Giải Trí

Nhà văn Inrasara và giấc mơ 'đại chúng hóa' văn hóa Chăm trong cộng đồng trẻ

Ái Kỳ
Chia sẻ

Với giấc mơ lan tỏa văn hóa Chăm đến cộng đồng trẻ, nhà văn Inrasara đã có những chia sẻ sắc bén, thiết thực cùng độc giả SAOstar.

- Điều khác biệt độc đáo nhất của văn hóa Cham và văn hóa Kinh?

Cùng với lễ hội giàu màu sắc và ca-múa-nhạc đậm chất Cham, chắc chắn nền kiến trúc và điêu khắc Champa luôn được nhắc đến đầu tiên khi nói đến Cham. Kiến trúc tháp gạch không chỉ độc đáo với Việt Nam, mà còn cả với thế giới. Và đi song hành với tháp là điêu khắc với vô số bức tượng và phù điêu đá rất đặc thù.

Dẫu sao đó chỉ là bề nổi dễ thấy, ở phần chìm, có thể kể: Ngôn ngữ và văn chương cổ điển, tôn giáo và tín ngưỡng Cham, và nhất là hải sử và văn hóa biển Cham yếu tố chưa được nhà nghiên cứu đề cập và đào sâu. Theo tôi, chính mảng này là đóng góp to lớn nhất của Cham vào văn hóa Việt Nam, nó làm đầy lịch sử và văn hóa đa dân tộc Việt Nam hôm nay.

- Văn hóa Cham đóng góp như thế nào vào hơi thở chung của văn hóa đất nước? 

Đóng góp đúng nghĩa chính là đóng góp về sự khác biệt. Về văn chương chẳng hạn, nếu Cham góp thêm một Truyện Kiều, hay một Hồ Xuân Hương thì kể như đó chỉ là một “thêm vào” con số đã có. Tốt, nhưng bảng giá trị không tăng giá bao nhiêu. Mà chỉ khi dân tộc Cham sở hữu năm sử thi đã được văn bản hóa như Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra…, hoặc các trưởng ca trữ tình độc đáo như Ariya Bini Cam, Ariya Xah Pakei…, thì chúng mới làm cho văn chương cổ điển đất nước Việt Nam đa dạng và phong phú hơn lên.

Về ca-múa-nhạc cũng vậy. Sự độc đáo của Cham mang đến hơi thở khác, thổi vào không khí văn hóa chung của đất nước hình chữ S này.

- Các lĩnh vực văn hóa Cham nào ông đánh giá là có thể tiếp cận với giới trẻ hiện đại?

Dĩ nhiên, đó phải là ca-múa-nhạc. Văn hóa đương đại chủ ở nghe nhìn. Nhìn và nghe ở thế động. Bởi tuổi trẻ hiếu động, do đó thể loại ca-múa-nhạc Cham nếu biết khai thác, phát triển và truyền tải đúng mức, nó có sức hấp dẫn lớn.

Nhạc chẳng hạn, Cham là dân tộc của lễ hội. Lễ cả dân tộc, lễ thuộc khu vực, lễ tôn giáo, lễ dòng họ cho đến lễ gia đình. Có lễ hội là có múa. Có thể kể vài điệu múa tiêu biểu: Biyen, Tiaung (bắt chước dáng con công, trĩ), Patra (hoàng tử), Wah gaiy (chèo ghe), Mưmơng, Mrai…

Các điệu múa luôn là tâm điểm và là “tiết mục” được trông chờ nhất trong lễ hội. Các hồi trống Ginơng thu hút sự chú ý của mọi người về phía người nghệ sĩ múa. Tiếp sau đó là tiếng Xaranai, Baranưng cùng lời của Ong Mưdwơn hát các bài tụng ca tương ứng. Vũ công bước ra trình diễn: phẩy tay, phất quạt, quất roi hay lối chuyển gót chân khi khoan thai nhẹ nhàng khi thì hùng hồn mạnh mẽ theo nhịp khi nhanh khi chậm của tiếng nhạc. Người xem như bị cuốn hút theo từng động tác của người nghệ sĩ. Rồi cả tiếng khán thính giả bị kích động bởi tiếng nhạc, điệu múa mà hô vang… “ahei” (dô hò) cổ vũ.

Múa Cham khá phong phú về đạo cụ, như: Múa quạt (Tamia tadik), Múa đội lu (Tamia đwa buk), Múa khăn (Tamia tanhiak), Múa kiếm, Múa roi và múa đạp lửa (Tamia jwak apwei), Múa chèo ghe (theo điệu trống Wah gaiy): dụng cụ múa là cây chèo, Múa âm dương (Tamia Klai kluk)…

- Theo ông, vì sao văn hóa Cham lại “xa rời” với giới trẻ?

Nói xa rời giới trẻ Việt Nam thì đúng hơn, bởi giới trẻ Cham vẫn giữ được niềm đam mê với văn hóa ông bà của mình. Tại sao? Các nhà làm văn hóa chưa chú ý đúng mức đến văn hóa dân tộc thiểu số, cứ lo nhìn ra và tìm ở bên ngoài, trong khi sự phong phú và độc đáo ở cạnh ta, ngay trong ta mà ta không nhìn thấy. Không chịu nhìn ra!

Việt Nam mỗi vùng miền là mỗi khác lạ, khác lạ từ thổ nhưỡng và hệ sinh thái, lối ăn mặc, sinh hoạt lễ hội cho đến tiếng nói. Đó chính là đặc ân mà tạo hóa và lịch sử đã ban cho chúng ta. Thổ nhưỡng khu vực Bắc bộ hoàn toàn khác với miền Trung, ngay miền Trung thôi hệ sinh thái vùng duyên hải khác hẳn với Tây Nguyên, chưa nói đến đất và cây ở đồng bằng Nam bộ. Có đất nước nào vừa co khí hậu nhiệt đới, ôn đới (Đà Lạt, Sapa…) lẫn bán sa mạc (Ninh Thuận) không? Vậy mà Việt Nam có đủ! Chưa đề cập đến đa dạng về sắc tộc và văn hóa. Đây là điều cần được nhận biết, và nhấn mạnh.

Theo tôi, văn hóa Cham vẫn có sức thu hút đặc biệt.

- Những điệu múa của Cham hiện đại khác gì so với các vũ điệu truyền thống?

Không khác biệt bao nhiêu. Múa Cham đương đại tiếp nhận từ múa cổ truyền trong các lễ hội truyền thống, sau đó chúng được biến tấu thêm. Nếu ở múa lễ thì chỉ khi có lễ mới múa, và múa tự phát riêng lẻ thì ở đây các nghệ sĩ làm việc có nghề hơn, chuyên nghiệp hơn thế nên, múa đương đại đa dạng và kết hợp được nhiều điệu khác nhau rất linh hoạt.

Đó là múa “dân gian”, còn loại múa được Đặng Hùng gọi là “múa Cung đình Cham” thì khác. Mãi hôm nay chưa ai biết múa cung đình Cham ở đâu, nghệ sĩ nhân dân này đã “giải mã” các tư thế múa trên phù điêu cổ Cham, từ đó tạo ra các điệu “múa Apsara”. Điệu múa này bị vài trí thức Cham phản đối, tuy nhiên theo tôi nó vẫn rất đẹp và đầy sáng tạo.

- Âm nhạc Cham có nét đặc sắc nào tạo nên bản sắc nhất, không hòa lẫn vào các thể loại âm nhạc khác?

Đi kèm với múa là các nhạc cụ dân tộc truyền thống, trong đó bộ ba Ginơng, Baranưng và Xaranai là nhạc cụ chủ đạo. 72 điệu trống tương ứng với điệu múa khác nhau. Đó là ba loại nhạc cụ không có sự tương đương trong dàn nhạc của các dân tộc Việt Nam. Nhạc cụ khác biệt thì chắc chắn giai điệu phải khác biệt không thể trộn lẫn.

Khác biệt chính là bản sắc.

- Những nhạc cụ được sử dụng trong một tiết mục ca múa nhạc Cham mang ý nghĩa đặc biệt gì?

Ngoài nhạc cụ Kanhi giống với đàn Nhị người Việt, bộ ba Ginơng, Baranưng và Xaranai mang ý nghĩa đặc biệt với Cham. Theo ý kiến dân gian Cham, nếu kèn Xaranai tượng trưng cho đầu với thất khiếu (7 lỗ), trống Baranưng tượng trưng cho thân mình nhấn ở phần tim, thì trống đôi Ginơng tượng trưng cho chi: hai tay và hai chân. Như vậy đã bao gồm toàn thể thân hình con người.

Dĩ nhiên đó chỉ là suy diễn (padah tok) theo những gì có sẵn, dẫu sao nó vẫn mang ý nghĩa cần thiết, bởi “ý nghĩa” không gì hơn là do con người gán cho sự thể nào đó, hiện tượng tự nhiên hay bộ phận văn hóa, mà đây lại là bộ ba nhạc cụ đặc thù tồn tại trong suốt quá trình lịch sử lâu dài, vừa mang tính nghệ thuật vừa phụng sự cho tâm linh một dân tộc.

- Giới trẻ làm gì để tìm hiểu và “thẩm thấu” cùng nét đẹp văn hóa Cham?

Cần nhận biết giá trị và cái hay, cái đẹp của nó. Sau đó yêu thương và dấn thân vào, một dấn thân mang ý nghĩa “nhập cuộc chịu chơi” (chữ của Bùi Giáng).

20 năm trước, tôi mời khoảng 20 nghệ nhân Cham từ mọi miền về Chakleng quê tôi, đãi ăn ở nguyên một tuần để biểu diễn và thu âm, ghi hình gần như mọi “thể loại” âm nhạc Cham. Có thể nói tôi đã tập hợp được nguyên bộ kho tư liệu về âm nhạc Cham. Vậy mà suốt hai năm tôi tìm khắp đất nước Việt Nam không ra một sinh linh nào yêu nó để làm nên công trình: Âm nhạc Cham. Điều đầu tiên và cuối cùng tôi đòi hỏi là, bạn phải dành ít nhất 3 đến 6 tháng ăn dầm ở dề cùng cộng đồng Cham để thẩm thấu giai điệu cuộc sống Cham vào tâm khảm mình, sau đó mới “nghiên cứu”.

Tôi thêm: Nếu làm được công trình như vậy, âm nhạc Cham chắc chắn sẽ “đồ sộ” không kém gì văn học Cham như tôi đã hoàn thành 3 năm trước đó.

- Những bản làng, trung tâm Cham ở Ninh Thuận và các khu vực khác nhau như thế nào? Ông có thể chia sẻ những phong tục, tập quán đặc biệt mang nét đẹp tín ngưỡng độc đáo?

Cham sống ở đồng bằng, xen cư và cộng cư với dân tộc Việt, tập trung nhiều nhất ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Đại bộ phận Cham ở hai tỉnh này theo tôn giáo truyền thống là Ahiêr Awal, nghĩa là Bà-la-môn giáo và Islam đã được dân tộc hóa. Riêng Cham An Giang, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh theo Islam chính thống.

Người Cham có ba lễ hội lớn là Rija Nưgar (lễ đầu năm), Katê và Ramưwan (hay Ramadan). Sự khác biệt lớn về tôn giáo giữ hai khu vực Cham Đông và Cham Tây làm nên đặc thù riêng đã đành, ngay với người Việt, cộng đồng Cham cũng tạo nên khác biệt lớn về bản sắc văn hóa. Thế nên người Cham dù sống chung với cộng đồng Việt, vẫn không bị phai nhạt về nét riêng của văn hóa dân tộc mình.

- Ông đánh giá như thế nào về việc “đại chúng hóa” văn hóa Cham trên các sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp?

Đại chúng hóa khi mang các mảnh văn hóa truyền thống ra mắt công chúng chung ở bất kì đâu; hay cụ thể hơn, sân khấu hóa chúng và mang biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp, thì không vấn đề gì cả. Nó chỉ làm phong phú thêm chứ không làm mất đi cái vốn có. Điều cần thiết ở đây là ta phải phân biệt rạch ròi giữa hai bộ phận ấy, rằng đâu là truyền thống đâu là biến tấu, cải biên.

Đưa văn hóa ra công chúng, người ta sẽ biết đến văn hóa Cham nhiều hơn, gây sự tò mò để họ chú ý hơn, từ đó gợi hứng và gợi ý cho sáng tạo nghệ thuật. Qua đó nếu người nào thực sự yêu văn hóa Cham, họ sẽ “tìm về nguồn cội”. Không tuyệt sao!

- Theo ông, văn hóa Cham “hàn lâm” và văn hóa Cham “đại chúng” có điểm giống và khác nhau như thế nào?

Ở cộng đồng Cham ít khi có sự phân biệt rạch ròi đó, bởi “hàn lâm” Cham đã mất cùng với sự suy tàn và biến mất của vương quốc Champa. Từ đó chất hàn lâm đi vào đại chúng, qua lễ nghi tôn giáo phong phú và đa dạng. Ví dụ nhỏ nhất, cách chào nhau chẳng hạn, trong đời sống thường nhật, người Cham dường đã bỏ quên chúng, trong khi chúng vẫn còn tồn tại trong các sử thi và lễ nghi tôn giáo.

- Ông muốn gửi gắm, kinh nghiệm gì đến những người “làm” văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam khi muốn khai thác văn hóa Cham trong các tác phẩm sân khấu, truyền hình và điện ảnh?

Nghiên cứu Cham thì phải biết chữ Cham, biết rành nữa là đằng khác. Không rành, ta chỉ đi dạo lớt phớt ngoài rìa, không gì hơn, không gì khác. Cứ bổn cũ lặp lại, bài cũ sao lại. Chuyện tư thế “chào” vừa đề cập là ví dụ.

Riêng nghệ thuật múa, bạn cần hiểu các bài tụng ca được hát kết hợp với điệu múa, điệu trống đó, thì bạn mới hiểu ý nghĩa sâu sa của nó. Mà muốn hiểu thì phải biết ngôn ngữ chuyển tải nó - không thể khác.

Một ví dụ khác. Cách đây mươi năm, một Viện nọ mời tôi tham dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ về tôn giáo Cham. Sau buổi đó, tôi hỏi vị ấy, bạn biết tiếng Cham không? - Không! Vậy thì bạn mới đứng trên hai chân kiềng, hai chân thì không thể vững được. Tôi tin bạn đã đi điền dã đầy đủ, bạn đã đọc hết công trình trước đó, nhưng một khi bạn chưa khả năng đọc văn bản về tôn giáo Cham thể hiện qua Akhar thrah, thì dù bạn có thêm thắt đây đó, luận án kia vẫn là bản sao. Nghĩa là rất ít sáng tạo.

Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Tin mới nhất