Sao & Đời Sống

Gap Year - năm học thứ 13 trong hành trình đi tìm phần 'tôi' bên trong tôi

Nhã Uyên
Chia sẻ

Trên con đường đến với thành công, đôi lúc bạn sẽ cần những dấu lặng và bước ra khỏi vòng tròn an toàn để "F5" và định hướng lại bản thân. Đó chính là một phần ý nghĩa thật sự của Gap Year.

Gap Year vốn được biết đến là khoảng thời gian một năm (thường sau kì thi THPT) để người trẻ có cơ hội “thay đổi diện mạo” thông qua các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội, du lịch hay tham gia các chương trình trao đổi. Khái niệm là vậy nhưng thật ra, chẳng cần phải đợi đến một thời điểm chính xác nào để bắt đầu hay một địa điểm cụ thể nào để thực hiện “năm ngắt quãng”, tất cả đều phụ thuộc vào câu hỏi mà bạn đặt ra cho chính mình:

Đối tượng tìm đến khoảng “nghỉ giữa hiệp” nhiều nhất có lẽ là sinh viên cuối cấp 3, trước khi bước vào cuộc chinh chiến ở giảng đường Đại học. Sau 12 năm đèn sách, nhiều bạn trẻ vẫn còn loay hoay với cuộc chiến ngành nghề, chưa tìm thấy niềm đam mê thật sự thì 365 ngày tạm nghỉ để đi tìm phiên bản tốt nhất của bản thân là điều cần thiết. Đối với những sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học, Gap Year là sự lựa chọn dành cho những tâm hồn yêu thích sự tự do, chưa muốn “mỏi gối chùn chân” với cuộc sống bạc tiền nơi công sở.

Tất nhiên, Gap Year không phải là một năm để nghỉ dưỡng và dành cho những suy nghĩ “thả rông” mà là một năm học thật sự. Chỉ có điều, năm học thứ 13 này không có giấy bút, sách vở hay đề thi kiểm tra, chỉ có trải nghiệm và tích lũy kiến thức mà thôi. Và kết thúc 365 “ngày tạm dừng”, hãy chắc rằng bạn sẽ quay trở lại trường học. Bởi bằng cấp tuy không quan trọng bằng thực tiễn nhưng dù sao nó cũng là một trong những điều cần thiết để dẫn bạn đến thành công.

Vấn đề mà người trẻ ngày nay gặp phải chính là luôn băn khoăn trong câu hỏi tôi là ai và tôi đóng vai trò gì trong cuộc sống này? Do đó, Gap Year là cơ hội để họ bước ra khỏi vòng tròn an toàn để “F5” và định hướng lại bản thân, làm những điều mình muốn, khám phá nguồn năng lượng tiềm ẩn bên trong cái cơ thể 37 độ này.

Và để 365 ngày là hành trình có ý nghĩa, cần phải vạch ra không chỉ một mà phải rất nhiều chiến lược dự phòng cụ thể để đảm bảo bạn sẽ không lạc đường, ngược hướng. Đó chính là điều kiện cần.

Và dĩ nhiên, chỉ nên sử dụng nút “pause” trong một khoảng thời gian ngắn và đừng biến nó trở thành vô hạn định. Lý tưởng nhất là một năm - không quá ngắn để bạn học hỏi và trải nghiệm nhưng cũng chẳng quá dài để bị chậm chân, sa lầy vào những điểm đến mơ hồ. Suy cho cùng, một năm trì hoãn là đủ để bạn hiểu được về bản thân, khám phá và tìm ra phiên bản tốt nhất của mình. Bởi đoạn đường phía trước còn rất dài, bạn chẳng thể dừng mãi ở đây và bỏ mặc những “lỗ hổng” về kiến thức, kỹ năng đang đón đầu bạn phía trước con đường.

Thật ra, Gap Year vẫn sẽ là một ngã rẽ mang tính mạo hiểm và cuộc dạo chơi của những người trẻ. Trong lộ trình ấy, sẽ có đôi lúc bạn thấy chán nản, mệt nhoài và cũng có những khi muốn thốt lên hai từ “giá như”, nhưng quan trọng nhất vẫn hi vọng bạn sẽ can đảm và nỗ lực hết mình để theo đuổi nó đến phút cuối cùng!

Chia sẻ

Bài viết

Nhã Uyên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất