Người Sài Gòn cũng chưa chắc biết hết tất cả các loại hủ tiếu có ở đây

Theo Trí Thức Trẻ
Chia sẻ

Ở Sài Gòn, hủ tiếu là một món ăn rất đỗi quen thuộc bởi bạn có thể tìm thấy một quán hủ tiếu hay xe đẩy trên bất kỳ con đường nào. Thế nhưng chính xác thì ở Sài Gòn có bao nhiêu loại hủ tiếu nhỉ?

Trong số các món ăn, hủ tiếu hẳn phải là một món khiến người ta “đau đầu” vì sự đa dạng của nó, bởi vì cho dù sợi bánh hay cách nấu nước dùng khác nhau hoàn toàn thì có khi nó vẫn được gọi là hủ tiếu đấy.

Giờ thì hãy cùng chúng tôi khám phá các loại hủ tiếu nổi tiếng đáng để thử nhất của Sài Gòn ngay bây giờ bạn nhé!

Hủ tiếu Nam Vang

Nam Vang là tên Hán Việt của Phnom Penh - thủ đô nước Campuchia. Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập vào Sài Gòn đã được người dân chế biến lại cho phù hợp với khẩu vị địa phương, song vẫn không thể thay đổi cách nấu nước lèo công phu đặc trưng. Người ta sẽ hầm xương ống cùng mực và tôm khô ở lửa nhỏ rồi phải liên tục vớt bọt để có một nồi nước dùng trong veo mang vị ngọt thanh đặc trưng của hủ tiếu.

Thịt bằm, tôm và trứng cút là ba thứ nhất định phải có trong tô hủ tiếu Nam Vang, còn lại thì có thể thêm vài món như lòng lợn, tim, thịt nạc…

Một số địa chỉ hủ tiếu Nam Vang ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- 84 Hồ Thị Kỷ, phường 14, Quận 10 (5h - 12h).

- 93 Huỳnh Mẫn Đạt, phường 7, Quận 5 (6h - 12h).

Hủ tiếu gõ

“Gõ” không phải là chỉ món hủ tiếu mà để chỉ phương thức rất đặc biệt do người dân Nam Bộ đã nghĩ ra để bán loại hủ tiếu này. Thường xuất hiện trong các con phố, con hẻm nhỏ vào tầm độ xế chiều hoặc rạng sáng hay thậm chí nửa đêm, những thời điểm mà người ta còn chưa đi làm, đi học… Người bán sẽ có một “nhân viên” dạo vòng quanh các con đường cầm theo một bộ dụng cụ gõ nghe “cốc cốc”. Đó là tiếng gõ rất đặc trưng mà ai nghe cũng sẽ hiểu, thực khách nào muốn gọi món chỉ việc ló đầu ra dặn dò, rồi chỉ trong chốc lát, tô hủ tiếu thơm ngon còn nóng hổi sẽ được bưng đến tận nhà.

Đây có thể coi như một nét văn hoá mà chỉ có ở các thành phố và tỉnh vùng Nam Bộ mới có. Hủ tiếu gõ thường có giá khá rẻ, thường bán các món hủ tiếu miền Nam như hủ tiếu Mỹ Tho hay hủ tiếu Sa Đéc và được bán bằng các xe đẩy nhỏ.

Đây là một số địa chỉ hủ tiếu gõ khá lâu năm ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- 154/56 Phạm Văn Hai, P. 3, Quận Tân Bình, TP. HCM (15h - 21h).

- 18 Lý Thái Tổ, phường 2, Quận 3 (17h - 22h).

Hủ tiếu Mỹ Tho

Đây có vẻ là món hủ tiếu khó tìm được “bản gốc” ở Sài Gòn nhất, do tính chất dai đặc trưng của sợi hủ tiếu chỉ có thể được làm nên từ loại gạo Gò Cát nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang. Đây cũng chính là điểm đặc biệt mà không loại hủ tiếu nào có: sợi bánh dù đã chần qua nước sôi vẫn giữ được độ dai.

Đặc điểm nhận dạng của loại hủ tiếu này không chỉ nằm ở sợi hủ tiếu dai và trong mà còn nằm ở gia vị đặc trưng được thêm vào là tỏi phi. Hủ tiếu Mỹ Tho thường được ăn kèm với các loại nguyên liệu phổ biến như thịt nạc, lòng heo, tim heo, giá, hẹ và nước dùng xương heo.

Một số địa chỉ hủ tiếu Mỹ Tho ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- 62 Tôn Thất Thiệp, P. Bến Nghé, Quận 1 (6h - 15h).

- 476 Lê Quang Định, P. 11, Quận Bình Thạnh (6h30 - 13h | 16h - 22h).

Hủ tiếu Sa Đéc

Với cách nấu nước dùng hầm xương cơ bản cùng các loại nguyên liệu như thịt nạc, tôm, lòng heo thì bánh hủ tiếu là thứ duy nhất để phân biệt hủ tiếu Sa Đéc với các món hủ tiếu còn lại. Hủ tiếu Sa Đéc được sinh ra ở một trong những khu vực trồng lúa nước nổi tiếng, gạo từ những thửa ruộng ở Đồng Tháp Mười chính là nguyên liệu để cho ra đời sợi bánh hủ tiếu vừa mềm vừa dai và hơi giòn. Sợi hủ tiếu Sa Đéc to hơn so với loại khác và có màu trắng đục như bún vậy. Món này thường được ăn kèm với các loại rau cần tây, hẹ, giá hoặc xà lách.

Một số địa chỉ hủ tiếu Sa Đéc ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- 280 Bùi Đình Túy, P. 12, Quận Bình Thạnh (9h - 21h)

- Gần Cuối đường Bình Lợi, P. 13, Quận Bình Thạnh (7h - 10h30)

Hủ tiếu sa tế

Từ xa đã ngửi thấy mùi hương thơm nồng, món hủ tiếu sa tế có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa từ lâu đã trở nên nổi tiếng với người dân Sài thành. Với nước lèo màu đỏ cam bắt mắt, món hủ tiếu này không cần nói cũng chắc chắn nằm trong danh sách yêu thích của người chuộng ăn cay.

Hủ tiếu sa tế không chỉ đặc biệt ở vị cay nồng của sa tế và lá quế, mà còn vì nước dùng công phu với hơn 20 loại gia vị và thuốc bắc như đại hồi, tiểu hồi, quế, gừng, hành tím… Hủ tiếu sa tế thường được ăn với thịt bò, đậu phộng và đôi khi là quả khế cùng các loại rau như giá, ngò tây…

Một số địa chỉ hủ tiếu Sa Tế ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- Hủ tiếu Ông Lễ: 78/7 An Dương Vương, Quận 5 (10h - 21h).

- Hủ tiếu sa tế Nai: 192 Vạn Kiếp, P. 3, Quận Bình Thạnh (7h30 - 10h | 17h - 21h).

Hủ tiếu Hồ

Đặc biệt nhất trong danh sách này phải kể đến hủ tiếu Hồ, một món được xem như “hiếm có khó tìm”, ngay cả là ở Sài Gòn. Về cái tên, có hai luồng ý kiến khác nhau: một cho rằng “hồ” ở đây ý tả nước lèo hơi sền sệt như súp do thêm bột năng, phe còn lại thì nghĩ “hồ” ở đây là chỉ tỉnh Hồ Nam ở Trung Quốc.

Điểm đặc biệt của hủ tiếu Hồ là không dùng thịt nạc mà chỉ dùng lưỡi, lòng heo và huyết heo. Nước dùng cũng được nấu từ nhiều vị thuốc Bắc nên có vị đậm đà rất đặc trưng. Bánh hủ tiếu cũng không phải dạng sợi mà là dạng miếng to và mỏng, mềm như bánh ướt.

Một số địa chỉ hủ tiếu Hồ ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- Hủ tiếu Hồ - Cao Văn Lầu: 237 Cao Văn Lầu, Quận 6 (10h - 22h).

- Quán Ba Chấm: 75 Lê Quốc Hưng, Quận 4 (7h - 11h | 18h - 22h).

Hủ tiếu mực

Điểm đặc biệt của món hủ tiếu này khỏi cần nói cũng biết là: mực - rất nhiều mực. Hủ tiếu mực thường có cách nấu và sợi hủ tiếu tương tự các loại phổ biến ngày nay như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang. Song, thay vì lấy thịt heo và lòng heo làm nguyên liệu chính thì thay bằng mực. Món hủ tiếu này tuy “sinh sau đẻ muộn” hơn các loại khác nhưng cũng mang một nét đặc trưng nho nhỏ từ nước dùng có vị ngọt thơm từ mực và mực khô.

Một số địa chỉ hủ tiếu mực ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- Hủ tiếu mực Nghi Long: 71 Cửu Long, P. 15, Quận 10 (6h30 - 21h).

- Ông già Cali: 47 Nguyễn Thông, P. 9, Quận 3 (6h - 13h | 16h - 23h).

Hủ tiếu cá

Đây là loại hủ tiếu hiếm người biết tới ở Sài Gòn, song là một trong những loại lâu đời nhất. Tuy có cùng cách nấu nước lèo từ xương hầm, nhưng món hủ tiếu cá này đặc biệt bởi nguyên liệu chính là những thớ cá lóc tươi ngon nhất, ăn kèm thêm một lớp tóp mỡ beo béo tạo nên vị thanh đạm mà vẫn đậm đà đặc trưng.

Một số địa chỉ hủ tiếu cá ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- Quán Nam Lợi: 43 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, Quận 1 (6h - 12h | 2h - 21h | Quán nghỉ Chủ Nhật).

- Hủ tiếu cá Tài Ký: 185A Tân Sơn Nhì, P. Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú (6h - 12h).

Hủ tiếu bò kho

Trong món hủ tiếu bò kho thì hủ tiếu không phải nhân vật chính, yếu tố quyết định ở đây chính là thịt bò và cách chế biến. Hủ tiếu dùng trong món bò kho thường là loại hủ tiếu sợi mảnh, dai phổ biến. Món ăn này là sáng kiến độc đáo kết hợp giữa hủ tiếu và món bò kho, được người dân Sài Gòn khá ưa chuộng do sự đậm đà, phần nhiều cũng do “muốn đổi gió” thay vì phải ăn bò kho với bánh mì.

Một số địa chỉ hủ tiếu bò kho ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- Hủ tiếu bò kho: 254 Nguyễn Văn Đậu, Quận Bình Thạnh (6h - 12h).

- Hủ tiếu bò kho Tô Hiệu: Đầu Hẻm 108 Tô Hiệu, P. Hiệp Tân, Quận Tân Phú (6h - 21h).

Hủ tiếu bò viên

Hủ tiếu bò viên - người bạn thân của sinh viên. Sở dĩ nói như vậy là vì đây là món ăn vô cùng quen thuộc đủ ba tiêu chí ngon - bổ - rẻ với các cô cậu học trò: Với giá thành luôn dao động từ 15k - 25k, món hủ tiếu bình dân này là lựa chọn tốt nhất để giải quyết cái bụng đói một cách nhanh chóng trước khi vào lớp.

Hủ tiếu bò viên không nổi tiếng về hương vị hay có các điểm đặc trưng như những người anh em hủ tiếu khác, song lại có mối liên kết rất thân thiết với giới trẻ.

Một số địa chỉ hủ tiếu bò viên ở Sài Gòn cho bạn tham khảo:

- Hủ tiếu bò viên: 1 Đoàn Thị Điểm, Quận Phú Nhuận (17h - 22h).

- Hủ tiếu bò viên 10 Ngon: 365 Vườn Lài, P. Phú Thọ Hoà, Quận Tân Phú (7h - 22h).

Thật khó để thống kê hết tất cả các loại hủ tiếu có mặt ở Sài Gòn. Bạn còn biết loại hủ tiếu nào nữa không? Hãy cùng bổ sung để list hủ tiếu ở Sài Gòn ngày càng đa dạng hơn nhé!

Chia sẻ

Bài viết

Theo Trí Thức Trẻ

Tin mới nhất