Thí sinh cứ nhìn thấy tôi là đã sướng rồi
- Fan hâm mộ Lê Minh Sơn đang tự hỏi: vài năm nay ngoài ngồi ghế nóng hình như anh không làm gì khác. Có đúng?
Các bạn chỉ nhìn thấy bề nổi thôi mà không tự hỏi: phía sau những bạn trẻ mải miết với các cuộc thi, ai là người đào tạo họ. Và ngay cả các bạn trẻ đến với cuộc thi rồi, ai là người đào tạo để các em có thể tốt lên mỗi ngày?
Tôi nói với anh Đức Trí: “Thôi anh ạ, để có một lứa cầu thủ như U23, bầu Đức đã đầu tư biết bao tiền của và thời gian để đào tạo, cũng như vậy, chúng ta phải đào tạo các em bằng bất cứ hình thức nào”. Ngoài thí sinh các cuộc thi, tôi còn có học sinh ở trường (Đại học Văn hóa Nghệ thuật). Tôi có một học sinh 15 tuổi đã giành được học bổng đến Hà Lan, một cậu bé khác 11 tuổi mới giành huy chương vàng trong một cuộc thi ghi ta lớn nhất Việt Nam năm 2017.
- Anh tìm thấy điều gì ở những chương trình như vậy?
Tôi được khóc, được cười, được sướng.
Tôi không quan tâm đến các chương trình khác, nhưng Sing My Song là một chương trình của người cầm bút, tôi rất xúc động khi nhìn thấy nhiều bạn trẻ có tri thức bước ra từ cuộc thi ấy. Tôi tin họ, mà không tin được vào người trẻ thì bi kịch lắm.
Sing My Song năm nay ở góc quan sát mà tôi thấy, thí sinh thậm chí có tri thức hơn mùa trước. Lộn Xộn hay Dũng Hà đều là những trường hợp tuyệt vời. Mùa trước lợi thế là có nhiều người “có name” nên dễ bùng nổ, năm nay tôi lại thấy các em chất hơn.
- Nhưng nhiều cái tên các anh từng gọi là tài năng, sau cuộc thi họ cũng lạc vào đám đông. Anh lý giải thế nào?
Lớp trẻ hiện tại đang thiếu những thủ lĩnh tinh thần. Có nhiều bạn viết được đôi ba bài hát hay cứ tưởng thế là sống được rồi, nhưng không phải. Bản hit hết sẽ lại có, nhưng để trở thành một tác giả, nó cần nhiều hơn.
Chúng tôi mong muốn tìm kiếm từ các cuộc thi những người kiên định và đủ tri thức đi một con đường dài. Cuộc thi là một bệ phóng, các bạn tin tôi đi, có nhiều thí sinh nhắn cho tôi: “Cái gạt cần của anh đã thay đổi cuộc đời em”. Đi được đường dài hay không đâu phải do nhà tổ chức.
- Vai trò huấn luyện viên như các anh ở cuộc thi tìm người viết như Sing My Song là gì?
Bạn biết không, bi kịch lớn nhất của người viết nhạc là phung phí quá nhiều cảm xúc để đến khi ngồi vào bàn chẳng biết viết gì. Điều ấy ít người thấy lắm, nhưng vì nó mới sinh ra trộm cắp, đạo nhái.
Ở Sing My Song, Trại sáng tác 24 giờ rất hay, nó là nơi chúng tôi có thể chỉ cho các em tư duy và cách nuôi dưỡng cảm xúc về những vấn đề cuộc sống, để̀ khi cần mới có cái moi ra chứ. Thực tế, một bài hát chỉ cần 30 phút là viết được xong rồi, đâu cần đến 24 giờ.
Ở Trại sáng tác 24 giờ, tôi thấy có một thứ duy nhất mình làm được là, các em chỉ cần nhìn thấy mình thôi đã sướng rồi. Tôi cũng chả hiểu tại sao (cười lớn).
Lê Thiện Hiếu vẫn đang over shock
- Rất nhiều ca sĩ thành danh đã từng cộng tác với Lê Minh Sơn và dừng lại, nhưng anh có một lớp người trẻ mới ùa đến với mình! Anh vui chứ?
Những ca sĩ bạn kể đã thành danh kia, thử hỏi xem anh có hợp tác với họ không nữa đã nhé. Còn với Sing My Song là tôi ùa đến với họ đấy chứ, vì tôi gạt cần họ mà. Khác nhau hoàn toàn.
Thực tế những ca sĩ thành danh như bạn kể tên, ngoài Thanh Lam, trước đó họ đều là người chưa biết ai là ai cả. Lúc đó họ còn trẻ, tôi dùng âm nhạc, năng lượng cũng như khát vọng của mình để gọi mời họ. Bây giờ, tôi dùng chiếc cần gạt để mời người trẻ đến với mình.
- Tiêu chí để anh “gạt cần” một người viết nhạc là gì, cả ở trong lẫn ngoài Sing My Song?
