Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Nguyễn Ánh 9 (1940 - 2016) - Trong tháp ngà im lặng

Đó là người tự nhốt mình vào tháp ngà của sự vắng im, không phải vì bất kỳ một mặc cảm nào, mà để bảo vệ các quy chuẩn nghệ thuật vốn được cá nhân ông cho là khuôn vàng thước ngọc. Nay thì sự im lặng đã trở thành tuyệt đối.

Nguyễn Ánh 9 tuổi Canh Thìn, canh cô mậu quả, số đã định cho một đời cô đơn. Có làm nghề gì đi nữa, vẫn mặc nhiên cô đơn. Có những nỗi niềm không thể chia sẻ, có những kiêu hãnh không muốn mất đi, vậy nên ở vai trò một nhạc sĩ sáng tác kiêm biểu diễn, ông vẫn cứ chọn chỗ vắng, chỗ riêng biệt. Chỗ ít người lai vãng, càng ít người săn đón.

Những lần gặp gỡ tôi có được với ông, như một học hỏi của kẻ hậu sinh cũng có mà như một kết liên thân ái giữa hai nghệ sĩ cũng có, đều diễn ra rất trầm lắng, đâu đó nơi bàn cà phê trong đại sảnh khách sạn Sofitel Saigon vào giờ nghỉ giải lao của ông, đâu đó trong sân Hội văn nghệ thành phố khi nó còn là một căn biệt thự kiểu Pháp, đâu đó ở chiếu nghỉ cầu thang trung tâm bản quyền trong mười lăm phút gặp không hẹn trước. Lặng lẽ, ít lời, nhưng ấm áp. Chưa bao giờ khoa trương, ông có nói về mình, về âm nhạc của chính ông, hay có nói về tình hình văn nghệ chung, cũng đều ở giọng điệu điềm đạm, trầm tĩnh. Dường như đã chọn âm nhạc như niềm an ủi lớn, ông không còn phải tiếc gì nữa, đã hoàn toàn mãn nguyện và vậy thì hà tất phải có nhu cầu tâm sự, giải trình, khoe khoang?

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Gặp ông, lần nào tôi cũng chào: “Dạ thưa anh”. Đó không phải là lời chào phổ cập cho mọi đối tượng, tôi chỉ dùng câu chào đó với Nguyễn Ánh 9 và trước kia, với nhạc sĩ Y Vân. Câu chào này tôi không dùng thể hiện sự khâm phục tài năng, mà nể trọng nhân cách. Tài năng ư? Dân mình đâu có thiếu người tài. Có tư cách và giữ được phẩm giá mới khó, mới hiếm, chọn được thế đứng riêng trong khi vẫn giữ được nghề mới khó mới hiếm. Nguyễn Ánh 9 thuộc về thiểu số hiếm vậy.

Ở trên, tôi có nói ông cả đời bảo vệ những quy chuẩn nghệ thuật của mình. Đó là thế nào? Nguyễn Ánh 9 quan niệm âm nhạc phổ thông theo cách các nhạc sĩ Pháp đồng lứa với ông: giai điệu đẹp, chuyển biến hòa âm chặt chẽ và dễ nhận biết, cấu trúc bài hát cân đối hài hòa, lời ca giản dị. Ông đi vào âm nhạc, có văn hóa Pháp làm đá lót đường. Ông không thích khác đi, không thích giống Mỹ, dù việc đó tôi đoán rằng ông làm rất dễ dàng. Chơi dương cầm cũng thế, ông chơi thư thái, tịch mặc như những dương cầm thủ Pháp thường chơi trong hầm rượu có ánh nến mờ tỏ như mắt người tình và rượu đỏ chảy tràn lai láng. Ông không trưng trổ kỹ thuật. Không vội. Không say đắm. Nhưng không lạnh băng mà ngược lại, đủ độ ấm, độ ngọt cho tai và tim người nghe. Nhiều lần lắm, tôi ngồi ở một góc khuất lúc chiều muộn để nghe thật thấm tiếng đàn Nguyễn Ánh 9 độc tấu trong gian sảnh Sofitel, để rồi càng lúc càng tin chắc rằng chỉ có mỗi mình ông chung thủy với thẩm mỹ âm nhạc Pháp suốt đời thế thôi.

nguyenanh9 (19)

Nguyễn Ánh 9 không soạn nhiều ca khúc. Những Buồn ơi chào mi (nhan đề đã là thí dụ rất rõ cho tình yêu Pháp, rút từ tiểu thuyết hiện sinh của Françoise Sagan), Tình khúc chiều mưa, Ai đưa em về, Tình yêu đến trong giã từ viết khi còn trẻ, trong tâm thế của một người tình hiện sinh. Cô đơn, khúc ca mang nhiều chất cổ điển nhất của ông, dù khó hát hơn nhưng vẫn không hề có ý định trình bày một kỹ thuật tác khúc để thiên hạ phải nể. Và lời hát buồn, lặng lẽ, như một độc thoại. Có lần tôi nhắc về bài này với ông và đề nghị ông chơi bản Limelight, khúc chủ đề trong một phim của Charlie Chaplin (1952) được viết lời Việt:

Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui

Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây

Cùng bên ánh màu sắc lạc lõng trong tiếng đàn hát đêm thâu

Rồi bao nếp nhăn về với tháng năm đời lãng quên dần.

Ông bảo tôi, sao em nói trúng quá vậy. Thì tôi nghĩ:

Tình yêu đã chết trong tôi, nụ cười đã tắt trên môi

Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi cô đơn bơ vơ, tiếng hát lạc loài.

Có phải là nỗi cô đơn của bất kỳ ai đâu. Đây là nỗi cô đơn nghệ sĩ. Vẻ đẹp khổ đau, nếp nhăn từ hòa mà chỉ nghệ sĩ mới lựa chọn để tự vẽ diện mạo mình.

Cô đơn - Lệ Quyên

Giam mình lại giữa những tràng hoa thanh khiết của nền văn hóa cũ, hệ mỹ học cũ, nhân cách sống cũ, ông đã thấy hạnh phúc của riêng ông. Bằng chứng là, ánh mắt ông luôn ẩn nét cười. Cái bắt tay của ông luôn ấm dịu. Tiếng đàn trong lành Nguyễn Ánh 9 vẫn còn ngân trong tâm tuởng tôi, phút giây này, chín giờ đồng hồ sau khi ông từ giã chúng ta.

Saigon 14/4/2016

>>Xem thêm: Những hình ảnh cảm động của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bên cây đàn tri kỷ

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới