Điểm danh những món ngon nức tiếng ở quê hương thủ môn Bùi Tiến Dũng, không đi ăn thì đúng là… phí cả thanh xuân

Ngọc Quỳnh (Tổng hợp)
Chia sẻ

Ít ai biết, quê hương thủ môn quốc dân Bùi Tiến Dũng là cái nôi sản sinh ra rất nhiều món ngon. Nếu có dịp ghé tới đây, bạn chớ bỏ qua cơ hội thưởng thức chúng kẻo khi về lại hối tiếc không kịp!

Chẳng những đẹp trai mà soái ca Tiến Dũng còn có tài cản bóng xuất sắc. Thế nên chẳng lạ gì khi anh chàng đang được mệnh da “crush quốc dân”. Người ta thường nói, đường đi nhanh nhất đến trái tim đàn ông là qua dạ dày. Vì thế nếu muốn chinh phục người hùng của U23, bạn hãy nằm lòng ngay những món ngon đặc sắc của quê hương anh chàng nhé! Biết đến rồi sau này có dịp, biết đâu có thể dùng món ngon để chinh phục tình yêu!

Nem chua

Món ngon đầu tiên phải kể đến ở quê hương xứ Thanh là nem chua. Không cần bàn cãi thêm vì món này đã quá nổi tiếng rồi. Du khách thập phương mỗi lần đến đây, đều không quên mua một ít nem về làm quà. Độ giòn của bì lợn, vị chua của thịt phảng phất chút cay từ tiêu, tỏi và vị nồng nồng của lá đinh lăng khiến ai đã ăn thử một lần đều cảm thấy ngon miễn chê.

Không ai rõ nem chua xuất hiện ở Thanh Hóa khi nào, chỉ biết từ những năm 70 của thế kỷ trước, vùng đất này đã có 4-5 cơ sở sản xuất và kinh doanh nem chua.

Nem chua xuất hiện khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên mỗi nơi lại có cách chế biến với hương vị riêng. Nem ở Thanh Hóa được xem là thơm ngon nhất vì có độ chua, giòn vừa phải. So với nem ở Bình Định, Đà Nẵng khá ngọt thì nem chua ở Thanh Hóa mới thực sự là chuẩn vị. Thay vì kết hợp với lá ổi thì cách gói nem cùng lá đinh lăng, cho nhiều tiêu, ớt, tỏi của người dân Thanh Hóa đem đến vị thơm ngon khó cưỡng.

Nem chua thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm gia đình hay những bữa nhậu với bạn bè. Chúng có thể ăn không hoặc kèm tương ớt, tùy khẩu vị mỗi người.

Chả tôm

Nhắc quê hương thủ môn Bùi Tiến Dũng, người ta không chỉ nghĩ đến nem chua nổi tiếng bao đời mà còn nhớ ngay đến món chả tôm có hương vị thơm ngon ít nơi nào sánh kịp. Với hương vị đặc trưng của tôm tươi ở biển Sầm Sơn, chả tôm là món quà không thể tuyệt hơn khi tiết trời sang thu. Lúc se lạnh mà được ngồi bên bếp than, ăn một đĩa chả tôm nóng hổi vừa nướng xong kèm rau sống, nước châm có lẫn su hào, đu đủ, cà rốt muối chua đặc trưng ở Thanh Hóa thì còn gì bằng!

Tiết trời se lạnh, như thế này mà được quây quần bên bếp than hồng để đợi từng vỉ chả tôm, nghe tiếng mỡ xèo xèo và mùi thơm ngầy ngậy lẫn trong khói thì thật thú vị.

Để chế biến món ăn độc đáo này, nguyên liệu đầu tiên không thể thiếu chính là tôm biển Sầm Sơn giàu dinh dưỡng và khoáng chất. Đặc biệt, tôm tươi sau khi được hấp lên sẽ đem bỏ vào cối giã nhỏ cho tơi rồi để riêng bởi người xứ Thanh muốn giữ được độ dai, ngon, khi ăn miếng chả vẫn cảm nhận được vị tôm tươi hấp dẫn.

Sau đó, chúng được bọc trong bánh phở mềm mại rồi nướng trên bếp than hoa.

Khi ăn chấm cùng mắm chua ngọt, và rau sống thanh mát, chả tôm trở thành món ăn chơi được yêu thích với hương vị bùi ngọt khó quên.

Chả tôm sau khi được nướng trên bếp than xong có màu vàng đậm, lớp bánh phở bên ngoài được mỡ của lớp nhân bên trong chiết ra giúp cho miếng chả không bị khô, ở ngoài giòn tan mà nhân bên trong vẫn mềm và không mất chất. Tất cả hương vị, màu sắc của chả tôm sẽ tạo nên một cảm nhận đặc biệt cho thực khách về món ăn dân dã xứ Thanh, ăn một lần là đủ nhớ mãi.

Gỏi cá nhệch 

Gỏi cá nhệch từ lâu đã trở thành niềm tự hào, món ngon đãi khách của người dân Nga Sơn nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung. Bên mâm cơm quây quần, cùng với chai rượu nếp, vừa trò chuyện, vừa nhâm nhi những ly rượu ấm, cay nồng, thực khách sẽ có trải nghiệm khó quên với món ăn đặc trưng này.

Món ăn khiến người ta nhớ đến cả một vùng xứ sở bởi gỏi nhệch ở đây mang nét vị riêng có.

Gỏi cá được ăn kèm với nhiều loại rau lá khác nhau nhưng bắt buộc phải có các loại như: lá chanh, lá sung, rau húng, tía tô, bạc hà. Đặc biệt, ở Nga Sơn gỏi cá còn được ăn cùng với lá rau má, dấp cá tươi mọc rất nhiều trong vườn nhà. Điều đó cũng làm nên hương vị rất riêng cho món ăn.

Bánh cuốn tôm

Vốn là món ăn chiều lòng được mọi tầng lớp thực khách, từ trẻ nhỏ đến người già, bánh cuốn quen thuộc trong đời sống ở mọi vùng miền nhưng mỗi nơi lại có những biến tấu thú vị khác nhau. Chiếc bánh cuốn tôm Thanh Hóa không cầu kỳ, chỉ bao gồm vỏ bánh bánh mềm, dai mướt và thơm hương bọc bên trong ít ruốc tôm vàng ruộm, ấy vậy mà bất kỳ ai khi đến đây, từng nếm qua một lần cũng đều nhớ mãi.

Chiếc bánh nóng hổi chấm cùng nước mắm hơi đậm vị, thêm viên chả nướng than hoa và lát ớt tươi luôn làm hài lòng bất kỳ thực khách khó tính nào. Giá trung bình 25.000 đồng một chục chiếc.

Người Thanh Hóa ưa dùng món bánh này mỗi sáng, vì thế, bạn có thể thưởng thức một đĩa bánh cuốn ngon, rẻ ở khắp nơi trong thành phố hoặc ở khu dân cư gần biển Sầm Sơn. Nếu đã từng một lần ăn thử, dám chắc rằng thực khách sẽ nhớ mãi hương vị ấy và muốn trở lại quê Thanh để ăn thêm nhiều lần.

Bánh răng bừa

Rất nhiều người dân Thanh Hóa hay du khách đã từng nghỉ chân ở đây hay trêu nhau rằng: “Cứ ngày mưa lại nhỏ bánh răng bừa”. Bởi vậy, một số người chưa từng trải nghiệm món này thắc mắc tại sao chỉ với gạo tẻ, nhân thịt lợn trộn với mộc nhĩ, hành khô gói trong lá chuối xanh, người xứ Thanh đã tạo nên món bánh khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi.

Bạn có thể ghé các chợ Điện Biên, Vườn Hoa mới hay buổi sáng đi bộ công viên là có thể bắt gặp gánh hàng rong đi ngang qua để thưởng thức.

Trước đây, bánh chỉ xuất hiện vào những dịp lễ Tết, nhưng giờ thì bánh được làm quanh năm và để buôn bán. Ở Thanh Hóa nhiều nơi làm bánh răng bừa, nhưng ngon có tiếng vẫn là bánh làng Trung Lập, quê hương của chính vua Lê Hoàn thực khách sẽ được thưởng thức mùi vị chính hiệu. Các cô gái trong làng đi lấy chồng xa cũng mang theo bí quyết truyền đi các vùng khác. Món bánh vì thế mà cũng nổi tiếng khắp các vùng tỉnh Thanh.

Bánh ngon có tiếng vẫn là bánh làng Trung Lập, quê hương của chính vua Lê Hoàn.

Mắm tép

Là một món ăn dân dã đời thường, thế nhưng từ thuở xưa cho đến ngày nay, mắm tép tiến vua Hà Yên, sản vật ngon của vùng đất xứ Thanh, đã nức tiếng cả nước.

Làng Đình Trung xã Hà Yên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là ngôi làng tập trung nhiều người làm mắm tép nhất từ xưa cho đến nay.

Tép được bắt ở khúc sông Hoạt mới cho nước cốt thơm ngon, khi bắt về được ủ cả năm trời mới mang ra dùng. Mắm tép được dùng để chấm với cà muối xổi, thịt ba chỉ luộc hoặc bỏ nấu với thịt thì ăn ngon tuyệt, đặc biệt là vào mùa đông giá lạnh bên mâm cơm có bát mắm tép thì còn gì bằng.

Bánh gai Thọ Xuân

Bánh gai Tứ Trụ hay bánh gai làng Mía là loại bánh đặc sản của làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Chắc hẳn ai có dịp ghé qua xứ Thanh cũng đều dừng lại thưởng thức miếng bánh gai béo ngậy nhưng cũng thanh dịu hương vị của dầu chuối, hạt sen. Mặt khác, món bánh này đem về làm quà trẻ con, người già ai ai cũng thích một phần bánh gai không xa lạ nhưng ở mỗi miền có một đặc trưng riêng.

Bạn có thể mua bánh gai về làm quà với giá 25.000 - 30.000 đồng một cột bánh 5 cái. Để được rất lâu tầm khoảng 5 - 7 ngày, bánh vẫn dẻo thơm.

Nguyên liệu bánh gai chia thành hai phần gồm vỏ và nhân. Trong đó, vỏ chỉ gồm gạo nếp và lá gai còn phần nhân có mỡ lợn, đậu xanh, dừa và hạt sen. Bánh gai được gói bằng lá chuối khô, hấp chín trong vòng 2 giờ. Chiếc bánh gai đạt chuẩn phải mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm thanh dịu của đậu, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm thoảng của vừng và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.

Hải sản biển

Đi du lịch đến các biển ở tỉnh Thanh như Sầm Sơn, Hải Tiến, Tinh Gia… chắc hẳn bạn sẽ tranh thủ mua hải sản tươi sống về làm quà. Ngư dân ở các huyện ven biển thường đi đánh bắt gần bờ, ra khơi và trở về vào một buổi nhất định trong ngày, bạn có thể hỏi để mua và đóng thùng đá vận chuyển về nhà để ăn dần. Bạn có thể mua tôm, cá, cua, ghẹ, mực… và các đồ hải sản biển còn tươi rói ngay khi thuyền của ngư dân cập bến và mang vào các nhà hàng gần đó thuê họ chế biến để tận hưởng trọn vẹn hương vị của biển khơi.

Du lịch đến biển Sầm Sơn, nếu muốn mua hải sản tươi, bạn hãy dậy sớm ra bãi C để chờ thuyền của ngư dân đánh bắt về với giá rẻ hơn trong chợ hải sản gần đó nhiều lần.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Quỳnh (Tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất