Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, Kim Dung đã qua đời ở tuổi 94 tại một bệnh viện ở Hồng Kông. Nhà văn Kim Dung ra đi khiến những người yêu mến tiểu thuyết võ hiệp vô cùng thương tiếc.
Với nhiều người, Kim Dung là Võ Lâm minh chủ, là tông sư của môn nghệ thuật tiểu thuyết của Trung Quốc. Những cuốn tiểu thuyết võ hiệp của ông luôn được nhiều thế hệ châu Á say mê. Từ Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ cho đến Ỷ thiên đồ long ký, Thần điêu lữ hiệp…
Kim Dung sinh năm 1924 là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Ông còn là người đồng sáng lập của nhật báo Hồng Kông Minh Báo, ra đời năm 1959 và là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này.
Từ năm 1955 đến 1972 ông đã viết tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết. Sự nổi tiếng của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. 300 triệu bản in (chưa tính một lượng rất lớn những bản lậu) đã đến tay độc giả. Những tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như chuyển thể thành các bộ phim truyền hình, trò chơi điện tử.
Kim Dung sinh trưởng trong một gia tộc khoa bảng. Thuở nhỏ, ông vô cùng lanh lợi lại thêm mê đọc sách. Năm lên 8 tuổi, Kim Dung lần đầu đọc tiểu thuyết võ hiệp, khi đọc đến bộ truyện Hoàng Giang nữ hiệp của Cố Minh Đạo thì bắt đầu ông say mê. Từ đó, tiểu thuyết kiếm hiệp là loại tiểu thuyết được ông sưu tầm nhiều nhất.
Năm 15 tuổi, ông đã cho ra đời cuốn sách hướng dẫn học sinh thi sơ trung. Năm 16 tuổi, ông viết truyện trào phúng Cuộc du hành của Alice có ý châm biếm ngài chủ nhiệm ban huấn đạo, người này tức giận, liền ép hiệu trưởng phải đuổi học ông. Cuộc du hành của Alice tuy đem lại tai hại, nhưng đã cho thấy tài tưởng tượng, cũng như tinh thần phản kháng của Kim Dung, mà sau này thể hiện rất rõ trên các tác phẩm.
Năm 1941, Kim Dung thi đỗ vào học Luật quốc tế tại học viện chính trị Trung ương. Thời kỳ này, ông ngoài tham gia viết bình luận chính trị trên các báo, còn bắt tay vào làm cuốn Anh - Hán tự điển và dịch một phần Kinh Thi sang tiếng Anh,
Thời kỳ này, ông viết nhiều bài bình luận điện ảnh, kịch bản, thậm chí được mời làm đạo diễn. Năm 1959, ông cùng một người bạn thành lập tờ Minh báo và sau đó, Minh báo là một trong những tờ báo hàng đầu Hồng Kông.
Vào năm 1986, ông được mời vào tổ soạn thảo thể chế chính trị Hong Kông. Sau đó, ông cũng tham gia vào ủy ban giám sát quá trình chuyển giao Hồng Kông cho Trung Quốc.
Kim Dung đã nhiều lần nhận được các giải thưởng tôn vinh. Ông được chính phủ Anh trao huân chương Order of the British Empire cũng như Chính phủ Pháp trao cho ông Bắc Đẩu bội tinh, Ordre des Arts et des Lettres. Kim Dung còn là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Năm 1955, bộ truyện kiếm hiệp đầu tay của Kim Dung là Thư kiếm ân cừu lục được đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo. Thư kiếm ân cừu lục ra đời, tên tuổi Kim Dung được chú ý đến, dần dần, ông cùng 1 người bạn của mình là Lương Vũ Sinh được xem như hai người khai tông ra Tân phái của tiểu thuyết võ hiệp. Sau bộ truyện đầu tay, Kim Dung viết tiếp bộ Bích huyết kiếm được hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đó, ông chuyên tâm vào viết tiểu thuyết võ hiệp và làm báo.
Thế nhưng, phải đến Xạ điêu anh hùng truyện Kim Dung mới thực sự được giới mộ điệu cũng như công chúng công nhận rằng ông là võ lâm minh chủ. Dần dân, Kim Dung vượt qua người bạn của mình, trở thành người đi đầu, ngọn cờ vĩ đại của tiểu thuyết võ hiệp tân phái.
Năm 1972 sau khi viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ông đă chính thức nghỉ hưu và dành những năm sau đó biên tập, chỉnh sửa các tác phẩm văn học của mình. Các yếu tố kỳ ảo, hoang đường, những nhân vật thừa thãi… đều được ông cắt bỏ. Việc sữa chữa, biên tập lại các tác phẩm của ông kéo dài tận 10 năm. Thế nhưng, sau đó ông dành thêm 7 năm nữa (từ 1999-2006) để sửa lại toàn bộ thêm 1 lần nữa. Có lẽ, chỉ mình Kim Dung trong số hàng nghìn tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp nghiêm túc với những đứa con tinh thần của mình.
Vào tháng 1978, Kim Dung đã quyết định quy cửa Phật giáo sau khi con trai trưởng đột ngột qua đời.