Tìm hiểu phong tục đón năm mới độc đáo của người Nhật

ChAnh
Chia sẻ

Ngày 1/1 được gọi là “Gantan”, là ngày bắt đầu năm mới ở Nhật. Vào dịp này, tất cả người dân ở “xứ sở hoa anh đào” đều tất bật và háo hức chuẩn bị cho ngày năm mới thật suôn sẻ, hân hoan.

Dọn dẹp nhà cửa

Việc dọn dẹp nhà cửa vào cuối năm tại Nhật được gọi là Ousoji hay Susuharai. Theo phong tục, các gia đình sẽ bắt đầu dọn dẹp từ ngày 13/12 .Tuy nhiên, ngày nay nhiều gia đình vì lý do bận rộn nên thường dời việc dọn dẹp đến ngày 31/12.

Trang trí nhà

Khi đã hoàn thành công đoạn Ousoji, người dân Nhật Bản sẽ bắt đầu trang trí nhà cửa. Thời điểm trang trí tốt nhất thường là ngày 28 hoặc 30, tránh trang trí vào ngày 29 vì số 29 trong tiếng Nhật phát âm tương tự “hai lần nỗi đau”.

Một ngôi nhà được trang trí theo phong cách Tết truyền thống Nhật thường có kagamimochi, kadomatsu, shimekazari. Kagamimochi là mâm bánh dày ngày Tết, được đặt trên bàn thờ hay nơi trang trọng nhất trong căn nhà. Kadomasu là cây may mắn, gồm một cành thông và tre tươi được đặt trong chậu trước cửa nhà. Sau cùng là shimekazari, tức vòng rơm được treo trên cửa để trừ tà.

Gửi thiệp chúc Tết

Thiệp chúc Tết, hay Nengajo thường in hình 12 con giáp và được gửi đi cho người thân, bạn bè hay những người mình biết ơn. Ngày nay, việc chúc Tết thường được gửi qua email hay tin nhắn, nhưng những chiếc thiệp xinh xắn kèm theo lời chúc được viết tay vẫn rất được trân trọng và mang lại không khí ấm áp cho những ngày đầu năm.

Ăn mì trường thọ

Mì trường thọ trong tiếng Nhật có tên là Toshikoshi Soba, có nguồn gốc từ thủ đô Tokyo. Mọi người thường ăn mì trường thọ, có khi là trong bữa tối, có khi là đợi đến khoảnh khắc Giao thừa để vừa nghe tiếng chuông Giao thừa vừa quây quần bên gia đình cùng thưởng thức mì. Những sợi mì dài, mịn tượng trưng cho tuổi thọ lâu dài của con người. Sợi mì mềm và được cắt đứt dễ dàng cũng tượng trưng cho những muộn phiền dễ dàng được rũ bỏ.

Otoshidama

Otoshidama là tiền mừng tuổi của người lớn cho trẻ em. Khoản tiền bên trong thông thường là 5.000 Yên (khoảng 1 triệu đồng), nên đối với những gia đình đông trẻ nhỏ thì tiền mừng tuổi là một con số khá đáng kể. Trẻ em Nhật Bản thường rất háo hức khi nhận Otoshidama, không chỉ vì số tiền bên trong mà còn vì phong bao bên ngoài. Phong bao thường được trang trí rất bắt mắt, có những phong bao còn in hình nhân vật hoạt hình nên rất được yêu thích bởi các em nhỏ.

Đi lễ đầu năm

Đi lễ đầu năm là một truyền thống ở Nhật. Nhiều người thường đi lễ vào Giao thừa, nhưng cũng có những người chờ đến ngày đầu tiên của năm mới rồi mới đi. Vào những ngày nay, đền thường rất đông đúc nên mọi người phải xếp hàng dài để vào dâng hương cho thần linh. Sau lễ dâng hương, mọi người có thể gặp gỡ và trò chuyện cùng bạn bè.

Ăn Osechi

Ngày Tết Nhật Bản sẽ không trọn vẹn nếu thiếu đi Osechi-“linh hồn” của ẩm thực Tết Nhật. Osechi gồm nhiều món khác nhau, được bày trí trong hộp truyền thống có nhiều tầng. Mỗi hộp Osechi đều chứa đựng nhiều ý nghĩa: mong ước về một năm ngập tràn hạnh phúc, thịnh vượng cũng như sự phát triển sức khỏe trí tuệ,…

Kagami Biraki

Kagamimochi được dâng lên để mời thần linh vào đầu năm, trong thời gian này không ai được phép ăn bánh. Bánh chỉ được ăn khi thần linh đã đi khỏi và gọi là Kagami Biraki. Để thưởng thức Kagamimochi, người ta phải dùng tay để bẻ hoặc dùng búa đập khi bánh còn cứng, tuyệt đối không được dùng dao vì như vậy có nghĩa là cắt đứt quan hệ gia đình. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng thần linh rất ghét vật nhọn nên dùng dao chính là xua đuổi may mắn đi.

Chia sẻ

Bài viết

ChAnh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất