Sao & Đời Sống

Chương cuối 'tự truyện' Xuân Hương - Thanh Bạch: Xuân Hương ngầm hé lộ nguyên nhân con trai bỏ mình theo Thanh Bạch không một lời từ biệt?

Xuân Tuyền
Chia sẻ

Sau khi đi du học Malaysia về, con trai Xuân Hương được mẹ giúp đỡ mở một tiệm bánh tại nhà, cũng từ đó, cậu bỗng nhiên xa lánh mẹ, rồi biệt tăm không một lời nhắn nhủ.

Sau gần mười chương “phơi bày” cuộc sống hôn nhân chỉ toàn cay đắng, buồn tủi với nam MC Thanh Bạch, mới đây, nghệ sĩ Xuân Hương cũng đã hoàn tất chương cuối với tên gọi “Bình yên chưa ghé thăm” như một lời kết cho toàn bộ những ồn ào trong một tháng qua.

Theo nội dung nghệ sĩ Xuân Hương chia sẻ, sau khi đưa nhau ra tòa hết lần này đến lần khác, cuối cùng, bà cũng đã cầm được tờ giấy ly hôn trên tay và “lòng thấy thật nhẹ nhõm”. Kể từ đó, theo lời nữ nghệ sĩ, Thanh Bạch trở nên lạnh lùng, không một lời quan tâm con trai và dường như muốn “triệt đường sống” của cả hai mẹ con bằng cách lấy lại căn nhà đang cho thuê.

Vì tình thương con, sau khi cuộc sống ổn định hơn, Xuân Hương tìm mọi cách để cải thiện mối quan hệ giữa Thanh Bạch và con trai bằng cách khuyên con trai mình qua thăm, mang đồ ăn cho Thanh Bạch.

Tình cảm giữa Thanh Bạch và con trai dần gắn kết hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, sóng gió lại nổi lên với nghệ sĩ Xuân Hương. Sau khi đi du học Malaysia về, con trai Xuân Hương được mẹ giúp đỡ mở một tiệm bánh tại nhà, cũng từ đó, cậu bỗng nhiên xa lánh mẹ, rồi biệt tăm không một lời nhắn nhủ. Mọi chuyện bắt đầu từ chiếc bánh kem bí ẩn được đặt với giá 10 triệu.

Tôi hướng con kinh doanh theo một hướng khác và mở bếp làm bánh tại nhà tôi. Ban ngày cháu qua nhà tôi làm bánh khi có đơn đặt hàng, xong lại về nhà bên kia. Mọi việc đang đi theo hướng tốt đẹp.

Hôm đó con báo có người đặt làm một ổ bánh kem lớn với giá thành khách tự đưa ra khoảng hơn 10 triệu. Tôi vui lắm, tư vấn cho con phải nắm bắt nhu cầu sở thích của khách để làm cho được một ổ bánh thật đẹp, thật độc đáo khác lạ hợp với tính cách và yêu cầu của khách. Đây là dịp tốt để xây dựng thương hiệu cho mình.

Gần đến ngày phải giao bánh mà không thấy con nói gì, cũng chẳng thấy con qua. Bỗng chú thợ làm bánh ghé nhà tôi bấm chuông. Thấy tôi, chú ngập ngừng với vẻ ái ngại, chú nói: Tú nhờ con lấy máy và đồ làm bánh về bên kia. Rồi với vé rất thương cảm như có uẩn khúc gì đó, chú nói: con nói riêng với cô nhé, Tú không chịu về lấy mà nhờ con về đó.
Linh tính mách tôi rằng có chuyện không hay đây. Người ta hay nói :Sau những ngày biển đẹp với những ngọn sóng hiền lành hơn bình thường là dấu hiệu của những cơn bão lớn.

Tôi có gọi điện thoại cho con hai lần mà cháu không nghe máy, cũng không gọi lại cho tôi.
Thế là cháu bỏ tôi đi từ ngày đó. Không lý do, không một lời từ biệt, chẳng một lời giải thích, mặc cho đầu óc tôi quay cuồng với hàng ngàn câu hỏi”, Xuân Hương kể lại.

Xuân Hương, Thanh Bạch cùng con trai của cả hai

Mặc dù chưa biết rõ nguyên nhân tại sao con trai bỏ mình đi không một lời nhắn nhủ, nhưng nghệ sĩ Xuân Hương đã tỏ ra hoài nghi chiếc bánh kem hôm nọ. Bà thổ lộ: “Tôi không phải là kẻ đa nghi, nhưng trước những biểu hiện bất thường trong mọi trường hợp thì cái “máu phản gián” trong tôi lại thức dậy để phân tích-tổng hợp. Hình như cái ổ bánh kem khiến con tôi bỏ tôi đi nó “hấp dẫn” tôi một cách kỳ lạ.

Ổ bánh đó chắc để cho một dịp sinh nhật, cũng có khi là kỷ niệm ngày cưới hay cũng có thể là cho một đám cưới của người khách bí ẩn (bí ẩn nên con tôi không hé môi nói nửa lời), giàu có và thân thiết (chắc rồi, vì họ hào phóng lắm, tự đưa giá hơn 10 triệu cho thằng bé mới tập tành vô nghề đề làm cái bánh đó, nếu không thân thiết thì với dự tính chi hơn 10 triệu cho 1 ổ bánh kem chắc chắn sẽ phải tìm đến một thương hiệu bánh nổi tiếng) và quyền lực, quyền lực đến nỗi con tôi không dám làm ổ bánh đó ở nhà tôi mà phải lặng lẽ bỏ đi như trốn về bên nhà ba nó để làm. Im lặng, yên ắng đến lạnh lùng”.

