Sao & Đời Sống

Điểm 10 Văn Kì Thi THPTQG: Liệu chỉ có dành cho các 'siêu nhân'?

Nhã Uyên
Chia sẻ

Từ câu chuyện đạt điểm 10 môn Văn – một môn học khá khoai khi hầu như rất ít “cao thủ” có được điểm tuyệt đối. Thế nhưng “Lịch sử khoa cử thời kỳ đương đại” đã chứng minh rằng thực tế, bài Văn điểm 10 không phải là không có.

Nếu như ở các môn tự nhiên, việc đạt điểm tuyệt đối là chuyện khá dễ dàng và có thể thực hiện được thì ở các môn xã hội, đặc biệt là môn Văn, chuyện này rất hiếm xảy ra. Thế nhưng, sự kiện cậu học trò xứ Quảng - Trần Đình Duy có thể “bức phá tuyệt đối” và dẫn đầu toàn quốc trong bộ môn khó nhằn này đã khiến dư luận xôn xao.

Chân dung Đình Duy - cậu học trò xứ Quảng đã đạt điểm tuyệt đối môn Văn trong kì thi THPT 2017.

Điểm 10 môn Văn - Con số trong tầm tay?

Trao đổi với những thí sinh ứng tuyển trong kì thi THPT năm nay, hầu hết ý kiến của các bạn về việc điểm 10 môn văn là điều khả thi hay không khá giống nhau.

Bạn Nguyễn Quốc Đại Trường An, học sinh trường THPT Nguyễn Công Trứ cho rằng: “Kì thi môn Ngữ Văn là bài thi tư luận duy nhất nên với số điểm đó chắc hẳn không phải một thầy, cô mà cả hội đồng chấm thi tỉnh Quảng Nam đã nghiên cứu và hỏi ý rất kĩ để đưa ra quyết định…”

Trong khi đó, H.T.N.U (THPT, HCM) lại cho rằng việc nắm chắc được điểm 10 trong tay hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên chấm thi.

Cũng có bạn cho rằng, đạt điểm tuyệt đối không phải là không thể nhưng chỉ có “siêu nhân” mới làm được như vậy. “Vì từ hồi em đi học đến giờ, chỉ có một vài bạn đạt được điểm 9 môn Văn là thuộc “hàng cực phẩm” rồi ạ.” - Bạn Minh Ngọc (THPT, HCM)

Thực ra, không phải khi Đình Duy đạt điểm 10 duy nhất ở môn Văn trong kì thi THPT quốc gia thì “làng thi cử Việt” mới được dịp “sục sôi” bàn luận về điểm số quý hiếm. Còn nhớ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, hai thí sinh Nguyễn Trần Thục Nhi (Trường THPT Phan Châu Trinh) và Nguyễn Thị Bích Ly (Trường THPT Hoàng Hoa Thám) đến từ Đà Nẵng đều đạt điểm 10 tuyệt đối ở bộ môn này. Tuy nhiên, kể từ đó những bài văn điểm 10 tuyệt nhiên không còn xuất hiện trên “văn đàn thi cử” cho đến kì thi năm nay.

Có thể thấy rằng, công cuộc tìm kiếm điểm 10 môn Văn không phải là hành trình dễ dàng. Vốn là một môn học chẳng có một khung chấm rạch ròi hay đáp án cụ thể, sức hút của một bài văn hay còn đến từ nhiều yếu tố không chỉ từ người viết mà còn ở người chấm. Do đó, điểm 10 môn Văn không chỉ nằm ở trong lòng bàn tay của thí sinh mà còn phải phụ thuộc vào việc “giơ cao đánh khẽ” hay cảm nhận chung nhịp điệu tâm hồn của người chấm.

Điểm 10 môn Văn - Thực lực hay may mắn?

Cùng với điểm 10 đầu tiên và duy nhất ở môn Văn, làn sóng điểm “đội trần” cũng xảy ra tương tự ở các môn thi khác. Cụ thể, có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10 khắp 63 tỉnh thành, gấp nhiều lần con số của năm 2016. Điều đó đã làm dấy lên nghi vấn có phải do đề thi năm nay dễ quá hay không?

Phổ điểm môn Toán, điểm 10 có nhưng rất hiếm.

Đối với môn Văn, thí sinh có thể dễ dàng đạt được điểm trung bình từ 5-7.


Qua tìm hiểu và phỏng vấn các bạn học trò vừa hoàn thành kì thi THPT, đề thi năm nay không phải là dễ nhưng cũng không quá thử thách. Với sự đổi mới trong hình thức thi cử cùng tư duy hiện đại hơn, đề thi Ngữ văn năm 2017 khá vừa sức khi phân bổ hợp lý lượng kiến thức cần thiết trong thời gian 120 phút và có sự phân hóa rõ ràng.


Ở phần thi nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm riêng về ý nghĩa của sự thấu cảm có thể xem là đề tài phù hợp và có tính chất giáo dục đạo đức học sinh, phù hợp với tình hình xã hội khi một loạt vấn đề vô cảm đang diễn ra. Riêng phần nghị luận văn học bàn về đoạn trích Đất Nước (tác giả Nguyễn Khoa Điềm), cách đặt vấn đề của đề bài được xem là vừa gần gũi vừa giúp các thí sinh thể hiện tốt phần kiến thức đã được học trước đó.

Tất nhiên, để đạt được điểm cao môn Văn, bạn phải có thực lực thật sự.

Điểm 10 môn Văn, tại sao không thể nếu bạn có đam mê và cố gắng?

Nhìn chung, không phải cứ là môn Văn thì không thể đạt 10 điểm. Không chỉ ở riêng một bô môn bất kỳ nào, kết quả của kì thi THPT quốc gia được quyết định phần lớn bởi khả năng và sự cố gắng của từng thí sinh. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của môn Văn, có thể nói rằng yếu tố may mắn cũng có sự tác động nhất định đối với điểm số của bộ môn được nhiều bạn cho là đáng lo ngại và khó đoán nhất trong kì thi này. Trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ còn nhìn thấy nhiều sự thay đổi trong cơ cấu và nội dung đề thi của môn Văn để giúp cho kết quả của bài thi trở nên khách quan và thực tế hơn.

Chia sẻ

Bài viết

Nhã Uyên

Tin mới nhất