Sao & Đời Sống

Những nội quy học đường 'kỳ lạ' từng gây tranh cãi trong dư luận

Thanh Minh
Chia sẻ

Cấm học sinh yêu thầy giáo, cấm mặc quần bó, cấm dùng dây buộc tóc nhiều màu, cấm mặc áo lót khác màu áo dài... là những quy định ''tréo ngoe'' từng bị học sinh phản đối.

Ai cũng biết, trường học là nơi đào tạo học sinh, không phải chỗ vui chơi, vì thế, rất cần những nội quy, kỷ luật để hoạt động này được diễn ra bài bản, đúng cách. Thế nhưng, nội quy như thế nào là ‘’chuẩn’’, kỷ luật như thế nào để vẫn có thể khiến học sinh nghe theo, nhưng không gây tranh luận trái chiều… là những câu hỏi lúc nào cũng gây đau đầu cho những người làm giáo dục.

Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao về những quy định gây ra nhiều tranh cãi của các trường THPT, THCS, hầu hết những quy định này đều mang tính ngặt nghèo, siết chặt kỉ luật,…tạo ra một bầu không khí nặng nề nơi trường học. Thế nhưng trong quá khứ, không ít những quy định trường học từng gây xôn xao dư luận như thế

Bảng nội quy “Những điều cấm kỵ khi lên facebook”

Bảng nội quy khi sử dụng Facebook của trường THPT Lương Thế Vinh

Đây là bản nội quy mang tính “kỷ luật thép” của trường THPT Lương Thế Vinh - một trong những ngôi trường cấp III được đánh giá là tốt nhất và kỷ cương nhất trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, trường ban hành một bản nội quy về “Những điều cấm kỵ khi lên facebook” như sau:

    ”Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt,… phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt.Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Viết status phải rõ ràng”.

Bên cạnh đó, nhà trường còn đưa ra lưu ý: “Mọi việc đều có 2 mặt, Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người.

Bởi thế, người sử dụng Facebook luôn phải cân nhắc để thể hiện sự thông minh và hiểu biết của mình. Facebook cũng là nơi thể hiện được văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân”.

Trường THPT Lương Thế Vinh nổi tiếng là trường có nhiều nội quy nghiêm khắc.

Giải thích thêm về vấn đề này, bà Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh chia sẻ: “Mạng xã hội bây giờ cũng rất nguy hiểm nếu người dùng không cẩn trọng. Thực tế đã có những trường hợp bị đuổi khỏi cơ quan khi like những status nói xấu đồng nghiệp. Mỗi người phải chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của mình. Chính vì vậy nhà trường đã đưa ra nội quy cho học sinh trong trường không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Viết status phải rõ ràng”.

Nam nữ không được ngồi gần nhau quá… 50cm

Mới đây, một trường cấp 3 có tiếng tại TP.HCM cũng đã ra một quy định hết sức kì lạ đó là không được xếp nam, nữ cùng một bàn; các bạn nam và nữ nếu ngồi gần nhau phải giữ khoảng cách ít nhất 50cm. Tại các địa điểm công cộng như ghế đá, sân trường, thư viện hay hầm để xe, học sinh cũng không được phép ngồi cạnh nhau hay nói chuyện quá lâu vì đó là hành vi mờ ám. Một học sinh nam cho biết, nếu giám thị ghi được cảnh hai học sinh nam và nữ ngồi cạnh nhau thì sẽ bị ghi tên và mời phụ huynh.

Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP. HCM). Ảnh: Nguyễn Hoài Lâm

Tuy nhiên, trên thực tế, đây không phải là quy định chính thức mà chỉ là truyền miệng từ các thế hệ học sinh trước. Ở trường này, hầu hết thầy cô sẽ xếp nam ngồi với nam, nữ ngồi với nữ; nhưng vẫn có lớp nam - nữ được ngồi với nhau. Nên nội quy này xem ra là không bắt buộc

Cấm học sinh không được yêu đương

Năm 2013, trường Tư thục Việt Thanh (quận Tân Bình) và Trường Khai Minh (quận Tân Phú) đã khiến dư luận xôn xao khi cùng đề ra quy định chi tiết về chuyện tình cảm trong học đường. Cụ thể, ban giám hiệu tuyệt đối cấm yêu đương trong trường, hoặc duy trì ‘’quan hệ trên mức tình bạn’’.

Giờ ôn tập buổi tối của học sinh trường THPT dân lập Thanh Bình, quận Tân Bình, TP.HCM luôn có sự giám sát của giám thị và giáo viên.

Cụ thể, nội quy ghi rõ:

“Quan hệ nam nữ phải trong sáng, không được tiếp xúc nơi bóng tối. Ngoài giờ học, nam nữ gặp nhau phải từ ba người trở lên. Sau 22 giờ, tất cả học sinh nam không được lên khu vực các tầng lầu”.

Tuy nhiên, khác với các trường khác, quy định này rất được đồng tình bởi trường tư thục cho phép học sinh ở lại và sinh hoạt trong trường, nên nếu không siết chặt, sẽ dẫn đến những trường hợp ‘’lỡ làng’’ ở độ tuổi còn non nớt này.

Quy định trang phục cho giáo viên

Không chỉ có học sinh, mà ngay cả giáo viên cũng bị áp những nội quy kì quặc, như việc trường THPT Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) đưa ra quy định cấm giáo viên nữ mặc những loại váy xòe, váy ngắn trên đầu gối khi lên lớp. Ngoài ra, trường còn yêu cầu giáo viên phải mặc áo sơ mi có cổ bẻ, không mặc áo xiết nách. Hay như trong năm học 2013 - 2014, một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra tại trường THCS và THPT Việt Trung (Quảng Bình) khi đưa ra quy định cấm giáo viên nữ mặc váy lên lớp.

Cấm sinh viên được mặc đồng phục thể dục trong giờ giảng

Vào năm 2013, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng làm dấy lên một làn sóng tranh cãi khi ra quy định cấm sinh viên được mặc đồng phục thể dục trong giờ giảng. Như vậy, nếu như tiết học thể dục và giờ học trên giảng đường liền nhau thì sinh viên lại phải nháo nhào đi thay đồ rồi mới được vào lớp.

Cấm học sinh mặc quần bó đến trường

Giữa tháng 8/2013, một sự việc hy hữu đã xảy ra khi gần 100 học sinh trường THPT Hà Huy Giáp (Cần Thơ) đã phải quay về nhà để… thay quần. Nguyên nhân là trường này có quy định cấm học sinh mặc quần bó đi học. Sự việc khiến dư luận xôn xao và tranh cãi khá nhiều.

Phần lớn các học sinh trong hình đều bị buộc về nhà thay quần và đa số trong số này không được vào trường sau đó

Trước sự việc đó, ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Giáp (Thị trấn Cờ Đỏ, H.Cờ Đỏ,TP Cần Thơ) đã giải thích: Việc kiểm tra quần đi học của học sinh nhằm ngăn chặn tình trạng mặc quần bó và quần hở mông phản cảm. Đây là quy định đề ra từ 4 năm trước, nhưng tựu chung cũng chỉ để nhắc nhở chứ chưa chính thức xử lý vi phạm của một học sinh cụ thể nào. Nhưng có lẽ vì vậy nên học sinh không chấp hành.

Cấm giáo viên yêu sinh viên

Đó chính là quy định từng được trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (TP. HCM) vào năm 2015. Theo đó, các giáo viên trong trường cần giữ nguyên quan hệ thầy trò và không được vượt mức. Khi giáo viên tiếp sinh viên trong phòng làm việc thì không được đóng cửa lại. Nếu để xảy ra tình trạng yêu đương giữa giáo viên và sinh viên thì buộc phải nghỉ việc.

Quy định dành riêng cho nữ sinh 

Một số ngôi trường ở Việt Nam có quy định nữ sinh không được tô son, không được đeo trang sức, không sơn móng tay, không trang điểm, dây buộc tóc bắt buộc phải màu đen, không mang tất (vớ) sặc sỡ…

Đồng phục áo dài cũng có rất nhiều nội quy xung quanh

Về áo dài, mỗi trường cũng có một quy định khác nhau. Như ở trường Nghĩa Thục quận 5, nữ sinh phải mặc áo dài cả tuần, áo dài ”bắt buộc phải có cổ, là áo dạng cài chứ không được kéo khóa. Khi mặc không được xắn tay, tà áo phải thả dù đi xe đạp, guốc đi kèm không được cao quá 3 phân, không khoác áo chống nắng khi mặc áo dài”, theo nữ sinh Huỳnh Mỹ Thư. Việc mặc áo lót khác màu áo dài cũng không được.

Kết

Trường học là nơi rèn luyện trí - đức cho những chủ nhân tương lai của đất nước, cho nên kỉ luật là rất cần thiết để đưa học sinh, sinh viên vào nền nếp. Tuy nhiên, những quy định “thép” và xiết chặt cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi từ học sinh, phụ huynh và dư luận. Đến mức nhiều người phải tự hỏi, giới hạn nào cho sự can thiệp của nhà trường vào sự riêng tư của học sinh?

Ngày nay, xã hội đang dần phát triển, chúng ta đã mở cửa và tiếp thu được hơi thở văn minh của nhân loại, thiết nghĩ, cần xem xét và đánh giá lại cách áp đặt kỉ luật lên những môi trường như trường học. Trường học là nơi đào tạo con người, kỉ luật là cần thiết, nhưng kỉ luật nên ở mức độ nào, kỉ luật để rèn dũa tư duy và đưa con người hướng thiện, chứ kỉ luật không nên là sự trừng phạt. Nếu càng siết chặt những kỉ luật, càng khiến không khi trong trường trở nên ngột ngạt, vậy thì việc dạy - học trong trường có còn hiệu quả?

Chia sẻ

Bài viết

Thanh Minh

Tin mới nhất