Giải Trí

Diễn vai đồng tính có gì để mất danh dự, nhục nhã?

Hiếu Hạnh - Lâm Vĩnh Thái
Chia sẻ

Những chia sẻ từ Trung Dũng quanh vai diễn đồng tính của anh đã thu hút không ít sự quan tâm. Trong đó, nhiều người ngạc nhiên khi nam diễn viên này bày tỏ bản thân phải chấp nhận mất chút danh dự để đóng nhân vật LGBT.

Trung Dũng là một trong những diễn viên quen mặt với khán giả truyền hình - đặc biệt ở khu vực phía Nam. Anh được biết đến qua loạt bộ phim như Người đàn bà yếu đuối, Niềm đau chôn giấu, Nữ cảnh sát tập sự, Dây leo hạnh phúc, Huyền sử thiên đô… Song song đó, nam diễn viên sinh năm 1973 còn đảm nhận vai trò MC trong chương trình Sức sống mới.

Những năm gần đây, bên cạnh các hoạt động như khán giả thường thấy, Trung Dũng cũng xuất hiện với vai trò đạo diễn. Trong đó, Lạc giới là phim điện ảnh do nam diễn viên 44 tuổi chịu trách nhiệm viết kịch bản, diễn xuất và chỉ đạo diễn xuất. Đây là tác phẩm Việt đầu tiên lấy đề tài lưỡng tính, đem đến cho công chúng mới cái nhìn mới lạ xoay dung chuyện tình yêu giữa nam-nữ, nam-nam.

Tuy nhiên mới đây, Trung Dũng bỗng khiến đồng nghiệp, truyền thông lẫn công chúng phải “Mắt chữ O miệng chữ A” trước những chia sẻ quanh bộ phim đã công chiếu gần 3 năm này.

Diễn viên Trung Dũng.

Phát ngôn giật tanh tách: Chấp nhận mất chút danh dự vì vai diễn đồng tính!

Trong một bài phỏng vấn gần đây, Trung Dũng cho biết nhiều năm về trước, anh có ý định làm phim nghệ thuật khi chứng kiến cuộc sống chăn nuôi đầy màu sắc của những vùng du mục ở Việt Nam.

Sau đó, một kịch bản thiên về tình cảm phụ nữ đã được anh viết nên. Tuy nhiên, qua trao đổi với đạo diễn Phi Tiến Sơn, đề tài tác phẩm được chuyển đổi thành tình cảm giữa hai người đàn ông, để phù hợp với thị trường và thu hút người xem.

Hình ảnh của Trung Dũng và Bình An trong phim Lạc giới.

Trung Dũng cho biết bản thân bỏ ra chẳng ít tâm huyết cho bộ phim Lạc giới. Theo đấy, có những hôm suy nghĩ đến mức 3 giờ sáng, anh phải bật dậy viết kịch bản - vừa nhập tâm viết, vừa lã chã nước mắt trên trang giấy.

Tưởng chừng tác phẩm điện ảnh này là niềm tự hào của Trung Dũng (chưa bàn đến hiệu ứng khán giả hay chất lượng phim thế nào) nhưng không, anh vừa thẳng thừng tuyên bố chắc nịch rằng bản thân sẽ không diễn thêm vai đồng tính nào nữa. Bởi lẽ, khi đóng xong, nam diễn viên không còn cảm xúc gì với kiểu nhân vật trong phim, đồng thời cũng chẳng mang sự luyến tiếc nào với những vai diễn như vậy.

Nói rõ hơn về nguyên nhân khiến anh “tắt lửa”, Trung Dũng chia sẻ: “Kể cả lúc quay phim cũng quá cùng cực, mình phải hy sinh mọi thứ, công sức và tiền bạc. Sau bộ phim cũng có nhiều tin đồn về việc tôi đồng tính. Nếu để thêm vài năm nữa, chắc tôi khó sống nổi với dư luận. Khi thai nghén ra một đứa con tinh thần, tôi rất tâm huyết và trông chờ, hy vọng vào nó. Vậy mà lại phải hứng chịu những tin đồn không hay, tôi rất buồn.

Đóng phim hay cũng là một cái tội. Mình nhập vai quá thì người ta lại nghĩ mình cũng giống nhân vật trong phim. Tôi đóng vai đồng tính nên họ cứ nghĩ tôi đồng tính. Tôi chấp nhận mất chút danh dự vì dù sao cũng là công sức mình bỏ ra”.

Trước phát ngôn thẳng thắn này từ Trung Dũng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên, thậm chí là bức xúc. Bởi họ chẳng thể ngờ anh lại nói về “đứa con tinh thần” của mình như thế - nhất là khi anh từng đảm nhận cùng lúc cả ba vai trò: viết kịch bản, diễn xuất và chỉ đạo diễn xuất.

Giới chuyên môn nghĩ gì?

Sau những tranh cãi, ý kiến trái chiều chưa có hồi kết xoay quanh phát ngôn trên, Saostar.vn đã liên hệ với một số đạo diễn tên tuổi trong làng điện ảnh Việt và họ cũng đưa ra không ít suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình.

Về phía đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - người “mát tay” với dòng phim thuộc đề tài đồng tính - khẳng định, diễn xuất là hóa thân vào nhân vật nên không có gì đáng để mất danh dự, việc xấu hổ về chính vai diễn mình từng đóng là điều khó hiểu và khó chấp nhận.

Anh bộc bạch: “Tôi thấy rằng bạn đấy có cái nhìn sai lệch. Tôi nghĩ đã là diễn viên, công việc là hóa thân vào nhân vật thì mình đóng bất kỳ vai nào cũng không mất danh dự - từ giết người, biến thái đến bệnh hoạn…

Bản thân bạn ấy đang có cái nhìn không đúng! Tại sao lại thấy xấu hổ khi bị xem là người đồng tính vì một vai diễn? Hơn nữa, đồng tính thì có gì đâu mà xấu hổ? Đó chỉ là một xu hướng tình dục thôi! Vấn đề ở đây là một người tự nhận bản thân viết kịch bản, tham gia diễn xuất nhưng đóng vai mà mình tự cảm thấy xấu hổ vì nó, cho rằng đã hạ danh dự để đóng vai đồng tính, hy sinh cho vai đó rồi bị xúc phạm… thì rất kỳ.

Tôi thấy, bản thân người đó rất kỳ thị đồng tính. Bởi lẽ, khi bạn đó trả lời như vậy thì bản thân đã kỳ thị người đồng tính rồi! Tôi thấy một người có suy nghĩ như vậy mà đi làm phim đồng tính và đóng vai như thế rất kỳ. Bạn ấy hoàn toàn hiểu sai và không đúng về cụm từ đồng tính. Nếu bây giờ người ta có phong trào tự hào đồng tính thì bạn ấy lại hoàn toàn có cái nhìn lệch lạc, thiển cận, khó chấp nhận… Tôi không hiểu sao đến bây giờ vẫn còn một diễn viên, một người làm nghệ thuật lại có cái nhìn về đồng tính và vai diễn đồng tính như vậy”.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Ngoài ra, đạo diễn Hot boy nổi loạn cũng không khỏi băn khoăn rằng: “Bạn ấy kỳ thị đồng tính, nghĩ đó là một điều bị sỉ nhục mà bạn đó làm phim về đề tài đó thì tôi cũng không thể hiểu nổi. Hay bạn đó chỉ làm để kiếm lợi, kiếm danh hay kiếm gì đó từ bộ phim này”.

“Tôi nhớ bạn này từng tự nhận mình bị lưỡng tính, song sau đó lại khẳng định không phải và nói như thể chỉ vì muốn PR cho bộ phim mà bản thân làm thôi. Tôi thấy đó là một người tầm thường, chỉ vì PR mà có thể làm bất kỳ chuyện gì. Đối với tôi, đây là một diễn viên tầm thường và bản thân coi thường” - anh chốt lại.

Trong khi đó, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp không bận quá nhiều đến phát ngôn trên. Chị chỉ thông qua kinh nghiệm và hiểu biết từ bản thân để nói về những được mất của người diễn viên khi đảm nhận vai diễn một cách nhẹ nhàng.

Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ sự phân biệt, suy nghĩ cẩn trọng trước khi nhận vai là điều cần có của mỗi diễn viên thực thụ. Có điều, sự phân biệt và suy nghĩ đó nó phải được soi chiếu dưới góc nhìn và cảm xúc đúng. Khoảng 2003 - 2004, mình vào Sài Gòn làm một phim tài liệu ngắn cho truyền hình về những người đồng tính, chuyển giới. Đó là lần đầu tiên mình được gặp, nói chuyện, bám theo và ngồi lắng nghe họ trải lòng…

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Mình đã yêu quý họ đến mức, ngay lập tức quyết định rằng nhất định phải có một nhân vật LGBT trong phim truyện đầu tay. Đó là lý do vì sao có Linh trong 'Đập cánh giữa không trung' sau này. Ở vai trò đạo diễn, tôi rất cảm ơn Thanh Duy vì bạn ấy đã hóa thân tuyệt vời cho vai diễn, khiến Linh trở thành nhân vật luôn được khán giả yêu quý nhất tại mọi Liên hoan phim quốc tế mà 'Đập cánh giữa không trung' đã… bay qua! Nhưng tôi nói thật nhé (dù ngại khi nói vậy lại khiến người khác nghĩ, như là tôi tự khen phim mình): vai đó là vai rất hay và rất khó, đó là cơ hội đối với bất cứ diễn viên nào, tôi chắc chắn đấy.

Tất nhiên không phải vì sự nhạy cảm về giới tính, nhưng cũng không thể nói rằng, nó không liên quan đến bản dạng giới tính không phổ thông này! Kể với bạn vậy thôi, nhưng tôi thích nhìn điện ảnh như một nơi đủ rộng rãi để dung nạp mọi điều, và ai nghĩ rằng mình mất một chút danh dự vì điện ảnh… biết nói sao! Có lẽ họ đã nhầm lẫn, nhầm về bản thân họ, hoặc nhầm về thứ họ tưởng là điện ảnh!”.

Riêng danh hài Minh Nhí - người thầy của bao lớp nghệ sĩ, người có thâm niên trong nghề và vừa có vai diễn đồng tính để lại ấn tượng đẹp trong bộ phim điện ảnh Xóm trọ 3D dù xin phép không đưa ra nhận xét về phát ngôn gây tranh cãi trên, nhưng anh nhấn mạnh trong suốt hàng chục năm làm nghề, bản thân chưa bao giờ kỳ thị ai và xem tất cả bình đẳng như nhau. Ở mỗi vai diễn nhận lời tham gia diễn xuất, nam nghệ sĩ này luôn cố gắng thể hiện thật tốt và trân trọng từng nhân vật.

Vai diễn đồng tính vốn… không có tội

Có thể thấy, đồng tính từng là đề tài nhạy cảm bởi sự khép kín của xã hội nhưng những năm gần đây, thế giới đã cởi mở hơn về tự do trong xu hướng giới tính và nó cũng dần nhận được sự ủng hộ ở nhiều quốc gia.

Trong đó, điện ảnh là phương tiện truyền tải không ít thông điệp ý nghĩa, nhân văn quanh chủ đề này. Và các diễn viên khi hóa thân vào tuyến nhân vật LGBT cũng phải đủ thực lực mới có thể thành công được.

Với vai diễn trong Lạc giới, Trung Dũng đã vượt qua nhiều cái tên khác để chiến thắng giải Nam diễn viên chính xuất sắc ở hạng mục Phim truyện điện ảnh tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2014. Tưởng chừng, đây sẽ là cột mốc khiến anh tự hào, hãnh diện nhưng rồi lại bị xem là… một “nỗi nhục”.

Rõ ràng, bản thân vai diễn không có tội! Đúng - sai, được - mất vốn dĩ nằm ở suy nghĩ của mỗi người. Bởi lẽ, chỉ khi một diễn viên hóa thân tròn vai, khán giả mới có những đánh giá như vậy. Hơn nữa, dù có đồng tính thật thì nào có sai trái, đó là xu hướng giới tính được nhiều người công nhận. Điện ảnh chỉ là phương thức lột tả tính chất thật của nó mà thôi.

Lạc giới đã lột tả về cuộc đời, số phận, tình yêu với cả nước mắt lẫn tiếng cười. Nếu nhân vật của Trung Dũng mang đến cái nhìn cảm thông cho thế giới LGBT thì thiết nghĩ trước khán giả, anh nên là người đồng cảm với nỗi khổ từ nhân vật mình vẽ nên và đảm nhận. Thay vì cảm thấy xấu hổ hay tụt giảm danh dự.

Cảm xúc là điều đáng được trân trọng! Anh từng rơi nước mắt lúc 3 giờ sáng vì nhân vật mình tạo ra thì việc nói rằng “dạng vai đó nó không mang nhiều cảm xúc cho bản thân” quả thật là điều mâu thuẫn, khó hiểu.

Có thể, với những thay đổi trong cuộc sống gia đình và suốt gần 3 năm nghe phản hồi quanh vai diễn, anh đã thấm mệt về thứ mà bản thân dùng nước mắt lẫn tâm hồn thể hiện để rồi phát ngôn gây sốc đến thế. Hay đó chỉ là cái kết chua chát sau bức màn nhung - “mượn” đề tài đồng tính nhằm mưu cầu điều gì đó?!

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng nói: “Cuộc sống vốn dĩ luôn tồn tại nhiều sự khác biệt. Muốn hay không muốn, thích hay không thích thì bạn cũng phải chấp nhận thực tế đó. Vậy tại sao tôi lại phải né tránh vấn đề đồng tính trên phim ảnh? Có quá nhiều những miêu tả châm biếm, giễu cợt, hài hước về người đồng tính thì tôi sẽ đặt họ ở 1 đối cực khác trong các phim của mình: giản dị, chân thành và công bằng hơn”.

Với tầng ý nghĩa chung này, nhiều nghệ sĩ đã hóa thân thành công vào những tuyến nhân vật chuyển giới, đồng tính để đem đến cái nhìn thiện cảm cho khán giả như NSƯT Hữu Châu trong Lô tô, nghệ sĩ Minh Nhí và dàn diễn viên trẻ ở Xóm trọ 3D, hay MC Thanh Tú và người mẫu Vũ Tuấn Việt trong Cầu vồng không sắc… Tất cả đã bỏ công sức, mồ hôi, nước mắt để làm tròn vai diễn dẫu họ biết chắc sẽ có lời ra tiếng vào, chỉ trích nặng nhẹ.

Hoàng Cảnh Du và Hứa Ngụy Châu là hai diễn viên trẻ của màn ảnh Hoa ngữ, từng nổi lên với những cảnh quay táo bạo về tình yêu đồng tính trong web drama Thượng ẩn. Cư dân mạng cũng đàm tiếu chẳng ít về mối quan hệ của cả hai. Thế nhưng, Hoàng Cảnh Du chỉ đơn giản đáp lời: “Tôi là trai thẳng, thế là đủ”. Giờ đây, cả hai đã có bạn gái cho riêng mình và tin đồn đồng tính của họ cũng dần chìm vào quên lãng.

Hình ảnh của Hoàng Cảnh Du và Hứa Ngụy Châu trong phim Thượng ẩn.

Ngoài tuyến nhân vật đồng tính, nhiều nghệ sĩ từng bị “cộp mác” với hình tượng nhân vật mà mình thủ vai. Điển hình như NSND Lan Hương - người rất thành công với vai bà Phương trong Sống chung với mẹ chồng. Kể từ lúc phim lên sóng cho đến khi kết thúc bộ phim, không ít những phản hồi của khán giả cũng như hàng xóm xung quanh đã liên tiếp gửi đến bà, cuộc sống từ đó cũng chịu ít nhiều tác động.

Bởi bao đời nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thường để lại tiếng dữ nhiều hơn lành, bà đã nhận nhiều bình luận như “không nghĩ cô lại ghê gớm thế”, “cô đừng ghê gớm thế nhé”. Hay cuốn theo hiệu ứng của bộ phim, hàng trăm clip cắt ghép trích dẫn về lời thoại lẫn hình ảnh xấu xí của người mẹ chồng khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Từ đó, cái bóng mẹ chồng quá quắt cứ thế bám theo NSND Lan Hương mỗi khi người ta thấy mặt bà.

NSND Lan Hương và vai diễn “để đời” trong Sống chung với mẹ chồng.

Cũng có thể nói xa hơn về trường hợp của minh tinh Hoa ngữ Phạm Băng Băng, dù đã là gương mặt của loạt nhãn hàng thời trang thượng lưu, giám khảo quyền lực LHP Cannes, nhưng khi nhắc đến tên cô, người ta vẫn thường nghĩ ngay về nàng Kim Tỏa - dù đẹp nhưng chỉ là một nha đầu, a hoàn theo hầu hạ người khác.

Thậm chí, sau gần 2 thập kỷ Hoàn Châu cách cách công chiếu, công chúng vẫn đặt lên bàn cân so sánh đẳng cấp công chúa - nô tỳ giữa Lâm Tâm Như, Triệu Vy với Phạm Băng Băng. Không những vậy, có chẳng ít đồng nghiệp, những người ghét bỏ Phạm gia từng giễu cợt vai diễn đầu đời này của cô. Song, nữ minh tinh vẫn mạnh mẽ và chứng tỏ quyền lực của mình trong thế giới nghệ sĩ đầy tính cạnh tranh.

Nữ diễn viên Phạm Băng Băng.

Hay nói về nhân vật độc ác Dung Ma Ma của diễn viên Lý Minh Khải, đó không chỉ là một vai diễn mà còn là một cái bóng theo bà suốt cuộc đời. Bà từng bị tài xế taxi từ chối khi thấy mặt, bị người đời chỉ trỏ khi xuất hiện nơi công cộng.

Nhưng cũng giống như NSND Lan Hương, bà nói rằng, đó là sự thành công của chính mình mà không phải là bản chất của bản thân. Mặc dù chịu nhiều tác động, bà vẫn mãn nguyện vì vai diễn ấn tượng này. Để rồi, tài xế taxi năm ấy cũng đã xin lỗi bà vì họ quá ám ảnh nhân vật Dung Ma Ma, những người xung quanh khi tiếp xúc với bà cũng nhận ra đó là một người phụ nữ hiền từ, thiện lương.

Nữ diễn viên Lý Minh Khải.

Đấy là những ví dụ điển hình về việc được - mất của một vai diễn, thiết nghĩ những người làm nghệ thuật đều hiểu rõ mặt trái của nghề mình đã chọn. Trong một cuộc phỏng vấn, Phạm Băng Băng từng nói: “Nếu bạn không thể chịu áp lực từ tin đồn, bạn đừng làm nghệ sĩ, nghề này không phù hợp với những người dễ bị tổn thương”.

Thế nên, làm diễn viên là định sẵn phải mạnh mẽ với chính mình. Đây là nghề phải lột tả mọi cung bậc cảm xúc, tuy nhiên bên cạnh việc sống với nhân vật thì sống cuộc đời cho riêng mình càng quan trọng hơn.

Chia sẻ

Bài viết

Hiếu Hạnh - Lâm Vĩnh Thái

Tin mới nhất