Giải Trí

Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam: 'Chọn bán dâm, nghĩa là tự tước bỏ tư cách làm nghề mẫu!'

Ái Kỳ
Chia sẻ

Saostar.vn có buổi nói chuyện với bà Thế Thanh - Phó Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam, xung quanh vụ việc bán dâm của giới người mẫu, nhằm có góc nhìn khách quan về nghề mẫu và những câu chuyện ồn ào liên quan đến thế giới “váy ngắn chân dài”.

Sàn catwalk hay sàn “rao giá xác thân”?

- Chào bà! Đây không phải là lần đầu tiên vụ án bán dâm trong giới người mẫu bị triệt phá, cảm nghĩ của bà như thế nào khi nghe những thông tin tiêu cực về nghề mẫu?

- Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là vừa buồn vừa giận. Bản thân nghề người mẫu là lương thiện, cần thiết và có ích cho xã hội. Buồn là vì nó bị một số người lợi dụng cho mục đích xấu, làm ảnh hưởng và tổn thương những người làm nghề chân chính. Giận là vì những người mẫu có hành vi xấu như thế mà ánh nhìn “một mất mười ngờ” của dư luận với giới người mẫu cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, “quơ đũa cả nắm” hơn.

- Trước những “con sâu làm rầu nồi canh”, bà nhận định sao khi dư luận cho rằng: nghề mẫu là nơi “định giá” chân dài cho các đại gia?

- Nghề mình đang làm là nghề lương thiện, kiếm sống bằng sức lao động của mình, vậy thì vì sao mình lại làm xấu đi, chấp nhận đánh đổi, trừ khi: mình vốn không xem đó là một cái nghề, mà chỉ là phương tiện để “tiếp thị” bản thân trước những cuộc “mua bán thân xác” với các đại gia, để kiếm tiền một cách nhanh nhất, nhiều nhất và bất chính nhất. Sàn diễn thời trang trở thành nơi phô diễn cơ thể “hợp lý”, để lọt vào mắt xanh của những người có tiền, thích cảm giác mới mẻ trong những cuộc tình chóng vánh với các chân dài.

Tôi lên án những “con sâu” này, dẫu vậy, tôi giữ vững niềm tin vào số đông người mẫu chân chính đến với nghề bằng ánh sáng tốt đẹp, với mong muốn đóng góp vào ngành thời trang nước nhà.

Bà Thế Thanh: “Giận là vì những người mẫu có hành vi xấu như thế mà ánh nhìn 'một mất mười ngờ' của dư luận với giới người mẫu cũng bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực, 'quơ đũa cả nắm' hơn”.

- Thưa bà, nghề mẫu đã được công nhận là nghề chính thức được cấp mã số nghề nghiệp ở Việt Nam chưa?

- Hội Người mẫu đã làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc cấp mã số nghề nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản. Tôi ví dụ, Hàn Quốc là nơi có đào tạo chính quy nghề người mẫu tại các trường đại học, cao đẳng, mỗi người nếu xem người mẫu là nghề có thu nhập của mình thì sẽ được cấp một mã số nghề nghiệp. Nhưng Việt Nam thì chưa có những cơ sở đào tạo chính quy như thế, vì chưa có bất kỳ giáo trình chính thức nào đào tạo người mẫu.

Vì vậy các tiêu chí của nghề nghiệp này cũng sẽ phải hội thảo, bàn bạc thêm, chưa đi đến công nhận, chưa thể cấp một mã số nghề nghiệp cho nghề người mẫu được. Nhưng người mẫu vẫn hoạt động dựa trên luật quy định về hoạt động biểu diễn thời trang.

- Hội Người mẫu Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển nghề mẫu?

- Nghề người mẫu chưa được công nhận chính thức, chưa có mã số nghề nghiệp là vì chưa có ngành nghề, giáo trình đào tạo chính quy. Vì vậy, cũng cần thiết có một tổ chức nghề nghiệp để bảo vệ, phát triển nghề. Đó là lý do Hội Người mẫu Việt Nam ra đời với sứ mệnh đi tìm một vị trí cho nghề mẫu, tìm một cơ sở giáo dục đào tạo và một sự bình đẳng cho nghề, cố gắng làm sao để mỗi một người bước vào nghề cảm thấy có niềm vui, và khi đạt được những thành tích trong và ngoài nước, thì được công nhận và trân trọng.

- Hội Người mẫu có những chế độ nào để quan tâm đến đời sống của người mẫu và bảo vệ họ khi cần?

- Không ai có thể bảo vệ họ bằng việc tự họ bảo vệ mình, tự ý thức tôn trọng bản thân để vượt qua mọi cám dỗ. Nhưng khi xảy ra sự việc, bên cạnh lên án những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức nghề, hội sẽ động viên, định hướng những người mẫu khác tiếp tục theo đuổi đam mê, giữ vững lập trường để xây dựng môi trường hoạt động nghề chuyên nghiệp, cạnh tranh và phát triển lành mạnh.

Bên cạnh đó, hội sẽ có tiếng nói với truyền thông và sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ cho những người mẫu chân chính khi họ rơi vào những sự việc bị vu khống trong các nghi án bán dâm.

“Đi nhanh thì phải trả giá!”

- Liệu sự nở rộ của các cuộc thi sắc đẹp có phải là nguyên nhân dẫn đến thực trạng “vàng thau lẫn lộn” của làng mẫu hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng không thể đổ lỗi hoàn cảnh, mà vẫn là do ý thức của mỗi người. Một số người mẫu có ngoại hình, năng khiếu trời cho, từng tham gia các cuộc thi - nhưng họ đạt danh hiệu không phục vụ mục tiêu củng cố nghề nghiệp, mà tôi cảm thấy họ tìm đến các cuộc thi là để tìm cơ hội tiếp cận giới nhà giàu, đại gia với ước mơ nhanh chóng đổi đời.

Từ sai lầm này đến sai lầm khác, đã không tôn trọng nghề nghiệp, lại còn lợi dụng danh xưng “người mẫu” để làm bàn đạp cho những mục tiêu sai trái.

- Thu nhập thực tế đang ở mức nào? Liệu thu nhập đó có đảm bảo mức sống để hạn chế những sa ngã của giới người mẫu?

- Thu nhập thì khó ấn định con số chính xác. Người mẫu cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau, vì thế mức thù lao cũng khác nhau. Tuy nhiên, như câu “liệu cơm gắp mắm”, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh để bao biện những sai lầm. Cám dỗ thì ngành nghề nào cũng có, tiền bạc thì ai cũng thích, nhưng quan trọng vẫn là nhân cách và ý chí của mỗi người để vượt qua những gọi mời của vật chất.

- Theo bà, môi trường hoạt động nghề tại Việt Nam đã đủ sôi nổi, màu mỡ cho các người mẫu trẻ nghiêm túc theo đuổi như một nghề nghiệp chính thức?

- Việt Nam ngày càng nhiều các chương trình thời trang lớn - nhỏ, dù chưa thể gọi là màu mỡ nhưng vẫn đủ cho những người đam mê nghề theo đuổi và kiếm sống. Còn với những ai nhân danh nghề để đánh bóng bản thân, làm những điều phi pháp thì nhất định phải nhận những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

- Bà có nghĩ chế tài của nước ta với các trường hợp này chỉ dừng lại ở mức “giơ cao đánh khẽ” khi mức phạt vài chục triệu chẳng “thấm” gì so với “thù lao” nghìn đô mỗi đêm?

- Đúng vậy! Nếu muốn triệt để, phải xem lại hình thức chế tài, nâng cao mức phạt mang tính răn đe mạnh mẽ hơn, để sự việc không tái diễn, nhưng quan trọng là tước đi danh hiệu, tẩy chay vĩnh viễn trên sàn diễn và các chương trình để ngăn chặn tạo tiền lệ cho thế hệ sau.

- Là những người xuất hiện nhiều trước công chúng, bà đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng tiêu cực của những sự việc này đến giới trẻ?

- Tôi tin giới trẻ hiện đại đủ thông minh, để chọn lọc thông tin, kiến thức tiếp nhận, chắc chắn sẽ nhận thức được đâu là tấm gương sáng để noi theo, đâu là người mình cần lên án, tránh xa.

Những người mẫu “dính chàm” cần phải chịu trách nhiệm với xã hội, với đồng nghiệp và cả giới trẻ vì những hệ lụy từ câu chuyện của mình. Pháp luật cần xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tăng tính răn đe. Ngoài ra các nhà tổ chức, quản lý cần có biện pháp tẩy chay những người mẫu vi phạm pháp luật, đạo đức nghề xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, để trong sạch hóa nghề mẫu và tạo ra môi trường làm nghề chuyên nghiệp.

- Cuối cùng, bà có gửi gắm gì đến giới trẻ, đặc biệt là những người muốn dấn thân vào nghề mẫu trước thực trạng ngỗn ngang như hiện nay?

- Là người đang tham gia tổ chức nghề nghiệp Hội Người mẫu Việt Nam, tôi rất tiếc cho những cô gái còn quá trẻ, vừa đạt được những thành công đầu tiên đã vội đánh mất tất cả chỉ để nhận lại những thị phi không lấy gì là vẻ vang. Tuy nhiên, tôi đồng ý những người đến với nghề không có nhận thức đúng đắn thì phải trả giá cho hành vi sai trái của mình. Không trả giá sớm thì muộn, đi nhanh thì phải chấp nhận gặp nguy hiểm. Tiền thì ai cũng cần, nhưng không thể bất chấp mọi giá. Mọi cách kiếm tiền bất chính đều nhanh và xấu, trong bất cứ ngành nghề nào không chỉ nghề mẫu, đều ảnh hưởng đến xã hội, đặc biệt là những người trẻ.

Sau tất cả, tôi vẫn tin xã hội này không chỉ có những người đi phá vỡ những niềm tin lương thiện, mà còn số đông người chân chính, theo đuổi nghề nghiệp với đam mê cháy bỏng. Đây cũng chính là những ngọn lửa truyền nhiệt huyết cho thế hệ người mẫu tiếp theo tỏa sáng và cống hiến hết mình.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Thiết kế

Ái Kỳ

Tin mới nhất