Hành hương về đất Phật Yên Tử, đừng quên thưởng thức món chè lam

Phương Anh
Chia sẻ

Ăn một miếng chè lam cảm nhận vị dẻo dai của bột nếp, ngọt ngào của mật, cay của gừng, bùi của lạc, thơm ngon mê hồn... là bao nhiêu cực nhọc trong chuyến hành hương leo núi lên chùa Đồng xa xôi dường như đều tiêu tán hết.

“Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử, chưa thành quả tu” - Câu ca dao ấy dường như ẩn chức sức mạnh thúc giục hành triệu tăng ni, phật tử, du khách hành hương về với núi non linh thiêng Yên Tử mỗi độ khai hội.

Trong chuyến đi ấy, đừng quên mất chè lam đặc sản nơi đây.

Không mua chè lam khi hành hương về Yên Tử, dường như du khách đã đánh rơi mất 1 nửa hành trình.

Chè lam là thức quà đặc biệt. Ăn một miếng chè lam để cảm nhận vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng, một chút bùi bùi của lạc. Người ta không ăn chè lam lấy no mà nhai chầm chậm cho thấm vị của đồng áng, cảm nhận cái tình người gởi trao trong ấy. Nhấp thêm một ngụm trà để ấm bụng, để thấy yên bình, thư thái mọi bận rộn, lo toan của cuộc sống thường ngày dừng lại. Trong không gian linh thiêng của đất phật Yên Tử, được nếm một miếng chè lam để quên đi những bụi bặm trần thế, quả là một trải nghiệm tuyệt vời đúng không nào?

Mỗi nơi, chè lam được làm với một công thức khác nhau nhưng nguyên liệu thì đâu đâu cũng như vậy: mật mía, bột nếp rang, mạch nha, lạc, gừng tươi. Loại gạo nếp được lựa chọn là loại thóc nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung đã được phơi phóng sàng sảy kĩ đem rang với cát đến khi nổ bỏng xòe hoa rồi sảy lại, loại vỏ trấu và thóc chưa nổ. Nếu như ngày xưa mật mía được dùng để làm chè lam thì ngày nay đường trắng đã thay thế, dù có đôi chút đổi khác về hương vị nhưng vẫn không làm chè lam kém đi phần hấp dẫn.

Mọi công đoạn của món chè lam trứ danh này đều được làm thủ công.

Gừng dùng làm chè phải là loại gừng già, cay nồng và thơm dậy mùi. Lấy gừng đun với đường, mạch nha, lạc rang với mức lửa vừa đủ, khuấy đều tay để đường tan ra hòa với mạch nha và gừng sao cho không bị cháy.

Bỏng nếp sau đó phải được xay mịn. Mật mía trộn đều với mạch nha rồi nấu trên lửa nhỏ cho đến khi sánh lại. Những người thợ sẽ nhẹ nhàng trộn bột nếp với những lát gừng thái mỏng cộng thêm lạc giã.

Những nguyên liệu hòa quyện với nhau sẽ tạo nên một thức quà quê đảm bảo “ăn vào sẽ nhớ mãi”.

Khi tất cả hòa quyện với nhau thành một hỗn hợp có màu vàng óng ánh thì người nấu bắt đầu rắc bột nếp vào. Gạo nếp được lựa chọn để làm chè lam thường là loại gạo đặc sản như nếp cái hoa vàng hay nếp thơm.

Nhào kỹ chè lam cho thật dẻo là một trong những công đoạn vô cùng tỉ mỉ. Phải làm sao để chè lam dẻo, các nguyên liệu nhuyễn lại với nhau rồi mới chia ra từng phên bánh. Từng phên đấy được lăn thật rền và phẳng rồi sẽ phủ một lớp bột mỏng để chè lam được khô và cắt không bị dính.

Cắn một miếng chè lam để cảm nhận được vị bùi của lạc, vị thơm của gạo nếp rang, vị ngọt của đường. Tất cả hòa quyện lại thành một hương vị không thể quên được.

Chè lam không phải là món quà xa xỉ nhưng công phu, cẩn trọng và khi làm nén cả tình yêu thương của mình trong đó thì chè lam mới ngon. Ví như công đoạn nấu mật sơ ý là mật chua, nổ bỏng quá lửa thì chè lam nồng khét…

Ngày nay, khi máy móc hầu như đã thay thế con người phần nhiều nhưng chè lam vẫn hoàn toàn được làm bằng phương pháp thủ công với công thức gia truyền. Một miếng chè lam đạt yêu cầu là dẻo vừa phải, không mắc răng; độ ngọt thanh; có vị cay và thơm nồng của gừng lại có vị béo ngậy của những hạt lạc rang.

Thưởng thức chè lam dường như là cả một nghệ thuật. Thường là khi gió Đông Bắc về đem theo cái lạnh, ngồi bên ấm trà nóng, ta nhâm nhi một miếng chè lam giải khuây. Đến với Yên Tử vào mùa xuân, khi cái lạnh vẫn còn dịu ngọt, man mác, đất trời mù sương mưa phùn, ăn một miếng chè lam cho ấm bụng, mua về làm quà tặng cho nhau chắc chắn sẽ là kỷ niệm đẹp trong chuyến hành hương của mỗi người.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Anh

Tin mới nhất