Sao & Đời Sống

Giới trẻ lại đâm đầu vào trào lưu 'giả vờ mất tích trong 48 giờ'

Khánh Chi
Chia sẻ

Ai mất tích càng lâu thì càng được xem là người chiến thắng.

Trong thời buổi công nghệ hiện nay, Facebook chính là nơi bùng nổ những trào lưu nhanh chóng và có sức ảnh hưởng nhất đến giới trẻ. Bên cạnh những lợi ích to lớn, những trào lưu, thử thách quái đản như Cá voi xanh… luôn ẩn chứa các hiểm nguy tiềm tàng, thậm chí là đủ sức giết người.

Mới đây trên Facebook lại xuất hiện thách thức #48-Hour Challenge (hay Mất tích 48 giờ) mà đối tượng nhắm đến là những đứa trẻ vị thành niên, hoặc thanh niên chưa có ý thức cao trong việc tự bảo vệ mình.

Đằng sau dấu Hastag có thể là một trò đùa gây kinh hãi.

”48-Hour Challenge” là một thách thức mà trong đó, người chơi phải tự biến mất trong vòng 2 ngày nhưng không được liên lạc hay thông báo trước cho bạn bè, người thân. Sự thành công của người chơi được đánh giá dựa vào mức độ lo lắng của người thân, thể hiện qua những dòng status thông báo “tìm trẻ lạc” trên facebook, thậm chí là cả trên báo đài. Nếu công an vào cuộc càng tốt.

Như để tăng thêm tính “bệnh hoạn” của thử thách, đối tượng tham gia của trò chơi còn phải là những đứa trẻ, càng nhỏ tuổi càng được đánh giá cao.

Người bà này đã đăng tin tìm kiếm cháu gái 11 tuổi sau khi cô bé đột ngột mất tích trong suốt 24 giờ. Ảnh: Daily Mail.

Trào lưu này là một phiên bản copy từ thử thách “Game of 72” nổi tiếng một thời ở các nước phương Tây, trong đó, những đứa trẻ phải cố gắng mất tích đến 3 ngày.

Dĩ nhiên trò nghịch dại nào cũng có hậu quả của nó, ”48-Hour Challenge” cũng không là ngoại lệ. Ngoài việc khiến cho cha mẹ, ông bà phải trải qua cảm giác tồi tệ, đứng ngồi không yên, lo lắng con cháu mình bị bắt cóc hay gặp tai nạn ngoài ý muốn, mối nguy hiểm thường trực cũng đeo bám những đứa trẻ dại dột tham gia. Không ít trường hợp “chơi giả thành thật”, đứa trẻ đó không bao giờ có thể trở về nhà mình nữa.

Trò đùa để chứng tỏ được sự quan tâm của người thân nhưng cũng mang đến những nguy hiểm không lường - (Ảnh minh họa).

“Tôi đã lo lắng muốn chết rằng nó có thể bị hiếp dâm, đụng xe, bắt cóc hay bị giết. Vậy mà nó cho vậy là vui, thậm chí còn tỏ ra thất vọng khi được cảnh sát tìm thấy, lại còn chụp một tấm hình “tự sướng” trong xe cảnh sát để khoe lên mạng” - Chia sẻ của một bà mẹ quận Country Derry (Bắc Ireland) mất ăn mất ngủ nhiều ngày liền vì đứa con gái 13 tuổi đột ngột mất tích.

Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, là nơi ươm mầm cho những trào lưu nguy hiểm, khi mà đối tượng người dùng không hề được kiểm soát. Giới trẻ Việt Nam cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những trào lưu này. Phải kể đến như trào lưu “Việt Nam nói là làm” thời gian qua - khi chỉ cần vài ngàn lượt like và chia sẻ, người chơi sẵn sàng liều mình nhảy xuống sông, đốt xe, đốt trường … chỉ để khẳng định cái tôi hay chỉ đơn giản là muốn “chơi nổi” gây sốc để được nổi tiếng.

Đã đến lúc gia đình và xã hội phải lên tiếng và quan tâm đúng mực với những gì mà giới trẻ “like và share” trên Facebook, kèm theo đó là những lời khuyên để nâng cao ý thức dùng mạng xã hội của lớp trẻ, đặc biệt là trẻ vị thanh niên.

Chia sẻ

Bài viết

Khánh Chi

Tin mới nhất