Giải thưởng Mnet Asian Music Awards thường được biết đến với tên gọi tắt MAMA, là một giải thưởng âm nhạc lớn được tổ chức hằng năm của Hàn Quốc, thành lập bởi công ty giải trí Mnet Media. Trải qua 21 năm hình thành và phát triển, MAMA trở thành một trong những lễ trao giải lớn và uy tín nhất châu Á được nhiều nước công nhận, với sự góp mặt của dàn nghệ sĩ khách mời nổi tiếng và đông đảo thuộc nhiều quốc gia, đặc biệt là Hàn Quốc.
Trải qua hơn 2 thế kỷ, vô số nghệ sĩ châu Á đã xuất hiện, được vinh danh trong lễ trao giải, bản thân MAMA cũng có nhiều sự thay đổi. Chỉ tính riêng chặng đường 10 năm qua, MAMA 2020 đã trở nên khác hơn, mới lạ hơn so với trước kia, nhưng vẫn có nhiều điều khiến khán giả tiếc nuối.
Quy mô "co giãn" thất thường
Lúc mới ra mắt, lễ trao giải có tên gọi M.net KM Music Festival (MKMF), được thiết kế với quy mô nhỏ, trao giải cho các ca sĩ, nghệ sĩ có cống hiến tại Hàn Quốc. Từ năm 2008, lễ trao giải đổi tên thành Mnet Asia Music Awards - MAMA, bắt đầu mở rộng quy mô tới đối tượng là các nghệ sĩ khu vực toàn châu Á.
Sang năm 2010, chương trình bắt đầu được tổ chức tại nước ngoài, truyền hình trực tiếp ở các quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Đông Nam Á. Mỗi năm, MAMA lại khiến khán giả sốt sắng chờ đợi công bố địa điểm tổ chức, khi Nhật Bản, Singapore, lúc Hồng Kông, Hàn Quốc,... Đỉnh điểm là năm 2017, sân khấu MAMA diễn ra trong 4 ngày tại 3 địa điểm Việt Nam, Nhật Bản và Hồng Kông.
Song song với sự thay đổi địa điểm liên tục là sự "co giãn" bất thường của quy mô tổ chức sự kiện. Với lượng nghệ sĩ nổi tiếng tham gia có hạn, việc chia nhỏ lễ trao giải thành nhiều ngày dẫn đến chương trình bị loãng, không còn thu hút khán giả mà chi phí lại bị đội lên cao. Chính vì thế sau 1 năm tổ chức ở 3 địa điểm, các mùa sau bắt đầu co ngắn lại trong 1 địa điểm, thường diễn ra ngắn gọn trong 1 ngày.
Sau mùa MAMA 2019 tại Nhật Bản thành công, năm nay chương trình buộc phải diễn ra tại Hàn Quốc bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này khiến đông đảo fan Hàn tỏ ra tán dương, bởi lẽ đây dù sao cũng là giải thưởng do người Hàn tổ chức, lại rất lâu chẳng diễn ra tại quê nhà.
Tre già măng mọc - sự thay thế của các ngôi sao thế hệ mới
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã có nhiều biến động. Các thế hệ tre già măng mọc ngày càng nhiều, cũng khiến cho sự xuất hiện của nghệ sĩ tại MAMA có thay đổi đáng kể.
Nhớ giai đoạn 2010 -2015 là giai đoạn giao thoa giữa thế hệ 2 và 3 của Kpop. Tại thời kỳ hoàng kim khi ấy, những cái tên chiếm ngôi vương có thể kể đến BigBang, 2NE1, Super Junior, Girls Generation, DBSK, EXO, BEAST,... Họ đã cống hiến những ca khúc, màn trình diễn tuyệt vời, góp phần tạo nên sức mạnh cho làn sóng Hallyu lan tỏa khắp thế giới.
Chắc hẳn thế hệ 8x, 9x đời đầu giờ đây khi xem đến MAMA 2020 đã không còn nhận ra nhiều tên tuổi từng gắn liền với thanh xuân của mình ngày trước. Trải qua 10 năm, thế hệ 3,4,5 của Kpop liên tiếp ra đời, soán ngôi các đàn anh, đàn chị, tạo nên những đế chế mới được đông đảo giới trẻ ngày nay mến mộ.
Dù không còn nổi bật như cách đây chục năm, không thể phủ nhận nền công nghiệp giải trí xứ Kim Chi vẫn cho ra đời những thế hệ mới chất lượng về nhan sắc lẫn tài năng, phẩm chất. Nhìn vào dàn lineup năm nay, ngoài một số cái tên cũ thuộc thế hệ 2, 3 quen thuộc như BoA, BTS, Seventeen, GOT7, Twice,... sân khấu lễ trao giải còn có sự góp mặt của những cái tên khá mới thuộc thế hệ 4,5 đang lên gồm The Boyz, (G)I-DLE, IZ*ONE, Max, Mamamoo, NCT 127, ITZY, Stray Kids, Oneus, Song Gain, Kang Daniel, Big Man, AleXa,...
Loạt sao mới đương nhiên cũng đầy tài năng và cống hiến cho âm nhạc, cũng sở hữu lượng lớn người hâm mộ. Thế nhưng, nhìn những nhóm nhạc mới toanh xuất hiện trên sân khấu, chắc hẳn nhiều fan Kpop đời đầu cũng không khỏi bồi hồi, nhớ về Kpop thời hoàng kim, nhớ loạt nghệ sĩ kỳ cựu giờ đây đã bắt đầu lùi về hàng ghế khán giả, vắng bóng trên nhiều sân khấu trao giải lớn.
Mất dần yếu tố cạnh tranh
Kpop thế hệ 2 - 3 chắc hẳn là lúc các sân khấu trao giải nói chung bùng nổ nhất với các cuộc cạnh tranh khốc liệt để nhận giải. Thần tượng cố gắng ra mắt sản phẩm mới, thể hiện bản lĩnh, tài năng, trong khi fan túc trực từng giờ để cày views, cạnh tranh từng vote cho nghệ sĩ.
Ở thời điểm bấy giờ, Daesang là giải thưởng danh giá mà chỉ cần 1 cú đúp thôi đã trở thành một kỳ tích cực đáng tự hào. Tiêu biểu như giai đoạn 2010 - 2013, các nhóm nhạc lớn như Super Junior, 2NE1, BigBang, EXO, SNSD,... cạnh tranh "sứt đầu mẻ trán" vì giải Daesang hay tranh tài ở các hạng mục. Thế nên, mỗi đề cử được nhận, mỗi giải thưởng được sướng lên đều khiến khán giả thỏa mãn vì thành quả mà họ bỏ ra sau bao công sức, nỗ lực là xứng đáng.
Thế nhưng những năm trở lại đây, có yếu tố cạnh tranh đang ngày một mất dần. Số lượng giải Daesang tăng lên con số 4 khiến nghệ sĩ có thêm cơ hội nhận giải hơn. Trong khi yêu cầu "nghệ sĩ tham gia sự kiện mới có giải" đã vô tình khiến cuộc chơi trở nên không công bằng, dù nghệ sĩ được bình chọn nhiều đến đâu cũng chưa chắc đã cầm cúp về tay.
Chưa kể những năm gần đây, sự bùng nổ của nhóm nhạc nam Hàn Quốc BTS khiến 7 chàng trai gần như chẳng có đối thủ tại mặt trận MAMA. Và kết quả là 4 chiếc cúp Daesang đều trao cho BTS, chưa kể giải thưởng phụ. Dù họ hoàn toàn xứng đáng nhưng việc nhận về nhiều cúp cùng lúc đã khiến lễ trao giải trở nên nhàm chán, dễ đoán, chẳng còn kịch tính như xưa.
MAMA - người mẹ hiền vẫn "chia quà cho những đứa trẻ ngoan"
Vài năm trở lại đây, sau khi bị phàn nàn rất nhiều vì quy định không trao giải cho nghệ sĩ không đến tham dự, BTC MAMA đã quyết định phá bỏ luật này. Tuy nhiên, những giải thưởng mà người không tới MAMA được nhận hầu hết chỉ là giải thưởng phụ, không mấy được quan tâm.
Mặt khác, giống như lời rap của G-Dragon, MAMA đang dần sắm vai một "người mẹ" rộng lượng "chia quà cho đàn con" bằng loạt cúp giải thưởng do mình tự đặt ra một cách vô tội vạ. Hàng loạt giải thưởng mới được thêm vào khiến số lượng nghệ sĩ đoạt giải ngày càng tăng, khiến khán giả vô cùng ngán ngẩm. Tính sơ sơ qua mỗi mùa giải, MAMA phải phát tới gần 50 chiếc cúp lớn nhỏ cho người tham gia.
Đặc biệt, để tăng "tính khu vực" cho giải thưởng, MAMA đã vẽ thêm 1 số giải nghệ sĩ xuất sắc ở các quốc gia châu Á, vinh danh họ là người xuất sắc nhất ... của nước mình. Trong khi, loạt giải thưởng chính vẫn thuộc về các idol Hàn Quốc, hầu như không hề có ngoại lệ.
Không thiếu những lỗi ngớ ngẩn
MAMA cũng nhiều lần dính tai tiếng về tin đồn cạch mặt nghệ sĩ khiến họ không tham gia chương trình. Tiêu biểu như năm nay, dù đoạt giải, toàn bộ gà nhà YG đều vắng mặt ở sân khấu trao giải, âu cũng bởi hiềm khích giữa công ty với đơn vị sản xuất Mnet.
Vì tin đồn cạch mặt này, nhiều lần fan đã chỉ ra điểm bất công của BTC như cố tình không cho nghệ sĩ xuất hiện, để hình đỏ lòe của nghệ sĩ trên bảng đề cử,phớt lờ cống hiến của họ,... Bên cạnh đó, những lỗi nhỏ trong khâu sản xuất mà MAMA mắc phải khi thực hiện chương trình cũng thường xuyên diễn ra, không năm nào là không có.
Năm nay, lỗi lớn được phát hiện nằm ở nhóm nhạc nam quan trọng nhất - BTS. Người hâm mộ vô cùng phẫn nộ khi phát hiện trên bảng đề cử, hình của nhóm chỉ có 6 người, thiếu mất thành viên Jin. Lỗi ngớ ngẩn này khiến chẳng phải fan mà cả khán giả thông thường cũng lắc đầu ngán ngẩm, không thể chấp nhận.
Cuối cùng, BTC MAMA cũng chẳng thèm lên tiếng xin lỗi khán giả và các fan của BTS. Thay vào đó, trên chương trình phát lại ở Naver và các nền tảng khác, BTC đã thay ảnh BTS thành bức hình đầy đủ các thành viên. Hành động chữa lỗi qua loa này một lần nữa không thể làm hài lòng Army, gây tranh cãi nảy lửa trên các trang mạng xã hội.
Sự trở lại của các nghệ sĩ "trình diễn vì đam mê"
Các màn trình diễn trong MAMA thường có thời gian và trình tự tỉ lệ thuận với độ nổi tiếng, tức là ngôi sao nào càng hot thì diễn càng dài và càng về cuối chương trình. Đây dường như đã trở thành luật thành văn mà bất kỳ người hâm mộ Kpop nào cũng biết.
Trên sân khấu MAMA, khán giả thường mong chờ những màn trình diễn được đầu tư công phu của thần tượng, hay sự kết hợp của nhiều nghệ sĩ trên sân khấu. Và, vì cách trao giải như phát quà cho nghệ sĩ mà cứ thần tượng nào đến tham gia là y như rằng có giải mang về.
Tuy nhiên, ở MAMA 2020, một điều đổi khác đã xảy ra. Cụ thể, có 4 nhóm nhạc là (G)I-DLE, Stray Kids, Oh My Girl và The Boyz đến tham dự nhưng đã trắng tay ra về mà không có giải thưởng gì. Dẫu vậy, họ vẫn cống hiến cho lễ trao giải những màn trình diễn đặc sắc, được khán giả khen ngợi hết lời.
Việc mời thêm những nghệ sĩ "diễn vì đam mê" vào tham dự MAMA được khen ngợi hết lời. Bởi lẽ đây vừa là cách khiến sân khấu trao giải vừa trở nên đa dạng, đặc sắc, vừa khiến những giải thưởng được trao khó đoán hơn, tránh tình trạng biết chắc nghệ sĩ ai đến là được giải.
Ngày nay, khi có quá nhiều lễ trao giải đồng loạt tổ chức, MAMA phải tìm cách phát triển, đổi mới chính mình để xứng danh lễ trao giải lớn uy tín nhất châu Á. Bên cạnh đó, yếu tố cần của một lễ trao giải thành công là một năm rực rỡ với thật nhiều thành tựu, thật nhiều nghệ sĩ đình đám với sự cạnh tranh công bằng, quyết liệt và sự ủng hộ nhiệt tình từ các fan.
Mong rằng trong năm 2021, khi tình hình dịch bệnh giảm sút, nền công nghiệp âm nhạc xứ Kim Chi lại có thể quay lại thời hoàng kim, để các lễ trao giải cuối năm trở thành những trận chiến thực thụ.