#Metoo là gì?
Bắt nguồn từ kinh đô điện ảnh Hollywood, #Metoo - Tôi cũng vậy trở thành từ khoá giúp không ít vụ việc quấy rối, lạm dụng tình dục tại làng giải trí được đưa ra ánh sáng trong suốt thời gian qua. Hàng loạt trường hợp bị phanh phui, khi nạn nhân từ nghệ sĩ nhỏ bé không có tiếng nói, đến ngôi sao hạng A lần lượt lên tiếng.
Những hành vi bẩn thỉu dù xuất phát từ ngôn ngữ đến hành động đều để lại nỗi ám ảnh kinh hoàng, cả tinh thần lẫn thể xác trong suốt cuộc đời họ. Điều khiến #Metoo tạo nên cơn địa chấn hơn cả, chính là thủ phạm trong những câu chuyện ấy đa phần đều sinh tồn dưới vỏ bọc ông lớn thành công, quyền lực và đạo mạo, như “ông trùm” Harvey Weinstein, cây hài Billy Cosby, đạo diễn lừng danh Roman Polanski…
Đến đầu năm 2018, làn sóng #Metoo tiếp tục khiến showbiz Hàn rung chuyển khi những cây đại thụ trong nền điện ảnh, được tôn vinh như tượng đài danh giá lộ bản chất “yêu râu xanh” đội lốt người. Hàng chục cuộc điều tra được mở rộng, hàng loạt nạn nhân lên tiếng, chân dung những kẻ tội đồ dần lộ diện.
Nam diễn viên gạo cội - giáo sư đại học chuyên ngành diễn xuất Choi Yong Min có hành vi đồi bại phụ nữ trên xe taxi, nhà thơ - đạo diễn - biên kịch Lee Youn Taek lạm dụng diễn viên trong nhà hát, Jo Min Ki quấy rối hàng chục sinh viên,… Sau nhiều năm kể từ vụ tự tử gây chấn động của nữ diễn viên Boys over flower tố cáo hàng chục ông lớn, showbiz Hàn một lần nữa được “thanh lọc” nhờ sức mạnh của #Metoo - những nạn nhân đã không im lặng.
#Metoo tại Việt Nam: Nghệ sĩ đừng im lặng, khán giả đừng nói không
Tại showbiz Việt, phong trào #Metoo là từ khoá được hashtag rầm rộ kể từ sau khi Phạm Lịch lên tiếng kể về góc khuất đằng sau một chương trình truyền hình, mà tại đó cô bị HLV Phạm Anh Khoa không chỉ một lần gạ tình, xúc phạm bằng ngôn ngữ tục tĩu, khó nghe giữa đám đông khi không đạt được mục đích.
“Khi đang tập luyện tại nhà, buổi tập đầu tiên của vòng tiếp theo anh Khoa chủ động nói chuyện với em như sau: Em không có cảm giác gì à anh hỏi thật đấy? Nãy giờ anh đã sờ soạng hết cơ thể em mà em không biết à?
Sau khi nói những lời đó, anh luôn có những hành động giống như vô tình đụng chạm vào người tôi vào những lúc tập luyện. Tôi phản ứng lại, đề nghị anh ta không làm phiền, để tôi tập trung vào công việc. Nhưng anh ta cứ lờ đi, không chịu thay đổi.
Sau khi chuyển sang giờ tập trưa thì lại xảy ra chuyện khác. Tôi đến nhà thì anh Khoa bước ra với một cơ thể ướt át như vừa tắm xong, người chỉ quấn độc chiếc khăn tắm ngang hông.
Tôi xấu hổ quá, đi cúi gằm mặt vào nhà bếp. Tôi không dám nhìn lên, yêu cầu anh Khoa thay quần áo để bắt đầu tập. Nhưng anh cứ đứng sát vào và cười nhẹ một cách kỳ lạ. Tôi yêu cầu thêm lần nữa anh mới chịu vào phòng thay đồ” - trích chia sẻ của Phạm Lịch trên Zing.
Và dù sự việc chỉ dừng lại ở mức quấy rối bằng lời nói, chưa cấu thành hành vi nhưng “bóng ma tâm lý” mà nó đem lại, khi thường xuyên phải đối mặt, làm việc cùng “yêu râu xanh” liên tục nhiều tuần chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, thậm chí thể chất của cô gái 28 tuổi.
Sau câu chuyện của Phạm Lịch, Nga My là trường hợp mới nhất chia sẻ việc bị Phạm Anh Khoa nhắn tin rủ rê, gạ gẫm qua nhà riêng, vào khách sạn lúc nửa đêm, dù số lần hai người tiếp xúc và nói chuyện ngoài đời đếm trên đầu ngón tay. Dù chẳng hề quen biết, Nga My khẳng định bản thân phải lên tiếng vì không thể nhìn Phạm Lịch chịu đựng một mình.
“Chỉ là chính tôi cũng bị như thế dù không nặng nề như chị Phạm Lịch. Thấy chị Lịch bị chỉ trích, tôi rất thương chị ấy. Tôi lên tiếng là vì muốn nói tính cách của anh Khoa như vậy là có thật chứ không phải không.
Tất nhiên, bản thân tôi cũng rất lo sợ nhưng thà nói ra còn hơn là giấu đi rồi nhìn chị Phạm Lịch một mình chịu đựng. Tôi không dại vì hám fame mà đâm đầu vào chuyện sẽ gây nguy hại có mình. Có khi tôi sẽ bị đe dọa và ảnh hưởng đến công việc. Nổi tiếng kiểu này chẳng đi được đến đâu cả.
