NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

Sau những khó khăn, thăng trầm của cuộc sống, NSND Minh Vương bước sang tuổi 70 với sự lạc quan, yêu đời. Nghệ sĩ Minh Vương nói đùa rằng: "Tôi là Minh Vương 2, chỉ mới 43 tuổi thôi".

Bài viết Xuân Tuyền
Chia sẻ

Vốn sinh ra trong gia đình không ai theo nghiệp hát, bằng niềm đam mê, sự nỗ lực của mình, nghệ sĩ Minh Vương đã trở thành một trong những tên tuổi nổi bật và hoạt động bền bỉ nhất của “thế hệ vàng sân khấu cải lương”. Đến nay, dù đã 70 tuổi, nghệ sĩ Minh Vương vẫn giữ được chất giọng trời phú và không ngừng cống hiến cho nghệ thuật sân khấu.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

Trải qua cơn bạo bệnh “thập tử nhất sinh” vào năm 2012, nghệ sĩ Minh Vương hiện tại đã lấy lại được sức khoẻ, lạc quan và hạnh phúc bên người vợ hiện tại. Cùng với đó, sau hơn 50 năm hoạt động, Minh Vương đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” dành cho những đóng góp, cống hiến hết mình của ông đối với nghệ thuật cải lương nước nhà.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Nghệ sĩ nhân dân được đánh giá là một trong những danh hiệu cao quý trong lĩnh vực nghệ thuật đối với người nghệ sĩ. Như vậy, sau khi nhận danh hiệu này, nghệ sĩ Minh Vương có cảm xúc như thế nào?

Là một người nghệ sĩ và được phong tặng danh hiệu NSND dành cho hoạt động nghệ thuật, đó chính là phần thưởng danh dự và quý giá nhất trong sự nghiệp và cuộc đời của tôi. Nghề cải lương, có được danh hiệu NSƯT, NSND là sự sung sướng không gì có thể sánh bằng. Vừa rồi được ra Hà Nội nhận danh hiệu NSND, điều ấy thật sự mang lại hạnh phúc cho tôi, gia đình và những khán giả yêu quý mình.

- Ba lần “trượt” danh hiệu NSND và đạt được danh hiệu này muộn hơn so với các đồng nghiệp cùng thời, nghệ sĩ Minh Vương có thấy thiệt thòi hay buồn lòng về điều này?

Tiêu chí của những năm ngoái đưa ra là phải có huy chương trong các cuộc thi. Tôi thì cũng đã có tuổi, không lẽ lại đi tranh giành với lớp trẻ. Tôi có làm hồ sơ, làm đơn nhưng lại thiếu thiếu huy chương vàng thành ra những lần trước vẫn không được xét danh hiệu. Tầm hoạt động nghệ thuật của tôi hơn 50 năm rồi, đã đóng góp rất nhiều cho sân khấu. Tôi từng vào một đoàn Văn công Giải phóng, trở thành một nghệ sĩ theo biên chế nhà nước. Thời gian đó, tôi cùng Lệ Thuỷ và những anh chị em khác đi hát, tích góp và xây hơn 50 căn nhà tình thương cho những người nghèo. Mặc dù không thể trách ai được, nhưng với những cống hiến đó, tôi cũng có chút buồn khi đạt danh hiệu muộn.

Buồn thì buồn đó, nhưng mà mình cũng phải biết nhìn lại bản thân mình, xem đã cống hiến đủ chưa. Cho dù hoạt động lâu nhưng không cống hiến được gì thì cũng không thể nhận được danh hiệu quý giá này.

- Theo NSND Minh Vương, danh hiệu có phải là thước đo cho thành quả, sự cống hiến của một người nghệ sĩ hay không?

Danh hiệu cũng là một tiêu chuẩn, thước đo cho sự thành công của người nghệ sĩ, nhưng điều đó thôi vẫn chưa đủ. Như trường hợp của tôi và một số anh em nghệ sĩ khác, để xét danh hiệu NSND phải cần có huy chương, nhưng tuổi của tôi và họ thì đi thi như thế nào? Việc chỉ dựa vào huy chương để xét danh hiệu ít nhiều khiến người nghệ sĩ lâu năm tủi thân, và danh hiệu, huy chương cũng không nói lên hết được những cống hiến của một người làm nghệ thuật. Danh hiệu chỉ nói lên một phần, cái quan trọng là anh em nghệ sĩ đã cống hiến hết sức mình cho khán giả.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Đến nay, giá trị quý giá nhất mà nghệ thuật cải lương đem đến cho nghệ sĩ Minh Vương là gì?

Khi mình bước ra sân khấu mà khán giả ở dưới đông, thì đó là điều vui mừng nhất, hạnh phúc nhất. Thật sự rất buồn nếu trước mặt không có khán giả. Giá trị quý giá nhất mà cải lương đem đến cho tôi là sự yêu quý của mọi người.

- Theo nghệ sĩ Minh Vương, ngoài lòng yêu nghề, đâu là yếu tố quyết định sự thành công của một nghệ sĩ cải lương?

Ngoài lòng yêu nghề, người nghệ sĩ phải biết sáng tạo, phải luôn đổi mới mình thì mới có thể thành công được. Mặc dù đã lớn tuổi rồi nhưng tôi vẫn còn nghiên cứu để tìm những cái mới, cái hay của người khác để tiếp cận, học hỏi. Giống như việc đem tân nhạc qua vọng cổ rồi vọng cổ qua tân nhạc. Phải luôn nghĩ làm sao để tiếp cận khán giả trẻ bây giờ, cải lương có như thế mới tiếp tục phát triển được.

- Ông có dự định “cover” những ca khúc nhạc trẻ theo phong cách cải lương như NSND Bạch Tuyết đã từng làm?

Tôi cũng đã làm mấy năm nay rồi, đã sáng tạo ra cách ca mới. Tôi lấy những bài tân nhạc đang ăn khách, được các bạn trẻ yêu thích, sau đó cùng Đăng Minh viết lại thành giai điệu vọng cổ. Chẳng hạn như bài “Con bướm xuân”, “Không cảm xúc”, “Vợ người ta”, “Tuý âm”,… Đây là một cách hát sáng tạo, coi như sự giao nhau giữa tân - cổ, khán giả trẻ cũng đã tỏ ra thích thú. Các bạn có thể lên YouTube tìm là ra những bài tôi đã hát.

- Bí quyết nào khiến nghệ sĩ giữ được giọng hát qua ngần ấy năm và cống hiến hết mình cho nghệ thuật như vậy?

Muốn giữ giọng của mình, hồi đậu “Khôi nguyên vọng cổ”, thầy tôi và những người lớn tuổi có khuyên đừng nên hút thuốc, rượu chè. Cái gì có hại cho sức khoẻ và giọng mình thì nên tránh. Cho đến bây giờ tôi vẫn vậy, vẫn giữ gìn sức khoẻ, thuốc, rượu gì tôi cũng hạn chế, thỉnh thoảng chỉ nhấm nháp với bạn bè chút cho vui thôi. Giọng mình có được rất khó, trời cho, cha mẹ sanh ra đã khó, giữ gìn lại càng khó hơn.

- Trong 60 năm làm nghề, ai là người ảnh hưởng đến NS Minh Vương nhất?

Hồi trước nghe trên đài, tôi thích ông Út Trà Ôn, Hữu Phước, Minh Cảnh. Chính những người đi trước đó mới có những người đi sau. Nghe nhiều những bậc tiền bối hát như vậy, tôi mới thích rồi đi học ca. Tôi xin vào học một lớp đờn ca tài tử, luyện tập một thời gian rồi bắt đầu đi thi “Khôi nguyên vọng cổ”. May mắn, năm đó tôi đậu “Khôi nguyên vọng cổ”, từ đó tôi mới bước vào con đường nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Theo nghệ sĩ Minh Vương, đúng hay sai khi nhiều người cho rằng thời gian gần đây, những vỡ diễn cải lương được công diễn thường chỉ xuất hiện những nghệ sĩ gạo cội, đâu đó vẫn khan hiếm lực lượng nghệ sĩ cải lương trẻ?

Điều này không hẳn là đúng. Nghệ sĩ cải lương trẻ hiện giờ vẫn rất đông đảo, giống như chương trình “Ngân mãi chuông vàng”, hầu hết là lớp trẻ, còn những nghệ sĩ gạo cội chúng tôi chỉ thỉnh thoảng xuất hiện thôi. Hay “Vầng trăng cổ nhạc” cũng vậy. Có đầy đủ già - trẻ, nhưng lứa người đi trước chúng tôi hạn chế lên sân khấu, tuỳ theo vai. Nhiều người bảo nghệ sĩ gạo cội chỉ nhận vai lớn, vai chính, còn để lớp trẻ nhận vai nhỏ, vai phụ, nhưng không phải vậy. Chẳng hạn vừa rồi có một hội diễn sân khấu, tôi vào vai phụ là cụ Nguyễn Sinh Sắc, chỉ có 4 phút thôi nhưng tôi vẫn nhận. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, đó là lần đầu tiên tôi xuất hiện 4 phút trong một vỡ diễn.

- Có những vở diễn, thay vì mời nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp thì ban tổ chức lại mời những ca sĩ trẻ, diễn viên để hát cải lương như một cách để bán vé và thu hút sự chú ý của khán giả. Đứng ở góc độ người làm nghề, nghệ sĩ Minh Vương nghĩ gì về điều trên?

Đó là nhất thời chạy theo xu hướng thôi. Giống như chương trình của Gia Bảo vừa rồi chẳng hạn. Nhiều khi ban tổ chức họ ngại khán giả sẽ chán khi xem nguyên tuồng cải lương trong một thời gian dài, cho nên họ mới chêm vào những ca sĩ, diễn viên để trở thành một chương trình tổng hợp. Ban tổ chức họ có quyền làm theo hình dạng này, cách hát này.

Bây giờ nhiều món ăn tinh thần lắm, thành phần người xem cũng đủ cả, từ người già đến người trẻ. Bởi vậy nên người ta thích đủ loại, từ tổng hợp đến cải lương thuần tuý. Tôi thấy việc này tuỳ theo thị hiếu của khán giả và ý đồ của bên tổ chức, mình cũng chẳng can thiệp được. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ sở thích rất phong phú, thích đủ thể loại nhạc.

- Mới đây, Sở Văn hoá - Thể thao TP HCM có chủ trương mỗi tháng sẽ công diễn hai vở tuồng cải lương và phát vé miễn phí. Chủ trương này gặp phải những luồng ý kiến trái chiều. Khán giả thì thấy vui vì được xem cải lương miễn phí, trong khi đó một số nghệ sĩ lại cho rằng điều này sẽ “giết chết” cải lương, khiến người nghệ sĩ mất đi thu nhập. NSND Minh Vương có ý kiến như thế nào về việc này?

Vừa rồi tôi cũng có biết về chủ trương này, theo ý kiến của tôi, những vở diễn cải lương nên được bán vé, nhưng giá vé phải rẻ thôi. Bán vé cao quá khán giả người ta không có điều kiện mua, thấp quá lại không đủ tiền trả cho anh em nghệ sĩ. Làm sao phải dung hoà được giữa việc đưa cải lương đến gần với khán giả và đảm bảo cuộc sống cho người nghệ sĩ, đó thật sự là một thách thức lớn.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Nghệ sĩ Minh Vương có trăn trở gì khi hiện nay, nhiều nghệ sĩ cải lương phải làm một lúc nhiều nghề mới đủ sống?

Làm nghệ sĩ, mình phải chịu vậy thôi. Như tôi bây giờ cũng vậy, tôi không còn một đoàn nào cả, nhưng nơi nào mời tôi vẫn đi ca. Tỉnh này tỉnh kia, tiệc này tiệc nọ, tôi vẫn nhận tại tôi còn yêu nghề, yêu sân khấu lắm. Hồi trước nhiều đoàn hát, các em được đi diễn đoàn này đoàn kia mới có kinh nghiệm, vững sân khấu. Bây giờ số đoàn cả lương ít dần, các em buộc phải đi làm thêm những việc khác, đó cũng là một thiệt thòi cho thế hệ trẻ ngày nay.

- Những người trẻ hiện giờ không còn mặn mà với cải lương, thậm chí hỏi tên nghệ sĩ gạo cội các bạn cũng không biết, là một nghệ sĩ lâu năm, chứng kiến thời hoàng kim của cải lương, nghệ sĩ Minh Vương cảm thấy thế nào về điều này?

Cũng cảm thấy tủi thân lắm, nhưng mà tủi thân xong thì như thế nào mới quan trọng. Tủi xong rồi mình phải cố gắng để lớp trẻ chú ý đến bộ môn nghệ thuật cải lương truyền thống. Trẻ thì đương nhiên phải thích những loại nhạc phù hợp với lứa tuổi, bổn phận của mình là nghĩ cách đưa cải lương tiếp cận gần với các em hơn.

Tôi đã đưa cải lương vào các trường học, để giới thiệu và giữ vững loại hình nghệ thuật này. Nhờ đó mà tôi nhận ra rằng, người trẻ cũng có nhiều em rất thích cải lương. Tôi vừa xuất hiện là học sinh ở dưới vỗ tay rồi, nghĩa là các em đã chú ý, đã biết về nghệ sĩ hát cải lương. Dù ít hay nhiều, tôi cũng cố gắng và mong các em nhớ về cải lương, vậy là vui rồi.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Sự “hồi sinh” sau ca ghép thận năm 2012 có ý nghĩa như thế nào với nghệ sĩ Minh Vương?

Tôi như được sống lại lần hai, điều đó thật sự có ý nghĩa rất to lớn với cuộc đời tôi. Năm 2012, lúc đấy tôi gần 62 tuổi và bị suy thận. May mắn thay, có một người đồng ý hiến thận, nếu không tôi cũng suy sụp rồi. Nhờ ca ghép thận đó, tôi khoẻ mạnh như được hồi sinh trở lại. Sau khi thay thận mới, bác sĩ mới nói vui rằng: “Thay thận rồi nghen, anh bây giờ không còn là Minh Vương nữa nghen, anh là Minh Vương hai rồi đó”.

Thời gian đầu sau khi ghép thận cũng khá nguy hiểm. Theo tôi được biết thì người thanh niên hiến thận mới chỉ 36 tuổi, tôi ghép thận đến nay đã được 7 năm, vậy suy ra tôi mới 43 tuổi thôi.

- Nhiều người nhận xét rằng nghệ sĩ Minh Vương ngày trước là một người ít nói và trầm tính, nhưng sau cơn bạo bệnh, nghệ sĩ ngày một lạc quan và yêu đời hơn rất nhiều. Nghệ sĩ nghĩ sao về ý kiến này?

Ý kiến trên là đúng đó, tại vì lúc trước tôi cũng ít nói lắm. Thứ nhất, bác sĩ bảo tôi nên vui vẻ, thoải mái đi. Thứ hai, có lẽ vì chàng thanh niên hiến thận còn trẻ, “nhiều chuyện”, nên bây giờ tôi cũng hơi nhiều chuyện, nói những chuyện vui, hài hước nhiều. Chàng thanh niên trẻ, vào cơ thể tôi thì già trẻ pha lẫn lộn nên tôi mới như bây giờ.

Có nhiều khi bà xã tôi nói: “Anh ơi, trước giờ anh ít nói, giờ anh nói nhiều anh phải cẩn thận nha, anh nói rồi bạn bè không biết hiểu lầm rồi buồn anh, giận anh đó”.

Cuộc sống sau khi tôi được ghép thận có nhiều khởi sắc lắm. Lúc tôi khoẻ rồi, tôi thường đi chùa. Khi đi chùa tôi thấy những em trẻ hát đồng ca bài “Con bướm xuân”. Tôi mới nghĩ rằng: “Mình phải làm sao để khán giả thấy được mình vẫn trẻ, khoẻ”. Sau đó tôi nhờ nhạc sĩ Đăng Minh viết lại bài hát ấy. Viết bài “Con bướm xuân” xong, cũng trùng hợp lúc tôi chuẩn bị gả con gái, tôi mới đem bài đó ca vào ngày đám cưới. Đó là lần đầu tiên tôi hát nhạc tân thời theo lối cải lương, rất nhiều người ủng hộ.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Nghệ sĩ Minh Vương đã từng phải trải qua cơn bạo bệnh, trong những ngày tháng khó khăn đó, cải lương đã đóng vai trò thế nào trong việc giúp ông vượt qua giai đoạn đó?

Cải lương và sân khấu là đam mê của cả đời tôi, giúp tôi có thêm ý chí vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Sau cơn bạo bệnh, tôi nghĩ: “Có lẽ trời phật cho mình tiếp tục sống”. Thử lại thì giọng hát vẫn còn, tổ nghiệp vẫn còn cho mình tiếp tục nghiệp ca hát. Cho nên tôi mới cố gắng cống hiến và sáng tạo những bài mới, lối hát mới để phục vụ khán giả.

- Ngoài cơn bạo bệnh trên, cuộc đời nghệ sĩ Minh Vương còn trải qua những biến cố, thăng trầm đáng nhớ nào khác?

Biến cố trong cuộc đời tôi có nhiều lắm, tôi không nghĩ đến bây giờ mà tôi còn được như thế này. Hoàn cảnh gia đình, xã hội, đủ thứ cả. Cho tới việc thập tử nhất sinh, tôi còn sống đến hôm nay có lẽ là nhờ ơn trời. Trời cho tôi sống tiếp, tổ nghiệp cho tôi còn giữ được giọng thì tôi phải cố gắng. Tôi sẽ vẫn ca, vẫn hát cho đến khi nào tôi không còn sức nữa thì thôi.

- Với tư cách là một người đi trước, đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc đời, nghệ sĩ Minh Vương muốn gửi gắm những kinh nghiệm gì, bài học gì đến với thế hệ trẻ ngày nay?

Những người trẻ hiện nay nhiều em sở hữu giọng ca hay và đặc sắc lắm, các em nên biết giữ gìn và phát triển nó. Nếu đã đam mê nghề thì phải biết tránh xa những thứ ảnh hưởng xấu đến giọng. Thêm vào đó, xã hội ngày càng phức tạp và đầy cám dỗ, người trẻ nên cố tránh. Sóng gió nào rồi cũng sẽ qua đi, điều quan trọng là các em phải kiên trì theo đuổi mục tiêu thì mới thành công được.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Được biết nghệ sĩ Minh Vương đang sống rất hạnh phúc bên người vợ thứ hai, ông có thể chia sẻ một chút về bà xã được không?

Cái đau khổ nhất của con người là đổ vỡ gia đình. Hồi trước tôi nghĩ rằng mình là một người nghệ sĩ, sống làm sao đừng để mang tiếng là đổ vỡ gia đình, nhưng tôi đã không thể làm được điều ấy. Thời gian sau, tôi gặp bà xã hiện tại, đến bây giờ, tôi thấy mình rất hạnh phúc, bởi vì bà ấy chăm sóc tôi, lo cho tôi hằng ngày khi tôi còn trong bệnh viện. Đó là điều tôi rất quý.

Bây giờ, khi đi diễn, phục trang hay gì khác bà ấy cũng điều lo cho tôi hết. Tôi chưa cần tới tiệm nữa, vợ tôi coi kiểu nào, chọn vải nào rồi tự mang đến tiệm đặt may. Rồi mái tóc của tôi, có bao giờ tôi đi tiệm cắt tóc đâu. Tôi tự chải rồi cắt. Phía sau tôi không cắt tới được, bà xã sẽ cắt phía sau cho tôi. Vậy đó, những điều bà ấy làm cho tôi không gì có thể đánh đổi được.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Đức tính nào ở người vợ hiện tại mà ông trân quý nhất?

Chung thuỷ, lo cho gia đình, lo cho chồng con. Đó là điều tôi quý nhất ở bà xã, cũng là thứ khiến tôi hạnh phúc nhất.

- Mối quan hệ giữa con riêng và vợ sau của nghệ sĩ Minh Vương như thế nào?

Vẫn hoà thuận lắm. Mỗi năm cứ vào Mùng 1 Tết là các con tụ họp ở nhà để chúc tết và ăn một bữa cơm với nhau, rất vui vẻ. Tết thì sáng tôi hay đi chùa, thăm gia đình, trưa thì gặp con cái, cháu chắt, đầy đủ hết. Ở tuổi này, như thế là tôi hạnh phúc rồi.

NSND Minh Vương: 'Tôi sống được đến hôm nay, có lẽ là nhờ ơn trời'

- Sau đổ vỡ ở cuộc hôn nhân đầu, nghệ sĩ Minh Vương đã đúc kết được những kinh nghiệm gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình?

Theo tôi là phải nhường nhịn, nhỏ nhẹ, đừng lớn tiếng. Có khi bà xã tôi giận, lỡ lớn tiếng, tôi mới nói: “Thôi nghen, nên nhỏ nhẹ với người lớn tuổi nghen”. Tôi hay nói vui vậy đó, nên vợ chồng không lớn tiếng với nhau. Tôi với bà xã cũng không bao giờ cãi vã, tôi chỉ nói như ở trên một lần thôi là bà ấy không bao giờ lặp lại điều đó lần nữa.

Về phần tôi, là một người nghệ sĩ, đương nhiên bên cạnh lúc nào cũng có nhiều cám dỗ, nhưng mình phải cố gắng vượt qua, có như vậy gia đình mới yên ấm được.

- Cảm ơn NSND Minh Vương đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Chúc nghệ sĩ ngày càng hạnh phúc và có thêm nhiều sức khoẻ!

Bài viết

Xuân Tuyền

Thiết kế

Tuấn Lê

Video

Thành Khương

Chia sẻ