Có một nơi vẫn giữ được hương vị của ẩm thực Sài Gòn qua năm tháng, hủ tiếu cua Thanh Xuân

Trúc Nguyên
Chia sẻ

Dù cho bao nhiêu năm tháng trôi qua, có một quán nhỏ đơn sơ, mộc mạc vẫn ở đó, vẫn ngày ngày đem đến cho thực khách những tô hủ tiếu đậm đà và trọn vị.

Sài Gòn giờ đây đã phát triển với những toà nhà cao tầng, đầy ắp món ngon thức lạ nhưng có những hương vị vẫn ở đó, vẫn âm thầm tồn tại cùng thành phố này theo thời gian. Và dù cho bao nhiêu năm tháng trôi qua, có một quán nhỏ đơn sơ, mộc mạc vẫn ở đó, vẫn ngày ngày đem đến cho thực khách những tô hủ tiếu đậm đà và trọn vị.

Chọn một vị trí khá khiêm tốn, nép mình bên căn hẻm nhỏ trên đường Tôn Thất Thiệp, quán hủ tiếu Thanh Xuân đã trải qua bốn đời với hơn 70 năm phục vụ. Quán chỉ là một gian bếp nhỏ với những món ăn được xếp gọn trong chiếc tủ, cùng nồi nước lèo toả hương thơm khiến ai đi ngang qua cũng phải hít hà. Lúc trước, người ta hay gọi quen là hủ tiếu Chùa Chà, vì nếu để ý kĩ, bạn sẽ thấy quán nằm kế bên ngôi chùa Ấn Độ do cộng đồng người Chà Và lập nên từ xa xưa. Những có lẽ, cái tên Thanh Xuân lại là tiếng gọi gây thổn thức cho mỗi người, như gợi lại một thời tuổi trẻ với nhiều kỉ niệm.

Nghe kể rằng, người đàn ông sáng lập nên quán đến từ Mỹ Tho. Nằm 1946, với hy vọng lên Sài Gòn lập nghiệp với đam mê nấu ăn của mình, nên ông quyết định mang hương vị đặc trưng của món hủ tiếu quê hương lan toả đến ẩm thực nơi đây. “Vì là cháu út, được cưng nhất nhà nên ông ngoại lấy tên cháu đặt thành tên tiệm luôn. Tôi tên là Xuân Thanh, tiệm thì tên là Thanh Xuân” - ông Thanh, người đang nối nghiệp ngoại mình tâm sự.

Lúc bấy giờ, món hủ tiếu khô của ông lừng danh khắp đất Sài Thành, đến nổi những hàng bàn ghế xếp dài cả con đường mà vẫn không đủ chỗ. Và dù thời gian có làm phai màu đi bảng hiệu năm xưa, nhưng hương vị món ăn vẫn không hề thay đổi sau ngần ấy năm.

Hủ tiếu Mỹ Tho không giống như bất kì món hủ tiếu nào có mặt ở nơi đây. Cái đặc trưng nhất chính là phần nước lèo sền sệt được làm từ cà chua và nêm nếm theo công thức “gia truyền” của người bán, lôi kéo khẩu vị một cách lạ thường. Sợi hủ tiếu dai dai và thoang thoảng hương tinh bột được chan hoà trong phần nước sốt thấm đượm. Bên cạnh đó còn có một chén nước súp thanh dịu để húp kèm cho bữa ăn thêm ngon miệng.

Tô hủ tiếu đặc biệt đầy ắp với thịt, tim heo, một chút thịt bằm, tôm và thịt cua. Chẳng cần có gia vị gì đặc biệt, món ăn mang vị đặc trưng riêng của từng loại thức ăn chứ không phải đậm đà hương sắc như tô hủ tiếu khô của người Hoa. Sợi hủ tiếu dai dai, ngòn ngọt vị tự nhiên sau khi trộn trong phần nước sốt đặc sệt thì mọi hương vị thấm đều và kết hợp thật ăn ý. Thịt cua tươi mang cái ngọt tự nhiên, cùng với những món ăn kèm khác tiếp thêm chút béo, chút giòn làm cho món ăn đa dạng vị cảm.

Một điểm thú vị nữa là món hủ tiếu khô ở đây được ăn kèm với bánh Pate chaud. Những miếng bánh giòn giòn khi ăn kèm cùng món ăn nóng tạo cho thực khách một trải nghiệm thích thú. Đây cũng là phong cách ẩm thực của Sài Gòn trong những năm tháng xưa. Tuy nhiên, bánh chỉ được quán làm với số lượng hạn chế nên phải đến sớm mới có thể thưởng thức trọn hương vị này.

Bảng giá cũng được treo “hiên ngang” trước quán để khách dễ dàng lựa chọn. Với cái giá hơn 50.000 nghìn đồng cho một tô hủ tiếu đặc biệt, không phải là rẻ nhưng lại chẳng quá cao cho chất lượng của món ăn.

Dù đã qua thời vàng son, nhưng bảng hiệu Thanh Xuân vẫn yên vị ở đó, cái tên vẫn tồn tại trong lòng mỗi người dân Sài Thành. Những quán Âu, quán Tây cứ tha hồ mọc lên, không gian quán có sang trọng, tiện nghi thế nào thì cũng chẳng nơi đâu mang lại cái mộc mạc, thanh nhàn của nền ẩm thực một thời. Buổi sáng cuối tuần không vội vã, ngồi lại thưởng thức tô hủ tiếu toả hương và cảm nhận một Sài Gòn cũng có lúc yên bình như thế thì còn gì bằng.

Chia sẻ

Bài viết

Trúc Nguyên

Tin mới nhất