Sao & Đời Sống

'Tuổi trẻ chịu đói 1-2 bữa chẳng sao nhưng nếu không muốn tiếc nuối thì đừng sống an phận mãi ở vũng an toàn'

Vương Phi
Chia sẻ

“Mình nghĩ, tuổi trẻ 1-2 bữa chịu đói thì đã sao. Vì thế chẳng có lý do gì để mãi an phận ở vũng an toàn mà không dám sống với đam mê…”, thợ xăm Gấu Đen nói.

Cách đây khá lâu, ở Việt Nam, hình xăm thường gắn liền với những người thuộc dân “anh chị”. Ai có hình xăm trên người thường bị số đông soi mói, dị nghị. Tương tự, thợ xăm cũng là nghề bị gắn với những định kiến như thế bởi nghề này sẽ phải tiếp xúc với nhiều thành phần ăn chơi, bất hảo.

Bởi vậy, khi bắt đầu theo đuổi con đường xăm nghệ thuật, Gấu Đen (SN 1988) cũng từng vấp phải rất nhiều định kiến.

Gấu Đen là một trong những tattoo artist được nhiều người biết đến, đặc biệt với phong cách tả thực.

Trong gia đình, người phản đối mạnh nhất là ông nội mình”, Gấu Đen tâm sự. Ông nội của cậu là người thuộc thế hệ trước. Ở thời của họ, những gì liên quan đến xăm cho dù là người làm nghề xăm hay hình xăm đều là cái gì đó không mấy tốt đẹp.

Tuy nhiên, trước khi rẽ sang công việc này, Gấu Đen từng tìm hiểu rất nhiều và thấy rằng, xăm không chỉ là công việc mang lại thu nhập đủ sống mà người thợ còn được sống với đam mê. Hơn nữa, đây cũng là công việc làm đẹp lành mạnh cho người khác chứ không hề xấu xa như nhiều người vẫn định kiến.

Những ngày đầu theo nghề, Gấu Đen cũng giống như bao thợ xăm khác gặp rất nhiều khó khăn trong việc gầy dựng chỗ đứng và lượng khách hàng thân thiết. Khi chưa có được những thứ đó, thu nhập của anh cũng rất bèo bọt, chỉ tạm đủ nuôi thân sống qua ngày.

Mình cứ như thế mất khoảng 3-4 năm. Tiền làm ra thì ít trong khi lại có những cơ hội công việc tốt hơn nhưng cuối cùng, mình vẫn chọn xăm vì đó là công việc mình yêu thích”.

Chạy theo đam mê, cái giá mà thợ xăm này phải trả là những ngày bôn ba vất vả. Thu nhập ít ỏi khiến cuộc sống của anh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nghề xăm chưa phát triển nên việc giao lưu, học hỏi cũng bị hạn chế.

“Thời đó bọn mình phải tự rèn luyện kinh nghiệm chứ Internet cũng chưa phát triển như bây giờ. Mỗi tháng mình phải tiết kiệm từng đồng lẻ mua đồ nghề, mực xăm…”.

Sáng tạo của Gấu Đen không chỉ là một bức tranh mà còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Theo đuôi trường phái xăm tả thực, Gấu Đen luôn tâm niệm mỗi hình xăm phải là sự sáng tạo có chiều sâu. Đó không chỉ là một “họa tiết” trên da thịt con người mà còn là một bức tranh có hồn, để mỗi khi nhìn vào đó, chủ nhân của hình xăm có thể nhắn nhủ đến mọi người một thông điệp ý nghĩa.

Mình tâm niệm mỗi hình xăm là một cách trị liệu tâm lý. Và có lẽ vì suy nghĩ đó nên mình cũng trị được tâm bệnh cho rất nhiều người”, Gấu Đen vui vẻ kể.

Kiên trì bám đuổi con đường ít người dám đi, giờ đây chàng thợ xăm 8X đã gây dựng được chỗ đứng riêng. Tattoo cũng kết nối anh với những người cùng chung chí hướng và bạn gái bây giờ của anh cũng là một nữ thợ xăm.

Khi mình từ bỏ cơ hội công việc theo ngành kiến trúc được đào tạo đúng chuyên môn thì điều đó giống như là đã bước ra khỏi vũng an toàn. Nghề xăm khi đó chẳng có vị thế gì lại còn bị dè bỉu. Phải nói, đó là một quyết định liều lĩnh.

Làm nghề rồi, mấy năm đầu mình cũng không khá lên được. Có lúc cũng tủi thân khi thấy bạn bè cùng trang lứa có được thứ này, thứ khác còn mình vẫn tay trắng… nhưng mình nghĩ, tuổi trẻ 1-2 bữa chịu đói thì đã sao. Tuổi trẻ có quyền sai vì chúng ta còn thời gian để sửa. Vì thế chẳng có lý do gì để mãi an phận ở vũng an toàn mà không dám sống với đam mê”, Gấu Đen quan niệm.

Khi Gấu Đen vừa dứt lời, chiếc máy xăm trên tay anh lại bắt đầu đưa qua đưa lại, phủ thẫm mực vào từng lớp da tạo nên những bức tranh đầy màu sắc. Xã hội ngày càng hiện đại, những định kiến về xăm cũng giảm dần theo năm tháng. Ngày nay, người ta coi những hình xăm cũng giống như trang sức bình thường. Chắc chắn, những người như Gấu Đen sẽ có cơ hội đi rất xa trên con đường họ đã lựa chọn.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất