Hà Nội có phải là “miền gái đẹp”?
Chắc chắn là không, bởi xưa nay nếu có nhắc đến “miền gái đẹp” nào đó của Việt Nam thì chỉ có nhiều lắm là hai địa danh. Một là “Chè Thái - gái Tuyên”. Câu này thì quen quá rồi, ai cũng biết gái Tuyên Quang đẹp nức tiếng. Tiêu biểu là “mỹ nhân không tuổi” Thủy Hương đó thôi.
Ở “cụm địa danh” thứ hai thì đó là “Miền Tây” chỉ chung chung. Cũng từ mảnh đất này sản sinh ra một nhan sắc đẹp nhất nhìn thời phong kiến Việt cận đại, đó là Hoàng hậu Nam Phương ( quê Tiền Giang). Bên cạnh đó còn phải kể tới Thái hậu Từ Dụ (dân đọc sai thành Từ Dũ) tuy không còn nhiều hình ảnh lưu lại nhưng tương truyền bà cũng là một “tuyệt sắc giai nhân” của đất Tiền Giang. Hoặc như bộ phim “Người đẹp Tây Đô” cũng nằm trong loạt “tài liệu” nói về vẻ đẹp nổi bật của con gái Miền Tây.
Trong độ mười năm trở lại đây, Hải Phòng cũng nổi lên như một địa danh có nhiều nhan sắc đáng chú ý trên toàn quốc. Điều này cũng đã được nhiều bài báo khai thác về chuyện những người con gái đất Cảng đã và đang chiến thắng tại các cuộc thi nhan sắc từ nhỏ tới lớn nhất cả nước. Nhưng cái tên như Kim Oanh (Hoa khôi Thể thao), Mai Phương, Nguyễn Thị Huyền, Phạm Hương và nhiều nữa được kể ra như một minh chứng thành phố cảng nhỏ bé phía Bắc này đang là nơi “nhan sắc tụ hợp”. Nếu lấy các cuộc thi nhan sắc làm thước đo thì hẳn nhiên điều đó là không sai.
Hà Nội đi vào văn thơ nhạc hoạ nhiều. Những giai nhân của đất này cũng không ít nhưng thường không được nhắc đến một cách chi tiết. Có lẽ cũng chỉ ở Hà Thành mới có câu chuyện về “Tứ đại mỹ nhân” gồm: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy. Đó là những thiếu nữ có nhan sắc và nổi tiếng đến nỗi từng làm mê đắm biết bao trái tim của các quý ông học hàm, học vị cao, công tử hào hoa, văn nhân - ký giả đa tình. Hình ảnh về “Tứ đại mỹ nhân” này cho đến này tìm kiếm vẫn còn nhưng thực sự không nhiều và chỉ những ai thực sự quan tâm mới biết đến những người đẹp đa đoan đất cố đô Thăng Long.
Mặc dù, Hà Nội vẫn được nhắc nhiều bởi tư/ tố chất nhiều hơn, tiêu biểu như câu thơ về hoa Nhài mà mọi người vẫn biết. Thế nhưng, qua những biến động, làn sóng di cư và nhập cư, dân Hà Nội không còn nhiều mặn mà với câu thơ tụng ca xưa. Đó như một điều gì đó hoài cổ. Vậy nhưng, để gọi Hà Nội là một “miền gái đẹp” hoặc “thành phố nhan sắc” thì e rằng chưa có bất cứ cơ quan ngôn luận hoặc tài liệu nào khẳng định điều đó, dù ai cũng biết nhan sắc thiếu nữ đất này luôn không thiếu.
Cho đến đây thì bài viết vẫn chưa rõ ràng vì sao cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phải đổi tên đúng không thưa các bạn đọc? Rất rõ ràng, câu hỏi và câu trả lời cho câu hỏi đó sẽ xuất hiện dưới đây.
Hoa hậu Việt Nam hay “Người đẹp Hà Nội mở rộng”?
Một cách rất có cứ liệu lịch sử được ghi chép cẩn thận để khẳng định rằng, nếu lấy cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - cuộc thi nhan sắc lớn và lâu đời nhất nước - để làm tiêu chí xét duyệt nhan sắc từng vùng miền thì không có thành phố, mảnh đất nào nhiều Hoa hậu như Hà Nội.
Theo Wikipedia định nghĩa thì: “Hoa hậu Việt Nam (tên Tiếng Anh: Miss Vietnam) là cuộc thi sắc đẹp quốc gia có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào năm 1988. Đây cũng là cuộc thi hoa hậu đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Cuộc thi do Báo Tiền Phong khởi xướng, sáng lập và là đơn vị tổ chức truyền thống. Theo thường lệ, cuộc thi cứ hai năm lại tổ chức một lần, đối tượng tham dự là tất cả các thiếu nữ trên toàn Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện ghi trong Thể lệ dự thi. Với tư cách cuộc thi hoa hậu quốc gia lớn và quan trọng, Hoa hậu Việt Nam đăng quang là ứng cử viên được lựa chọn để đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới. Các người đẹp khác lọt vào vòng chung kết cuộc thi hoa hậu Việt Nam cũng là những ứng cử viên có chất lượng cho các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.”
Tất nhiên định nghĩa này đã sai, nếu tính ở thời điểm hiện tại, bởi thí sinh từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã không còn được quyền đi thi quốc tế từ khi cuộc thi Miss World Viet Nam - Hoa khôi Áo dài - ra đời (năm 2014), còn tính từ thời điểm 2014 trở về trước thì định nghĩa này không sai.
Vậy hãy thử liệt kê xem nhan sắc Hà Nội đứng đâu trong “bản đồ nhan sắc” Việt Nam thông qua “công cụ đo lường” là HHVN nhé!
Hoa hậu đầu tiên 1988 - Bùi Bích Phương - quê quán: Hà Nội
Hoa hậu thứ hai 1990 - Diệu Hoa - quê quán: Hà Nội.
Hoa hậu thứ ba 1992 - Hà Kiều Anh - quê quán: Hà Nội
Hoa hậu thứ tư 1994 - Thu Thuỷ - quê quán: Hà Nội.
Và chỉ đến lần thứ 5 tổ chức thì cuộc thi HHVN mới tìm được một Hoa hậu không đến từ Hà Nội, đó là Hoa hậu Thiên Nga - quê quán: TP. HCM. Sau ba kỳ “sinh sống” tại mảnh đất miền Nam với ngôi vị năm 1998 thuộc về Hoa hậu Ngọc Khánh - quê quán: TP. HCM và Phan Thu Ngân - quê quán: Đồng Nai thì đến năm 2002 chiếc vương miện quý giá đã quay trở lại đất Bắc, nhưng điểm đến lại thành phố Hoa phượng đỏ chứ không phải đất “ngàn năm văn hiến”. Cũng từ đây, nhan sắc đất Cảng “lên hương” với sự đăng quang của Mai Phương năm 2002 và Nguyễn Thị Huyền năm 2004.
Tròn 1 thập kỉ “lang thang đi chơi”, chiếc quyền trượng của nhan sắc Việt đã quay lại với đất Hà Thành cùng sự đăng quang thuyết phục của Mai Phương Thuý. Thế nhưng, cũng chỉ hai năm sau, đất Đà Thành chính thức “lên tiếng” khi Thuỳ Dung lên ngôi mặc dù vướng lùm xùm học vấn. Đó là năm 2008. Hai năm sau, tức là nhân dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long, danh hiệu cao quý của nhan sắc Việt được trao cho Ngọc Hân - một người con của đất Hà Thành - trong những dị nghị, trái chiều nhưng theo thời gian, “Hoa hậu đại lễ” cũng đã đẹp hơn rất nhiều so với thời điểm đăng quang.
Sau Ngọc Hân, “thần tiên tỷ tỷ” đất Bạc Liêu vẫn thường được mọi người tụng ca là “Hoa hậu của các Hoa hậu” Đặng Thu Thảo lên ngôi thuyết phục và cho đến thời điểm này cô vẫn là Hoa hậu có tỉ lệ vàng trên khuôn mặt. Có vẻ như sau một thập kỉ đầu tiên “bền vững” tại đất Hà Thành, chiếc vương miện nhan sắc thích “chu du” nhiều hơn là cố định, bằng chứng là từ Bạc Liêu bay “một lèo” đến đất Nam Định để tôn vinh cô gái có tên trùng với MC hải ngoại: Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Và mới nhất, đêm qua, Đỗ Mỹ Linh được xướng danh là “Đương kim Hoa hậu Việt Nam” lại là một mỹ nhân Hà Nội.
Vậy, tổng kết qua 15 kỳ tổ chức thì chiếc vương miện đã ưu ái cho đất Hà Thành đến 7 lần - gần bằng 1/2 tổng số vương miện được trao. Quá thuyết phục để nói cuộc thi HHVN nên đổi tên chứ nhỉ? Nếu như ai đó nói vẫn chư thuyết phục thì có lẽ con số sau đây sẽ nói tiếp: 10/ 30 danh hiệu Á hậu được trao cho các cô gái Hà Nội trong đó 6/10 là Á Hậu 1 - gọi vui là “Hoa hậu hụt” đó. Chưa hết, trong số 2 thí sinh còn lại của top 5 qua các kì tổ chức, Hà Nội cũng chiếm hết 10/28 thí sinh (năm đầu tiên không có top 5).
Nói có sách mách có chứng một cách cụ thể và rảnh rẽ như thế này thì thật khó mà ai có thể “cãi” được sự “áp đảo” của nhan sắc đất Hà Thành. Nếu còn ai đó chưa “phục” thì thêm con số này nữa: Ngô Phương Lan - Hoa hậu Thế giới người Việt đầu tiên 2007 - cho đến nay vẫn là một trong số ít Hoa hậu được đánh giá cao cả về nhan sắc và trí thức, cao hơn hẳn và ít lùm xùm hơn người kế nhiệm 2010. Cô gái này cũng đến từ Hà Nội.
Tổng kết vui vậy để chào mừng Tân Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng như nhắc nhớ mọi người rằng Hà Nội cũng nên liệt kê vào danh sách “những miền gái đẹp”. Và nếu có gọi Hà Nội là “Venezuena của Việt Nam” chắc cũng không sai!
Còn tên cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chắc không cần phải đổi đâu, chỉ là một cách nói vui về các người đẹp Hà Thành đăng quang trước nay thôi. Bởi, cho dù cô gái vùng miền nào đăng quang, thì đó cũng chính là những mỹ nữ đại diện cho nhan sắc Việt Nam.