Tôi thấy mình gạt cần chưa bao giờ sai. Nếu chỉ nói ở Sing My Song, hai cái cần gạt khiến tôi tự hào nhất là Dật Hanh và Dương Quốc Huy. Tôi gạt bằng cảm thức thôi mà thấy vô cùng sướng. Gạt cần cho một bài hát đã hay rồi, giọng hát đã hay rồi ai chả làm được, nhưng gạt cần cho một người mà hôm nay chưa hay song mình vẫn thấy có triển vọng mới đáng kể chứ. Vì tư duy âm nhạc, góc nhìn âm nhạc là thứ nó bộc lộ ra từ lần đầu đấy, mà phải tinh mới thấy.
- Anh cũng từng sung sướng vì “gạt cần” được Lê Thiện Hiếu đấy, giờ cậu ấy thế nào?
Oách! Đủ tiền làm được mọi thứ em ấy muốn.
- Nhưng khán giả không thấy Hiếu có gì đáng kể, sau “Ông bà anh”!
Hiếu cho đến bây giờ vẫn đang over shock về câu chuyện bản thân từ một chàng trai nông thôn lên thành thị và nổi tiếng đột ngột. Nếu là mình, khi càng nhiều người tung hô càng phải biết rút đi, bởi biết trước cơn sóng đó rồi sẽ lắng lại, mình phải chuẩn bị cho những việc tiếp theo. Nhưng Hiếu không có sự chuẩn bị đó, không có kinh nghiệm và trải nghiệm về chuyện đó.
Tôi có một dự định dành cho Hiếu, nhưng bây giờ tôi cứ để Hiếu đi, kể cả Hiếu đi xuống đáy vực hay đi ngang thì em cứ phải đi đã. Đến khi Hiếu đối diện với một bức tường trước mặt, gõ cửa, tôi sẽ cho em câu trả lời. Tôi đã nói với Hiếu điều ấy.
- Over shock là tâm lý không ít người trẻ gặp phải khi nổi tiếng quá nhanh. Anh bình luận gì về thực tế này?
Tôi nghĩ đó là sự khủng hoảng nhất thời. Ở trường hợp của Hiếu, cộng thêm việc em là một cá thể đặc biệt nên Hiếu có những biến chuyển khác hơn.
- Ngoài hiện tượng shock tâm lý vì bỗng nhiên được quan tâm, theo anh, những trường hợp như Lê Thiện Hiếu có áp lực nào về việc “chống bị lãng quên” khi anh cho rằng ca khúc Hit cũng chỉ sống chưa qua 1 tháng?
Hiếu không thể nào bị lãng quên khi đã có một “Ông bà anh”. Nhưng nếu Hiếu trở thành trường hợp “nhạc sĩ một bài” thì chúng ta cũng không ngạc nhiên, vì thiếu gì những nhạc sĩ một bài, ở Việt Nam. Vậy thì trách sao được Hiếu, một chàng trai chỉ mới đôi mươi.
Công chúng cũng đừng kỳ vọng hay dồn ép gì những người như Hiếu. Cứ để Hiếu vượt qua được những sóng gió trong tâm hồn rồi em sẽ lại tìm được con đường đi. Mà tôi thấy bây giờ Hiếu mới đang thú vị.
- Khi ngồi ghế nóng, anh đi tìm những tinh hoa về sáng tạo để công chúng trả lương cho họ. Nhưng nghe nói, sắp tới đây Lê Minh Sơn sẵn sàng trả tiền cho những “thảm họa” kiểu Lệ Rơi? Vì sao vậy?
Trong cuộc đời này mọi thứ đều có thể xảy ra. Tôi luôn xác định đâu là cuộc chơi, đâu là cuộc tìm kiếm tài năng. Chẳng hạn Sing My Song là tìm người sáng tác, tôi phải tìm cho ra những cá tính khác biệt. Sao Mai là chương trình tìm kiếm giọng hát chuyên nghiệp, hát một nốt dở cũng phải dừng. Nhưng Alo Song - chương trình tôi nhận lời làm giám đốc nghệ thuật sắp tới đây lại khác, nó là sân chơi nên chỉ cần bạn làm người khác vui tôi sẵn sàng mời đến. Nhưng tôi không bừa phứa, tôi phân khu cho họ. Các bạn biết đấy, không thể ví nhà thơ với ông bán thịt lợn, dù không ai xấu nhưng họ khác nhau.
- Anh có thể chia sẻ về chương trình thú vị ấy của mình?
Alo Song được sinh ra từ sự va đập cuộc sống của chính tôi.
Tôi nói thật là đã ngồi rất nhiều ghế nóng nhưng đây là cuộc tôi hứng thú nhất vì lượng người tham gia sẽ rất đông. Chúng tôi cũng không đi tìm ca sĩ chuyên nghiệp. Tôi đơn giản chỉ muốn cả Việt Nam sẽ hát để quên đi đớn đau, mệt mỏi.
Hình thức đơn giản, chỉ cần hiểu: nếu bạn livestream trên Facebook để hát, bạn không có tiền. Nhưng nếu bạn livestream ở Alo Song để hát, bạn được trả lương. Đây là một sân chơi mà điều duy nhất bạn cần có là một giọng hát và… một chiếc điện thoại. Ngay cả khi bạn hát dở, như Lệ Rơi, bạn được xếp vào phòng thư giãn và vẫn có khả năng nhận được tiền.
- Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Lê Minh Sơn!