“Phương Trinh Jolie xin lỗi Hương Ly”
“Nam Em xin lỗi, mong có cuộc sống bình yên”
“Angela Phương Trinh xin lỗi sau loạt chia sẻ trên mạng xã hội"
…
Là ba trong số những trường hợp nghệ sĩ Việt phải đăng đàn xin lỗi vì ồn ào liên quan đến phát ngôn, đời tư.
Nhìn một cách khách quan, việc nghệ sĩ xin lỗi thể hiện tinh thần cầu thị, dám đối diện với vấn đề và giải quyết chúng. Song với mô-típ vướng ồn ào – bị chỉ trích – xin lỗi cứ lặp đi lặp lại, liệu rằng những lời xin lỗi ấy có còn giá trị, hay chỉ đơn thuần là lời nói suông, cho qua câu chuyện?
Từ đầu năm 2024, Nam Em là cái tên chiếm sóng mạng xã hội. Thế nhưng thay vì được tán thưởng bởi giọng hát, sản phẩm âm nhạc, tên tuổi của Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long lại gắn liền với ồn ào từ phát ngôn đến đời tư.
Sau tất cả, Nam Em lên tiếng xin lỗi khán giả và mong được tha thứ, có cuộc sống bình yên, buôn bán và đi hát như trước đây. Cô viết: “Trong suốt thời gian vừa qua chúng ta đã rất căng thẳng và có khi kiệt sức vì những năng lượng độc hại. Là một người nổi tiếng tôi xin chịu trách nhiệm toàn bộ những gì tôi đã nói và đã làm. Tôi cũng hy vọng câu chuyện này kết thúc tại đây. Và cũng xin gửi lời xin lỗi đến các bạn…”.
Hay trường hợp của Phương Trinh Jolie, bất chấp trên sóng livestream, nữ diễn viên dành những lời chê bai đến Hương Ly khi trình diễn tại một show diễn thời trang. Những lời nói khiếm nhã này tạo làn sóng phẫn nộ từ dư luận bởi hơn ai hết, chính Phương Trinh Jolie là người từng bị tổn thương vì “body-shaming”, ấy mà giờ đây, cô lại dùng cách ấy để tổn thương người khác.
Trước phản ứng từ cộng đồng mạng, Phương Trinh Jolie đã lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân hơn 1,6 triệu lượt theo dõi. Bà mẹ hai con viết: “Tôi nhận ra lỗi của mình là người quá khắt khe với bản thân, nên trong phút chốc đã không kiểm soát được chính lời nói của mình làm tổn thương người khác…”.
Mới đây nhất, Angela Phương Trinh cũng đăng bài viết dài xin lỗi vì một số chia sẻ chưa phù hợp trên trang cá nhân. Trước đó nữ diễn viên cũng thừa nhận lỗi và bị xử phạt 7,5 triệu vì phát ngôn địa long chữa được Covid-19. Hay trong sự nghiệp hoạt động của Phương Trinh, khá nhiều lần cô phải dùng lời xin lỗi sau những ồn ào liên quan đến đời tư như chưa tốt nghiệp cấp 2, mặc trang phục hở bạo trình diễn ở quán bar…. tất cả những lời xin lỗi ấy đều đính kém hai chữ “thân thành" nhưng rồi cô vẫn tiếp tục là đề tài bàn tán của dư luận.
Việc nghệ sĩ xin lỗi cho thấy họ đã phần nào ý thức hơn về trách nhiệm với khán giả, với xã hội. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thời buổi bây giờ, giá trị của lời xin lỗi có vẻ như đang bị xem nhẹ, một số nghệ sĩ nhận thức được lời nói hay hành động của bản thân kém duyên và dẫn đến những hệ lụy không tốt, thế nhưng họ vẫn nói, vẫn làm.
Nói về mức độ ảnh hưởng của việc nghệ sĩ vạ miệng, có những phát ngôn sai lệch, gây tranh cãi đến ngành công nghiệp giải trí Việt Nam, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định: “Nếu xét trong ngành giải trí tôi nghĩ hơi rộng. Nghệ sĩ vạ miệng trước tiên là ảnh hưởng tới chủ thể họ nói đến, sự việc hoặc cá nhân nào đó. Sau đó là ảnh hưởng tới môi trường hoạt động xung quanh họ.
Trong thời buổi mà bất kỳ ai cũng có thể thành ‘content’ và tạo ‘content’, vạ miệng đôi khi là cố tình, nhưng có thể nó thành con dao 2 lưỡi ảnh hưởng tới danh tiếng, thương hiệu của người ‘chơi dao’ mà họ không thể kiểm soát được. Nếu lấy những lần vạ miệng, phát ngôn sai lệch làm ‘content’ để được quan tâm thì những người làm việc đó đôi khi dần bị ‘nghiện’ việc tạo content mà không biết, để đến một ngày bị số đông quay lưng mới chợt nhận ra”.
Từ những trường hợp của Nam Em hay Angela Phương Trinh, cứ nói, cứ làm rồi lại xin lỗi thì câu hỏi được đặt ra là những lời xin lỗi ấy liệu có còn giá trị. Khó để phân biệt được rằng đâu là lời xin lỗi chân thành, đâu là không chân thành. Hay đâu là tự nguyện, đâu là áp lực truyền thông… Song có một sự thật rằng, khán giả giờ đây đã có lập trường ngày càng vững vàng, sắc sảo và họ có giác quan đa chiều để lọc thông tin kém chất lượng.
Nhìn về thực tế làng giải trí cách đây nhiều năm, mỗi khi nghệ sĩ phát ngôn hay có những hành động làm ảnh hưởng đến hình ảnh của mình trong mắt công chúng, họ thường tổ chức những buổi họp báo trịnh trọng, chân thành nói ra lời xin lỗi. Hiện tại, trước sự phát triển mạnh như vũ bão của công nghệ, chỉ cần biên một dòng status, đăng tải môt clip là có thể giãi bày hết tâm tư của mình. Lời xin lỗi nói ra dễ hơn, nên người ta có lẽ cũng dễ mắc sai lầm hơn.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nêu nhận định: “Nghệ sĩ xin lỗi ở đâu cũng được, nhưng cách xin lỗi quan trọng hơn lời xin lỗi. Nếu như trước đây lời xin lỗi của người nổi tiếng là điều gì đó ‘xa xỉ’ đối với công chúng thì nay một số người nói lời xin lỗi quá nhanh và hời hợt. Nên nhớ cái gì dùng nhiều cũng giống như ốm mà chỉ uống mãi một loại thuốc thì kiểu gì cũng giảm tác dụng. Lời xin lỗi thiếu sự chân thành và thấu hiểu cũng giống như vậy”.
Thương hiệu, hình tượng nghệ sĩ là yếu tố “xây thì lâu nhưng đạp đổ thì nhanh”, nhất là khi họ cố tình đưa ra các nội dung gây tranh cãi, drama để có được tiếng tăm, đạt được mục đích của bản thân, trong khi thực lực lại có gì.
“Lời xin lỗi đôi khi là công cụ cứu cánh, cứu vãn danh tiếng của người nghệ sĩ đó. Vậy nên lời xin lỗi cần đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh, đối tượng, chân thành và thấu hiểu.
Nói một lời xin lỗi để khán giả thông cảm ngày càng khó. Họ thông cảm và tha thứ tức là lời xin lỗi đó có giá trị và ngược lại”, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nêu ý kiến.
Sai, nhận ra lỗi sai và xin lỗi vẫn luôn là điều được công chúng ủng hộ. Tuy nhiên, không phải lỗi sai nào xin lỗi cũng có thể cho qua. Khi người nghệ sĩ ý thức được những gì mình nói ra sẽ ảnh hưởng như thế nào đến bản thân, đến những người xung quanh vì tầm ảnh hưởng lớn, thì mỗi lời nói của họ đều cần phải thận trọng.
Trên thực tế, đã có rất nhiều nghệ sĩ trên thế giới chịu phản ứng gay gắt từ công chúng vì liên tục vạ miệng. Nhưng ở các thị trường giải trí khắt khe như Hàn Quốc, Trung Quốc, nghệ sĩ sẽ không có quá nhiều cơ hội để sai và sửa sai, họ buộc phải đối diện với những án phạt, mà nặng nhất chính là sự ghẻ lạnh từ người hâm mộ.
“Cần làm gì, có những giải pháp như thế nào để nghệ sĩ không vạ miệng, không phát ngôn gây tranh cãi gây hệ lụy xấu trong xã hội?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra, đặc biệt là trong bối cảnh ngành công nghiệp giải trí của nước ta đang phát triển và đặt mục tiêu sớm tiệm cận với các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thậm chí, có những phát ngôn từ người nghệ sĩ hoàn toàn không phải vô tư, thiếu suy tính mà lại là một "kế hoạch truyền thông" nào đó nhằm đánh bóng tên tuổi của mình. Nên nhớ, mỗi lời nói ra đều có sức mạnh như một con dao hai lưỡi, mà đôi khi không chỉ duy nhất người nhận chịu tổn thương mà người nói cũng phải nhận lại những vết cứa đau không ngờ tới.
“Nền tảng truyền thông truyền thống hay social cũng như công cụ truyền tải thôi, để những phát ngôn tiêu cực được thanh lọc, thì hai nhóm chủ thể là cơ quan quản lý và người phát ngôn (nghệ sĩ) đều phải hành động. Cơ quan quản lý cần có quy định, hướng dẫn, siết quản lý, kiểm tra thường xuyên. Với các công cụ 4.0, việc kiểm soát này không khó.
Còn phía người phát ngôn, ê-kíp cũng phải tăng cường nhận thức, tư duy, kinh nghiệm để đã phát ngôn là đúng vấn để. Tôi thấy nhiều người nghĩ truyền thông giờ vẫn đơn giản và giống vài năm về trước, trong khi chu kỳ thay đổi lớn của hệ thống thông tin, mạng xã hội ngày càng ngắn và mạnh, tác động sâu rộng. Nên người nổi tiếng giờ chỉ có tài năng mà thiếu đi tư duy về phát ngôn cơ bản sẽ khó hoạt động bền vững, lâu dài", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định.
Chung quy, yếu tố quan trọng nhất vẫn là việc mỗi cá nhân nghệ sĩ ý thức được tầm ảnh hưởng của mình để có được cách hành xử chuẩn mực nhất. Làm sao để mỗi nghệ sĩ là tấm gương tốt để thế hệ trẻ học hỏi, thay vì chú ý đến những scandal tai tiếng.