Trong suốt 10 chương truyện, khán giả vẫn băn khoăn tại sao đến nay, con trai nghệ sĩ Xuân Hương lại bỏ mẹ đi không một lời từ biệt hay chẳng hỏi thăm sau ngần ấy năm? Mặc dù chương cuối đã hé lộ một phần nào nguyên nhân, nhưng ngay cả người trong cuộc như nghệ sĩ Xuân Hương vẫn còn “ngờ ngợ” về sự quay lưng bất chợt của con trai mình!

Nguyên văn chia sẻ của nghệ sĩ Xuân Hương:

Chương cuối: BÌNH YÊN CHƯA GHÉ THĂM

Tôi có thể im lặng khi anh “chém” tôi đến nhát thứ mười. Nhưng anh đã liên tục dùng những đòn tấn công đê tiện nhằm triệt đường sống của tôi, làm cho tôi thân bại danh liệt một cách oan ức thì buộc lòng tôi phải lên tiếng.
Đừng kết tội cái “nhát dao” mang tính quyết định cuối cùng của tôi, mà hãy lên án nguyên nhân và quá trình của người đã “xúi” tôi buộc phải làm điều tôi không muốn.
(Lúc đầu dự định viết phần nầy ngắn gọn. Nhưng cuối cùng phải chia làm hai kỳ mà vẫn dài. Mong bạn đọc thông cảm)
———————

Nhận được tờ giấy ly hôn, trong lòng tôi thấy thật nhẹ nhõm. Coi như từ đây không còn phải bị “xiềng xích gông cùm”. Nhưng về thể xác tôi như vừa trải qua cơn bạo bệnh. Mà bạo bệnh thật. Vì đã hai mươi năm qua tôi bị anh và Bộ TTM áp dụng những đòn “chiến tranh tâm lý” vật tôi đến mức bệnh tâm thần và chẳng còn một chút sức sống nào. Tôi nằm vật vã. Những lúc trước mặt con tôi cố không để rơi nước mắt cho ra vẻ bình thường để còn làm “cây tùng cây bách” cho con đừng gục ngã. Đi học về nó nằm một chỗ mặt buồn rười rượi. Muốn an ủi con mà không biết nói câu gì. Một hôm tôi đánh bạo nói với con:”Nếu ba ra ở riêng thì con cứ coi như ba đi diễn xa lâu về. Con đừng buồn. Ráng học nghe con!” Nó bảo:”Mai mốt chắc con không dám ra đường. Lỡ người ta hỏi “tại sao ba má ly dị” con không biết trả lời sao nữa.” Tôi nghe ruột gan thắt lại. Cố mở to đôi mắt ngăn không cho nước mắt đang chực trào ra. Tôi bảo:”Những người tế nhị không ai hỏi con như vậy đâu con. Từ từ rồi cũng qua thôi.”

Anh vẫn đi về với vẻ mặt lạnh tanh, đến liếc mắt nhìn con cũng không, dù hai cha con đi ngang qua mặt nhau. Còn gì đau đớn xót xa hơn thế nữa khi anh coi con như người dưng xa lạ.
Vài ngày sau anh nói với tôi như quát :”Cắt hợp đồng cho mướn nhà đi! Lấy lại cho tôi ở! Cắt liền! Cắt liền!”
Nghe là hiểu anh muốn cắt cái khoản thu nhập duy nhất của mẹ con tôi lúc này , cho tôi biết thế nào là lễ độ, cho tôi biết không có anh thì tôi sẽ không có nổi một đồng mà nuôi con.

Tôi cắt hợp đồng cho thuê nhà ngay lập tức mặc dù tôi rất cần số tiền đó để cho hai mẹ con sinh sống vì tôi biết anh sẽ không để cho tôi yên, sẽ dồn tôi vào ngõ cụt nếu tôi trì hoãn. Tôi biết rất rõ điều nầy vì tôi đã quá hiểu anh, trước kia khi tôi chấp nhận ở nhà làm chân sai vặt cho anh thì anh đã từng nặng nhẹ tôi không tiếc lời và hành hạ cho đáng với hột cơm anh bỏ ra “nuôi” tôi. Vì nếu anh biết thương con anh thì anh đã có thể mướn hoặc mua nhà khác để ở vì lúc đó tiền anh làm ra trong một ngày đã có thể dư để trả một tháng tiền mướn một căn hộ sang trọng.

Thế nhưng, nhà đã lấy lại rồi mà anh vẫn không chịu dọn đi. Cơm tôi nấu để phần cho con thì anh ăn hết nhưng anh không đưa cho tôi một đồng. Con tỏ vẻ bất bình, tôi phải lựa lời giải thích để bào chữa cho ba nó, tôi khuyên nhủ con để con đừng nghĩ xấu cho ba nó.

Có những bữa cơm tôi phải nhường cho con tôi vì nhiều khi trong túi không còn đến hai mươi ngàn bạc. Tính tôi không nói dối bao giờ, nhưng trong giai đoạn đó tôi nói dối ngọt lịm luôn. Có những hôm không còn tiền đi chợ, tôi giả bộ nói bỏ quên tiền ở nhà. Người bán nói “Không sao! Hôm nào đưa cũng được. Muốn lấy thêm gì nữa thì lấy nghen!” Tôi cố làm ra vẻ tự nhiên nói tiếng “Cám ơn” mà trong lòng hổ thẹn và tủi thân vô cùng. Về nhà tôi “trốn” cho đến khi có tiền mới dám ló mặt ra chợ. Tôi lại nói láo rằng “Xin lỗi nhen! Hổm rày mắc về quê”. Ôi trời! Nghĩ mà thấy mắc cỡ thiệt chớ! Nhưng thôi kệ, có tiền đem trả là may lắm rồi.
Anh vẫn không chịu dọn đi dù tôi đã nhiều lần yêu cầu và mặc cho cái nhà kia vẫn bỏ không, còn mẹ con tôi thì phải “bóp mồm” lại vì còn phải bớt phần cơm “ làm từ thiện cho nhà giàu”.
Cuối cùng, ơn trời anh cũng đã chịu dọn đi.

Thật ra với khả năng nấu nướng của tôi, tôi có thể nấu món gì đó để kiếm tiền nuôi con. Nhưng tôi sợ người ngoài sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại. Tôi sợ mình sẽ tủi thân. Tôi thương cái nghề của tôi. Tôi không thể đành lòng chấp nhận một người nghệ sĩ “về hưu non” khi tài năng vẫn còn nhưng lại phải sống hẩm hiu bên nồi bắp luộc bên lề đường.

Rồi cái ngày tôi lo lắng cũng dến, dư luận bắt đầu râm ran. Khi anh vẫn còn chưa dọn đi thì đã có vài phóng viên đến gặp tôi xin phỏng vấn viết bài. Tôi cương quyết chối từ dù họ đeo bám rất chặt. Trong số đó có một cô phụ trách chương trình về gia đình của một đài truyền hình lớn nhất nhì cả nước còn tỏ ý muốn giúp tôi “triệt hạ” anh nhưng cũng không thuyết phục được tôi.

Rồi một cô phóng viên của tờ tạp chí nọ thì cứ như “cưỡng bức tinh thần” tôi khi ngồi lỳ ở nhà tôi suốt ba tiếng đồng hồ, từ 9 giờ tối đến tận 12 giờ đêm. Cô hết thuyết phục nài ép tôi rồi lại lên tiếng sẳn giọng ép tôi cho cô phỏng vấn để viết bài. Tôi vô cùng mệt mỏi nhưng vẫn cương quyết không đồng ý.
Chuyện nầy xảy ra tại nhà tôi và anh đã chứng kiến vì lúc đó anh vẫn còn ở trong nhà, chưa dọn ra ngoài. Không biết do Bộ TTM “đầu độc” hay do anh luôn thành kiến với tôi mà lúc nào anh cũng cho rằng tôi luôn sẵn sàng mang chuyện anh lừa tôi, chuyện anh đánh cắp cả tuổi thanh xuân của tôi về làm bức bình phong che mắt người đời rồi vò cho nát bét cuộc đời khốn nạn của tôi ra khoe với toàn thể bàn dân thiên hạ như một chiến công hiển hách vậy.

Một hôm anh hằn học nhắn tin cho tôi rằng anh đang làm việc với một đại gia-là “chúa đảo” của một dự án lớn ngoài Hạ Long. Vị đại gia nầy nói với anh rằng: bà xã vị đại gia đó thân với tôi lắm và tôi kể xấu anh rất nhiều với bà xã của vị đại gia đó. Tôi bảo anh rằng tôi chỉ gặp mặt họ trong một công việc mà thôi. Tôi không hề chơi thân với họ nên hoàn toàn không có chuyện tôi nói gì về anh.
Nhưng anh vẫn không chịu tin; vẫn nhắn tin với giọng đầy hằn học.

Tôi nói với anh rằng: nếu muốn thì tôi đã sẵn sàng nói trên các phương tiện truyền thông cho “danh chánh ngôn thuận”, mà tin tức lại truyền đi nhanh chứ tôi không rảnh đi nói với một hai người cho mang tiếng mà lại không hiệu quả. Nếu anh không tin thì anh đưa số điện thoại của người đó cho tôi nói chuyện”. Anh lặng im không nói nữa.

Đúng là 20 năm anh “xài” tôi như một cô giúp việc chính cống, bởi 20 năm quá dủ để hiểu về một con người luôn song hành bên mình. Vậy mà anh không hề “biết” chút nào về tôi. Cuộc đời tôi kể như xong nhưng cuộc đời con tôi còn ở phía trước. Tôi đâu muốn cả thế giới biết về cuộc đời khốn khổ khốn nạn của mẹ nó mà chính ba nó lại là người gây ra. Hơn nữa, tôi cũng không phải là người đê tiện đến mức sẽ tung hê lên những cái ác mà anh và Bộ TTM của anh đã giáng lên cuộc đời tôi một cách không thương tiếc.

Tôi chôn kín trong lòng để cho anh còn “hiên ngang” nhìn thẳng vào mặt con người. Và tôi câm nín vì tôi biết rất rõ, nếu con người thật của anh bị lộ diện thì anh sẽ không còn đường kiếm cơm nữa. Bởi vậy, sau ly dị, tôi đã chuẩn bị tâm lý đối phó với truyền thông và chính anh cũng đã thấy tôi khổ sở thế nào khi cố gắng chồi từ và trốn tránh giới báo chí. Thế nhưng, anh không tin vì tính vẫn đa nghi dù hai mươi năm qua đã quá dư để hiểu được con người tôi.

Tâm lý tôi vẫn còn xáo trộn. Chứng bệnh thần kinh vẫn tra tấn tôi. Nhưng tôi quyết định viết kịch bản làm lại chương trình Những Người Thích Đùa. Tiền không có nhưng một chị bạn thương đưa tiền cho tôi làm với lời hứa “ Em cứ làm đi! Lỗ chị chịu”.

Tôi mời các đồng nghiệp đến nhà tôi tập trong giai đoạn “vỡ hoang”. Lúc nầy anh vẫn chưa dọn đi. Nói thật là trong lúc tập nhìn anh đi ra đi vào tôi cũng ái ngại. Nhưng tôi quyết không cả nể nữa.
Một hôm anh hỏi tôi “có phải đang tập Những Người Thích Đùa không?” Tôi xác nhận. Anh nói “Cho anh tham gia với!” Tôi trả lời: “Thôi được rồi. Em làm một mình”. Anh lập lại lời đề nghị. Tôi nói:”Hồi xưa khi còn đứng chung một tên mà mỗi khi em làm chương trình anh còn tỏ thái độ không hợp tác. Anh chửi em tan nát mọi lúc mọi nơi bất kể là có mặt bạn diễn lúc đang tập. Còn bây giờ đã không còn gì liên quan thì em lấy tư cách gì mà dám nhờ anh.”

Anh nói: “Thì cho anh ở trong hậu trường lo chuyện bên trong cũng được”.
Tôi trả lời: “Anh là MC nổi tiếng, còn em giờ đây chỉ là một kẻ đã lui vào xó bếp từ lâu. Em không dám để cho một người tầm cỡ như anh làm việc trong bóng tối”.
Sau đó có mấy người bạn khuyên tôi rất nhiều lần về việc cho anh diễn chung. Tôi vẫn cương quyết nói KHÔNG. Thế là bỗng một hôm anh hỏi tôi:”Hương ơi, mình ly dị nay được mấy tháng rồi?”
Tôi bảo “từ tháng 6”.
Anh đếm đốt ngón tay rồi bảo “Vậy là 6 tháng rồi. Anh tính luôn tháng sau nữa là bảy tháng. Bảy lần ba là hăm mốt. Anh đưa em 21 triệu tiền trợ cấp cho Tú”.

Ngạc nhiên chưa! Bao nhiêu tháng rồi không đưa, quyết cho đói phơi thây để phải lạy lục anh, bây giờ lại đột xuất hào phóng thế. Quaooooo!!!!…Tôi hiểu anh muốn gì. Nhưng tính tôi rất lỳ đòn. Tôi đã có một “thành tích” dầy cộm là đã chịu được anh và cả Bộ TTM ngót ngét hai mươi năm thì hổng phải dạng vừa đâu nhe!
Xin nói thêm rằng hôm ở toà, khi bà Thẩm Phán hỏi tôi có yêu cầu trợ cấp nuôi con không. Tôi đã trả lời “Không. Tuỳ vào tình cảm anh ấy dành cho con”. Lúc đó, khi được hỏi, anh đã ngập ngừng hứa sẽ trợ cấp 3 triệu mỗi tháng (rộng rãi ghê, con số này chỉ là tiền xu so với số tiền anh kiếm được trong một ngày và cũng chỉ như số tiền lẻ so với khoản tiền anh quăng qua cửa sổ để mua vui) nhưng tới giờ, sáu tháng trôi qua mà anh chẳng hề đá động tới. Bỗng nhiên hôm nay lại đưa mà còn đưa trước hẳn một tháng. Đáng nể chưa! Nhưng tôi không nhận số tiền đó. Tôi bảo “Nếu anh túng tiền xài thì để đó mà tiêu”.

Sau khi anh dọn ra riêng, một hôm tôi nấu bữa cơm ngon. Tôi do dự đinh sớt phần cho anh. Nhưng tôi lại đắn đo vì sợ anh và Bộ TTM lại hiểu lầm tôi. Cuối cùng tôi quyết đinh bảo con tôi mang qua cho anh một nửa. Tôi không bao giờ quên được vẻ mặt mừng rỡ của con tôi ngày hôm đó. Nó mừng còn hơn được nhận một món quà quý nhất trên đời. Tôi nhìn mà rớt nước mắt.

Kể từ đó, để tạo cho con có dịp gần ba hơn, thỉnh thoảng nấu món ngon mà anh thích ăn, tôi lại sớt phần cho con mang qua cho anh. Từ ngày đó con và anh qua lại gần gũi với nhau.
Tôi nhắc anh đưa con về bên nội chơi khi có dịp. Nhiều khi con không muốn đi vì nó không cảm nhận được tình thương của nhà nội dành cho nó. Tôi phải giải thích và khuyên nhủ con để con chịu về thăm bên nội cùng ba.

Để con bớt thiệt thòi và buồn tủi. Tôi chủ động gây dựng mối quan hệ tốt với anh. Tôi chăm sóc anh khi anh bệnh, trồng được ngọn rau, trái mướp tôi cũng hái chia cho anh. Thỉnh thoảng chúng tôi diễn chung trong một vài chương trình hoặc trong những buổi họp mặt. Tôi nhận lời viết kịch bản phim cũng đề nghị nhà sản xuất mời anh đóng chung. Chúng tôi thành bạn bè và không ngại yêu cầu giúp đỡ nhau khi cần thiết.
Ngày ba anh mất, tôi đang đi quay phim nên anh gọi tôi không được, má anh biểu con nhắn gọi tôi xuống và tôi cũng xuống để tiễn ông về nơi cõi Phật.
———-
Một hôm anh gọi điện thoại hỏi tôi:”
Hương ơi nhà anh đang ở hướng nào vậy?”
Tôi trả lời anh rồi hỏi tiếp “Anh hỏi để coi bói à?”
Anh “Ừ”.
Tôi nói đùa “Anh hỏi thầy bói chừng nào em với anh ở lại?”
Anh nói “Thầy bói nói anh đang suy nghĩ để chọn lựa giữa người cũ và người mới nè”.
Tôi hỏi “Ủa, người cũ là ai? Người mới là ai?”
Anh bảo người mới đang còn đi học ở TQ.
Tôi nói “Trời đất! Còn đang đi học! Vậy nuôi chừng nào cho lớn?”
Anh cười phá lên rồi nói “Cổ muốn gọi điện thoại cho em”.

Tôi hỏi “Để làm gì?”
Anh bảo “Để khuyên em trở lại với anh”.
Tôi nói:” Vậy là cô nầy tốt đó anh. Anh cưới cổ đi!”
Anh nói “Cổ rất muốn gọi để khuyên em, nhưng sợ em không tiếp điện thoại.”
Tôi nói:”Sao lại không tiếp điện thoại chứ?! Em là người của công chúng. Mình phải tôn trọng khán giả chớ! Với lại em coi cổ như con cháu trong nhà thì đương nhiên là em không từ chối rồi!”
Một lần khác anh lại điện thoại cho tôi:”Hương ơi, mình ở lại với nhau đi!”

Tôi trả lời nhanh như chớp:”Thôi anh ơi! Hổng lẽ cái số em xui dữ vậy sao?! Mới vừa được ly dị xong. Mừng chưa kịp hết mà ông trời thộp cổ em lại biểu MẦY PHẢI KHỔ TIẾP! Không đâu!!!!” Nghe tôi nói, anh cười rất hồn nhiên.
Tôi nghĩ: Muốn ly hôn cũng phải tốn công tốn sức rất nhiều mới ly hôn được. Vậy mà mới đó đã kêu phải ở lại với nhau. Muốn được ly hôn phải gây lộn với tần suất dầy đặc bất kể ngày đêm. Rồi anh cũng phải huy động lực lượng vũ trang của Bộ TTM trong công tác DÂN GIẬN kiêm thêm thành phần chọc ngoáy ì xèo mới gây lộn ngày nầy qua tháng khác may ra mới ly dị được. Cũng phải nghĩ ra nhiều trò quái đản khiến cho tôi “cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời”, cho tôi phải câm miệng rơi vào thế việt vị anh mới thoả lòng, Bộ TTM mới hể hả. Công cán là vậy, bộ óc phải nát nhừ như tương tàu vì suy nghĩ mà mới đó đã kêu ở lại với nhau thì thật là phí.

Một hôm có cô bạn đến nhà tôi nói chuyện, khuyên tôi nên để cho anh trở về mái nhà xưa. Tôi nghe mà da gà da vịt nổi lên rần rần như kiến bò khắp châu thân. Tóc gáy thì dựng ngược. Tôi rùng mình, nghe lạnh sống lưng. Tôi từ chối. Nhưng cô ấy cứ cố thuyết phục tôi, nào là tội nghiệp ảnh bây giờ không có người chăm sóc. Nào là thấy ảnh ở một mình thấy thương. Vv và vv.
Tôi bảo “Em tội nghiệp ảnh sao em không tội nghiệp chị? Ảnh sống một mình còn chị cũng đâu có sống hai mình! Hồi xưa chị đã từng làm ô sin không công, nhưng ảnh đã đối xử “khéo” tới mức làm cho chị mở được ống khoá chạy đi không dám ngoảnh mặt lại. Bây giờ chị đã quen với bầu không khí tự do thì chị đâu có ngu nữa đâu em.

Đã vậy mà cô ấy cứ nói hoài làm cho óc tôi sôi lên. Tôi chốt hạ một câu gọn lỏn: Thôi em ơi, bây giờ chị không có nhu cầu hầu hạ ai nữa hết.
Không hiểu câu nầy có hơi tà ma gì không mà cổ nín ngang như bị điểm huyệt vậy.
Mọi chuyện tốt đẹp được một thời gian, chúng tôi được khen là hai người ly hôn có văn hoá. Tôi đã cố quên đi, cố chôn chặt nỗi đau đời của mình xuống tận dưới đáy lòng và nguyện sống để dạ, chết mang theo. Vậy mà….

Con đi du học ở Malysia, cháu được học bổng còn anh lo toàn bộ tiền ăn, tiền nhà trong suốt thời gian học. Khi cháu tốt nghiệp về nước, thời gian đầu nó sống với tôi. Thi thoảng nó chạy qua ba nó.
Dù con đã lớn, nhưng cứ nhớ tới khoảng đời thơ ấu của nó mà thương như đứt từng đoạn ruột: dù có cha có mẹ đầy đủ nhưng có bao giờ con được gần gũi cha mẹ một cách trọn vẹn đâu! Tôi ẵm nó đi diễn từ lúc nó được sáu tháng. Nó phải chịu sương gió đến mức bệnh triền miên. Từ lúc ba tuổi, mỗi ngày tôi gọi con thức dậy. Cho nó ăn uống qua loa, chuẩn bị cho nó rồi đưa nó vô trường. Chiều đón về cho con ăn uống vội vàng rồi gởi cho ai đó để đi diễn. Nửa đêm về đến nhà thì con đã ngủ, không được gặp ba má chơi đùa, ôm ấp. Cứ như vậy con tôi như bị stress vì cuộc sống “bất bình thường” như vậy. Đã vậy, nó còn phải uống dòng sữa pha lẫn nước mắt của tôi cùng với những tiếng “binh khí” nghiệt ngã của gia đình ngay từ nhỏ. Chưa kể những trận đòn vô cớ như trút giận vì những áp lực trút lên đầu má nó.

Nghĩ lại mà xót con nên tuy con đã lớn, nhưng tôi vẫn thường hay ôm con hôn thật nhiều như để bù đắp lại những “tội lỗi” mà tôi đã gây ra cho con. Mỗi lần như vậy tôi vẫn nói với con:”Má xin lỗi con. Ngày xưa cũng vì áp lực mà nhiều khi má đánh con. Con có giận má không?”. Mỗi lần hỏi tôi đều nhận được câu trả lời:”Hổng sao đâu má!” Mỗi lần như vậy nước mắt tôi lại tuôn vì xót con.
Ở với tôi một thời gian. Một hôm con bảo tôi “Con qua nhà ba nhen má” rồi ở luôn bên đó. Thỉnh thoảng về nhà giây lát rồi đi.

Thời gian nầy, một người bạn thân ngỏ ý muốn giúp cháu vào làm việc. Tôi rất cảm động nhưng rồi việc không thành. Sau đó, con muốn mở nhà hàng nhờ tôi quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng các món ăn. Tôi hướng con kinh doanh theo một hướng khác và mở bếp làm bánh tại nhà tôi. Ban ngày cháu qua nhà tôi làm bánh khi có đơn đặt hàng, xong lại về nhà bên kia. Mọi việc đang đi theo hướng tốt đẹp.
Hôm đó con báo có người đặt làm một ổ bánh kem lớn với giá thành khách tự đưa ra khoảng hơn 10 triệu. Tôi vui lắm, tư vấn cho con phải nắm bắt nhu cầu sở thích của khách để làm cho được một ổ bánh thật đẹp, thật độc đáo khác lạ hợp với tính cách và yêu cầu của khách. Đây là dịp tốt để xây dựng thương hiệu cho mình.

Gần đến ngày phải giao bánh mà không thấy con nói gì, cũng chẳng thấy con qua. Bỗng chú thợ làm bánh ghé nhà tôi bấm chuông. Thấy tôi, chú ngập ngừng với vẻ ái ngại, chú nói: Tú nhờ con lấy máy và đồ làm bánh về bên kia. Rồi với vé rất thương cảm như có uẩn khúc gì đó, chú nói: con nói riêng với cô nhé, Tú không chịu về lấy mà nhờ con về đó.

Linh tính mách tôi rằng có chuyện không hay đây. Người ta hay nói :Sau những ngày biển đẹp với những ngọn sóng hiền lành hơn bình thường là dấu hiệu của những cơn bão lớn.
Tôi có gọi điện thoại cho con hai lần mà cháu không nghe máy, cũng không gọi lại cho tôi.
Thế là cháu bỏ tôi đi từ ngày đó. Không lý do, không một lời từ biệt, chẳng một lời giải thích, mặc cho đầu óc tôi quay cuồng với hàng ngàn câu hỏi.

Tôi lại một lần nữa cảm giác được cái chênh vênh hụt hẫng. Chẳng lời lẽ nào có thể nói được nỗi đau của tôi khi bỗng đột ngột bị con bỏ rơi sau bao năm mẹ con bên nhau như thế.

Sau nhiều ngày gắng gượng, tôi suy nghĩ: Con tôi là một phần đời của tôi. Tôi đã có được nó trong ước ao, trong hy vọng. Tôi đã đem hết cả cuộc đời mình để sống vì con. Tôi đã yêu thương nó bằng hết cả tình thương của một người mẹ. Tôi đã lo cho con bằng tất cả cuộc đời của mình. Nhưng bây giờ con đã lớn, đã trưởng thành. Con có quyền sống cuộc đời của nó, có quyền chọn lựa và quyết định cho mọi hành động của nó. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ bắt buộc con cái phải nặng gánh cha mẹ. Tôi không muốn làm phiền con cái. Thôi thì mình hãy sống cuộc đời của mình và mình sẽ không làm phiền nó. Kể từ nay, mình sẽ đứng ngoài cuộc đời của con.

Từ ngày con bỏ đi theo ba mất tăm, tôi nhớ lại đã từ lâu anh đã không còn liên lạc với tôi. Nhưng khi cái tin anh cưới vợ đã làm dậy sóng trên mạng với những lời chỉ trích phê phán thậm tệ. Tôi không biết thực hư của câu chuyện như thế nào. Tôi thấy xót dùm cho anh, sợ bị khán giả tẩy chay nên có khuyên anh. Chẳng những anh không nghe mà vẫn thừa thắng xoing lên, vẫn tiếp tục cưới liên tục cả chục lần chỉ với một cô dâu. Báo mạng lại đăng.

Tôi không phải là kẻ đa nghi, nhưng trước những biểu hiện bất thường trong mọi trường hợp thì cái “máu phản gián” trong tôi lại thức dậy để phân tích-tổng hợp. Hình như cái ổ bánh kem khiến con tôi bỏ tôi đi nó “hấp dẫn” tôi một cách kỳ lạ.

Ổ bánh đó chắc để cho một dịp sinh nhật, cũng có khi là kỷ niệm ngày cưới hay cũng có thể là cho một đám cưới của người khách bí ẩn (bí ẩn nên con tôi không hé môi nói nửa lời), giàu có và thân thiết (chắc rồi, vì họ hào phóng lắm, tự đưa giá hơn 10 triệu cho thằng bé mới tập tành vô nghề đề làm cái bánh đó, nếu không thân thiết thì với dự tính chi hơn 10 triệu cho 1 ổ bánh kem chắc chắn sẽ phải tìm đến một thương hiệu bánh nổi tiếng) và quyền lực, quyền lực đến nỗi con tôi không dám làm ổ bánh đó ở nhà tôi mà phải lặng lẽ bỏ đi như trốn về bên nhà ba nó để làm.

Im lặng, yên ắng đến lạnh lùng. Không có bất cứ cuộc gọi nào của con, không có bất cứ tin nhắn nào của anh về tình hình con. Giống như kiểu lặn không lên tăm sủi bọt vậy.

Rồi trên báo mạng bắt đầu xuất hiện nhiều bài nói về anh, về những lần đám cưới nghệ thuật và từ thiện, trong đó có bài dính dáng tới tên tôi với nội dung không chính xác nếu không nói là hoàn toàn bóp méo sự thật hoặc bịa đặt làm ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của tôi. Kể cả còn có bài mang hơi hướm câu khách trắng trợn:”MC Thanh Bạch ly dị bà Thuý Nga trở về với vợ cũ Xuân Hương”. Trời ạ! Tôi không biết anh nghĩ sao mà lại lôi cái tên tôi ra, và để làm gì??? Vì nếu để câu khách thì chỉ riêng với hai cái tên ấy cũng đủ để nổi đình nổi đám rồi. Cần gì phải có tên tôi. Nhất là ngày xưa anh đã từng hỏi tôi:”EM NỔI TIẾNG KIỂU GÌ VẬY HƯƠNG?” vì đối với anh thì cái tên của tôi quá “bèo”.

Vậy là hé lộ chiến dịch khai quật quá khứ, đào mồ ký ức lôi lên đây. Người ta thì “đắp mộ cuộc tình”, còn anh thì “khai quật cuộc tình”. Đúng theo tính cách của anh trong suốt những năm sống chung và giống y như màn biểu diễn siêu dễ thương ở toà mà tôi đã kể. Đó là anh luôn xuất hiện với hình ảnh hiền lành, bất hạnh và đáng thương trong cuộc hôn nhân cũ. Còn tôi, trực tiếp hay gián tiếp cũng luôn được xuất hiện với hình ảnh là kẻ tội đồ gây ra mọi nỗi thống khổ của đời anh.

Bắt đầu từ một lần họp mặt kỷ niệm của cựu sinh viên trường Sân Khấu Điện Ảnh. Mặc dù Ban Tổ Chức (trong đó anh là một thành viên) đã thống nhất sẽ không mời phóng viên của các báo đài và cuộc họp mặt chỉ mang tính nội bộ. Thế nhưng anh đã mời phóng viên LNDC tới tham dự cùng anh.

Ngay khi vừa tới, phóng viên này đã đề nghị tôi lên sân khấu đứng cạnh anh để chụp ảnh. Linh tính thấy có điều gì đó bất thường vì cha con anh đã bặt vô âm tin sau vụ ổ bánh kem tới nay cũng cả năm rồi nên tôi không đồng ý. Tôi hoàn toàn không lại gần anh. Chúng tôi hoàn toàn không nói chuyện với nhau. Thế nhưng những tấm hình dường như có phép thuật, trong hình là anh ngay sau tôi hay kế bên tôi một cách rất thân thiện…v…v….kèm theo là những lời chú thích mang tính “khoa học viễn tưởng”.

Ngay sau đó xuất hiện hai bài báo của “phóng viên đại tài” LNDC.
Một bài đại ý tác giả viết rằng “Khi cuộc sống gia đình của tôi và anh đang hạnh phúc thì tôi (nghệ sĩ Xuân Hương) quay lưng đi khiến anh hụt hẫng đến nỗi suýt tự tử nên anh xuống tóc thay cho cái chết. Trước khi chết anh còn nghĩ sẵn một câu slogan để in trên bia mộ. Trời ơi! Có chuyện vậy nữa! Hay à nhen.

Còn bài thứ hai với có lời lẽ phun châu nhả ngọc, sướt mướt rằng trong ngày họp mặt tôi và anh đứng bên nhau sụt sùi ôn lại kỷ niệm cùng với nhiều ẩn ý khác kiểu kiểu như tôi và anh rất thân thiết, kiểu như tôi vui vẻ quá đá nhảy múa kiểu “tăng động” và tôi say đắm nghe anh hát ý như tôi mê mẩn vì anh hát tặng riêng tôi vậy (á! Má ơi) bla bla…lại còn kiểu kiểu tôi và anh thân thiết, vui vẻ bỏ qua hết mọi chuyện và tôi chả giận hờn gì khi anh cưới vợ mới. Và rồi còn có rất nhiều hình để chứng minh có ghi chú đầy đủ theo kiểu siêu hoang tưởng ở mỗi hình. Thiên tài! Phóng viên LNDC thiên tài bịa đặt.

Trời ơi tôi đọc mà cười muốn sặc cơm vì cái suy nghĩ “ngây thơ” ấu trĩ của tác giả bài viết (mà biết đâu chừng đây là sự tưởng tượng quá đà của “chú rể” MC TB. Sao anh không chịu hiểu dùm tôi rằng sự hành hạ của anh và Bộ TTM đã vắt kiệt hết những tình cảm và suy nghĩ tốt đẹp vốn có trong tôi về anh. Tôi còn gì nữa để tiếc một con người như anh. Sao anh không chịu hiểu dùm tôi rằng tôi đã được thoát nạn sau khi “tiễn vong”. Tôi đã bước qua thì không bao giờ ngoảnh mặt lại. Thì việc anh muốn cưới ai là chuyện của anh. Tôi không quan tâm, thậm chí còn cầu trời cho đôi trẻ bền duyên cầm sắt đến răng long đầu bạc.
Tôi đề nghị LNDC gỡ bài xuống. Nhưng anh ta không chịu. Tôi đành phải đến toà soạn yêu cầu gỡ bài. Hai vị lãnh đạo của toà soạn đã tiếp tôi và đồng ý gỡ hai bài báo nói trên và đã đăng lời xin lỗi tôi trên trang báo.

Sự chịu đựng nhẫn nhịn trong tôi suốt hơn hai mươi năm qua như cái nồi hơi bị ém toàn khí độc hại được anh chế tạo ra và dồn nhét vào. Anh không biết mọi chuyện trên đời này đều có giới hạn, đến trái đất mà các nhà khoa học còn dự đoán ngày nổ tung huống chi là sức chịu đựng của một cái “nồi hơi”.
Nó đầy ứ, hết khả năng lưu trữ dù đã cố căng giãn ra hết cỡ để chứa nhưng bắt đầu đến lúc rò rỉ.

Lần đầu tiên tôi đáp trả anh trên trang Facebook cá nhân. Tôi đã đăng những status nói lên chuyện anh hỗn láo với vong linh của ba tôi vì anh đã cầm tấm hình của ba tôi trên bàn thờ dằn xuống ghế để hỏi tội ông trong một lần gây lộn, chuyện anh chém tôi và cả chuyện anh lấy tôi chỉ để làm bình phong che đậy.

Tôi đã yêu cầu anh từ thời điểm đó không được lôi tên tôi ra trong trước công luận với bất cứ hình thức nào.
Anh lập tức nhắn tin kết tội tôi (tôi luôn luôn có tội), vì tôi lôi chuyện anh ra nói ầm ỹ trên Facebook nên con tôi bị từ hôn và lỡ một chuyến đi Mỹ định cư với bên đàng gái. Tôi hỏi tại sao chuyện hôn sự của con tôi mà trước đây tôi không được biết?

Nếu đó là sự thật thì anh cho tôi số điện thoại và địa chỉ của nhà gái để tôi đến nói chuyện nếu thấy cần. Anh lờ đi và nhắn tin tiếp rằng con tôi có những hành vi bất thường: khi thì lặng im suốt ngày không nói lời nào. Lúc thì lại nói huyên thuyên không đâu vào đâu. Lúc thì mua rất nhiều quần áo hàng hiệu về mặc. Anh đổ mọi tội lỗi lên đầu tôi, vì tôi đã làm con tôi ra nông nỗi đó. Cứ như chuyện anh khốn nạn với tôi chả liên quan gì.

Tôi hỏi anh tại sao đã hơn một năm tôi không được tin tức gì về con tôi? Tại sao nó không về thăm tôi? Anh bảo rằng “thì cũng do má nó thế nào đó nên nó không về”. Anh tài thế chứ, tôi phục anh quá, y chang như hai đứa cháu tôi theo anh cũng tại tôi vậy thôi.

Sau đó trong bài báo của tác giả LNDC thì anh bảo rằng “khi gia đình đang hạnh phúc thì XH lại quay lưng đi làm cho anh hụt hẫng định tự tử, nhưng nhờ có người khuyên nên anh mới xuống tóc thay cho tự tử”. Và trong chương trình Sau Ánh Hào Quang có đoạn anh kể về nỗi thống khổ về chuyện nầy. Chuyện cạo đầu của anh tôi đã kể rồi. Đó là sau khi anh đón hụt tôi ở sân bay vì tính lộn giờ, chưa kịp cùng bầu đoàn bằng hữu ra sân bay để thể hiện một tình yêu lãng mạn, sự nhung nhớ đến chết đi được của người chồng yêu vợ sau một chuyến đi xa thì tôi đã lù lù bước vô nhà. Sau khi mọi người về hết, anh đã cạo đầu rồi bỏ nhà ra đi.

Nhắc đến chuyện tự tử của anh tôi càng thấy nể phục anh hơn khi anh nói anh định tự tử bằng cái kéo cắt tóc. Trời ạ! Nhà tôi không thiếu dao đủ kích cỡ thì tại sao lại phải tự tử bằng cái kéo cắt tóc, nếu muốn??? Vì kéo cắt tóc không thể đủ độ sắc để tự tử được. Rồi chuyện anh cạo đầu cũng gây nhiều hoang mang tột độ vì nếu cắt tóc bằng kéo thì cái đầu đã phải lam nham như cón cá sặc rằn, như trái dừa khô cạo không khéo. Đằng nầy cái đầu nhẵn nhụi trơn bóng thì nói sao mà cạo đầu bằng kéo được?????

Vậy mà qua chương trình này ai cũng thấy cuộc hôn nhân cũ (mà thủ phạm là tôi) đã làm anh tổn thương đến mức sém lấy kéo đâm vào cổ (đoạn này cũng làm rơi nước mắt của biết bao khán giả) chứ không phải tại tôi lỡ công nhận với người sui gia của gia đình anh bên Mỹ rằng anh là gay.

(Cuộc chiến biến tôi thành kẻ thân bại danh liệt hãy còn đang tiếp diễn. Sẽ còn đăng tiếp)

Chia sẻ

Bài viết

Xuân Tuyền

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất