Sao & Đời Sống

Mở lòng một chút, cớ sao lại ghét trẻ con khi ta cũng từng một thời bé bỏng?

Minh Trần
Chia sẻ

Một con người cần tới cả đời để hoàn thiện nhân cách, cớ sao ta nạt nộ và khắt khe với trẻ nhỏ khi chính bản thân này cũng từng có những tháng ngày chật vật để trưởng thành, đi qua những ấu thơ đầy nước mắt và ấm ức?

”Bạn có thích trẻ con không?” - Nếu cách đây nhiều năm, dám cá câu trả lời của hơn 90% người được hỏi sẽ là ”Có! Trẻ con dễ thương mà, đáng yêu lại thơm tho nữa”. Nhưng ở hiện tại, dường như con số trên đã thay đổi. Nhiều người sẽ suy nghĩ rất lâu để có một câu trả lời khá nước đôi rằng ”Tôi thật sự không biết nữa. Tôi không nghĩ mình có thể chịu đựng được đám trẻ con”. Hoặc thẳng thừng ”Không, tôi thà sống cô đơn cả đời còn hơn bị vây quanh bởi một đứa trẻ”.

Điều đó càng được thể hiện rõ nét hơn khi mới đây, hơn 45 ngàn người tham gia hội nhóm “Đ** Ưa Trẻ Con” đã đồng loạt bày tỏ cơn bực tức kéo dài với trẻ em - nhóm đối tượng lớn vốn được hưởng mọi đặc quyền tốt nhất trong xã hội.

Fanpage với đầy tư tưởng bạo lực và thù ghét trẻ em.

Không cá nhân cụ thể nào bị ruồng bỏ. Họ ghét trẻ em nói chung. Những bình luận tiêu cực, những câu chuyện kỳ thị trẻ em hoặc lấy việc bạo lực với trẻ ra làm trò đùa được phô bày hả hê tới giật mình. Bất cứ cuộc ném đá nào diễn ra trên quy mô tập thể cũng đều nhận được sự đồng tình lẫn hưởng ứng vui vẻ từ đám đông. Thậm chí, kha khá giáo viên mầm non cũng xuất hiện ở đó với những bình luận đay nghiến gửi tới những học trò nhỏ của mình.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể ghét cay ghét đắng ai hay thứ gì đấy với hàng trăm lý do khác nhau thì đối với trẻ em, điều này cũng diễn ra tương tự. Lũ trẻ đôi khi (hoặc nhiều khi) trở nên ồn ào, nghịch ngợm và khó bảo (mọi đặc điểm mà người ta vẫn hay gọi chung là trẻ hư) dưới sự che chở tuyệt đối lẫn mù quáng của cha mẹ. Thành ra, không ít người cảm thấy khó chịu khi nhìn thấy sự xuất hiện của chúng.

Rất đông người đồng tình về việc ghét trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ hư, rằng họ thà sống độc thân cả đời còn hơn bị vây quanh bởi những đứa trẻ. Khi sự bực tức chưa chuyển hoá thành hành động, việc ai đó bày tỏ nỗi dị ứng của mình với những “tiểu quỷ” cũng không biến họ trở thành một kẻ độc ác, xấu xa với cái đầu ngột ngạt những suy nghĩ tiêu cực. Nhưng chẳng lẽ, trẻ em thật sự xứng đáng nhận phải nỗi căm ghét đến vậy từ người lớn?

Không có con nít hư, chỉ có phụ huynh không biết dạy con

Có rất nhiều phụ huynh cấm con chơi điện thoại, nhưng bản thân mặc nhiên lướt Facebook. Có bố mẹ cấm con chửi bậy, nhưng lại thoải mái văng tục với hàng xóm trước mặt con. Vì thế, phụ huynh muốn con mình ngoan, nhưng lại dùng câu nói “Nó là con nít, nó có biết gì đâu” để bao biện cho hành vi hư hỏng của con mình. Nhưng họ không biết rằng, bằng câu nói đó, họ cũng đang bao biện cho sự yếu kém trong cách dạy con của mình.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập. Chúng cũng có những yêu, ghét, vui, buồn riêng biệt và là một tấm bọt biển tiếp thu mọi quy tắc xã hội lẫn thành kiến áp đặt lên mình. Mọi quá trình tiếp xúc, áp dụng, phản ứng của trẻ với các sự kiện xảy ra quanh chúng đều có giá trị như những phép thử, giúp trẻ nhận biết điều gì là đúng, điều gì là sai. Quá trình lặp lại ấy trực tiếp đưa trẻ vươn tới vị trí là “hạt nhân tương lai của xã hội”.

Đương nhiên, với trí óc non nớt và sự ngây thơ trong suy nghĩ, đời nào trẻ em hiểu hết thế giới này. Mọi thứ khiến trẻ hài lòng chỉ xoay quanh câu chuyện cảm xúc trong giờ ăn, giờ chơi, thậm chí là ở giao tiếp với cha mẹ. Trẻ tiếp nhận một cách thụ động mọi thứ. Bản nhạc ấu thơ thăng giáng, trầm bổng thế nào là do một tay người lớn thả nốt. Và cái danh “trẻ hư” cũng từ người lớn mà ra. Không ngoan ngoãn trong giờ ăn, ấy là trẻ hư. Không nghe lời la mắng của người lớn, cũng là trẻ hư. Làm phiền người khác bằng sự vô tư, hiếu động của mình, cũng thành trẻ hư.

Trong thế giới rực rỡ của trẻ, làm sao trẻ có thể biết được mình có hành động sai hay không, khi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng chúng đang thích thú khám phá thế giới? Chẳng phải ngẫu nhiên mà pháp luật quy định rằng khi chưa đủ 15 tuổi, mọi quyết định liên quan tới thanh thiếu nhi đều do người giám hộ chịu trách nhiệm. Nếu nhận thức được hành động ấy gây ra những nỗi phiền toái và rắc rối, chúng đã không ở độ tuổi giới hạn theo luật định.

Con nít vốn như tờ giấy trắng, người lớn luôn cho mình cái quyền vẽ lên đó tất cả những gì chúng ta muốn mà không để ý đó là sắc màu tươi vui hay xám xịt. Người ta không ghét con nít, cái người ta ghét là thái độ của người lớn mỗi khi con nít làm sai, là câu nói Con nít có biết gì đâu, chấp nhặt nó làm gì… Chính câu nói đó đã khiến nhiều người trở nên ghét người lớn và gián tiếp ghét luôn đứa trẻ hư của người đó.

Người lớn quên mất họ từng là trẻ em

Vốn dĩ không có trẻ hư. Chúng tròn méo ra sao đều là từ bàn tay nhào nặn của cha mẹ và môi trường xung quanh. Chẳng lẽ việc tạo ra bầu không khí ồn ào do trẻ cảm thấy phấn khích và vui vẻ lại là thước đo chuẩn cho sự hư đốn? Chẳng lẽ việc vô tình va vào khiến đồ đạc đổ vỡ lại xứng đáng nhận được sự la mắng khó hiểu từ người ngoài? Chẳng lẽ việc bày tỏ thái độ về một điều gì đó bản thân không thích, cũng đủ căn cứ để gán nhãn cho chúng là trẻ hư?

Bản thân trẻ em cũng không hiểu được suy nghĩ và hành động của người lớn, về việc tại sao không được ăn cái này, không được làm cái kia; về việc tại sao phải chịu đựng sự quát tháo đáng sợ và răm rắp nghe theo. Trong trí óc giản đơn của mình, trẻ chỉ muốn nhận được sự chú ý, và cách các em bộc phát khiến người lớn bực bội. Bản thân trẻ cũng không giấu được sự ngạc nhiên khi liên tục bị ép ngồi vào chiếc ghế “trẻ hư”. Từ trạng thái vui vẻ, tới ngạc nhiên, sợ sệt và uất ức, trẻ liên tục bị người lớn gọi là “không ngoan”. Một chuỗi cảm xúc ngắn hạn chỉ mang lại cảm giác tiêu cực khiến trẻ chỉ muốn tái phạm hoặc xa lánh cha mẹ lẫn mọi người xung quanh. Thì bởi, có ai tôn trọng và lắng nghe chúng?

Những đứa trẻ mà bạn nghĩ là hư, thực chất đều là cách bạn suy đoán và áp đặt. Không một đứa trẻ nào biết rằng mình phải làm điều gì đúng, điều gì sai ngay từ khi mới sinh ra. Nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ, trẻ chỉ thực hiện những điều mà người lớn tác động trực tiếp tới. Cách hành xử ấy có thể khiến tâm lý của trẻ rạn nứt. Đôi khi, vì suy nghĩ “nó còn nhỏ, nó biết gì đâu” cùng sự bảo bọc quá kĩ lưỡng cũng khiến trẻ mất đi quyền quyết định trong mọi vấn đề. Từ đó, chúng chẳng còn biết phải ứng xử ra sao khi gặp người lạ mặt, hay thoải mái đùa nghịch, gào thét gây nên rắc rối giữa chốn đông người chỉ vì nghĩ rằng sẽ có người lớn bảo vệ.

Trẻ có nhận thức, dù không rõ ràng. Đó là lý do trẻ cần được tôn trọng và được người lớn đối xử công bằng. Tất nhiên, việc bày tỏ thái độ tiêu cực với trẻ em xuất phát từ cảm xúc của mỗi người, nhưng liệu các bé có xứng đáng nhận lại sự hằn học ấy khi lỗi vốn chẳng thuộc về chúng? Một con người cần tới cả đời để hoàn thiện nhân cách, cớ sao ta nạt nộ và khắt khe với trẻ nhỏ khi chính bản thân này cũng từng có những tháng ngày chật vật để trưởng thành, đi qua những ấu thơ đầy nước mắt và ấm ức?

Trước khi ghét trẻ con, hãy nhớ mình đã là một đứa trẻ, đã phá, đã đùa nghịch, đã bất tuân như thế nào. Một đứa trẻ hư hiện tại không phải là một thiếu niên hư trong tương lai. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách dạy dỗ của phụ huynh cũng như cách hành xử của chính bạn. Đừng thù nghịch, đừng gắt gỏng, đừng mất niềm tin vào trẻ hư. Hãy mở rộng lòng mình với chúng, bởi chúng ta cũng từng là một đứa trẻ như vậy.

Chia sẻ

Bài viết

Minh Trần

Thiết kế

Tuấn Lê

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất