Giải Trí

KING OF RAP KIDS: Thà vẽ đường cho hươu chạy... đúng đường, còn hơn để con trẻ nghêu ngao ca từ không phù hợp

Sa Cát
Chia sẻ

Kể từ khi nhà sản xuất của KING OF RAP (Thế giới rap) tiết lộ về format dành cho thanh thiếu niên dưới 15 tuổi, khán giả đã tranh luận dữ dội.

Câu chuyện KING OF RAP KIDS - Một phiên bản nhí của show truyền hình về rap đang ăn khách được phát sóng trên VTV3 - trở thành tiêu điểm tranh luận trên mạng xã hội hai ngày nay. 

Kể từ khi nhà sản xuất của KING OF RAP (Thế giới rap) tiết lộ về format dành cho thanh thiếu niên dưới 15 tuổi, hàng loạt các diễn đàn, fanpage và hội nhóm về nhạc rap, underground cũng như các group cộng đồng tranh cãi dữ dội. Vô số ý kiến cho rằng, mặc dù rap đang vô cùng thịnh hành trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên việc cho ra mắt một cuộc thi rap riêng cho thiếu nhi là chưa thích hợp. 

Cư dân mạng nhấn mạnh, với sự non nớt trong suy nghĩ, thiếu sự trải nghiệm cuộc sống cũng như khả năng viết lách cũng chưa thực sự tốt, sẽ khiến các rapper nhí khó lòng sáng tác một bản rap hay ho. 

Bên cạnh đó, không ít người quan ngại, những yếu tố "phổ biến" của giới rapper như dizz nhau, thả thính tỏ tình bằng rap love... cũng không phù hợp với độ tuổi các bạn nhỏ và nếu phiên bản nhí của King of Rap lên sóng thì các bạn sẽ tiếp cận với những điều đó. Thậm chí có cư dân mạng còn 'nói nặng': "Việc để trẻ em rap hay sáng tác rap có khi 'đục khoét tâm hồn' thiếu nhi".

Đầu tiên, chắc chắn là sự lo lắng ấy là cần thiết, nhất là ở những người hâm mộ của thể loại âm nhạc này cũng như văn hóa hiphop. Cẩn tắc vô áy náy, ở bất kỳ nội dung nào có liên quan đến con trẻ đều cần phải cẩn thận. Nhưng... 

Đứng ở góc độ nhà sản xuất chương trình King of Rap Kids, chắc chắn họ đã dự tính trước những tình huống mà cư dân mạng nêu ra trong phần bình luận của mình. Tổ chức một cuộc thi về rap như King of Rap không hề dễ dàng như một cuộc thi hát, khi mà ca từ của các rapper cần phải được đảm bảo giữ đúng thuần phong mỹ tục, không mang những con chữ nhạy cảm về văn hóa - tôn giáo - chính trị cũng như các hàm ý về chất kích thích hay yếu tố tình dục vào trong đó. 

Tiếp theo đó, để có thể phát sóng trên sóng truyền hình quốc gia VTV3 vào khung giờ vàng mỗi tối thứ Bảy hàng tuần, King of Rap cũng phải trải qua sự kiểm duyệt gắt gao từ phía nhà đài. Có lẽ cũng cần phải nhắc cho khán giả nhớ, King of Rap là show truyền hình / cuộc thi về rap đầu tiên được lên sóng truyền hình VTV - "thánh địa" của hàng loạt tiêu chí đảm bảo chất lượng nội dung. Đã có rapper nào dám nghĩ đến chuyện... dizz nhau trên sóng truyền hình quốc gia trước khi King of Rap ra đời? 

Và thực tế hiện tại ra sao khi 10 tập - 2/3 chặng đường của cuộc thi đã đi qua và điều mà người xem nhận được chính là những màn trình diễn "sướng mắt đã tai", những màn battle nảy lửa đến nghẹt thở giữa các rapper tuổi trẻ tài cao và đưa những cái tên chỉ được biết đến trong giới underground hay Youtube / Facebook, đến gần với khán giả đại chúng, có cơ hội trình diễn ở những sân khấu lớn như Vlive V-Hearbeat, Stand By Star hay sắp tới đây là Làn sóng Xanh 2020. 

Rap không còn dừng lại ở không gian quán bar ồn ào mà đã có thể "bước ra" concert / festival lớn quy tụ hàng nghìn người xem, và rapper đã có thể đứng trước ánh đèn spotlight thay cho cuộc sống "ẩn dật" ngày trước. 

Ở King of Rap, nhà sản xuất kết hợp giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh, bốn vị mentor (Huấn luyện viên) LK - BigDaddy - Lil'Shady và Datmaniac đã chứng minh rap không chỉ có khía cạnh "hầm hố", "nổi loạn" và "đơn thân độc mã". 

Giờ đây, rap đã có thể hòa vào những giai điệu của một ca khúc opera trứ danh, kết hợp cùng một đoạn cải lương vọng cổ bùi tai mà người miền Tây vẫn nghe hàng ngày, hay trở thành một nét chấm phá độc đáo trong ca khúc nhạc Trịnh và cả nhạc cách mạng... Nói không ngoa rằng, rap có thể đi cùng với bất cứ thể loại âm nhạc nào chứ chẳng riêng gì ballad - R&B hay các bài nhạc dance xập xình.

LK - BigDaddy - Lil'Shady và Datmaniac 
Giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh

Chính từ sự uy tín đó của King of Rap, các bậc phụ huynh lẫn khán giả hoàn toàn có thể an tâm rằng, nhà sản xuất sẽ thực hiện một phiên bản nhí cực "chất" nhưng không mất đi sự trong sáng của các thí sinh nhỏ tuổi.

Cát Tiên Sa đã có 20 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất các show truyền hình, từ Siêu mẫu Việt Nam, The Voice - Giọng hát Việt, Got To Dance, Thần tượng Bolero, The Remix - Hòa âm ánh sáng, The Face - Gương mặt thương hiệu hay Sing My Song - Bài hát hay nhất. 

Đây cũng chính là nơi ươm mầm cho rất nhiều tài năng nhí thông qua The Voice Kids để tạo nên một thế hệ ca sĩ tài năng như ngày hôm nay: ERIK, Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Đỗ Hoàng Dương, Nguyễn Thiện Nhân... Ngoài ra, với việc chưa từng phải "dời sóng" từ VTV3 sang bất cứ đài truyền hình nào khác, uy tín và danh tiếng của Cát Tiên Sa đủ để bất cứ khán giả nào phải tin tưởng vào chiến lược sản xuất của họ. 

Hơn hai tháng qua, rap là món ăn tinh thần của hàng triệu người dân Việt Nam thông qua các chương trình truyền hình về thể loại âm nhạc này. Không thể phủ nhận sức hút của rap khi mà giờ đây, từ giới tri thức đến những tiểu thương, từ các anh chàng "chất cool ngầu" đến những cô nàng "yểu điệu thục nữ", từ các bà nội trợ đến những ông bố khó tính, cũng biết đến rap, thưởng thức rap. 

Làn sóng phát triển của rap dữ dội như đã từng xuất hiện ở thể loại nhạc bolero trước đó. Không khó để bắt gặp mọi thể loại sản phẩm được tạo ra từ rap, từ những ca khúc chính thức cho đến nhạc chế, nhạc quảng cáo, clip viral cho đến chiến dịch truyền thông bài bản của nhiều nhãn hàng. 

Các rapper từ trẻ đến lão làng cũng có mật độ xuất hiện dày đặc trên các talkshow phỏng vấn truyền hình từ VTV đến HTV, trên sóng radio phát thanh, trên những sân khấu âm nhạc quy mô tầm cỡ cho đến những bảng hiệu quảng cáo, là gương mặt đại diện cho nhiều thương hiệu lớn. 

Rap len lỏi vào cuộc sống thường ngày như cách người dân Sài Gòn chen chân vào những con hẻm nhỏ mỗi khi kẹt xe lúc tan tầm... Rap lắp đầy nhiều khoảng trống về giải trí mà mọi người đang tìm kiếm. Cũng chính vì lẽ đó, trẻ em đã tiếp nhận rap từ thụ động đến chủ động. 

Rất dễ để chúng ta nhìn thấy hình ảnh những cô cậu học sinh tiểu học ngồi xem chương trình rap chung với anh chị, ba mẹ. Không lạ gì khi tìm kiếm trên Youtube và nhận về những đoạn clip nghêu ngao rap theo một đoạn bài hát nằm trong top thịnh hành (trending) ở ngoài đường phố, trong con hẻm, trước sân nhà. 

Nhưng không phải bài rap nào cũng phù hợp với trẻ con. Hầu hết là không phù hợp. Bởi lẽ, như nhiều người nhận định, rap thể hiện ngôn ngữ của giới underground, có phần bụi bặm, thể hiện cái tôi của mình cũng như đời sống cá nhân, vì lẽ đó mà có không ít sự gai góc hay đưa cảm xúc riêng vào trong những ca từ. 

Những cụm từ "lên đỉnh", "trói em" hay các khái niệm chỉ bia rượu, chất kích thích, chuyện chăn gối, ăn chơi nhảy múa quán xá... xuất hiện trong phần lớn bản nhạc rap thịnh hành ngày này. Vô hình chung, khi phụ huynh, người thân trong gia đình "replay" những bài rap này sẽ khiến trẻ con "học thuộc" trong vô thức và nhẩm theo... 

Ai dám khẳng định thiếu niên nhi đồng rap về gia đình, trường lớp, thầy cô bạn bè, những hoài bão những ước mơ, những suy nghĩ hay góc nhìn cuộc sống... là không hay, không lôi cuốn, không "xịn sò" như các rapper trưởng thành? 

Với độ tuổi tuyển sinh từ 15 tuổi trở xuống, ai dám chắc rằng các bạn thiếu niên đã không có một sự trải nghiệm - chín chắn nhất định trong cuộc sống của mình? Người lớn đang nói tụi con "chưa trải sự đời", "còn nông cạn thì làm sao viết nhạc rap, hát nhạc rap" ư?

Thông qua chương trình Thiếu niên nói phát sóng trên VTV3 vào đầu năm 2020, nhiều bậc phụ huynh phải sửng sốt khi thấy con mình lập luận "chắc nịch", thậm chí "bắt lỗi" người lớn và dám nói lên quan điểm, chính kiến của mình, dẫu cho vẫn đang trong độ tuổi tiểu học hoặc trung học cơ sở. 

Sự kì vọng quá cao của ba mẹ trong việc học hành đã tạo nên một nỗi áp lực khủng khiếp đối với cậu bé Ngọc Minh 12 tuổi hay cô bé 'con nhà người ta' Đa Quỳnh. Từng là nạn nhân, là chuẩn mực của “body shaming”, cô bạn Yến Nhi hay cậu bạn Đăng Khoa bị bạn bè đùa giỡn trêu chọc đến tổn thương và khó chịu suốt những năm cấp 2. Khoảnh khắc cô bé Hà Trang bước lên bục dũng khí của Thiếu niên nói để bày tỏ lòng biết ơn của mình dành cho cô Ngọc – giáo viên chủ nhiệm lớp đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. 

Rõ ràng trẻ em rất cần được người lớn lắng nghe. Có những tâm tư nguyện vọng đã bị con trẻ cất giữ trong lòng, viết vào trong quyển nhật ký mà có thể cả đời cũng không được bố mẹ biết đến. Rap nói riêng, âm nhạc nói chung sẽ giúp các con nói lên tiếng lòng của mình, thể hiện những mong muốn khát khao của bản thân và cả những giá trị nhân văn ẩn sâu trong tầng ý nghĩa của bài hát. 

Người hâm mộ nhạc rap đã đôi ba lần rơi nước mắt trước một ca khúc xúc động bởi ca từ chạm đến trái tim. Đó là lúc bạn nhìn thấy bản thân mình trong đó, hoặc một đoạn rap viết về người cha, người mẹ. Vậy nếu như đó là tâm tư của một đứa trẻ chẳng phải lại còn giá trị biết bao? 

Liệu bạn còn nhớ câu chuyện của cô bé Sương Anh trong một tập của Thiếu niên nói gửi đến người bố đang mắc bệnh ung thư trực tràng. 4 năm một mình chịu đựng nhưng bố cô bé chưa một lần bày tỏ tâm tư hay thể hiện sự đau đớn trước mặt vợ con. Thay vì mua thuốc điều trị, bố Sương Anh lại dùng hết số tiền đó để đóng học phí cho con gái. Sự chịu đựng và hy sinh thầm lặng ấy không chỉ gói gọn bởi 2 từ “vĩ đại” mà nó còn nói lên một niềm hy vọng trong tương lai.

Hay khoảnh khắc cô bé Ngọc Nhã kể về bác tài xế xe ôm tủi thân khi bị con gái xấu hổ về nghề nghiệp của mình đã khiến nhiều bạn không kìm được nước mắt. Mệt nhọc để lo cho gia đình nhưng điều mà người đàn ông này nhận được chính là những câu hờn trách từ cô con gái. Ngọc Nhã đã bật khóc không phải vì tức giận mà vì sự thiếu hiểu biết của cô gái ấy khi mang hoàn cảnh gia đình ra để nhận xét và tự tạo mặc cảm cho chính mình.

Hoặc cậu bạn Hùng Mạnh từng bị các bạn học cùng lớp ghét bỏ, dùng nhiều hình thức làm nhục mà không dám nói với gia đình và thầy cô. Trải qua những lần tủi nhục, Hùng Mạnh đã rút ra cho mình một bài học sâu sắc: không dùng bạo lực mà chọn cách đạt điểm thật cao trong kì thi cuối cấp. Khi bản thân đang vinh quang với thành tích thì cũng là lúc những người từng có lỗi phải nhận lại cái kết đau lòng.

Nếu những câu chuyện cảm động trên, và vô số những câu chuyện ngây ngô dễ thương về tình bạn, tình thân... được viết thành những câu rap, thì chẳng phải nó giúp lan tỏa thông điệp vô cùng ý nghĩa đến với nhiều người hơn, để người lớn hiểu rõ trẻ con, thanh thiếu niên cũng có những điều muốn nói mà không thể nói thành lời? Bởi lẽ, âm nhạc sẽ dẫn lối cho chúng ta, và là sợi dây kết nối con người với con người, chạm đến trái tim của người xe bởi sự chân thành. Âm nhạc là không giới hạn, phá bỏ mọi rào cản ngôn ngữ, giới tính, quốc gia và cả độ tuổi.  

Rap là một thể loại âm nhạc nên các bé vẫn có quyền được chọn thể loại âm nhạc này để thể hiện tình yêu âm nhạc của mình, dẫn chứng là thời gian qua các sản phẩm cá nhân của 1 số bé rapper nhí được cộng đồng mạng chia sẻ và ngợi khen rất nhiều như Piggy.   

Chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn việc con trẻ đang tiếp xúc và học hỏi gì với thế giới, nên thay vì để các con vì tò mò mà tìm hiểu các tác phẩm chỉ phù hợp với người lớn, tại sao không vẽ đường cho hươu chạy... đúng đường? 

