Clip phát trên tivi là biên tập, cắt cúp rất nhiều từ cuộc nói chuyện, tranh luận hơn 2 tiếng. Có những thứ rất hay đáng nhẽ nên cho vào để cân bằng. Ví dụ như Phan Anh nói: “Tôi phải tin VTC chứ vì đó là nguồn tin chính thống, là đài truyền hình nhà nước, cũng như mọi người tin vào cái phóng sự… quét rau của VTV vậy”, tôi thấy rằng, nếu đây là một thủ thuật, kỹ năng để thu hút khán giả của Đài Truyền hình Việt Nam thì không nên, bởi những nhà báo thượng thừa ở VTV chắc không thiếu cách để câu view.
Hãy dùng những kế sách khác sâu đậm, lắng đọng cho khán giả thì khi đó mới nhận được sự yêu mến của khán giả. Đừng khiến khán giả mỗi khi xem một chương trình truyền hình khiến họ có cảm giác đề phòng, không tin tưởng. Ở thời đại này, chúng ta nên đọc “ẩn ý” của người làm chương trình hơn là bản chất thật sự của nó.