Bật mí sự khác biệt giữa các loại bánh Trung thu của các nước Châu Á

Quỳnh Anh
Chia sẻ

Không chỉ riêng Việt Nam, các nước Châu Á khác cũng có những cách đón tết Trung thu thật khác biệt và đầy màu sắc dân tộc đặc trưng cùng những chiếc bánh ngon lành như thế này đây.

Từ lâu, Tết trung thu đã trở thành một trong những ngày lễ quan trọng trong năm, đặc biệt là đối với những quốc gia Châu Á. Mỗi nước đều có một định nghĩa riêng biệt đối với mùa lễ hội thiêng liêng này của đất nước mình. Cùng khám phá những chiếc bánh họ dùng trong Tết Trung thu đặc biệt như thế nào nhé.

Bánh nướng, bánh dẻo của người Việt Nam

Hằng năm, cứ vào ngày rằm tháng 8, người Việt lại đón một mùa Trung thu đến được mở đầu bằng cách trao tặng nhau những chiếc bánh Trung thu đậm đà, đa dạng về mẫu mã bên ngoài lẫn hình thức bên trong. Phổ biến nhất là hai loại bánh nướng và bánh dẻo.

Công đoạn thực hiện bánh nướng phức tạp và tốn nhiều thời gian cũng như công sức hơn bánh dẻo. Vỏ bánh làm từ bột mì cùng men trộn với trứng gà và ít rượu. Đối với phần nhân, người Việt vẫn ưu tiên loại nhân đơn giản, gần gũi và dễ ăn như đậu xanh, khoai môn, sữa dừa, hạt sen tán nhuyễn, và tất cả đều bao bọc lòng đỏ trứng muối một cách gọn gàng. Trứng muối tưởng chừng như chỉ là nhân vật phụ nhưng lại đóng một vài trò không nhỏ khiến chiếc bánh ngon hơn rất nhiều lần.

Chiếc bánh như muốn tượng trưng rằng dù mỗi ngày chúng ta sống có trải qua muôn ngàn khó khăn vất vả ngoài đời cách mấy thì gia đình vẫn luôn cận kề, bảo bọc lấy ta và yêu thương ta hết lòng. Nhân thập cẩm cũng góp một vị trí không kém cạnh trong hộp bánh với sự sáng tạo cùng bào ngư vị cá hay dăm bông, hạt dưa, ngó sen,… để cho ra đời những hương vị độc đáo, mới lạ và mặn mà hơn.
Bánh dẻo thì được làm từ loại bột nếp ngon và trắng phau, nhồi cùng nước đường và tinh dầu bưởi thơm dịu nhẹ, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa với nhiều kiểu hoa văn đa dạng. Phần nhân của bánh dẻo chủ yếu là nhân ngọt như các loại đậu hoặc khoai môn, ít nơi dùng nhân mặn cho bánh. Màu sắc bên ngoài không chỉ riêng màu trắng vốn có từ bột mà người thợ còn sáng tạo thêm với màu xanh, màu hồng khiến hộp bánh như tràn đầy sức sống.

Chiếc bánh đoàn viên của người Trung Quốc

Tết Trung thu của người Trung Quốc còn được xem như là Tết đoàn viên khi mọi thành viên trong gia đình được đoàn tụ với nhau, quây quần bên bữa cơm chung, những con người xa quê hương cũng cố gắng sắp xếp đề về với tổ ấm của mình.

Chính vì vậy mà hình dáng của mỗi chiếc bánh là hình tròn và hình vuông, tượng trưng cho ‘đoàn viên’ và ý niệm về hạnh phúc viên mãn. Phần vỏ là lớp bột đặc trưng của bánh Trung thu truyền thống được in chữ Hán mang ý nghĩa tốt lành vào ngày Tết và những họa tiết trang trí bắt mắt.

Tùy vào từng vùng miền cũng như khẩu vị của mỗi người mà phần nhân được thay đổi đôi chút nhưng chủ yếu vẫn là bánh nướng vỏ vàng với nhân mặn bên trong như lạp xưởng, hạt dưa, hạt sen,… trộn đều; còn nhân ngọt thì gồm đậu xanh, đậu đỏ, dừa và tất nhiên cũng không thể thiếu chút nhấn nhá đậm đà của trứng muối được gói kỹ càng ở trong.

Tsukimi Dango - Chiếc bánh gạo ngọt ngào của người Nhật

Tết Trung thu tại Nhật được gọi là Lễ ngắm trăng - Otsukimi. Vào ngày này, người Nhật dùng bánh Tsukimi Dango, một loại bánh gạo nếp để chúc mừng, được xem như là bánh Trung thu đặc trưng của họ. Đối với người Nhật, chiếc bánh bánh nướng cùng nhân trứng muối bên trong khá mờ hồ và không mấy phổ biến, chiếc bánh gạo dẻo mới thực sự là linh hồn của mùa lễ hội này.

Tsukimi Dango có dạng tròn mềm, màu trắng đục, ăn kèm với loại xốt mặn - ngọt đặc trưng. Chiếc bánh thoạt nhìn sẽ thấy giống như bánh trôi nước của người Việt nhưng chúng sẽ được nướng sơ qua trước khi dùng. Loại bánh này được xếp theo hình tam giác trên mâm gỗ hoặc xiên vào que tre và dùng cùng trà xanh, bên cạnh là bình cỏ nhỏ và mâm bánh được đặt ở nơi nào có thể ngắm trăng rõ nhất, khi ấy có thể vừa ăn bánh vừa ngắm trăng, cực kì hữu tình.


Songpyeon - Chiếc bánh nửa vầng trăng của Hàn Quốc

Đối với người Hàn Quốc, Tết Trung thu có tên là Chuseok, có nghĩa là Đêm mùa thu, lễ hội được kéo dài trong 3 ngày và đây là khoảng thời gian mọi người quây quần với nhau, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn. Đây cũng là một trong những ngày lễ lớn tại đất nước này khi dù con cái ở xa đến mấy cũng tranh thủ trở về thăm cha mẹ mình. Trong ngày lễ trọng đại này, theo truyền thống, người Hàn sẽ dâng các món ăn lên tổ tiên với những nguyên liệu tươi nhất, mới nhất như rau, trái cây, thịt cá, bánh gạo,… Mâm cỗ để dâng lên rất thịnh soạn và được sắp xếp tỉ mỉ, được chia thành 5 tầng riêng biệt: bánh Songpyeon, canh thịt bò, rượu, cá hấp, nến và hoa quả.

Bánh Trung thu của Hàn Quốc được gọi là Songpyeon được làm từ bột gạo, đậu xanh, đường và lá thông, đặc biệt chiếc bánh không mang dạng hình tròn hay hình vuông thông thường mà là hình trăng khuyết. Bánh Songpyeon không chỉ mang màu trắng mà còn được sáng tạo nhiều màu khác nhau như xanh đậm, vàng hay hồng, cực kì bắt mắt và chính vì được hấp cùng lá thông nên hương vị ngọt ngào dịu nhẹ, kết hợp hài hòa với nhân đậu dẻo mịn bên trong.

Người Hàn Quốc cho rằng hình dạng của chiếc bánh cũng giống như cuộc đời của con người, khi tròn khi khuyết, không thể lúc nào cũng toàn vẹn được. Có khi cuộc sống sẽ đủ đầy nhưng cũng lắm khi trải qua gian truân, vất vả.

Bánh Trung thu sầu riêng của Thái Lan

Đối với người Thái, Trung thu được gọi là Lễ cầu trăng và diễn ra vào đúng ngày 15/8 âm lịch. Trong ngày này, tất cả mọi người dân dù ở bất kỳ nơi đâu cũng sẽ ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất. Mâm cỗ của người Thái được trải đầy bởi những thực phẩm mùa thu như đào, sầu riêng và không thể thiếu sự hiện diện của bánh nướng vàng ươm.

Đặc biệt, bánh Trung thu nhân sầu riêng là một kết hợp ngon và lạ tại đất nước xứ Chùa Vàng này, luôn là hương vị được săn đón nhiều nhất của mùa lễ hội. Bên cạnh đó, bưởi là loại trái cây bắt buộc phải có trong mẫm cỗ vì họ tin rằng bưởi tượng trưng cho sự viên mãn và sum vầy.

Những chiếc bánh Hopia đa dạng của người Philippines

Những chiếc bánh mùa Trung thu của người Philippines cũng mang một vẻ ngoài đặc trưng của một chiếc bánh nướng mỏng vỏ và giòn ruộm, không hoa văn cầu kỳ hay màu sắc khác biệt, nhưng phần nhân lại phong phú, biến hóa muôn hình vạn trạng. Phần nhân từ loại mặn đến ngọt đều có đủ, đậu xanh, đậu đỏ, khoai lang tím đến nhân thịt heo,…Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà họ có thể chế biến ra các loại nhân đặc biệt khác nhau, không lẫn vào đâu được.


Mỗi quốc gia đều đón Trung thu bằng những món ăn thật khác nhau nhưng ý nghĩa về ngày lễ đặc biệt vẫn luôn mong muốn được bên cạnh những người mình yêu thương trong thời khắc thiêng liêng như thế này. Dù có đi xa cách mấy thì vẫn luôn cố gắng sắp xếp để trở về, đón một cái tết thật đoàn viên cùng gia đình mình và trao cho nhau những chiếc bánh ngọt ngào nhất, đậm đà nhất. Không gì quý giá bằng chính gia đình của mình, không món ăn nào có thể ngon bằng việc được ăn cùng những người mình yêu thương nhất.

Chia sẻ

Bài viết

Quỳnh Anh

Thiết kế

Quỳnh Anh

Tin mới nhất