Giải Trí

Sỹ Hoàng: Góp ý Huyền My, để làm gì?

Ái Kỳ
Chia sẻ

Có hay không sự thật Huyền My đỏng đảnh, không “tốt đời đẹp đạo” ngoài đời, gây nhiều “hiềm khích”, khó chịu cho những người xung quanh, thì việc “trù dập” tơi tả một cô gái vừa thất bại trong giấc mơ đời mình, liệu có phải điều nên làm của một người lớn tử tế?

Bao nhiêu phần trăm trong một lời góp ý là để xây dựng cho người trong cuộc, bao nhiêu phần chỉ nhằm nâng tầm quan điểm và thỏa mãn cái tôi của bản thân?

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng - một thành viên trong ban giám khảo Miss Grand International 2017 đã có những nhận định thẳng thắn về sự thất bại của Huyền My tại đấu trường quốc tế này: “Tôi nhắc lại, cô ấy vào top 10 là cả sự ưu ái rồi chứ đáng lẽ là không được đâu.”, rằng “Lẽ ra không được giải thì ngay lập tức Huyền My phải trở về với vai trò của đại diện nước chủ nhà tới chúc mừng chứ. Chứng kiến cách hành xử của Huyền My, tôi và Giáng My đều cảm thấy rất xấu hổ cho cô ấy. Chúng tôi cứ hỏi tại sao Huyền My lại không đến chúc mừng hoa hậu”.

Có nhiều cách để góp ý cho một người trẻ, là người trong nghề, khó khăn gì đâu để nhà thiết kế gặp Huyền My mà răn dạy như con cháu trong nhà? Đằng này, người ta thiếu đi những gặp gỡ trực tiếp, lại tìm cách nói chuyện và gửi lời gián tiếp qua truyền thông, báo chí. Lên tiếng theo cách này, Sỹ Hoàng đang muốn góp ý cho Huyền My, hay để phơi bày những chỉ trích và thể hiện bản thân trước toàn thể thiên hạ?

Huyền My sai khi không “quản trị” được cảm xúc trước truyền thông quốc tế, nhưng người chỉ trích Huyền My - liệu có đúng khi chính họ cũng đang thể hiện sự tức giận, thất vọng trên mặt báo chí nước nhà? Khác nhau ở vai trò, và nơi chọn để… trút bầu tâm sự, chứ “gốc rễ” đều là kết quả của câu chuyện cảm xúc, của việc thất vọng vì đã từng-kỳ-vọng quá nhiều: Huyền My hụt hẫng vì kết quả không như mơ, Sỹ Hoàng ngỡ ngàng vì cách hành xử không xứng mặt đại diện nước chủ nhà.

Thế nhưng, không ai chọn cách “về nhà đóng cửa bảo nhau” mà nhất nhất đi gõ trống khua chiêng, đánh động cả dư luận lao vào phân tích, tranh cãi, bỉ bai, “trù dập” một cá nhân.

Vậy hóa ra, cái “sĩ diện” mà nhà thiết kế nói đến có vẻ mỏng manh quá?

“Đáng lẽ ra, với cương vị của một thí sinh nước chủ nhà, kể cả khi không lọt vào vòng trong thì cũng nên đường hoàng ra chúc mừng người đoạt giải như các thí sinh quốc tế. Đằng này cô ấy đứng như một đứa con nít khóc tức tưởi như bị xử ép, hình ảnh này đã đủ xấu mặt rồi.” - Ai khẳng định được lý do Huyền My khóc vì đâu? Đã có lời xác nhận trực tiếp nào từ người trong cuộc chưa? Sao vội suy diễn và phán xét rằng như này như nọ?

Trong khi thực tế, một cuộc thi nhan sắc, dù quy mô đến đâu, thì vẫn chỉ là một cuộc chơi của lĩnh vực giải trí - chưa bao giờ “đủ to tát” đến mức nâng tầm lên thành những chuyện vĩ mô như “mất mặt quốc gia”.

Ở cả hai vị trí đại diện nước chủ nhà: ba người Việt trong ban giám khảo và một thí sinh đi thi, dù khác nhau về chức năng - nhiệm vụ, nhưng đều công bằng như nhau về vai trò đóng góp sức mình vào cuộc thi. Ban giám khảo đến để chấm thi, không phải để phán xét và đưa ra những nhận định “bonus” hậu thi thố. Những lời góp ý trong cuộc thi là để thí sinh “chỉnh đốn” và hoàn thiện kịp thời cho mục tiêu cuối cùng, thế còn những điều tung ra hậu thi thố, là để làm gì?

Thí sinh đến để thi, để phạm sai sót, rồi “trả giá” cho sự thiếu cẩn trọng của mình và tự rút lấy những “bài học xương máu” không chỉ trong cuộc thi hay sự nghiệp, mà quan trọng hơn là cho chính cuộc đời mình. Chát đắng nhất trong chuyện này là Huyền My - khi đi từ một “đứa con cưng” được kỳ vọng, ưu ái, nay “ngã ngựa” thì không có lấy một lời đứng về hay nhẹ nhàng khuyên bảo. Huyền My sai, thiếu thấu đáo: còn đổ lỗi được cho tuổi trẻ, sự bồng bột. Nhưng những người lớn liên quan mà hành xử, nói năng không khéo, thì đổ lỗi vì đâu?

Với tất cả những cổ vũ nhiệt tình, và những dự đoán tích cực, dù đôi khi có phần “ảo tưởng sức mạnh”, Huyền My đã mong đợi một kết quả tốt hơn. Cô bật khóc vì điều gì thì riêng cô biết. Nếu ai cũng không biết rõ lý do, thì sao không chọn lấy một cách đánh giá nhẹ nhàng hơn, rằng: cô khóc vì thi rớt, thế thôi. Đến cả một việc nhỏ như thế mà người lớn không bao dung được, vẫn tiếp tục vẽ vời, suy diễn, thì làm sao dạy được gì cho đứa trẻ bài học về sự kiềm chế, bình tĩnh khi chính mình cũng đang hành xử thiếu khéo léo?

“Các cô hoa hậu kia hồn nhiên, chạy tới ôm hôn, chúc mừng tân Hoa hậu. Suy cho cùng ai chiến thắng thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ nặng nề trong năm tới và người đó xứng đáng. Họ hồn nhiên, còn Huyền My lại thể hiện sự ăn thua, quá kỳ vọng, quá thiếu lượng sức mình.” - Là người làm giải trí, lẽ nào không hay biết dưới ánh đèn sân khấu, bên cạnh ánh hào quang, còn là những “luật bất thành văn” mang tính chất hợp-thức-hóa, như: khi có người đăng quang thì những cô gái còn lại phải chạy lại ôm hôn và chúc mừng, dù trong lòng có thật sự vui hay không, thứ nhất là để chia sẻ theo phản xạ tự nhiên mà ai cũng được dạy trong hành xử thông thường, nhưng ai hồn nhiên thực sự, ai ăn thua, chỉ có chính họ thấu, làm gì đến lượt người ngoài nhận định được.

Huyền My sai khi không kiểm soát cảm xúc, vô tư để khoảnh khắc “phạm luật” lọt vào ống kính tranh cãi. Thế nhưng, đâu nhất thiết vì không “hồn nhiên, chạy tới ôm hôn, chúc mừng tân hoa hậu” mà bị “buộc tội” là “ăn thua, quá kỳ vọng, quá thiếu lượng sức mình”. Người nhận xét, liệu có quá chủ quan và khắt khe?

Một bộ phận dư luận cứ như những gã “người yêu xấu tính” - tình còn đẹp thì nồng nàn, ân ái, nhưng kết thúc không có hậu lại bắt đầu dở mặt mà chua cay, nghiệt ngã.

Cứ thêm một “cú nổ truyền thông”, là thêm một lần người ta trông thấy một đám đông hung hãn lao vào “xâu xé” một cá nhân. Đi thi, thể hiện không tốt, rớt, về - sự việc chỉ giản đơn như thế trong một cuộc chơi nhan sắc, nay được nâng tầm là việc ảnh hưởng đến “bộ mặt quốc gia”. Một thí sinh đi thi, không may gặp thất bại thì toàn bộ lỗi lầm trên đời đều do họ mà ra.

Cảnh tượng này khiến tác giả liên tưởng đến đội tuyển bóng đá trong những lần được tung hê lên mây khi đi nhưng lại về nước trong ghẻ lạnh của “sấp mặt gạch đá” - đến bao giờ, người với người mới bao dung được nhau lúc thất bại, “ngã ngựa”?

Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Thiết kế

Nguyễn Nghiêm - Hà Thu

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất