Ca sĩ Mỹ Linh được xem là diva của Việt Nam, vậy mà khi cô chọn một cách biểu cảm riêng để hát Tiến quân ca thì bị ném đá tơi bời. Nhiều người ném đá “ăn theo”, nghĩa là tự họ ban đầu không đủ chủ tâm, trình độ hoặc sự dũng cảm để đi đầu, để độc lập trong việc ném đá.
Ở đây sẽ không bàn đến chuyện Mỹ Linh hát hay hoặc dở, mà là quyền tự do ca hát. Việc ném đá Mỹ Linh một lần nữa cho thấy đầu óc của nhiều người trong chúng ta quá thủ cựu, quá cứng nhắc. Trong khi tại nhiều nước, ví dụ là Mỹ, quốc ca hát theo thể điệu gì cũng được, thậm chí là đọc rap, miễn đừng xuyên tạc lời ca.
Một ca sĩ được xem là diva, khi người đó có giọng hát tuyệt vời, có phong cách trình diễn riêng, có sự nghiệp lâu bền. Tạp chí Time (ngày 21/10/2002) còn cho rằng: “Diva là cách để gọi một cái tôi nữ khùng điên, nhưng bù lại, họ có chất giọng tuyệt vời”. Vậy mà khi một diva Việt Nam phá cách chút xíu lại bị nhiều người hùa váo ném đá, vậy thì còn gọi diva làm gì.
Trong khi đó, quốc ca là ca khúc của mọi công dân, không phân biệt giọng cao thấp, hay dở, miễn thuộc lời là được. Họ có thể hát tại những buổi lễ trang nghiêm, với đông người, nhưng hoàn toàn cũng có thể hát một mình, ví dụ khi bày tỏ ý chí hoặc ăn mừng chiến thắng thể thao chẳng hạn. Cho nên hiệu ứng ném đá Mỹ Linh không phải xuất phát từ quy định về việc hát ca khúc này thế nào, mà là chuyện “tát nước theo mưa”, chuyện “đánh bùn sang ao”, thậm chí “đuổi gà qua đám giỗ”. Nhiều người đã không tự định hướng được quan điểm riêng của mình trước các luồng dư luận, nên đôi khi vô tình sa đà vào những ý nghĩ tiêu cực, dẫn đến hành động ném đá hội đồng.
Trong kiệt tác Quân vương, một luận thuyết chính trị về chủ nghĩa hiện thực, Niccolò Machiavelli (1469 - 1527) chẳng viết thẳng thừng đó sao: “Vì con người là vô ơn, hay thay đổi, giả tạo, hèn nhát, và tham lam, cho nên tạo sự sợ hãi thì an toàn hơn là tạo sự thương yêu”. Điều này đã được Adolf Hitler tiếp nhận tạo dựng phương cách tuyên truyền, tẩy não của chủ nghĩa Phát-xít. Trong cuốn tự truyện Mein Kamp (Đời tranh đấu của tôi), Hitler viết: “Nói dối những việc nhỏ sẽ bị người ta mắng chửi, nhưng nói dối những sự việc to lớn thì người ta sẽ tin ngay”.
Công cụ Google cũng chỉ ra rằng hành động tốt nhiều vẫn có thể nhận ít “like”, ít “view”, nhưng đôi khi hành động xấu nhỏ thì lan tràn.
Beyonce hát quốc ca Mỹ tại lễ nhậm chức của Tổng thống Obama
Đám đông dễ bị cuốn vào các luồng dư luận tiêu cực, để từ đó, chính đám đông này tạo thành sức mạnh áp đặt, đè bẹp các cái nhìn phản biện, riêng rẽ. Cổ học Trung Hoa kể chuyện thời Xuân Thu có Tăng Sâm nổi tiếng hiền lành, hiếu thảo, đạo hạnh cao vời. Thế nhưng một hôm có người chạy đến nhà báo với mẹ ông: “Tăng Sâm giết người”. Lần thứ nhất và thứ hai nghe tin đó, bà mẹ vẫn bình thản dệt cửi, nhưng lần thứ ba thì bà bỏ nhà đi trốn.
Dư luận thiên hạ có thể làm người tốt bị xấu oan, làm trì hoãn sự phát triển, thủ tiêu đổi mới, sáng tạo, nên dân gian mới nói “tiểu số phục tùng đa số”. Nhưng trong một xã hội tôn trọng tự do và tài năng cá nhân, “phục tùng đa số” là điều chẳng mấy khi tốt đẹp.
Cuộc sống hiện nay có quá nhiều công cụ để truyền thông, bày tỏ, thì cũng đồng nghĩa có quá nhiều công cụ để thị phi, đặt điều. Cuốn vào công cụ đó thì ít hay nhiều, chúng ta cũng sẽ đi vu vạ chuyện “Tăng Sâm giết người”, mặc kệ Tăng Sâm không có khả năng và động cơ giết người. Cho nên Khổng Tử mới cho rằng: “Dục lượng tha nhân, tiên tu tự lượng/ Thương nhân chi ngữ, hoàn thị tự thương/ Hàm huyết phún nhơn, tiên ô tự khẩu” (Tạm hiểu: Muốn xét nét người khác, nên xét nét mình trước/ Nói xấu hại người, thì nó sẽ trở lại hại mình/ Ngậm máu phun người, trước hết sẽ dơ miệng mình).
Viền mối là vậy. Nhưng thực tế cho thấy ném đá hội đồng vẫn luôn đông khách. Buồn lắm thay.