Giải Trí

Trang phục dân tộc: Thiết kế Phố Cổ - đứa con lai mang trong mình nhiều dòng máu

Văn Thao
Chia sẻ

Thiết kế Phố cổ là nơi một bước chân đi qua ba nền văn hóa khác nhau. Đây cũng là nơi giao thoa giữa cái cũ và mới, giữa nghệ thuật và đời sống, giữa cái ồn ào và bình yên quyến rũ chết lặng.

Xét ở góc độ chiều sâu văn hóa, thiết kế Phố Cổ không chỉ đơn thuần là một bộ trang phục dân tộc khoác trên người mà đâu đó chính là sự hiện thân hoàn hảo về Phố cổ Hội An nơi có những căn nhà cổ từ thời Pháp hòa chung với kiến trúc các ngôi chùa mang hương sắc Nhật Bản và nhà gỗ kiểu Trung Quốc cộng hưởng trên tà áo dài duyên dáng và nền nã của Việt Nam.

Vượt xa phạm vi với việc dừng lại với vai trò là một bộ trang phục dân tộc, Phố Cổ khơi gợi về một chiều sâu của một vùng đất xưa là thương cảng phồn hoa đô hội mà nay đã trở nên hoài niệm cổ xưa.

Có lẽ chưa một năm nào mà việc chọn ra một bộ trang phục dân tộc để đại diện cho văn hóa, bản sắc, con người Việt Nam ra quốc tế lại trở nên rạo rực và nôn nóng như năm nay và người may mắn được khoác lên bộ trang phục để vươn xa bản sắc Việt không ai khác chính là H'Hen Niê.

Không chỉ gây ấn tượng từ khi công bố bản phác thảo cho đến việc ra lò, công bằng mà nói thiết kế Phố Cổ đang là ứng cử viên sáng giá cho ngôi vị cao nhất trong cuộc đại chiến không khoan nhượng này. Việc dắt tay Bánh Mỳ, Ngũ Hổ vào Top 3 trang phục xuất sắc nhất khi tỉ lệ bình chọn của khán giả là 3.93 điểm và giành được 5.4 điểm từ hội đồng ban giám khảo cộng với cơn bão truyền thông khổng lồ ồ ạt tấn công tán thưởng càng chắp cánh thêm sức mạnh cho Phố Cổ tràn trề hi vọng khi tiếp nối Nàng Mây, Hồn Việt đi ra thế giới.

Văn hóa là thứ duy nhất chúng ta còn nhớ sau tất cả những gì đã quên, hành trình thai nghén ra đứa con tinh thần cũng chính là hành trình kể về giao thoa giữa cái cũ và mới, giữa nghệ thuật và đời sống, giữa cái ồn ào và bình yên quyến rũ chết lặng. Đó là Phố Cổ, xa hơn chính là về mảnh đất Hội An.

Đèn lồng len lỏi trong từng căn nhà gỗ đậm chất văn hóa Trung Hoa

Đèn lồng trở thành nét văn hóa đặc trưng và đồng thời là món quà kỷ niệm với phố cổ không thể thiếu đối với khách đến Hội An. Trong tập hợp các nền văn hóa phương Đông ắt ai đó đã từng bắt gặp hình ảnh chiếc đèn lồng trong những khung cửa rêu phong, mái rợp ngang hiên nhà qua những thước phim Trung Hoa.

Việc đẩy cao họa tiết lồng đèn trong thiết kế Phố Cổ như gợi nhắc về một nền văn hóa thông thương sầm uất bậc nhất Đông Nam Á về xưa.

Thực chất, Hội An trước đây chính là một thương cảng bán buôn của sầm uất Đông Nam Á, nơi giao thương của các thương lái người Hoa, Nhật và Pháp…Bởi thế cho nên Phố Cổ còn đâu đó các quán miếu, đình đền ngôi nhà mang dấu tích của người Hoa.

Qua bàn tay đầy tính nghệ thuật tạo hình, tạo khối. Khán giả òa về một Hội An thu nhỏ trên chính bộ trang phục truyền thống mà ở đó từng ngõ ngách, mái hiên rêu phong man mác sầu niệm hoài cảm.

Ấy nhưng, đâu đó không ít quan niệm khi cho rằng, Phố Cổ vẫn chưa thật sự truyền thống Việt khi đâu đó vẫn pha trộn văn hóa Trung Hoa. Nhưng xét về góc độ văn hóa, cái nhìn xa hơn về một Việt Nam luôn hội nhập nhưng không hòa tan, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống đó là cách Hội An của ngày hôm nay hiện lên đầy uy nghi và kiêu hãnh. Tuy phải mang vác trọng trách với nhiều nền văn hóa Đông - Tây, nhưng Hội An không xáo trộn, chắp vá, mà rất thơ, rất mộc mạc và dung dị như chính con người Việt Nam, đó chẳng phải rất đỗi trân trọng về bản sắc hay sao?

Chùa Cầu kiến trúc Nhật Bản - không đơn thuần là một cây cầu nối 

Không chỉ đơn thuần là cây cầu nối như đúng nghĩa đen của nó, chùa Cầu còn là nơi để nối liền những miền văn hóa khác nhau, đó là sự giao thoa của Việt-Nhật-Hoa.

Chùa Cầu kiến trúc Nhật Bản nổi tiếng tại Hội An được hình tượng hóa trong tác phẩm mang hơi thở Việt.

Khi lên ý tưởng cho Phố Cổ, NTK Nguyễn Đình Thuận không quên mang cả chi tiết đắt giá này lên làm điểm nhấn chính cho bộ trang phục của mình.

Đến với Hội An lại bắt gặp Chùa Cầu, biểu tượng của sự cầu chúc bình an, mưa thuận gió hòa. Chùa Cầu đang chào đón biết bao du khách đến thăm quan, để cùng trải nghiệm, khám phá. Đó cũng chính là thông điệp về một Việt Nam dang tay chào đón du khách thập phương. Và hơn thế nữa, chùa Cầu linh thiêng mang trong mình lá bùa hộ mệnh sẽ cầu chúc cho H'Hen Nê thật tỏa sáng và may mắn nếu như mình là chủ nhân của Phố Cổ.

 Phố Cổ - như một cô thiếu nữ Việt rụt rè ngày ấy nay đã trở thành một phụ nữ đẹp bừng bừng nhựa sống.

Vẻ đẹp của thiết kế Phố Cổ xuyên qua nhiều nền văn hóa khác nhau, Phố Cổ còn mang bóng dáng như một người thiếu nữ yêu kiều trong bộ áo dài rất Việt Nam, đậm chất thơ thả dáng bên sông Thu Bồn. Dường như “nàng Phố Cổ” đang tái hiện lại vẻ đẹp thế hệ người con gái Việt Nam trong thời buổi hội nhập còn chút e dè nhưng rất đỗi văn minh và tự tin bản lĩnh.

Văn hóa Phương Đông xuyên qua linh hồn dân tộc Việt với bộ áo dài uy nghi và quyền lực.

Thông điệp mà Phố Cổ mang đến với bạn bè quốc tế, tuy mang trên mình hàng loạt vết tích của hỗn loạn, chiến tranh nhưng thật may mắn, vẻ đẹp hoài cổ chậm rãi như một đứa trẻ đang say giấc nồng không ai nỡ đánh thức của “nàng phố Cổ” vẫn chưa bị tàn phá. Đó cũng chính là sức nặng của tinh thần, tâm hồn và bản sắc của người Việt Nam, của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam muốn mang đến bạn bè thế giới.

Mang trong mình nhiều dòng máu khác nhau, thiết kế Phố Cổ không chỉ dừng lại ở việc là một bộ trang phục dân tộc đơn giản tái hiện về Hội An - di sản văn hóa thế giới mà còn thực hiện sứ mệnh chuyên chở thông điệp ca ngợi đất nước và con người Việt Nam luôn luôn kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống, làm giàu cho quê hương đất nước bên cạnh đó không ngừng học hỏi và vươn tầm thế giới đúng với tinh thần: “Vươn xa hương sắc Việt“.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Thao

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất