Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Cùng mang bệnh trầm cảm như Sulli, Thái Trinh chia sẻ: 'Đừng đợi thiên hạ, hãy tự cứu lấy mình'

Thái Trinh đã có những chia sẻ về căn bệnh trầm cảm nguy hiểm này cũng như cách vượt qua nó cho mọi người.

Hôm qua, thông tin nữ diễn viên/ca sĩ Sulli đột ngột qua đời khiến làng giải trí châu Á rúng động, để lại sự thương tiếc khôn nguôi cho đồng nghiệp và người hâm mộ. Cùng chia sẻ nỗi đau mất mát này, mới đây, nữ ca sĩ Thái Trinh đã chia sẻ về căn bệnh trầm cảm mà chính mình cũng đang mắc phải: “Lại thêm một người bạn chiến binh chống trầm cảm ra đi. Cùng ở trong cuộc chiến không hồi kết đó, tôi không nói được gì nhiều ngoài việc mong bạn hãy thanh thản. Còn cuộc chiến này, chúng tôi và bao người trẻ khác chưa biết được sự thật phũ phàng họ đã rơi vào hố vôi này từ lâu, vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu, dù ngay từ đầu tôi đã nói rằng, cuộc chiến này là không hồi kết“.

Chia sẻ những thông tin về căn bệnh trầm cảm cũng như việc đề cập đến việc bệnh nhân tự tử theo số liệu thống kê của WHO, Thái Trinh thẳng thắn: “Trầm cảm đáng sợ như vậy, nhưng ta chỉ biết sợ khi người mình từng thóa mạ chế giễu tự sát“.

Chưa dừng lại ở đó, nữ ca sĩ tiếp tục chỉ ra những hành vi vô cảm khiến nỗi đau và áp lực tinh thần của những người trầm cảm càng tăng cao. Cô chua xót bộc bạch: “Khi ta mở trang báo đầu ngày và bàng hoàng nghe tin họ đã tự giải thoát, theo lẽ phàm và tâm lí “ta luôn thấu đáo hơn người”, ta lại trách họ bồng bột. Nghĩ đến đây tôi lại tự cười. Cười cho số phận những người sinh ra phải mắc trầm cảm. Rõ ràng, khác những căn bệnh khác, trầm cảm không ai thương“.

Là một người chung sống và chống chọi mỗi ngày cùng căn bệnh trầm cảm, Thái Trinh hiện đã có những biểu hiện khởi sắc trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên thông qua câu chuyện đáng buồn của Sulli, cô cho hay bản thân cảm thấy cần lên tiếng với những người xung quanh: “Nếu mắc bệnh trầm cảm, hãy tự cứu lấy mình“.

Cụ thể, cô khuyên mọi người đầu tiên đừng lạm dụng thuốc, tập cho mình một lối sống lành mạnh, thay đổi lối sống tích cực hơn, đọc nhiều sách,… Thái Trinh liệt kê rất nhiều hoạt động để giúp những người bệnh trầm cảm có thể như cô, từng bước cân bằng cuộc sống của mình. Quan trọng nhất, cô khắng định: “Đừng đợi thiên hạ, hãy tự cứu lấy mình“.

Nguyên văn chia sẻ của Thái Trinh:

“Lại thêm một người bạn chiến binh chống trầm cảm ra đi. Cùng ở trong cuộc chiến không hồi kết đó, tôi không nói được gì nhiều ngoài việc mong bạn hãy thanh thản. Còn cuộc chiến này, chúng tôi và bao người trẻ khác chưa biết được sự thật phũ phàng họ đã rơi vào hố vôi này từ lâu, vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu, dù ngay từ đầu tôi đã nói rằng, cuộc chiến này là không hồi kết.

Không hồi kết? Người mắc trầm cảm lần đầu tỉ lệ 50% sẽ tái phát. Lần thứ hai là 70%. Nếu trầm cảm quay lại lần thứ ba, 90% trong số họ sẽ tiếp tục mắc đi mắc lại trầm cảm đến theo chu kì. Khi bạn đọc đến đây là 40 giây đã trôi qua, đâu đó trên thế giới đã thêm một người tự tử theo số liệu của WHO. Khi bạn đọc tới cuối bài này, sẽ có thêm một đến hai người tự kết liễu cuộc sống.

Trầm cảm đáng sợ như vậy, nhưng ta chỉ biết sợ khi người mình từng thóa mạ chế giễu tự sát. Khi người từng tìm đến ta cầu cứu sự quan tâm hay cần sự chia sẻ về bệnh nhưng rất khó nhận về thái độ thấu hiểu đúng mức cho bệnh, giờ ra đi đột ngột. Hay khi một người cần được sống đúng với cảm xúc của mình, dù là đau khổ tột cùng hay hạnh phúc vô bờ, thì vì sự tự cho mình quyền “dạy dỗ” của thiên hạ và cũng vì tính chất công việc của chính họ, thủ tướng hay một nghệ sĩ,… họ phải gói ghém những xúc cảm rất đỗi con người đó vào trong. Họ cần phải trưng ra bộ mặt “được cho phép”. Khi ta mở trang báo đầu ngày và bàng hoàng nghe tin họ đã tự giải thoát, theo lẽ phàm và tâm lí “ta luôn thấu đáo hơn người”, ta lại trách họ bồng bột. Nghĩ đến đây tôi lại tự cười. Cười cho số phận những người sinh ra phải mắc trầm cảm. Rõ ràng, khác những căn bệnh khác, trầm cảm không ai thương.

40 giây nữa vừa trôi qua.

Thời gian vẫn cứ trôi, riêng tôi tự thấy mình may mắn đã kiên nhẫn vượt qua từng đợt bão của nó, để bây giờ khỏe mạnh và tự do hơn rất nhiều. Nhưng qua câu chuyện của Sulli, tôi không thể làm gì khác hơn ngoài việc tự ý thức cứu chữa mình đúng lúc và lên tiếng vì những đồng đội quanh tôi, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, các khán giả của tôi: nếu có mắc trầm cảm, hãy tự cứu lấy mình. Đợi thiên hạ có cái nhìn đúng cho mình nhưng song song đó không làm gì lại để bản thân chết dần chết mòn thì rõ ràng là chọn ngõ cụt mà đi. Đừng lạm dụng thuốc, vì thuốc chỉ làm tăng serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng mà não người trầm cảm không tự tiết ra được như người thường) và thay đổi các hoạt chất hóa học trong não. Còn bề chìm là tâm trí và thói quen suy nghĩ, khi chưa được thay đổi thì uống thuốc cứ như tát nước biển Đông. Cứu mình bằng thiền tập, bằng yoga, bằng trái cây rau củ chứa nhiều vitamin B, E, gắn mình với thiên nhiên, hoạt động thể thao cật lực, như tôi thì chọn marathon, đôi khi là marathon đường núi. Không gò ép hay giấu giếm cảm xúc, để nó trải qua các giai đoạn tự nhiên. Nhất quyết kéo bản thân thoát khỏi những mối quan hệ độc hại và tiêu cực. Đọc nhiều sách, nghe nhiều triết lí sống từ nhiều nguồn thông thái để thay đổi thói quen suy nghĩ và thế giới quan, như tôi thì chọn Phật pháp. Hãy tập cho não mình học lại cách tiết ra serotonin tự nhiên. Và khi cần lên tiếng, phải biết lên tiếng để bảo vệ chính mình.

Đừng đợi thiên hạ, hãy tự cứu lấy mình”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Di Lâm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Đoàn Văn Hậu