Điều tôi mong muốn chỉ là làm sáng tỏ câu chuyện, trả lại công bằng cho Phạm Lịch cũng như tôi và chấm dứt tình trạng này” - Nga My trả lời Saostar.
Ngoài Nga My, Phạm Lịch chia sẻ cô biết thêm 3 trường hợp tương tự là “nạn nhân” của Phạm Anh Khoa. Tuy nhiên, vì e ngại nên họ lựa chọn im lặng mà không dám nói lên sự thật. Bởi mỗi lần kể tường tận mọi chuyện chẳng khác nào tự ôn lại nỗi đau, mà dư luận cảm thông hay phán xét lại là điều khó nói.
Đặc biệt với V-biz quá nhiều chiêu trò, độ cảnh giác của khán giả lên đến đỉnh điểm, cái mác dựa hơi tên tuổi kiếm “fame” là điều những nạn nhân sợ hãi bậc nhất. Trong khi đôi lúc dư luận quên rằng, ở showbiz mà trường học, hay xã hội cũng thế, kẻ bé nhỏ mới dễ bắt nạt, chèn ép. Quấy rối nghệ sĩ trẻ, non nớt, mới vào nghề hay ít tên tuổi, ít tiếng nói và động tới ngôi sao hạng A, nổi tiếng đình đám, có FC hùng hậu, bên nào khả thi và an toàn hơn, hẳn không phải bàn cãi.
Nói chung, cho đến hiện tại, một số bộ phận dư luận và nghệ sĩ Việt không còn xa lạ với #Metoo, thậm chí đồng cảm mạnh mẽ trước những câu chuyện gây rúng động trên toàn thế giới, nhưng lại có phần e ngại, hay nói khó nghe hơn là thờ ơ khi nhìn thấy những sự việc tương tự xung quanh mình đang dần được đưa ra ánh sáng.
Thực chất, cái gọi là “quy tắc ngầm” trong giới giải trí Việt, vẫn được biết đến và thừa nhận từ lâu, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ truyền miệng như những “câu chuyện trong truyền thuyết” và một vài sự vụ nhỏ lẻ nhanh chóng đi vào quên lãng. Đến cả Minh Béo, phải đến khi bị bắt ở Mỹ, những câu chuyện về thói hư tật xấu bẩn thỉu trong quá khứ mới được lật lại kĩ càng.
Câu trả lời cho việc quy tắc ngầm tồn tại bấy lâu mà không bị phá vỡ, đến từ chính sự im lặng của người trong cuộc, nhân chứng liên quan lẫn cái nhìn phán xét khắt khe từ dư luận. Như câu chuyện của Harvey Weinstein hay Jo Min Ki, một người “sở hữu” danh sách cáo buộc quấy rối tình dục kéo dài hơn hai thập kỉ, một kẻ bị tố có hành vi đồi bại với hơn ba chục sinh viên, vẫn “sống nhăn răng” hàng chục năm cùng hào quang trước khi đế chế của họ sụp đổ.
Và trong showbiz Việt, ai có thể đảm bảo đang không tồn tại một Harvey Weinstein hay Jo Min Ki thứ hai, khi nạn nhân không đủ mạnh mẽ để lên tiếng, cất sâu chôn chặt bóng ma tâm lý gây ám ảnh kinh hoàng, khi một số bộ phận dư luận luôn giữ cái nhìn tiêu cực, nghi ngại và đáng sợ nhất là gán mác PR tên tuổi cho nghệ sĩ bị quấy rối tình dục?
Phạm Lịch, Nga My - hai vũ công nhỏ bé đã dùng hết sức lực để lên tiếng kể câu chuyện của mình. Dù phía Phạm Anh Khoa đã có động thái đáp trả, dù sự việc vẫn chưa ngã ngũ hết thực hư, nhưng #Metoo là có thật, gạ tình trong V-biz là có thật và nạn nhân cũng là có thật. Dù họ ẩn mình trong bóng tối, dưới cái mác nghệ sĩ đạo mạo cho “tội phạm tình dục” và lớp vỏ bọc bình thản, an yên cho nạn nhân.
Không nói riêng câu chuyện Phạm Lịch - Nga My và Phạm Anh Khoa, số đông dư luận có lẽ đã đến lúc tỉnh táo, bớt phán xét, nghi ngại khi bất cứ nghệ sĩ nhỏ tố cáo một ngôi sao lớn gạ gẫm, quấy rối. Những nghệ sĩ trong câu chuyện #Metoo, đừng ngại ngần hay sợ hãi việc lên tiếng. Lời nói của nhân chứng trước toà tuy không có tính quyết định 100% nhưng vẫn luôn đóng vai trò không nhỏ để kết án tội nhân.
Không ai dám khẳng định #Metoo có khả năng chấm dứt tất cả, nhưng nếu giữ im lặng, việc số lượng nạn nhân ngày một gia tăng, hoàn toàn là điều nằm trong dự đoán. Đừng để lạm dụng tình dục trở thành bóng ma bẩn thỉu bao trùm làng giải trí Việt, đừng để V-biz có một Jang Ja Yeon thứ hai, tự sát sau quá nhiều cuộc tấn công tình dục mới được công chúng tin tưởng và xót thương, đừng để #Metoo “chết yểu” khi nó có thể cứu rỗi hàng triệu tâm hồn.