- Khi nhận xét về bài hát của Kiều Diễm, anh liên tục nhấn mạnh về cách đặt hợp âm lạ trong phần điệp khúc (nốt si giáng) và gọi đó là “nét gây thương nhớ”. Anh có thể giải thích vì sao cả anh và anh Nguyễn Hải Phong lại hứng thú với cách đặt giai điệu đó không?
- Kiều Diễm viết trong một phong cách quen nhưng bạn ấy đã chọn được cách triển khai lạ cho ca khúc của mình. Cách Kiều Diễm làm rất khác với những điều người ta hay làm. Theo tôi, cái đó hay chứ không dở. Vì “lạ” nên có thể những khán giả không phải là người có chuyên môn sẽ chưa “cảm” được ngay mà sẽ thích nó từ từ.
Với Kim Ngân thì ngược lại. Ngân chọn một phong cách lạ mang màu sắc của một chút dân gian, một chút âm nhạc Ailen và một chút Châu Âu nhưng cách thể hiện của bạn ấy lại khá giống với nhiều người đi trước. Bạn ấy chưa thực sự đem ca khúc của mình thoát ra hẳn, bay bổng hẳn lên trên những điều đã quen thuộc. Giữa hướng đi của Kiều Diễm và Kim Ngân tôi lựa chọn Kiều Diễm. Dưới góc độ một nhà chuyên môn, chúng tôi sẽ lựa chọn “cổ xúy” cho những điều mới. Dù cái mới đó có thể chưa hẳn là hay, có thể thành công hoặc thất bại nhưng ít nhất các nhạc sĩ trẻ sẽ có thêm dũng khí và động lực để sáng tạo. Sau vài lần sáng tạo như thế, người ta sẽ tự tìm ra hướng đi mới cho mình thay vì tiếp tục sa vào những lối mòn đã có trước đó.
Nếu hỏi vì sao Kiều Diễm được các HLV đánh giá cao nhưng lại thấp điểm nhất, tôi cho rằng điều này cũng dễ lí giải. Bởi với công chúng, so với việc tiếp nhận cái mới, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận những gì thông thường, quen thuộc hơn. Người ta nghĩ rằng nó hay bởi vì người ta đã nghe quen rồi.
Phần trình diễn gây nhiều tranh cãi của Kiều Diễm trong vòng 2 của Sing My Song
- Liệu những nét mới trong ca khúc của Kiều Diễm có phải là kết quả đến từ quá trình sáng tác thiên về lí trí, kĩ thuật của cô ấy không, thưa anh?
- Phải nói lại điều này, rằng tôi không cổ xúy cho việc sáng tác âm nhạc bằng lý trí và cũng không khuyên các bạn trẻ sau này nên viết theo lý trí. Tuy nhiên, trong quá trình huấn luyện, tôi cũng có nói với các thí sinh đội mình rằng dưới áp lực của công việc hay trong một khoảng thời gian bó buộc như vòng thi sắp tới, nếu các bạn không kịp tìm thấy cảm xúc thì lúc đó có thể sử dụng đến kĩ thuật để viết. Kĩ thuật được dùng vào những lúc như vậy để khơi gợi cảm hứng.
Là một Huấn luyện viên, tôi đánh giá cao Kiều Diễm vì bạn ấy đã làm được từ những gì bạn ấy học. Dưới áp lực của việc phải sáng tác trong 24h giờ, Diễm đã vượt qua được sự phụ thuộc về mặt cảm xúc, vận dụng kĩ thuật đúng lúc để hoàn thành tác phẩm. Đã là một người chuyên nghiệp thì không thể lúc nào cũng nói rằng tôi chưa viết được vì chưa có cảm xúc. Và đã là công việc thì dù ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải hoàn thành nó bất kể áp dụng cách thức gì đi chăng nữa.
- Như anh đã nói, anh đánh giá cao Kiều Diễm vì cô ấy lựa chọn dẫn giai điệu bằng tuyến hòa thanh. Anh có thể giải thích thêm về điều này không?
- Thông thường, những người sáng tác bằng cảm tính hay chọn một câu bất kì để bắt đầu rồi ngân nga hát lên mà thậm chí không cần đàn. Cách viết cảm tính như thế sẽ đem đến những giai điệu rất quen, rất dễ bị lặp lại những gì chúng ta từng nghe trước đó. Tuy nhiên nếu giai điệu được dắt đi bằng tuyến hòa thanh không thông dụng thì giai điệu ấy sẽ phát triển theo một hướng lạ và độc đáo hơn. Dù rằng điều này cũng không phải cao siêu gì. Các sáng tác vẫn theo dòng nhạc Pop, vẫn hướng đến tính phổ thông nhưng nó sẽ khác cách làm thông thường một chút, nó dám vượt ra các ranh giới an toàn để tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ hơn. Cách làm của Kiều Diễm đáng được đánh giá cao vì đó là cách mà các nhạc sĩ chuyên nghiệp vẫn lựa chọn để viết nhạc.
- Nhạc sĩ Đức Trí lựa chọn Kiều Diễm thay Đào Bá Lộc vì sáng tác của cô ấy có sự đầu tư về kĩ thuật, không theo lối mòn của cảm xúc. Tuy nhiên, từ đầu anh có nói kĩ thuật chỉ nên phụng sự cho nghệ thuật và người nhạc sĩ vẫn nên lắng nghe cảm xúc bên trong mình. Liệu hai điều này có mâu thuẫn với nhau không, thưa anh?
- Như tôi đã nói trước đó, bản thân tôi vẫn luôn viết theo cảm xúc của riêng mình. Nhưng nếu cảm xúc ấy dẫn tôi đến một giai điệu nghe quen thì lúc đó tôi sẽ vận dụng kĩ thuật để làm cho nó không bị lặp lại. Hoặc những lúc bị “bí” ý tưởng, tôi sẽ chọn kĩ thuật để mở đường, giúp tôi thoát ra khỏi sự bế tắc đó. Với tôi, bài hát hay vẫn là một bài hát được viết bằng cảm xúc và đến từ một người được học âm nhạc bài bản.
- Anh có suy nghĩ gì khi hội đồng chuyên môn nhận xét ca khúc của Kiều Diễm dễ thương, bay bổng nhưng không để lại cho họ nhiều ấn tượng vì nó giống khá nhiều bài hát trên thị trường hiện nay?
- Tôi không phản đối ý kiến của hội đồng chuyên môn khi nhận xét ca khúc của Kiều Diễm chưa ấn tượng hoặc chưa hay. Cá nhân tôi chỉ ghi nhận bài hát đó ở việc không đi theo lối mòn khi sáng tác. Và lí do mà tôi giữ Kiều Diễm lại với cuộc thi là vì tôi biết cô ấy có tài năng, cô ấy đã lĩnh hội được những lời chỉ dẫn của tôi và cô ấy sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lai với cách thức sáng tác đó. Hơn nữa, luật chơi của chương trình cũng cho phép ngoài người cao điểm nhất được Hội đồng chuyên môn chọn, huấn luyện viên có quyền chọn một thí sinh. Các thí sinh còn lại, tôi không chọn vì các bạn vẫn quen đi theo những hướng an toàn, vẫn viết theo cách các bạn đã viết trước đây.
- Nhạc sĩ Đức Trí có dụng ý gì khi nói :”Tôi sẽ dùng vũ khí lợi hại nhất là sắc đẹp để chiến đấu với team Lê Minh Sơn. Vì thế, tôi quyết định chọn Kiều Diễm”. Liệu đó là một câu nói đùa hay thực sự sẽ là một chiến thuật được anh sử dụng trong vòng chung kết sắp tới?
- Đó chỉ là một câu nói đùa của tôi với Lê Minh Sơn mà thôi.
- Sau tất cả những tranh cãi của công chúng về quyết định lựa chọn Kiều Diễm vào vòng chung kết thay vì Kim Ngân và Phạm Hồng Phước là hai người có số điểm cao hơn, nhạc sĩ Đức Trí có lời cuối nào muốn chia sẻ đến khán giả về quyết định của mình?
- Tôi nghĩ bất cứ lựa chọn nào cũng đều sẽ không thể giành được sự đồng tình tuyệt đối từ phía công chúng. Dù tôi có quyết định chọn Kim Ngân, Phạm Hồng Phước hay Đào Bá Lộc thì kết quả cũng sẽ không làm vừa lòng tất cả mọi người. Nếu hỏi việc lựa chọn Kiều Diễm của tôi có chủ quan hay không thì tôi có thể khẳng định đó là một quyết định hoàn toàn chủ quan. Mà rõ ràng đó không thể là quyết định khách quan được khi tất cả mọi người ở trường quay lúc đó đều có cách nhìn nhận khác tôi.
Là người làm nghề sản xuất âm nhạc, tôi luôn có sẵn một linh cảm về khả năng thành công của người khác. Tôi có thể nhìn thấy được người ta sẽ làm được việc này, việc kia trước khi họ trở thành ngôi sao. Tôi không rõ vì sao mình có được khả năng đó. Có lẽ đó là thứ linh cảm quý báu trời cho. Quyết định lần này của tôi cũng đến từ linh cảm rằng Kiều Diễm sẽ là người làm tốt trong vòng thi sắp tới. Nhất là khi tôi cho bạn ấy một cơ hội để chứng minh với công chúng. Tôi tin Diễm sẽ nắm bắt cơ hội này và nỗ lực hết sức để thể hiện năng lực của mình. Tôi xin nhắc lại, quyết định của tôi mang tính chủ quan nhưng không thiên vị. Vì tôi là người ghét nhất sự thiên vị.
Xin cảm ơn nhạc sĩ Đức Trí vì những chia sẻ này.