Sao & Đời Sống

Đã đến lúc nhìn câu chuyện điểm 10 môn Văn theo chiều hướng mới

Nhã Uyên
Chia sẻ

Bên cạnh những lời chúc mừng trước điểm 10 tuyệt đối môn văn kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017 của cậu học trò xứ Quảng Trần Đình Duy, cũng có nhiều luồng ý kiến xung quanh đề thi, việc chấm điểm và cách học môn Văn.

Khi kết quả kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia được công bố, cộng đồng mạng được phen xôn xao trước con điểm 10 môn Văn. Từ xưa đến nay, mọi người vẫn cho rằng đây là một kết quả không tưởng chỉ có “con nhà người ta” mới làm được mà đâu biết rằng “làng thi cử môn Văn” cũng đã từng ghi dấu vài lần với những con số cao chót vót như vậy. Chắc chắn một điều rằng tất cả những thí sinh ấy đều có điểm chung là nỗ lực không ngừng.

Trao đổi với một số thầy cô giáo về đề thi Văn kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia 2017, hầu hết các ý kiến đều cho rằng tuy cách ra đề và áp dụng kiến thức vào đề khá hợp lý nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại một số nhược điểm nhất định. Bên cạnh đó, những chia sẻ bổ ích về tiêu chí chấm thi môn Văn cũng sẽ được giải đáp để các thí sinh có cái nhìn khái quát hơn.

Đề thi đủ an toàn để đạt điểm trung bình, khá

“Xét về tính ưu, đề Văn năm nay vẫn bám sát định hướng của Bộ Giáo dục và có khả năng phân loại thí sinh. Dựa theo năng lực của người học, chỉ cần thí sinh nắm được kiến thức trọng tâm sẽ dễ dàng đạt mức điểm trung bình và khá.” - Cô Nguyễn Bích Thủy - Giáo viên từng dạy môn Văn lâu năm tại trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cho biết.

Cô Nguyễn Bích Thủy

Phổ điểm môn Văn toàn quốc cho thấy thí sinh đạt điểm 5 - 7 là chủ yếu.

Nhưng vẫn chưa có sự đổi mới triệt để

Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng đề văn năm nay “cũ rích”, “đi vào lối mòn” với những câu hỏi chưa thật phong phú, mới mẻ. Mặc dù đã có những sự đổi mới, chỉnh lí từ Bộ Giáo dục nhưng lại chưa được triệt để.

Đề thi năm nay được đánh giá là quá dài và các câu hỏi giống như các năm trước.

Ở văn bản đọc hiểu, vấn đề “thấu cảm”, tuy cách sử dụng từ ngữ mới nhưng thực chất đây cũng là mộ trong những đề tài khá quen thuộc trong các kì thi gần đây. Cô Bích Thủy cho rằng:

“Việc tiếp nhận một văn bản có khá nhiều từ ngữ không dễ hiểu là một bài toán khá khó đối với lứa tuổi học sinh chưa có nhiều trãi nghiệp, ít vốn sống. Vì vậy dù có thể hiểu được tinh thần nội dung văn bản nhưng khi trả lời các câu hỏi phần này, các thí sinh vẫn diễn đạt lúng túng, không rõ ý, cảm giác mơ hồ”

Còn ở phần nghị luận văn học, nhiều người cho rằng, thay vì lựa chọn nhiều tác phẩm hay, có giá trị thì để thi năm nay sử dụng lại bài thơ Đất nước từng được đưa vào đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2013 nên không tạo được sự mới mẻ. Mặc dù phần bình luận là đề lạ nhưng “yêu cầu kiểm tra khả năng cảm thụ của học sinh thì cách hỏi hơi thiếu sáng tạo.” - Cô Đỗ Phương Thảo một giáo viên dạy Văn cho hay.

Tóm lại, nhìn chung những đổi mới của kì thi THPT Quốc gia năm nay vẫn đạt được những kết quả khả quan nhưng đề thi môn văn vẫn chưa được dư luận đánh giá là hay.

Giáo viên nói gì về tiêu chí chấm môn Văn?

Có thể thấy, đáp án và thang điểm mà Bộ đưa ra là khá hợp lí. Tuy nhiên hướng mở của đáp án lại ảnh hưởng nhiều đến kết quả thi của thí sinh vì ở những nội dung theo huớng mở, trình độ và quan điểm của người chấm có thể khác nhau dẫn đến cách cho điểm khác nhau. Với đặc thù riêng của môn Văn, sức hút của một bài văn đạt được điểm cao là đáng lo ngại và khó đoán nhất trong kì thi này.

Bảng đáp án chính thức kì thi THPTQG môn Văn.

Nhìn chung qua, điểm phân chia khá chi tiết nhưng làm sao để đảm bảo ý văn gói gọn trong đáp án?

Theo chia sẻ của cô Phương Thảo, môn Văn cũng giống như những môn học khác, “điểm 10 sẽ hoàn toàn là điều có thể đối với những học trò đáp ứng tốt những yêu cầu của đề bài.” Đối với những bạn có cách làm bài và lý giải không giống đáp ứng nhưng vẫn đảm bảo tính hợp lý và thì điểm tối đa vẫn được dành cho bài làm đó. Cô cũng cho biết, cô đã từng chấm điểm 10 cho những bài văn có nội dung xuất sắc.

Do đó, điểm 10 môn Văn không chỉ nằm ở sự nỗ lực, cố gắng của thí sinh mà còn cần phải dựa vào quan điểm người chấm.

Trong tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ còn nhìn thấy nhiều sự thay đổi trong cơ cấu và nội dung đề thi của môn Văn để giúp cho kết quả của bài thi trở nên khách quan và thực tế hơn.

Chia sẻ

Bài viết

Nhã Uyên

Tin mới nhất