Giải Trí

Bạn chịu được miệt thị, còn Đức Phúc thì… không!

Ái Kỳ
Chia sẻ

Trong bài phỏng vấn gần đây, nhà văn Mèo Xù có nêu quan điểm gây xôn xao rằng cô chấp nhận bị miệt thị vì xấu xí và bác bỏ cách Đức Phúc đã làm. Vậy, đâu mới là đáp án xác đáng?

Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người mỗi cuộc đời, nên cách đối diện và xử trí cũng khác nhau. Riêng về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ: nên hay không, cũng như bao vấn đề xã hội khác, đều chẳng thể “chốt” một đáp án đúng - sai. Tuy nhiên, đáp án tương đối nhất: chính là sự hài lòng của người trong cuộc.

Ai mà không cần được hạnh phúc!

Bỏ qua mọi chuẩn mực, tất cả những gì mỗi người phấn đấu trong cuộc sống đều là để bản thân thấy hài lòng, hạnh phúc. Nhưng, mưu cầu hài lòng và chuẩn mực hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Vì thế, đúng với người này có thể sai với người khác và ngược lại. Sẽ thật vô ích nếu lao vào tranh cãi một vấn đề mà ngay từ đầu, đã luôn tồn tại khách quan hai mặt.

Không dựa vào ý chí chủ quan của ai, không cần ai cho phép thì phẫu thuật thẩm mỹ - vốn đã là con dao hai lưỡi, mang đến sắc đẹp và cả những rủi ro, mang đến sự tự tin đồng thời kèm theo những biến chứng mà bất kỳ ai dấn thân đều đã biết phải không ngừng “bảo dưỡng”, đem đến sự hài lòng đi cùng với đau đớn. Sau khi cân nhắc mọi thiệt - hơn, chúng ta, chỉ là một người chơi: đi đến để đưa ra lựa chọn làm hay không, chứ không có quyền đặt luật trong ván cược cuộc đời này.

Đây là một ván cược rất công bằng cho tất cả. Bạn có quyền lựa chọn tự nguyện mà không ai ép uổng. Nếu bạn chọn chấp nhận vẻ ngoài hiện tại, mời về. Nếu bạn muốn thay đổi, mời vào. Sẽ thật vô duyên nếu bạn cho rằng: xã hội là “kẻ” đã ép bạn! Và thật kỳ quặc nếu bảo rằng: ai lựa chọn khác bạn, đều sai, đều “thiếu cá tính” hay chỉ là những “con rối”.

Theo một góc nhìn khác, nếu bạn tin lựa chọn giữ lại “nguyên bản” của mình là đúng đắn hoàn toàn, vậy thì tại sao bạn lại phải-giải-thích? Chẳng phải sự thật luôn là thứ-ở-đó, chỉ có những điều chưa quang minh thì mới cần lý lẽ? Khi bạn lên tiếng, thứ bạn đang muốn bảo vệ là gì: là chia sẻ hay chỉ đơn thuần để… nâng tầm bản thân?

Đời đơn giản khi chúng ta đơn giản. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ, cũng được nhìn nhận như bao lựa chọn khác trong cuộc sống, thì chỉ cần chốt xong: làm hay không, thì mọi thứ đã ngã ngũ. Chỉ đến khi người ta lao vào xâu xé, phân tích, để bàn ra tán vào và nhân danh “cá tính”, thì mọi vấn đề mới thành ra phức tạp.

Hơn nữa, như câu “không bữa ăn nào là miễn phí trên đời”, ai cũng phải “trả giá” cho những lựa chọn của mình: không phẫu thuật thì lựa chọn tiếp tục nghe những đàm tiếu xung quanh, còn phẫu thuật là lựa chọn để mình tự tin hơn, hoặc đơn giản là: dẹp bớt bận tâm không đáng có trước những chỉ trích, mà có thời gian và tâm sức cho công việc và cuộc sống.

Vì thế, khi lựa chọn khác nhau, thì vốn đã là những kẻ đi trên những đường thẳng song song, làm sao phán xét xác đáng được?

Mình viên mãn với lựa chọn của mình, người khác hài lòng với lựa chọn của họ. Ai nấy đều khác nhau, và tất cả đều có-quyền-hạnh-phúc!

Bạn chịu được miệt thị, còn Đức Phúc thì… không!

Đơn giản là vì ta-khác-nhau.

Người ta đọc một quyển sách, đánh giá hay - dở qua câu chữ, thậm chí nhiều nhà văn ẩn danh - độc giả chưa từng biết đến mặt mũi, lai lịch, vẫn có thể được yêu thích điên cuồng: là vì họ yêu chữ, sợi dây gắn kết giữa tác giả và độc giả là qua trang sách. Còn sợi dây gắn kết giữa nghệ sĩ và khán giả, là trên sân khấu - dưới ánh đèn, mọi thứ đều cần được chỉn chu nhất có thể, từ ngoại hình cho đến “nội dung” của người nghệ sĩ.

Và khán giả thì “tàn nhẫn” hơn độc giả, sẵn sàng bác bỏ mọi sản phẩm, thờ ơ mọi cố gắng nếu người nghệ sĩ không đẹp. Nếu nghệ thuật trong sách là sàn diễn độc tôn của câu chữ, thì nghệ thuật trên sân khấu không chỉ là chất lượng tác phẩm, mà còn là bản thân người nghệ sĩ. Người ca sĩ không thể… bịt mặt để hát, nghệ thuật biểu diễn là nghệ thuật truyền đạt cảm xúc qua bài hát và khả năng giao lưu, kết nối với khán giả.

Vấn đề là ở đó, thành thật với nhau đi: giữa sân khấu tráng lệ đấy, bạn muốn bắt tay một chàng ca sĩ “soái ca” đẹp như tranh, hay là muốn ôm hôn một anh chàng cục mịch, xấu xí?

Đức Phúc từng như thế - cậu quán quân có giọng hát hay, nhưng vẫn bị khước từ bởi khán giả. Dễ hiểu, trong đường đua mà mọi chuẩn mực về tài năng đều bằng nhau hoặc được “phù phép” cho có-vẻ-tương-xứng, ai có ngoại hình - người đó chiếm ưu thế. Khỏi bàn cãi, vì đây là bản chất của làng giải trí. Đẹp, đẹp nữa, đẹp mãi.

Bạn xấu và bạn không chọn cách Đức Phúc đã làm - đó là… việc của bạn. Bạn chấp nhận được miệt thị, Đức Phúc thì không. Việc nghe những lời miệt thị đó giúp bạn đủ mạnh mẽ, bản lĩnh để đương đầu và khẳng định bản thân, đó là thành công của bạn. Việc dẹp bỏ những chỉ trích về ngoại hình, để hợp lý hóa mọi cố gắng và đường đường chính chính được ủng hộ về mọi mặt, đó là nhu-cầu-xác-đáng của Đức Phúc - chàng ca sĩ trẻ, đang dấn thân vào một showbiz khốc liệt mà mất tập trung một phút là có thể trượt ra khỏi “đường ray”.

Hơn nữa, Đức Phúc còn rất trẻ, liệu chúng ta - những “người lớn nửa vời” - vào thời điểm bằng tuổi cậu ấy mà phải đứng giữa dư luận cứ chăm chăm chặn ta trước cửa nhà - chụp choẹt những khoảnh khắc thật xấu để bêu lên báo, chúng ta có hành động khác đi? Có dám chắc chưa một lần khóc ngất hay tuyệt vọng vì những lời thị phi của người dưng nước lã?

Khi bão tố đi qua, ai nấy đều tự cấp cho mình một “bằng khen” về lòng dũng cảm: điều này là nhu cầu khẳng định bản thân bình thường. Nhưng sẽ thật bất thường và không trọn vẹn, nếu dùng ống kính của những kẻ-đã-lớn để áp lên câu chuyện của một chàng trai còn-đang-trẻ, còn đang loay hoay giữa muôn vàn lựa chọn và đối diện với trăm thể loại thị phi.

Cuối cùng, Đức Phúc có lựa chọn riêng của cậu ấy, hạnh phúc hay không: mình cậu thấu rõ nhất, thành công hay không: hãy để thời gian trả lời.

Đừng can thiệp thô bạo vào câu chuyện bằng những lý lẽ cay độc mà suy cho cùng, chúng ta - cũng chỉ là người qua đường!

Một số chia sẻ của nhà văn Mèo Xù trong bài phỏng vấn có tiêu đề “Tôi chấp nhận miệt thị vì xấu xí nhưng không chọn cách Đức Phúc đã làm!”:

“Cũng là một người bị ném đá vì xấu xí, cũng bị hàng ngàn comment thóa mạ chế giễu mình xấu. Nhưng tôi đã không chọn như cách mà Phúc đã làm… Tôi không chọn phẫu thuật thẩm mỹ để vượt qua với dư luận. Vì tôi không muốn ép bản thân mình phải thay đổi chỉ vì những lời chế giễu mỉa mai ngoài kia của dư luận.

Tôi không muốn biến mình trở thành con rối. Để chạy theo dư luận, tôi không muốn thay đổi bản thân mình. Chỉ vì có ai đó chê bai mình xấu quá. Tôi đã học cách chấp nhận rằng mình rất xấu xí. Nhưng mà xấu xí thì có làm sao không? Tôi có trí tuệ, có kiến thức, có sức khỏe. Vậy thì bất kể, tôi xấu hay tôi đẹp, tôi cũng có giá trị của mình. Tôi nghĩ như vậy và đã sống theo cách của mình.

Tôi không bỏ rơi mình vào trong những lời miệt thị hả hê của dư luận. Tôi đứng dậy bảo vệ mình. Bằng công việc, bằng những thành quả lao động của mình. Tôi tự hỏi, trong số những kẻ chế giễu tôi xấu kia. Chắc gì có bao nhiêu người sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo? Và những kẻ đẹp hơn mình ấy? Có bao nhiều người đã tạo ra giá trị tích cực cho gia đình, cho xã hội?

Đức Phúc có lẽ đã không nghĩ như tôi. Đức Phúc đã bị những mỉa mai, những công kích ngoài kia nhấn chìm em. Đức Phúc khi đứng trên sân khấu hát vẫn còn run, còn sợ những ánh mắt như cú vọ ở dưới đang nhìn em.

Tôi vẫn còn nhớ hai năm trước em nói, em quyết tâm sẽ không phẫu thuật thẩm mỹ. Em muốn mọi người biết đến em bằng giọng hát và tài năng thật sự của em. Nhưng hai năm sau, em đã đầu hàng. Những comment chê bai nhan sắc của em vẫn đầy rẫy trên mạng. Buộc em phải tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi bản thân mình”.

undefined
Chia sẻ

Bài viết

Ái Kỳ

Thiết kế

Thu Pi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất