6 đặc sản miền Tây nhìn 'sợ chết khiếp' nhưng tuyệt ngon

PV (Dân Việt)
Chia sẻ

Tắc kè, thằn lằn, thịt chuột, thịt dơi, đuông dừa và rắn mối là 6 loại đặc sản có vẻ ngoài khá “dị” nếu không muốn nói là “sợ chết khiếp” nhưng nếu đã có dịp đặt chân tới mảnh đất miền Tây này bạn cũng đừng nên bỏ lỡ những đặc sản trứ danh này nhé.

1. Khóc thét với món ăn từ dơi - đặc sản của dân nhậu miền Tây

Nhiều thực khách sẽ “khóc thét” khi thấy cách chế biến dơi của người dân miền Tây, nhưng rồi sẽ bị “đốn tim” bởi những món ăn này mang hương vị đậm đà, thịt ngọt, bổ dưỡng và kích thích vị giác.

Miền Tây là nơi quanh năm có nhiều hoa thơm quả ngọt nên mảnh đất này cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi: dơi quạ, dơi sen, dơi chó, dơi hương… (Ảnh: VTV)

Người dân miệt sông nước chỉ sử dụng hai loại dơi chính dơi sen và dơi quạ để chế biến món ăn. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Hai loại dơi này đều xấu và hôi nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm và trở thành món nhậu ngon trứ danh của người dân nơi đây.

Để bắt được dơi, vào chập tối, người ta dùng lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu để dẫn dụ chúng đến. Sau khi nghe tiếng dơi mồi kêu, dơi thường tìm đến và sà xuống thấp. Cứ thể, dân săn dơi cứ dùng dợt mà bắt. Càng về đêm, dơi xuống càng nhiều nên việc bắt dơi lúc đó vô cùng dễ dàng. Dơi nhờ ăn toàn trái cây nên thịt rất ngon, ăn rất mát và bổ, có thể chế biến thành nhiều món như: dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt, nướng chao, nướng than tàu…nhưng nhiều người rất thích nhất vẫn là món dơi sen nấu cháo và dơi xào lăn.

2. Đặc sản tắc kè, thằn lằn

Khô tắc kè có thể dùng để ngâm rượu hoặc chế biến thành món nhậu thông thường. Khô tắc kè cũng được sản xuất nhiều tại vùng Tịnh Biên, An Giang. Cứ 3kg tắc kè sống sẽ cho ra 1kg tắc kè khô.

Dịp tết vừa qua các dân nhậu cũng tìm mua, đa phần mua về dùng để ngâm rượu uống. Bình quân 3kg khô tắc kè cho ra 1kg khô, giá bán tính con từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg.

Món khô tắc kè có vẻ ngoài khiếp hãi.

Khô thằn lằn, khô tắc kè có vẻ ngoài khá “dị” nếu không muốn nói là “sợ chết khiếp”. Tuy nhiên, những món ăn này ngày nay được rất nhiều người miền Tây sản xuất, chế biến.

Thằn lằn được người dân bắt đem xẻ thịt phơi khô 2 - 3 nắng, sau đó xào với các gia vị trở thành món ăn đặc sản ở miền Tây, bán rất được giá. Trung bình mỗi con thằn lằn khô được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng.

3. Đuông dừa

Đuông dừa luôn được giới sành ăn đánh giá cao về độ giòn, vị béo ngậy, thơm lừng độc đáo. Tuy nhiên, vẻ ngoài mập tròn và mềm nhũn giống con sâu non của đuông dừa cũng đồng thời khiến nhiều người thấy rùng mình.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, đuông dừa trở thành thứ đặc sản độc đáo có một không hai và thường được bán với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/con. Đuông dừa được chế biến thành các món nướng, chiên, xào tỏi, hấp lá chanh nhưng phổ biến nhất phải kể đến đuông dừa tắm mắm.

Đuông dừa được xem là một trong những loại đặc sản cao cấp ở Việt Nam. Đuông dừa sống trong phần cổ hũ mềm của cây dừa. Người ta tìm được những con đuông dừa dựa vào việc quan sát những chòm lá trên ngọn cây dừa bị héo và đổ gục xuống hoặc họ phải dùng búa để chặt đốn cây dừa đã bị chết (do bọ kiến dương khoét ngọn và chui vào đẻ trứng rồi theo thời gian trứng nở ra thành những ấu trùng nho nhỏ và nhanh chóng lớn lên nhờ ăn những đọt cổ hủ dừa vừa mềm vừa bổ, làm cây dừa kiệt sức và úa tàn đi).

Dụng cụ dành cho việc bắt đuông dừa chỉ cần một cái búa, một cái mác, một chiếc thau hoặc rổ để đựng đuông. Sau khi chặt hạ cây dừa xuống, người dân sẽ tiến hành bửa rồi chẻ thậm chí là phải cưa thân dừa ra để bắt đuông. Trước kia, nguồn đuông dừa khá khan hiếm do hầu hết loại côn trùng này chỉ sống trong tự nhiên, thỉnh thoảng người dân mới bắt được và đem bán. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân ở miền Tây đã tự tìm ra phương pháp nuôi đuông dừa để sẵn sàng cung cấp nguồn đuông hàng ngày cho các nhà hàng.

4. Côn trùng

Đây là món ăn phổ biến mà dân tộc Khmer ở Đồng Bằng Sông Cửu Long khi ngồi vào bàn nhậu thường dùng và coi đây là đặc sản vùng miền. Đó là các loại ấu trùng, dế cơm, châu chấu, cào cào hay thậm chí là bọ cạp, bọ xít… Hầu hết chúng đều được chiên lên với những bí quyết tạo hương vị rất riêng, dậy mùi thơm rất hấp dẫn. Nhưng với người nước ngoài họ thường khiếp sợ khi được mời những món ăn này hơn là cảm giác hứng thú để thưởng thức.

5. Rắn mối

Là loài bò sát có hình dáng giống kỳ nhông nhưng mập hơn và có lớp vảy bóng, rắn mối sống quanh vườn nhà và ăn các con mối. Rắn mối có nhiều nhất ở miền Tây và xuất hiện quanh năm. Người dân nơi đây bắt rắn mối bằng cách kiếm vài con tép trấu móc vào lưỡi câu và đặc dọc hè nhà. Chỉ cần thấy con mồi ngoe nguẩy thì chắc rằng con rắn mối sẽ bị dính câu.

Sơ chế rắn mối bằng cách làm sạch sau đó nhúng vào nước sôi và cạo sạch vảy. Chặt bỏ hết phần đầu, chân và bỏ ruột, tuyệt nhiên không được bỏ đuôi vì đây là phần ngon và bổ nhất. Sau đó, rắn mối được chiên giòn nguyên con và ăn với mắm ớt.

Nhìn những con rắn mối chình ình trên đĩa nguyên con bạn sẽ cảm thấy e ngại vì dáng hình lạ lẫm, tuy nhiên khi đã ngấm qua vị thơm, thịt của nó sẽ khiến bạn muốn thưởng thức thêm lần thứ hai. Ngoài chiên rắn mối còn nhiều cách chế biến khác như xào sả ớt hay nướng mọi.

6. Về miền Tây “săn” thịt chuột

Nhắc đến chuột, nhiều người sẽ chỉ thấy rùng mình chứ ít ai nghĩ rằng, đây lại là món đặc sản trứ danh của miền Tây. Trái với vẻ ngoài hôi hám, bẩn thỉu, những con chuột béo múp luôn đem đến hương vị thơm ngon, hấp dẫn.

Được coi là đặc sản nên giá chuột đồng ở các chợ miền Tây không rẻ tí nào, khoảng 60-80K/ 1kg. Có nơi bán theo con, giá chừng 8-10 nghìn đồng/con.

Hình ảnh khá hãi hùng ở ki-ốt sơ chế chuột đồng.

Những con chuột béo múp được sơ chế sạch sẽ.

Từ thịt chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, có thể là thịt chuột nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức. Tốn thời gian hơn thì có chuột đồng quay lu, áp chảo, xé phay, quay khô, xào sả ớt, khía nước dừa, rô ti, chiên mắm…

Trong số nhiều món ngon từ chuột, thịt chuột đồng chiên mắm là một đặc sản khá nổi tiếng. Những con chuột đồng mập mạp sẽ được thui cho vàng da rồi làm sạch, để cho ráo, ướp gia vị. Tiếp đến, chuột được cho vào chảo dầu sôi ngập, chiên vàng. Sau đó lại chiên lại lượt nữa cho đến khi có màu vàng óng.

Đây là món ăn chế biến khá kỳ công, thơm ngon và người dân miền Tây thường dùng để đãi khách cũng như điểm thêm cho bữa cơm sum họp cuối tuần. Nếu bạn có dịp tới miền Tây, có lẽ nên thử qua đặc sản này nhé!

Chia sẻ

Bài viết

PV (Dân Việt)

Tin mới nhất