Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Từ cái chết của Sulli - Goo Hara cho đến nghịch lý của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc!

Nghịch lý nằm ở chỗ các thần tượng Hàn Quốc, thông qua hình ảnh vui tươi và năng lượng tích cực của mình, đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đông đảo khán giả châu Á. Giờ đây, sự ra đi của họ dễ dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý trầm trọng đối với người hâm mộ hay các nghệ sĩ khác.

Cái chết của Sulli không phải lời cảnh báo đầu tiên cho tác động tiêu cực từ các bình luận trên mạng và áp lực của thần tượng Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi Sulli - tên tuổi chưa bao giờ hết nóng và từng gây tranh cãi bậc nhất - lựa chọn tự chấm dứt mạng sống ở độ tuổi đẹp nhất, truyền thông và dư luận Hàn Quốc mới thực sự bàng hoàng.

Hơn một tháng sau, Goo Hara, bạn thân của Sulli, cựu thành viên của nhóm nhạc nữ đình đám Hàn Quốc - KARA, cũng chọn chấm dứt mạng sống một mình. “Phải giả bộ vui vẻ trong khi bản thân mệt mỏi. Giả bộ như không có gì trong khi bản thân đau đớn. Sau khi sống với từng đó áp bức, bên trong tôi như vỡ vụn thành trăm mảnh”, nữ thần tượng từng thổ lộ.

Đó không phải là nghịch lý đối với riêng mình Hara hay Sulli, mà là nghịch lý của cả ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc - nơi các thần tượng bị rút cạn năng lượng và không được “nạp lại” kịp thời.

Ngành công nghiệp giải trí phát triển

Theo báo cáo được công bố tạo Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc hồi năm 2017, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc trị giá 5 tỷ USD.

“Kpop có sức mạnh giúp người hâm mộ muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc, ngành công nghiệp và đất nước Hàn Quốc”, Jenna Gibson, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Chicago, bình luận.

Năm 2004, hiệu ứng Hallyu và làn sóng Kpop đóng góp 1,87 tỷ USD vào GDP Hàn Quốc, chiếm tỷ lệ 0,2%. Từ đất nước có GDP 374 tỷ USD năm 1998, Hàn Quốc tăng trưởng GDP vượt bậc lên 1.619 nghìn tỷ USD sau tròn 2 thập kỷ.

Theo giáo sư Lee Dong Yeon thuộc Đại học Nghệ thuật Quốc gia Hàn Quốc, quy mô nhỏ của thị trường âm nhạc Hàn Quốc tạo động lực cho các công ty đào tạo thần tượng tìm kiếm lợi nhuận bên ngoài Hàn Quốc.

“Các sản phẩm âm nhạc của Hàn Quốc rất tốn kém và đòi hỏi số tiền đầu tư khổng lồ. Ngành công nghiệp này không thể tồn tại dựa trên lợi nhuận khu vực mà phải mở rộng ra bên ngoài để tự duy trì”, ông nói thêm.

Ông Lee cho rằng sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Kpop là nhờ nỗ lực mở rộng và xuất khẩu của ngành công nghiệp này. Chẳng hạn, nhiều nhóm nhạc Kpop phát hành phiên bản tiếng Hàn và tiếng Nhật cho sản phẩm của mình.

Tại “lò đào tạo thần tượng”, các ngôi sao thường được đào tạo trong 3 đến 5 năm. Bên cạnh rèn luyện kỹ năng hát và nhảy, thần tượng Hàn Quốc còn được dạy ngoại ngữ, bị áp dụng chế độ ăn uống nghiêm ngặt và thậm chí bị bắt trải qua phẫu thuật thẩm mỹ.

Những thần tượng bị rút cạn năng lượng

Nghịch lý của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc là những người làm giải trí lại không được chăm sóc tốt về mặt tinh thần, phải hứng chịu nhiều áp bức và cuối cùng dẫn đến trầm cảm.

Jong Hyun của nhóm nhạc SHINee cũng từng quyết định tự vẫn vì phải vật lộn với chứng trầm cảm. “Tôi vụn vỡ từ bên trong. Cơn trầm cảm dần làm tôi mòn mỏi, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi”, anh viết. Với nhiều khán giả, bên cạnh áp lực dư luận, sự bế tắc trong âm nhạc và tâm hồn khiến anh thực sự đau khổ.

Nữ diễn viên Jang Ja Yeon cũng từng tự sát vào năm 2009 bởi scandal lạm dụng tình dục và đánh đập dẫn đến tình trạng trầm cảm kéo dài. Nhân chứng khẳng định cô đã bị hành hạ, ép buộc quan hệ với nhiều đạo diễn, CEO và những tên tuổi “tai to mặt lớn” khác.

Sulli và Goo Hara là hai nữ thần tượng nổi tiếng từ sớm và phải chịu nhiều điều tiếng dư luận.

Đối với trường hợp của Sulli, những khó khăn mà nữ diễn viên sinh năm 1994 trải qua đa phần do bị khán giả chỉ trích, ghét bỏ, khiến cô cảm giác kiệt sức, luôn cảm thấy không an toàn và bị theo dõi. “Tại sao em lại bị mắng chửi như vậy? Đều là những người bạn lương thiện và đáng yêu mà. Em cảm thấy có rất nhiều người mang thành kiến nặng nề với duy nhất một mình em. Xin hãy hiểu em hơn một chút. Bạn bè khán giả xin hãy yêu quý em thêm một chút, các phóng viên xin hãy yêu thương em một chút.” “Mình không phải là người xấu đâu. Mình xin lỗi. Tại sao mọi người lại đối xử với mình như vậy? Mình đã làm gì để nhận lại những điều này chứ?”, nữ thần tượng đừng đau khổ trước khi lựa chọn cái chết.

Còn Goo Hara là người bị chỉ trích dù cô là nạn nhân của bạo hành, đe dọa tống tiền.

Cuối cùng, nghịch lý nằm ở chỗ các thần tượng Hàn Quốc, thông qua hình ảnh vui tươi và năng lượng tích cực của mình, đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đông đảo khán giả châu Á. Giờ đây, sự ra đi của họ dễ dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý trầm trọng đối với người hâm mộ hay các nghệ sĩ khác, thậm chí khiến công chúng lo sợ về “Hiệu ứng Werther”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất