Sao & Đời Sống

Thầy Nguyễn Ngọc Ký nói về khai giảng và bệnh thành tích

Chia sẻ

“Thời đại hiện nay không thể duy trì ý nghĩa thiêng liêng như xưa, nhưng chúng ta vẫn cần tiến hành lễ khai giảng thiết thực, khoa học hơn”.

Nhân dịp khai giảng năm học mới, Tuần Việt Nam có buổi trò chuyện với Nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà tư vấn Nguyễn Ngọc Ký - người đã bao năm nay là tấm gương sáng ngời về nghị lực sống.

A1

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: Hà Mai/ VnExpress

Buồn đấy, tiếc đấy nhưng phải chấp nhận!

Thưa thầy, ngày khai giảng theo đúng nghĩa là bắt đầu năm học mới, thiêng liêng lắm, đã đi vào nhạc, vào thơ văn, vào nhạc, như của nhà văn Thanh Tịnh. Nhưng không biết từ khi nào, học sinh đến với ngày khai giảng sau khi đã bắt đầu học từ 1 - 2 tháng. Từng là thầy giáo suốt 40 năm, có nhiều dự án nghiên cứu đóng góp cho ngành giáo dục, thầy nghĩ sao về điều này?

Thầy Nguyễn Ngọc Ký: Tôi trăn trở và suy nghĩ điều này từ lâu. Cũng như “khai bút”, “khai xuân”, khai giảng phải là bắt đầu năm học mới. Nhưng quả thật, ý nghĩa của ngày khai giảng bây giờ không còn nguyên vẹn, tinh khôi, giàu cảm xúc như ngày xưa, mà chỉ còn là thủ tục. Thương nhất là các em học sinh không có được cảm xúc năm học mới qua buổi khai giảng.

Song chúng ta cũng phải nghĩ lại rằng, thời đại hiện nay với không gian, thời gian và những điều kiện xã hội đã thay đổi rất nhiều nên kéo theo nhiều cái khác cũng thay đổi theo. Kể cả với giáo dục hay ngày khai giảng thiêng liêng mà chúng ta đang đề cập.

Ngày xưa, không gian lao động làm việc cũng như học hành rất bình lặng, thong dong. Đó là nền văn minh nông nghiệp, mọi cái cứ “tuần tự nhi tiến”. Còn bây giờ, đôi khi chúng ta khẩn trương quá, cấp tập quá, nhiều cái phải đi trước đón đầu, nhiều cái cháy nhanh quá, đảo lộn hết tất cả.

Tương tự, ngày khai giảng trước kia đúng là ngày mở đầu cho buổi khai trường, học trò tập trung làm lễ, chuẩn bị cho thầy cô giảng bài đầu tiên của năm học mới. Tôi còn nhớ ngày xưa khai giảng xong không có nghỉ như bây giờ đâu. Khai giảng chỉ một tiết đầu thôi, học sinh mang sách vở đầy đủ tập khai giảng, sau vào lớp, nghe bài đầu tiên. Năm học mới bắt đầu ngay sau lễ khai giảng!

Về sau, dường như người ta muốn thêm phần “vui vẻ”, giáo viên và học sinh có chuẩn bị, sau khi khai giảng thì học sinh và giáo viên về nghỉ ngơi, hôm sau mới học.

Còn có những nguyên nhân nào khác không, ngoài ý nghĩa “vui vẻ” như thầy đã nói?

Còn có những nguyên nhân khác chi phối, như ngày trước học sinh nghỉ tết chỉ ba ngày, nhiều lắm là một tuần. Giờ có xu hướng nghỉ nhiều hơn, có năm tới nửa tháng có năm gần một tháng. Vì vậy, người ta đẩy năm học lùi về trước cho học sinh học trước để có thời gian nghỉ dài ngày hơn.

Nhìn chung, cảm giác nuối tiếc về ngày khai giảng hồi xưa giống như nhớ về một nông thôn bằng lặng với “cây đa bến nước sân đình”, với những lũy tre rợp bóng. Để giữ được những truyền thống đẹp, quá khứ nên thơ trong điều kiện thành thị hóa nhiều khi là quá khó, phải chấp nhận đánh đổi.

A2

Lễ khai giảng không thể còn như xưa, nhưng phải làm sao cho khoa học, thiết thực. Ảnh: Văn Chung

Tôi nghĩ các nhà chiến lược cũng rất đau đầu, không đơn giản mà xử lý đâu. Cũng như ai giờ muốn giữ nhà cổ thì phải chấp nhận chật chội, nóng bức, không được sử dụng máy lạnh. Giờ sao đây? Họ buộc phải xây nhà bê tông nhà hộp để gắn những tiện nghi như máy lạnh, quạt, vào tận hưởng cái mát của văn minh hiện đại vào những ngày nóng bức.

Trong quá trình vận động tiến lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa phải có sự đánh đổi, kể cả đánh đổi một giá trị tinh thần để phát triển. Ngành giáo dục cũng đang phải như vậy, không tách ra khỏi xu hướng này được

Buồn đấy, tiếc đấy nhưng phải chấp nhận!

Khai giảng thiết thực và khoa học

Có điều người ta lo thế này, chúng ta dạy các học sinh phải sống trung thực. Nhưng bây giờ chúng ta làm hình thức, không còn ý nghĩa là bắt đầu năm học mới nữa. Cộng với hàng loạt căn bệnh hình thức đang giày vò ngành giáo dục như chạy theo điểm, chạy theo chỉ tiêu thi đua… Nói cách khác là mục tiêu là đào tạo ra con người tốt, nhưng trong quá trình đào tạo thì có những phương pháp chưa đồng hành?

Thật ra, ở một xã hội phát triển đang ở giai đoạn quá độ như xã hội ta, thì mọi cái đều bị xới tung lên và đang đợi chờ sự sắp xếp vào đúng chỗ, đúng giá trị của quy luật tự nhiên. Và chúng ta đang phải đối diện, đang chấp nhận những phần hình thức mà chưa tải được ý nghĩa của nội dung. Ngành giáo dục và các ngành khác lâu nay đang bị bệnh thành tích nhiễm vào… hơi nặng. Và có lẽ nước nào cũng có chứ không phải chỉ mình VN ta đâu. Con người ai cũng muốn được khen, được vinh danh.

Nhưng ở VN bệnh thành tích với tính sĩ hơi “nặng” nên nhiều hoạt động bị hình thức hóa. Hoạt động khai giảng cũng không ngoại lệ. Đáng nói là buổi khai giảng diễn ra quá dài dòng, nhiều bài phát biểu lê thê. Có những hiệu trưởng đọc diễn văn dài tới 15 - 20 phút! Trong đó nặng về khoe thành tích quá khứ rồi căn dặn những điều quá vụn vặt.

Rồi khai giảng nào cũng phải chờ cho bằng được đủ mặt các đại biểu, lãnh đạo địa phương. Có khi hàng ngàn em học sinh phải đợi chờ hàng tiếng đồng hồ vì đại biểu chưa đến.

Khai giảng là ngày hội của các em nên cần những cái thiết thực, ngắn gọn dành cho các em thì tốt hơn. Thế nhưng ngay những phát biểu của các em cũng hết sức hình thức vì không phải phát biểu tự tâm tự suy nghĩ các em mà do thầy cô viết sẵn rồi các em đọc!

Hiện nay những bệnh hình thức trong giáo dục nặng nề. Ngay như chuyện mít tinh dài dòng, nội dung không gần gũi, không thiết thực, không vì học trò. Mặc dù chúng ta nói lấy học trò làm trung tâm nhưng hành động thì chưa tương xứng. Những hội giảng quá hình thức, giáo viên chuẩn bị “gà” cho học trò các thứ để lấy thành tích.

Theo thầy, có cần thiết phải duy trì lễ khai giảng nữa không nếu như lễ không còn ý nghĩa, giá trị? Hoặc nếu duy trì thì nên có thay đổi như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, thời đại hiện nay không thể duy trì ý nghĩa thiêng liêng như xưa, nhưng chúng ta vẫn cần lễ khai giảng với những nội dung thiết thực, khoa học hơn. Trong đó phần quan trọng nhất là đón học sinh mới vào trường, làm thế nào cho trang trọng, ấn tượng, để những em đầu tiên bước vào trường như lớp 1, lớp 6, lớp 10 thấy rằng mái trường mới đang giang rộng vòng tay đón các em, tạo sự thân thiện giữa học sinh cũ và mới.

Nội dung thứ hai là lễ nghi chào cờ cần thiết thực, đơn giản mà có ý nghĩa sâu sắc. Có thể không cần nhạc mà tất cả mọi người cùng hát để cho âm vang tiếng hát cùng cất lên, phát ra nỗi lòng với tình yêu đất nước, non sông lẫn niềm tự hào bước vào năm học mới từ ngày đầu tiên. Tôi đi dự nhiều buổi khai giảng hiện nay thì thấy rằng các nơi đều thiên về nhạc mà ít chú ý đến lời hát. Có nơi hát thì hát sai, có nơi hát thì hát rất nhỏ, lí nhí lí nhí hoặc cử lớp đại diện… thành ra làm mất không khí thiêng liêng cần có của bài quốc ca. Ngày khai trường thông qua quốc ca để thầy và trò cùng thể hiện trách nhiệm, tâm huyết, nỗi lòng và khát vọng để bước vào hành trình mới phía trước là năm học mới.

A3

Thầy Nguyễn Ngọc Ký luôn là tấm gương sáng về nghị lực. Ảnh: Lê Na

Tôi cho rằng phần quan trọng nhất trong lễ khai giảng là lễ khai lớp. Hiện nay chưa mấy trường làm được phần này. Trong khi chương trình khai lớp mới thực sự là quan trọng. Lúc đó mới điều kiện để giáo viên và các em làm quen với nhau với thầy cô, giáo viên giới thiệu về trường, về mình. Các em vui với nhau, chia sẻ những câu chuyện hè, những trải nghiệm sau kỳ nghỉ, hoặc câu chuyện hay mà các em đọc trong quyển sách, bài báo nào đó…

Sau đó làm công tác tổ chức, bầu ban cán sự. Như vậy, sau buổi khai lớp, các em đã quen với bạn mình, biết tên bạn bè, thầy cô, tạo không khí gần gũi, ấm cúng. Kết thúc là thầy trò cùng hát chung một bài.

Chúng ta làm sau cho buổi khai trường và khai lớp đúng ý nghĩa của nó, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Các em khai giảng, khai lớp nắm được toàn bộ quy trình của năm học và những nội quy cơ bản, biết được hàng loạt kỹ năng học. Đó là kỹ năng đọc, nghe, tư duy và những kỹ năng về tính cẩn thận, giữ vệ sinh, kỹ năng đi trên đường, tham gia giao thông… Như vậy giáo viên chủ nhiệm phải chuẩn bị nhiều vấn đề, chứ như hiện nay thì chẳng biết làm gì cả.

Ngành giáo dục lẽ ra phải chống lại bệnh hình thức thì cũng đang bị “lây nhiễm”. Vậy làm sao tăng sức đề kháng cho giáo dục đây?

Trước hết ngành giáo dục phải nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong việc truyền tải những kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh. Giáo dục phải hướng vào những kiến thức chuẩn mực, cho nên mỗi giáo viên phải ý thức được mình đang dạy một thế hệ tương lai làm chủ đất nước một cách có trách nhiệm và khoa học. Từng nhà trường, từng giáo viên phải bắt đầu từ nhận thức trách nhiệm giáo dục ra những công dân chuẩn mực.

So với những yêu cầu đó thì ngành giáo dục đang cần phải tiệm cận đích thực hơn nữa với những tinh thần đang phát động trong ngành là phong trào “Trung thực - Trách nhiệm - Nghị lực”. Từng người thầy người cô phải luôn nghĩ đến điều này để chuyển tải cho các em một cách sâu sắc, cơ bản, đơn giản để các em phát triển nhân cách chuẩn mực trong tương lai.

Trước hết mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phải ý thức rõ như vậy. Từ đó họ có suy nghĩ gần gũi vì học trò hơn. Như vậy, từng bước sẽ xây dựng được những nội dung cần thiết đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quá độ, đẩy nhanh hơn quá trình cải cách của cả ngành!

Xin cảm ơn thầy đã chia sẻ

Chia sẻ
Tin mới nhất