Vì sao phải dùng bánh chưng, bánh giày dâng lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Câu hỏi tưởng dễ nhưng không phải ai cũng biết đáp án

Tiểu Anh
Chia sẻ

Từ thời dựng nước, bánh chưng, bánh giầy luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt, là lễ vật không thể thiếu để dâng lên vua Hùng mỗi dịp giỗ Tổ 10/3 Âm lịch.

Bánh chưng, bánh giày được chế biến từ lúa nếp thơm có từ thời các Vua Hùng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hai lễ vật này đã gắn với câu chuyện huyền thoại về lòng hiếu thảo của chàng hoàng tử Lang Liêu - thời các vua Hùng dựng nước.

Theo sự tích, bánh chưng, bánh dày có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân. Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mời hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Hai mươi vị hoàng tử đua nhau dâng sơn hào hải vị, ngọc ngà châu báu lên vua cha, chỉ riêng chàng Lang Liêu - hoàng tử út được thần báo mộng đã dâng vua đôi cặp bánh vuông tròn khiêm nhường, giản dị. Nhưng thật không ngờ, hai thức bánh thô sơ bình thường ấy lại được vua cha trầm trồ khen ngợi. Lang Liêu thật thà kể lại chuyện được thần chỉ dẫn cho cách làm bánh. Nghe thế, vua cha biết rằng trời đã muốn giúp mình chọn được thái tử tài ba, đức hạnh, thay mình trị vì. Hùng Vương tuyên bố truyền ngôi cho Lang Liêu.

Hai loại bánh được Lang Liêu dâng lên được đặt tên là bánh giày và bánh chưng, lần lượt tượng trưng cho trời và đất. Đây cũng là hai thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Bánh chưng tượng trưng cho đất.

Bánh chưng thì hình vuông, tượng trưng cho đất, theo quan niệm bình dân: Trời tròn đất vuông. Bánh giầy tượng trưng cho cho cha, cho rồng, cho sức mạnh… thì bánh chưng tượng trưng cho mẹ, cho Âu Cơ, cho vẻ đẹp mỹ miều của Tiên.

Bánh giày tượng trưng cho Trời, hình tròn, nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Màu trắng nõn. Có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưói. Mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời. Trong xã hội Việt Nam thời xưa, bánh giầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế Trời và tế Thần.

Theo dân gian, bánh chưng vuông, màu xanh tượng trưng cho đất là âm. Bánh dày tròn, màu trắng tượng trưng trời là dương. Cặp bánh thể hiện cho triết lý âm - dương. Hay bánh chưng là âm tượng trưng cho mẹ, bánh dày là dương tương xứng với cha. Vì thế bánh chưng, bánh dày được dùng để cúng tổ tiên, trời đất thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, biết ơn sâu sắc tới các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Bánh giày hình tròn tượng trưng cho trời.

Sự vuông - tròn của 2 thứ bánh này nói lên biết bao sự tốt đẹp, gắn bó, thủy chung của tình nghĩa vợ chồng, đạo lý làm con nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Cứ vào tháng ba âm lịch, thời khắc đẹp đẽ nhất trong năm, khi trời đất giao hòa, con cháu lại nô nức hướng về đất tổ với tấm lòng thành kính nhất dâng lên 2 loại bánh truyền thống này.

Việc dâng bánh chưng “khủng” lên Vua Hùng không có trong truyền thống văn hóa - lễ hội của nước ta. Ngày xưa cha ông dâng cúng tổ tiên bằng những loại bánh trái có hình dạng, kích thước bình thường. Thế nhưng, vì lòng thành kính muốn làm nên một vật phẩm như vậy để dâng lên trong ngày giỗ Tổ.

Chia sẻ

Bài viết

Tiểu Anh

Tin mới nhất