Cùng với học trò Duy Cường, HLV Ngọc Sơn cũng được vinh danh tại đêm Chung kết Thần tượng Bolero tối qua (17/5), khi mang về ngôi vị Quán quân danh giá cho chàng tiến sĩ Triết học 27 tuổi đến từ Nghệ An. Vẫn còn nguyên cảm xúc hạnh phúc trước chiến thắng của học trò và cách ví von dí dỏm dành cho người hâm mộ - “đại gia đình”, HLV Ngọc Sơn đã có những chia sẻ thú vị sau đêm thi trọn vẹn vừa qua.
- Là người dẫn dắt, theo dõi Duy Cường từ những ngày đầu, “anh Ba” suy nghĩ như thế nào về chiến thắng chung cuộc đêm qua?
- Cả hai thầy trò đều đã cố gắng phấn đấu hết sức mình. Tôi rất hạnh phúc khi Duy Cường nhận được sự yêu mến của khán giả. Với chất giọng của Cường, tôi cảm nhận được tình cảm từ sâu trong trái tim và con người, dù không chuyên nghiệp, điêu luyện nhưng rất có tình. Bolero cần điều đó, cần có cái tình, từ chiêm nghiệm, khó khăn gian khổ lên rồi trở thành tiến sĩ triết học của em. Đó là niềm vinh dự, hãnh diện của gia đình và còn của quê hương nữa.
- Sau ngôi vị quán quân của học trò, anh đã có những định hướng gì cho con đường âm nhạc của Duy Cường?
- Bản thân tôi đã rất xúc động khi lần đầu nghe Duy Cường hát. Tôi tin em ấy hoàn toàn có thể trở thành một viên ngọc sáng để đem về niềm tự hào cho quê hương, cống hiến nhiều cho đại gia đình nếu như được mài dũa một cách đúng đắn. Và tôi sẽ là người đồng hành trong chặng đường ca hát sắp tới của em. Tất nhiên, Duy Cường sẽ vẫn biết cách để tiếp tục cống hiến cho nghề giảng giáo của em song song với công việc mới của mình.
- Trước đêm Chung kết, nhiều đồn đoán cho rằng Yuuki Ánh Bùi mới là ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vị Quán quân. Nghe được những điều này, bản thân anh có lo sợ?
- Lo ngại đấy, nhưng là với cả 4 thí sinh góp mặt tại đêm Chung kết chứ không chỉ riêng Yuuki Ánh Bùi. Đâu cũng là học trò mình, ai cũng xứng đáng nhưng Duy Cường gắn bó với tôi, tôi đào tạo nên phải ủng hộ cho Cường. Cường cực kỳ ngoan, lại là người tôn sư trọng đạo, đối nhân xử thế ai cũng thương. Phải nói, tôi may mắn khi có một người học trò trình độ, hiểu biết và trí tuệ như Cường.
- Anh nghĩ sao khi hiện nay, ngoài yếu tố giọng hát một nghệ sĩ mới bước chân vào nghệ thuật cần đảm bảo ngoại hình?
- Đẹp như thế nào mới gọi là đẹp? Với tôi, đẹp trong nghệ thuật là tình cảm con người, cái hồn toát ra từ bài hát được đại gia đình yêu thương. Ngày xưa, Ngọc Sơn ốm nhom, đen đúa, cao 1m77 mà nặng có 48 kg nhưng vẫn được yêu mến đấy thôi. Quan trọng là khán giả thấy được cái tình của mình, còn với Duy Cường, vẻ đẹp của em là thành quả của sự phấn đấu và rèn luyện.
- Điểm mạnh nào của Duy Cường mà anh nghĩ là yếu tố quan trọng giúp bạn ấy chiếm được tình cảm trong lòng đông đảo khán giả Bolero?
- Có thể nói Duy Cường là một người ngoại đạo với ca hát. Em ấy chưa từng được trải qua bất kì một trường lớp đào tạo chuyện nghiệp nào, nhưng trong cái rủi lại có cái may vì em ấy là một người vươn lên từ sự khó nghèo, những điều em ấy có với âm nhạc ở hiện tại chủ yếu học từ trường đời ra.
Với tôi thì đó sẽ là tài sản rất lớn của Cường, bởi vì nó ảnh hưởng tích cực đến dòng nhạc Bolero mà em ấy sẽ theo đuổi. Tất nhiên, tôi không phủ nhận điều kiện vật chất, nhưng đó lại thuộc về một phạm trù khác nữa. Quan trọng, sự gian truân làm cho con người có sự vươn lên, “đẹp” hơn từng ngày.
- Các thí sinh từ các cuộc thi âm nhạc hầu như không có đầu ra trong những năm gần đây. Với Thần tượng Bolero thì sao, anh có giải pháp nào cho các học trò của mình?
- Một ví dụ điển hình nhất, học trò năm trước của tôi là Hồ Phương Liên, show nhiều vô cùng. Cô bé hát chân thật bằng cả trái tim. Tài sản lớn nhất của con người là trí lực, điều đó phải được tôi rèn từ chính mình chứ không phải ở những vấn đề khác.
Như quý vị thấy, những học trò được tôi huấn luyện đều cống hiến rất nhiều cho xã hội. Có nhiều show, tất nhiên được đại gia đình yêu mến. Duy Cường cũng vậy, đây chỉ mới là bước đầu, chắc Cường sẽ bừng sáng hơn nữa. Đặc biệt, nào giờ mới có một Tiến sĩ Triết học đầu tiên rất đạo đức, hát bolero rất hay. Chắc chắn bạn ấy sẽ thành công.
- Ở thế hệ của anh, các nghệ sĩ đều có kinh nghiệm, đặc biệt màu giọng rất riêng nhưng các bạn về sau thì khá bất lợi ở điểm này. Theo anh, thực tế này có khắc phục được hay không?
- Mỗi người đều có cách phát âm, nhả chữ khác nhau, nên mình phải nhìn sâu vào con người đó cần sửa chữ nào, sửa từng chữ từng chữ làm sao cho cách hát đi nhẹ nhàng nhất vào lòng đại gia đình.
Duy Cường là một trường hợp rất đặc biệt, anh có màu giọng và cách nhả chữ rất riêng. Tôi rất vui, hãnh diện và hạnh phúc khi quê hương chúng ta có một Tiến sĩ triết học trở thành quán quân Thần tượng Bolero, mai mốt sẽ còn tiến bước dài dài như thế nữa.
- Vừa qua, nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc hát Bolero cho rằng: Người miền Bắc có thể hát Bolero nhưng người miền Nam ca mới “tình” nhất. Bản thân anh nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Người miền Nam nằm trong cái nôi Bolero nên ắt hẳn sẽ có lợi thế hơn, nhưng không có nghĩa người miền Bắc, miền Trung không hát Bolero hay. Chẳng qua họ nghe nhiều, hát nhiều nên cách hát sẽ tình cảm hơn hẳn.
Qua sự đào tạo cấp tốc của tôi, mọi người có thể thấy Duy Cường hay Hồ Phương Liên hát cực kỳ đậm chất Bolero. Không có sự phân biệt nào cả, tuỳ cách huấn luyện, con đường tập luyện thì sẽ tuyệt vời.
Cám ơn “anh Ba” vì những chia sẻ chân thành này!