Sao & Đời Sống

Phụ huynh nói gì khi nhà trường quản lí việc sử dụng Facebook của học sinh?

Lê Châm
Chia sẻ

Từ khi một số trường ra quy định về những điều học sinh không được đưa lên mạng xã hội đã có nhiều tranh cãi từ những luồng ý kiến khác nhau. Một trong số đó là những ý kiến trái chiều, những tranh cãi "nảy lửa" từ các bậc phụ huynh.

Việc nhà trường đưa ra quy định về những điều “cấm kị” đối với học sinh khi sử dụng Facebook đã có từ mấy năm nay.

Năm 2013, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh đã đưa quy định về những điều “cấm kỵ” đối với học sinh khi lên facebook vào nội quy nhà trường.

Sau đó, năm học 2015 - 2016, Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) đã đưa một loạt quy định cấm học sinh khi sử dụng facebook như: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt…; Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.

Không những thế, các trường học này còn nhấn mạnh rằng, người khác có thể đánh giá học sinh thông qua những chia sẻ trên mạng xã hội: “Nếu tôi đọc được facebook của bạn, chắc chắn tôi sẽ biết bạn là người như thế nào”.

Trước những quy định này, phía phụ huynh có những luồng ý kiến khác nhau.

Những phụ huynh này cho rằng con cái của họ hiện nay quá lạm dụng facebook mà không chú tâm cho việc học, dẫn đến học lực giảm sút, học lại hoặc thi lại khiến học vô cùng lo lắng. Hay thậm chí, một số học sinh có những lời lẽ thô tục với bạn bè cùng lớp, dùng lời lẽ nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo giảng dạy. Quy định của nhà trường dường như góp phần chia sẻ bớt nỗi lo này của họ.

Chuyên gia tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng đồng tình với quy định này của nhà trường: “Tôi ủng hộ động thái này. Chưa bàn đến khả năng áp dụng vì phát ngôn trên Facebook rất khó kiểm soát, tuy nhiên hành động này ít nhất cũng đã dấy lên trong học sinh ý thức về trách nhiệm đối với phát ngôn của mình. Nhiều học sinh phản đối vì cho rằng việc này sẽ vi phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, tôi nghĩ văn bản này không cấm các em dùng Facebook, không cấm các em đăng bài, mà chỉ cấm các em văng tục, đăng bài sai - tức cấm những hành vi sai trái và thiếu văn hóa mà thôi”.

Tuy nhiên, một số phụ huynh khác lại có ý kiến hoàn toàn trái ngược. Những phụ huynh này phản đối quy định này vì facebook là quyền riêng tư của mỗi người, không ai có quyền quản lí.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy cũng nhận định: “Không nên đưa ra sự cấm đoán vì ở lứa tuổi này càng cấm, các em càng làm ngược lại để khẳng định cái tôi. Các em hoàn toàn có thể lập nick ảo để thỏa sức like, bình luận. Nên chăng tại các trường học, chúng ta mời các chuyên gia tâm lý đến trò chuyện, chia sẻ, nêu lợi ích của việc cư xử có văn hóa và hậu quả của những việc làm thiếu văn hóa trên mạng. Khuyên các em khi đọc được câu chuyện hay, ý nghĩa thì like, còn thấy ai văng tục phải thể hiện sự phản đối có văn hóa”.

Nhưng “sau tất cả”, phần đông phụ huynh đều cho rằng, cần sử dụng những biện pháp mềm dẻo để giáo dục học sinh hơn là ra hẳn quyết định cấm đoán cứng nhắc như thế này.

Bà Ngô Thị Tuyên, phó giám đốc trung tâm Công nghệ Giáo dục và Xuất bản giáo dục Việt Nam cho rằng nếu không đưa chính thức vào chương trình học được thì nên lập các diễn đàn để học sinh thảo luận. “Việc sử dụng mạng xã hội như thế nào là do suy nghĩ của chính người sử dụng, mình không thể quản lý, cấm đoán hay hạn chế được. Vì thế cần sự giáo dục từ ý thức của mỗi người”, bà Tuyên nói.

Chia sẻ

Bài viết

Lê Châm

Tin mới nhất