Áp lực thành tích, ấm ức vì bị xem “con nhà người ta”
Là một trong số những trường hợp đặc biệt tại Thiếu niên nói 2020, cô bạn Đan Quỳnh được xem là thủ khoa đầu vào trường THPT Gia Định với điểm số vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, Đan Quỳnh luôn cảm thấy áp lực và bị ám ảnh khi bị xem là “con nhà người ta”. Trên bục dũng khí, với những lời nói đầy “sức nặng”, cô bạn đã giúp cho các bậc phụ huynh nhìn nhận rõ hơn về nỗi áp lực vô hình từ điểm số mà học sinh đang phải gánh chịu.
Đan Quỳnh luôn cảm thấy áp lực và bị ám ảnh khi bị xem là “con nhà người ta”.
Sự kì vọng quá cao của ba mẹ trong việc học hành đã tạo nên một nỗi áp lực khủng khiếp đối với cậu bé Ngọc Minh. Để ba mẹ có thể hạnh phúc và tự hào về mình, Ngọc Minh đã luôn cố gắng học hành, không làm bất kì điều gì sai hay có lỗi. Tuy nhiên, điều ấy đã vô tình biến thành một áp lực rất lớn đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của một học sinh lớp 6. Hãy thương con mình bằng sự thấu hiểu và chia sẻ, đừng nên bó buộc, áp đặt chúng theo khuôn khổ mà cha mẹ đặt ra.
Ngọc Minh gặp áp lực trong chuyện học hành.
Thời đi học nên có ít nhất một người bạn thân
“Ấm ức” vì bị xem như một “nhà sách mini” nhưng cô bạn Thúy Anh vẫn thầm cảm ơn ông trời vì đã ban cho một đứa “bạn cùng bàn” vô cùng quý giá. Màn “tấu hài” cực mạnh của Thúy Anh và cô bạn thân đã khiến nhiều người không nhịn được cười. Thế nhưng, đằng sau sự trách hờn vu vơ ấy, Thúy Anh đã cho mọi người hiểu được giá trị tình bạn thật sự là như thế nào.
Thúy Anh kể tội “bạn cùng bàn”.
Giây phút hai cô bé Bảo Nghi và Phương Linh cùng nhau chia sẻ câu chuyện cảm động về tình bạn của mình đã khiến cho mọi người hết lòng ngưỡng mộ. Cũng giống như Thúy An, vừa bước lên bục dũng khí Bảo Nghi đã “tố cáo” cô bạn thường xuyên không mang dụng cụ học tập nên phải mượn mình. Thế nhưng chính nhờ những lần như thế, cả hai lại càng thân thiết với nhau hơn. Việc chuyển trường của Phương Linh chắc chắn sẽ để lại nỗi buồn rất lớn đối với Bảo Nghi nhưng đã là tình bạn đẹp thì dù khoảng cách có bao xa vẫn rất đáng trân trọng và nhớ mãi.
Bảo Nghi tố Phương Linh thường xuyên không mang dụng cụ học tập.
Biết tin Phương Linh chuyển trường, Bảo Nghi bật khóc nức nở.
Tôn trọng ngoại hình của người khác như cách bạn nghĩ về những người thân yêu
Câu chuyện của chàng trai Đăng Khoa khi sở hữu một bờ “mông lép” và bị bạn bè trêu ghẹo đã trở thành một dấu ấn khó quên tại Thiếu niên nói 2020. Mặc dù hiểu được đó chỉ là sự đùa giỡn của các bạn trong lớp, không hề có ác ý nhưng Đăng Khoa cảm thấy rất tổn thương và khó chịu.
Đăng Khoa cảm thấy rất tổn thương và khó chịu khi bị bạn bè ghẹo chọc về ngoại hình.
Từng là nạn nhân, là chuẩn mực của “body shaming”, cô bạn Yến Nhi liên tục bị bạn bè chê bai suốt 4 năm cấp 2. Nhớ lại thời điểm thường xuyên bị miệt thị về ngoại hình lẫn phong cách ăn mặc: “Sao mày đen thế? Sao mày béo thế?”, cô bạn đã không kiềm được nước mắt. Sau thời gian chịu áp lực tâm lý, Yến Nhi dần nhận ra năng lực của bản thân, không chỉ học tốt, cô bé còn hay giúp đỡ người khác. Điều đó khiến cô học sinh lớp 10 trở nên tự tin và dần bỏ qua những lời chê bai.
Yến Nhi liên tục bị bạn bè miệt thị về ngoại hình lẫn phong cách ăn mặc.
Tấm lòng bao dung của thầy cô dành cho dàn học trò nghịch ngợm
Khoảnh khắc cô bé Hà Trang bước lên bục dũng khí để bày tỏ lòng biết ơn của mình dành cho cô Ngọc – giáo viên chủ nhiệm lớp đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem. Khi đạt được nguyện vọng đậu vào trường cấp 3, Hà Trang bắt đầu sa đà khiến thành tích học tập giảm sút và suýt nữa thì bị đuổi khỏi lớp. Thấu hiểu hoàn cảnh và tâm lý của học trò, cô Ngọc đã đứng ra bảo vệ và xin cho Hà Trang một cơ hội được ở lại với lớp để thay đổi bản thân. Cô bé đã xúc động nhận ra lỗi lầm và hiểu được hành động từ trước đến nay của cô Ngọc chỉ vì muốn tốt cho mình.
Hà Trang bày tỏ lòng biết ơn của mình dành cho cô Ngọc – giáo viên chủ nhiệm lớp.
Khó có thể quên giây phút cô bé Cẩm Tiên thay mặt cả lớp đọc tâm thư xin lỗi cô giáo chủ nhiệm trên bục dũng khí Thiếu niên nói 2020. Nhớ lại thời điểm cả lớp liên tục làm những điều khiến cô chủ nhiệm buồn như để nhiều học sinh bị ghi tên lên sổ đầu bài kéo hạng lớp xuống thấp. Mặc dù từng rất nóng giận nhưng sau khi lấy lại bình tĩnh, cô đã khẳng định rằng: “Nếu bỏ cuộc thì tôi thua rồi”. Thế nên, cô tiếp tục gắn bó với học trò cho đến khi lắng nghe được tâm thư hối lỗi của các em.
Cẩm Tiên thay mặt cả lớp đọc tâm thư xin lỗi cô giáo chủ nhiệm.
Hãy để chúng con sống cuộc đời riêng của riêng mình
Tố Vy thật bản lĩnh khi mượn câu chuyện tình cảm với bạn cùng giới để nói với mẹ về con người thật của mình. Chưa từng Come Out với mẹ nhưng Tố Vy đã luôn cố gắng đề cập đến câu chuyện của các bạn trong cộng đồng nhằm thăm dò ý kiến nhưng kết quả nhận được đều là câu trả lời tiêu cực. Tuy nhiên sau khi bước lên bục dũng khí, chia sẻ hết tâm tư của mình thì mẹ cô bé đã hiểu và chấp nhận: “Dù con có thế nào thì mẹ vẫn thương con”.
Tố Vy come out với mẹ về con người thật của mình.
Cha mẹ sinh con trời sinh tính, đâu phải ai cũng được quyền lựa chọn giới tính cho mình. Để có thể sống thật, cậu bé Hồng Phúc đã quyết định “come out” và mong nhận được sự thấu hiểu từ gia đình. Không có sự xuất hiện của người thân, Hồng Phúc một mình bày tỏ tâm tư trên bục dũng khí. Đã có rất nhiều lần cậu và ba của mình xảy ra xung đột, có phản ứng gay gắt khi bản thân đề cập đến giới tính. Thế nhưng, Hồng Phúc không trách móc mà xem đó là động lực để cậu cố gắng đạt được thành công và khiến cho ba tự hào.
Hồng Phúc đã quyết định “come out” và mong nhận được sự thấu hiểu từ gia đình.
Đứng trên bục dũng khí, không có điều gì hạnh phúc hơn bằng việc được nói ra hết những tâm tư, tình cảm của chính mình. Hy vọng sau 15 tập phát sóng, Thiếu niên nói 2020 sẽ giúp bạn có được những bài học ý nghĩa, tạo nên cuộc sống giàu năng lượng hơn.