Tương tự với việc giáo dục giới tính trong nhà trường, việc xây dựng một sân chơi về rap cho các thiếu niên và thiếu nhi từ 15 tuổi trở xuống sẽ giúp các con có thể thỏa sức rap - một loại hình âm nhạc đang phổ biến nhưng có định hướng rõ ràng cũng như có những bài hát thích hợp, đúng tuổi.  

Đừng chờ con cháu, em út của mình lẩm nhẩm những câu rap love không phù hợp, chúng ta có thể chủ động tạo ra những bài rap phù hợp độ tuổi của các con. Đó chính là điều mà KING OF RAP KIDS muốn mang đến cho các thí sinh cũng như đối tượng khán giả là những bậc phụ huynh và trẻ nhỏ. 

Những người sản xuất phiên bản nhí của KING OF RAP đều có con nhỏ hoặc em út dưới 15 tuổi, hơn ai hết, họ hiểu rõ trách nhiệm và sứ mệnh của mình trong việc thực hiện một chương trình dành cho trẻ em. Sẽ không có một show truyền hình nào có hại cho con trẻ mà được cấp giấy phép và phát sóng trên đài. Đây chính là điều mà các phụ huynh có thể đặt niềm tin vào những người đang chuẩn bị tạo ra một bước ngoặt mới cho hoạt động vui chơi, giáo dục con trẻ. 

Với những khán giả Việt Nam yêu rap, xin hãy để các bạn nhỏ dưới 15 tuổi của chúng ta có cơ hội thể hiện niềm yêu thích và tài năng của mình. Có không ít những rapper trẻ tuổi từ những cuộc thi Britain's Got Talent, America's Got Talent hay Got Talent Turkey. 

Thậm chí những năm qua, ngay trong chương trình The Voice Kids của các nước cũng đã xuất hiện những giọng rap chất lừ bên cạnh khả năng hát nhạc pop điệu nghệ như Jonathan, Alberina, Maurice, Lil' T, Juan Pablo, Theodor...

Ngược dòng thời gian trở về nhiều thập kỷ trước, Lil Bow Wow, P-Nut, A+ đã tạo nên nhiều dấu ấn về rap khi còn là những thiếu niên trẻ tuổi. Đầu những năm 1990, cặp tuổi teen Kriss Kross đã tạo nên một cơn bão trong cộng đồng khán giả yêu hiphop trước tài năng của mình. 

Nếu là một rap fan thực thụ, liệu bạn đã quên hay chưa kịp cập nhật thông tin Lil Wayne đã ký với hãng đĩa Cash Money Records của rapper Birdman cậu ấy chỉ mới 9 tuổi Dưới sự hướng dẫn của Baby D, Weezy đã cho ra mắt album đầu tay của mình - True Story khi lên 11 tuổi. 

Không cần đi quá xa, quanh quẩn ở châu Á thì chúng ta cũng đến với Hàn Quốc khi bé Sarang cover Okey Dokey của 2 rapper "ngầu lòi" Zico & Mino khiến cả anh chị đại Tiger JK và Yoon Mi Rae phấn khích. Và chắc chắn các fan K-Pop không thể quên được hình ảnh "cậu nhóc" B.I tự tin tỏa sáng trên nhiều sân khấu cùng với MC MONG trong ca khúc Indian Boy vào năm 2009 khi chỉ mới 13 tuổi. 

Có quá nhiều "tiền lệ" đã xuất hiện trên thế giới, vậy tại sao ở Việt Nam không thể "sản sinh" ra những tài năng rap nhí? Tại sao trẻ con lại không thể rap nếu như chúng ta có những ca khúc phù hợp với độ tuổi? 

Hãy cùng SAOstar chờ xem KING OF RAP KIDS sẽ mang đến những bất ngờ thú vị gì trong format cũng như tiết mục trên sân khấu để "thuyết phục" được khán giả đại chúng - những người vẫn còn đang hoài nghi về các cô cậu rapper nhí nhé. 

Chia sẻ

Bài viết

Sa Cát

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất