Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Tự sự của cụ bà vô gia cư ở Sài Gòn: 'Trời mưa khổ lắm con ơi!'

Đối với một số người, Sài Gòn mưa là khi họ vùi mình trong những chiếc chăn ấm, khi họ ngồi trong một góc quán quen với ly cafe nóng trên tay. Thế nhưng đối với người vô gia cư, những cơn mưa là tượng trưng cho những ngày vất vả, mệt nhọc hơn trong cuộc sống mưu sinh đầy khổ cực.

Chúng tôi gặp bà vào một buổi tối muộn, trời mưa lất phất. Bà ngồi thu người ở một góc đường, móm mém và gầy sọp. Bên cạnh chiếc xe đẩy chứa đủ loại chai nhựa, thùng xốp là cả gia tài của mình, bà ngồi xổm và cứ đưa mắt nhìn xung quanh. Khi chúng tôi đến, thấy máy ảnh bà cứ lo lắng hỏi: “Các con có bắt bà không?”

cugia1

Qua một hồi trò chuyện, mới bớt vẻ căng thẳng và chúng tôi cũng hiểu vì sao bà lại hỏi như vậy. Bà lo rằng chiếc xe đẩy là nguồn kiếm sống duy nhất của bà sẽ bị chúng tôi mang về, bà sợ rằng mình làm cản trở trật tự công cộng, gây hình ảnh xấu cho thành phố nên một ngày nào đó sẽ bị bắt, bà cứ nơm nớp lo nghĩ như thế mỗi ngày trong cái tuổi thất tuần đáng lẽ ra nên được hưởng an nhàn của mình…

cugia2

Bà năm nay gần 70 tuổi, quê của bà ở Tiền Giang nhưng khi xưa học chữ, đỗ vào trường Y và được chuyển lên Sài Gòn làm việc vào năm 19 tuổi. Từ một người có học thức, có công việc làm ổn định, sau 50 năm nơi xứ người bà trở thành người trắng tay và phải hằng ngày nhặt ve chai để kiếm sống, nhờ vào tình thương và sự giúp đỡ của mọi người để có cái ăn qua ngày. Câu chuyện ẩn sâu bên trong khiến người nghe không khỏi xúc động và thương xót thay cho bà.

Bà không có gia đình, ở một mình nuôi đứa cháu trai là con một người em của bà. Người con trai ấy bị mẹ bỏ rơi từ lúc mới hơn một tháng tuổi, thấy thế bà thương không quản ngại cực nhọc đem về nuôi nấng, dạy bảo như con ruột của mình. Những tưởng rằng tương lai sẽ trở thành người có ích cho xã hội, hay ít nhất cũng là người bầu bạn chăm lo cho bà lúc tuổi già. Thế nhưng đi ngược lại với những gì bà mong đợi, người con trai ấy sau khi lập gia đình, có con rồi lại hắt hủi người phụ nữ nhiều năm nuôi dạy chúng.

Ngôi nhà năm xưa do một tay bà gầy dựng đã bán đi và mua lại căn nhà khác, vì tình thương bà để cho con đứng tên và giữ toàn bộ số tiền thừa từ việc bán nhà, để giờ đây bà trở thành người vô gia cư, có nhà không thể về và mỗi ngày đều lặn lội đi nhặt ve chai kiếm sống nuôi thân.

Hiện tại, khi đã tuổi già sức yếu, bà vẫn hằng ngày còng lưng đẩy chiếc xe do một người hảo tâm tặng đi khắp các nẻo đường, nhờ vào tấm lòng của nhiều người, khi thì bà được biếu ít tiền, khi thì bữa cơm, khi thì ít áo quần để mặc. Cuộc sống rong ruổi của bà vẫn tiếp diễn mặc cho mùa mưa đến, khổ cực bao nhiêu bà vẫn tiếp tục không ngừng.

Khi được ngỏ ý hỏi bà có muốn đến các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc các ngôi chùa để xin nương nhờ tá túc không thì bà một mực khẳng định bà vẫn muốn tự sức mình không nhờ vả người khác: “Bà còn làm nuôi thân được thì bà làm à con. Nhờ vả xã hội vậy chứ cũng mệt lắm.”

cugia3

Mỗi tối, bà cứ thế ngồi bên vệ đường, mặc cho mưa gió bà vẫn ngồi đó, đợi cho đến khi những ngôi nhà, hàng quán bên đường đóng cửa, bà lại lặng lẽ ghé vào một mái hiên trú tạm sau một ngày dài mệt nhọc. Đối với bà, nơi ngủ chỉ cần không bị mưa ướt là đã tốt lắm rồi. Bà cũng không dám đến những nơi sang trọng hay vào cây ATM để ngủ mặc dù những nơi đó ấm áp và đủ sạch để bà có thể nghỉ lưng. Khi chúng tôi hỏi tại sao bà không dám đến, câu trả lời của bà lại một lần nữa khiến chúng tôi nghẹn ngào xúc động: “Bà sợ người nước ngoài thấy người ta sợ, với lại người ta cười Việt Nam mình con ơi!”

Mặc dù vất vả khó khăn là vậy, nhưng trong suốt cuộc trò chuyện bà luôn tươi cười và lạc quan kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của bà, khiến cho chúng tôi có cảm giác rằng mình chỉ đang nghe kể một câu chuyện rất đỗi bình thản, nhẹ nhàng. Không hề có vất vả mưu sinh, không hề có đói rách, sớm hôm lặn lội nhặt những thứ mà người khác bỏ đi…

Tuy nhiên, chỉ duy nhất nhắc đến người cháu trai của bà, nỗi đau bà lại không thể kìm nén được, nước mắt cứ thế rơi trên khuôn mặt hằn nét khắc khổ. Bà vẫn luôn nói những lời tốt đẹp dành cho người cháu kia, vẫn luôn tự trách mình không thể dạy cháu nên người. Tình thương bao la, cao cả của bà nào có khác gì tình mẫu tử thiêng liêng?

cugia5

Giờ đây, khi mùa mưa đang đến, nỗi khổ cực của bà lại tăng thêm gấp nhiều lần, đôi chân của bà thì ngày một gầy yếu, làm sao có thể mãi chống chọi với thời tiết khắc nghiệt? Có những hôm trời mưa to bà ngồi bên vệ đường, toàn thân đều ướt hết, thế là bà cứ ngủ qua một đêm với bộ quần áo ướt sũng, sáng ra lại tiếp tục đi nhặt ve chai đến khi nắng gió hong khô chúng. Bà phải dậy từ rất sớm để trả lại mặt bằng cho cửa hàng kinh doanh, mỗi ngày như thế đi từ sáng sớm đến tối mịt bà chỉ kiếm được cao nhất vài chục nghìn đồng, có khi không nhặt được bao nhiêu mà giá ve chai lại sụt, bà chỉ có thể nhờ vào tấm lòng của những người đi đường, biếu bà chút thức ăn để qua cơn đói.

Đôi chân của bà gần như biến dạng vì mỗi ngày phải đi khắp các nẻo đường.

Đôi chân của bà gần như biến dạng vì mỗi ngày phải đi khắp các nẻo đường.

cugia6

Mong ước của bà là có một mái nhà để về quây quần bên con cháu. “Bà chỉ cần có nhà thôi, rồi bà đi nhặt ve chai tiếp cũng được!” Bà đã nói với chúng tôi như thế với nụ cười hiền và đôi mắt chứa đầy nước. Có lẽ, cuộc đời bà đã chịu khổ cực quen rồi!

cugia4

Mọi tấm lòng hảo tâm đóng góp xin liên hệ trực tiếp với bà. Bà không có địa chỉ cụ thể, buổi trưa đến chiều bà thường xin ở nhờ trước cửa nhà Bác sĩ Trần Mậu Kim, địa chỉ số 390A, đường Hoàng Diệu, phường 5, quận 4. Và tối sau 23h bà ngủ trước mái hiên của Shop Con Cưng, số 317 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4. Trước 23h đêm có thể tìm thấy bà dưới chân cầu Ông Lãnh về phía quận 4.

>> Xem thêm:

Cuộc sống về đêm của những gia đình trên sông Sài Gòn

Chợ đêm Bến Thành: Có một ‘ban ngày’ vào giữa đêm ở trung tâm Sài Gòn

Ngưỡng mộ ‘sức mạnh’ của bà cụ bán gốm dạo ở chợ Bến Thành

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Sam

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tín hiệu vui của Hoài Linh
Ngọc Trinh đã trưởng thành?