Sau tác phẩm Kiều của Cao Bá Hưng - Quán quân Sing My Song mùa đầu tiên, thì một nhân vật khác - Hoạn Thư - nhân vật phản diện nổi tiếng trong tác phẩm Truyện Kiều được khắc hoạ đầy mới mẻ qua cảm nhận của Sa Huỳnh tại vòng thi Trại sáng tác mùa thi năm nay.
Mỗi khi nhắc đến Hoạn Thư, người ta thường nghĩ đây là người đàn bà có những đòn ghen tàn độc. Nhưng Sa Huỳnh lại mang một thông điệp khác vào tác phẩm của cô rằng những người phụ nữ hãy chăm lo cho tổ ấm của mình và làm đẹp bản thân trong mắt bạn đời.
Trong sáng tác Hoạn thư, người đàn bà ấy được Sa Huỳnh nhìn nhận ở góc độ nhân văn khác với số đông: đồng cảm cho số phận của người vợ có chồng ngoại tình: “Chuyện ghen tuông đâu dễ nói bằng lời”, 'Người còn vẹn nguyên lời thề khi xưa sao nỡ lãng quên”, 'Gió trăng thay sắt son, ngọn đèn hắt bóng buồn kiếp cô phòng” và Hoạn Thư ghen là vì quá yêu chồng.
Với sáng tác này, Sa Huỳnh đem lại sự hài lòng dành cho các HLV nhất là về ca từ và âm nhạc. Tuy nhiên, điểm không thuận lợi của Sa Huỳnh chính là giọng hát còn nhiều lỗ hỏng. Vậy nên nó dẫn đến những luồng ý kiến khác nhau các HLV.
Nếu HLV Lê Minh Sơn xúc động với sự sâu sắc về phần lời và cá tính trong âm nhạc của Sa Huỳnh thì HLV Đức Trí có phần khắc khe hơn. Anh cho rằng việc cô sa đà vào văn học nên không công bằng với âm nhạc, chất liệu sử dụng không mới. Ngay lập tức, tác giả ca khúc Chuồn chuồn ớt liền lên tiếng, âm nhạc của Sa Huỳnh thoang thoảng nét của nhạc sĩ Văn Cao thời xưa.
Hơn nữa, HLV Lê Minh Sơn còn nhấn mạnh, anh đặt ra trường hợp ca khúc này sẽ thành “quả bom lớn” nếu được thể hiện qua giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh hoặc Thu Minh.
Riêng với HLV Hồ Hoài Anh lại nhìn nhận cách khách quan hơn. Anh chỉ rõ hai luồng khán giả cảm nhận khác nhau. Có người sẽ cho rằng ca khúc này hát quá ghê còn lượng người nghe khác sẽ đồng cảm cho sự sâu sắc và cảm thụ âm nhạc của Sa Huỳnh.
Tuy nhiên có điều ở đây đáng khen ngợi cho Sa Huỳnh đó chính là cảm xúc mà cô thổi vào tác phẩm thì khó có ai thể hiện được như thế vì “chính mẹ đẻ mới hiểu con ruột mình ra sao”.
Nhìn vào người đàn bà khi ghen, người ta chỉ nhìn thấy ngay đến động thái của họ là đang làm gì, rồi phán xét, đánh giá nhân phẩm. Huống hồ chi Hoạn Thư sống ở thời phong kiến, là đàn bà phải biết tam tòng, tứ đức.
Ở đây Sa Huỳnh nhìn thấy Hoạn Thư ghen là có lý do. Phải chi những ông chồng không tìm của lạ bên ngoài có lẽ chẳng người vợ nào đi ghen tuông đến mức hành động những điều không nên. “Vì đâu khi yêu quá hoá dại cuồng”, “Chồng chung ai dễ nhường ai cho dẫu không nỡ oán nhau”. Những câu hát ai oán, nỗi lòng sâu thẳm khó ai hiểu của Hoạn Thư đã được Sa Huỳnh khắc hoạ rõ nét trong tác phẩm cùng tên.