Ơn giời cậu đây rồi, Hội ngộ danh hài, Cười xuyên Việt, Siêu hài nhí, Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Làng hài mở hội, Cặp đôi hài hước… có giai đoạn bất cứ khi nào bật tivi, khán giả đều trông thấy những chương trình hài kịch phủ sóng tất cả kênh, đặc biệt là khung giờ vàng. Dường như, những cuộc thi thố, đối đáp trên truyền hình lúc bấy giờ là “món đặc sản” khắp mọi nhà. Thế nhưng, được một khoảng thời gian, đẩy lên đỉnh điểm thì khán giả bắt đầu… ngán, bởi những “mảng miếng” lặp lại ở các chương trình, những tên tuổi “cầm trịch” như Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương… xuất hiện dày đặc, các thí sinh nhẵn mặt “chạy show” thi thố giữa các cuộc thi và quan trọng là tiếng cười được “buôn” quá dễ dãi của dàn host.
Cụm từ “hài nhảm” xuất hiện, dấy lên tranh cãi không ngừng về việc có nên tiết chế những chương trình truyền hình hài kịch hay không. Đặc biệt, sau hàng loạt những sự cố vạ miệng trên sóng của loạt nghệ sĩ đình đám trong những “mảng miếng” bị đẩy “quá lố”, thiếu kiểm soát câu chữ, cảm xúc.
Nổi bật nhất là tên Trấn Thành, khi anh liên tục “dính phốt” trên sóng truyền hình: từ scandal “ăn thua đủ” với đàn anh trên ghế nóng, nói sai từ gây hiểu lầm, đùa quá trớn và đỉnh điểm là phát ngôn “Nếu khán giả cảm thấy hài nhảm, hãy tắt tivi.” khiến anh bị hạn chế lên sóng một thời gian.
Từ “con cưng showbiz”, danh hài trở thành “cái gai” trong mắt nhiều khán giả vì sự “ngông cuồng” của một người trẻ bị thành công “nuốt chửng”. Kéo theo đó là những chương trình cũng bắt đầu nhạt nhòa, tự đào thải sau quá trình “giãy chết” trước sự cả thèm chóng chán của thị hiếu khán giả.
“Hài nhảm” xoay quanh tên tuổi này, thì “nước mắt” cũng từ tên Trấn Thành ra. Không phải đến Sau ánh hào quang mới thấy hình ảnh nam MC giàn giụa nước mắt, mà trong suốt những cuộc thi anh làm MC hay ngồi ghế nóng trước đó, cũng không ít lần Trấn Thành khiến khán giả ngao ngán trước sự mít ướt của mình. Anh chàng đa cảm không ngại thể hiện mặt yếu đuối của mình trên sóng truyền hình: sự thẳng thắn, sống đúng cảm xúc của Trấn Thành lại đôi lần “quá đà” đối với người tiếp nhận.
Trở lại với show Sau ánh hào quang, Chuyện tối nay với Thành, người ta thấy một Trấn Thành rất mới: tiết chế ngôn từ, hình ảnh và điềm đạm hơn. Trấn Thành… bớt khóc, nước mắt chủ yếu lại đến rất nhiều từ… khách mời. Đặc thù của các câu chuyện đời, chuyện nghề luôn là những góc khuất với đầy khó khăn, thử thách. Vì thế, không tránh khỏi những yếu lòng, rơi nước mắt. Thế nhưng, các số liên tiếp với đầy rẫy những câu chuyện buồn và hình ảnh các nghệ sĩ bật khóc khiến chương trình trở nên nặng nề. Trong đó, một số phát ngôn một chiều của các nhân vật cũng khiến những người liên quan phải lao đao và dư luận bắt đầu “xông vào” để mổ xẻ, phân tích.
Chưa một số nào lên sóng mà Sau ánh hào quang không để lại tranh cãi, và những ồn ào này cũng không ít hơn, bớt gắt gao hơn so với phản ứng của khán giả với “hài nhảm”.
Khán giả luôn khó tính và cả thèm chóng chán. Những chương trình truyền hình, đặc biệt là tương tác trực tiếp như talkshow, gameshow đòi hỏi phải luôn sáng tạo, mới mẻ. Tuy nhiên, các “gia vị” - dù là hài hước hay kịch tính, dù vui vẻ hay đầy tự sự, đều phải được “nêm nếm” vừa vặn.
Bây giờ, khán giả rất tinh tường: họ phát hiện ra ngay những tình tiết “drama” cố ý, không dễ dãi “hùa theo” nghệ sĩ và sẵn sàng phản bác để đòi hỏi một chương trình “sạch”, “chất”, đáp ứng được nhu cầu giải trí văn minh. Khán giả còn phản hồi - dù là khen hay chê, thì vẫn thể hiện sự quan tâm. Điều đó bảo chứng cho một chương trình tồn tại, và tiếp tục hoàn thiện hơn trong những số phát sóng tiếp theo.