Sao & Đời Sống

Công kích cá nhân: chuyện dài kỳ xấu xí của cư dân mạng!

Bảo Vii
Chia sẻ

Không phải lần đầu và cũng chẳng dám hi vọng là lần cuối, những câu chuyện mạt sát, công kích cá nhân đã quá quen thuộc trong các cuộc tranh luận. Đặc biệt qua hai sự kiện nổi bật tuần qua: Giáo viên tiếng Anh phát âm sai và câu chuyện đạo nhái của dân creative.

Mọi thứ đều bắt đầu bằng một đoạn video clip mang tính chất vui vẻ, hài hước, góp ý, nhưng tiếc là chưa khéo từ thầy Dan Heur, một giáo viên bản xứ. Sau clip, mọi người bắt đầu truy tìm danh tính các giáo viên người Việt có trong clip này. Nổi bật nhất là cô giáo 9x Kiều Trang.

Một số ý kiến cho rằng, thầy Dan “chơi xấu, dìm hàng” người khác và cạnh tranh không lành mạnh. Bác lại ý kiến này, cũng có khá đông cư dân mạng cho rằng video clip Dan Hauer đăng tải với tựa đề “Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt” chỉ đơn giản nêu ra các lỗi cơ bản thường gặp của người Việt trong việc học phát âm tiếng Anh. Và rồi sự việc dần đẩy lên cao trào, vô số bình luận ác ý từ phía cư dân mạng đồng loạt như mũi tên chỉa thẳng vào nhóm những thầy cô đến từ trường Elight, đặc biệt là cô Kiều Trang. Không dừng ở đấy, sau khi trung tâm Anh ngữ lên tiếng xin lỗi và thừa nhận thiếu xót của mình, có vẻ như họ cũng chả được dòng dân mạng cho lắm.

Clip của thầy Dan.

Hứng bão vì quá thẳng và nóng khi đẩy câu chuyện đi quá xa? Khóc lóc kể khổ trong clip xin lỗi? Thầy Dan, cô Trang hay dư luận là người có lỗi trong chuyện này?

Cùng thời điểm đó, dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi Maxk Nguyễn - một creative có tiếng trong giới, chủ nhân một chuỗi các dự án đình đám đã và đang thu hút sự quan tâm đông đảo của cư dân mạng bị “tố” đạo nhái ý tưởng.

Ngay khi thông tin đạo nhái “nổ ra”, Maxk đã có phản hồi chính thức với Saostar. Những phản hồi này tiếp tục nhận phải những thông tin trái chiều.

Đầu tiên cần nhìn nhận đúng vấn đề. Các nhân vật trong 2 câu chuyện trên, ít nhiều đều có những lỗi sai cần phải khắc phục. Cô Kiều Trang đúng thật cần trau dồi thêm cách phát âm của mình để tiếp tục với công việc, thầy Dan cần khéo léo dung hòa khác biệt trong việc bày tỏ quan điểm giữa 2 nền văn hóa, và Maxk Nguyễn, đáng lẽ nên rõ ràng việc mình “vay mượn ý tưởng” ngay từ đầu, thì có thể (chỉ là có thể) phần nào xoa dịu được phản ứng khắc nghiệt của cư dân mạng.

Những ý kiến của cư dân mạng xoay quanh vụ việc.

Trên trang Facebook của Dan Hauer, nhiều người cho rằng việc góp ý để người khác sửa sai là ý tốt, nhưng nên bằng một cách tinh tế.

Ở mỗi câu chuyện, đều có hai phe đang đấu đá nhau kịch liệt, và nó đương nhiên dần trở thành cuộc chiến của tất cả mọi người. Trong đó, có những người chỉ là vô tình lượm lặt chút thông tin trên mạng về sự kiện.

Vậy đó, tranh cãi nổ ra, chúng ta chọn phe, sau đó dùng quyền năng bàn phím, biến nó thành vũ khí của mình.

Và như thường lệ, ở bất kì lùm xùm nào trên Facebook cũng không thể thiếu những cư dân mạng chuyên đi tìm công lý… hộ dù không “mắt thấy tai nghe” tường tận câu chuyện. Tự do ngôn luận là điều không ai dám phủ nhận. Tuy nhiên, dưới tác động của dân mạng, người trong cuộc đều có thể biến mình thành những con tốt trong ván cờ dư luận. Nay lên tiếng phủ nhận, mai đăng đàn tố cáo. Thậm chí, ở vụ việc thứ hai giữa Maxk Nguyễn và anh chàng Hiếu Châu- Sith Zâm (người tố cáo), đội ngũ “anh hùng bàn phím” dù không được trả một đồng công nhưng “chinh chiến” rất hăng hái. Tưởng chừng sau một thời gian dài, mọi thứ đến đây là ngã ngũ, thế nhưng, làn sóng dư luận cứ thế mà tới tấp.

Giữa tâm bão, đoạn clip lên tiếng xin lỗi bị nhiều ý kiến phản bác và cho rằng lố bịch và nguỵ biện cho cái sai của mình. Thay vì đi thẳng vào vấn đề và nhận lỗi, cả cô Kiều Trang - giảng viên đồng thời là CEO trung tâm, cùng các cộng sự kéo dài “tâm thư” hẳn 6 phút hơn với câu chuyện kể khổ, nước mắt lâm li bi đát. Một lần nữa, hội nhóm các cư dân mạng núp lùm sau màn hình máy tính lại phản pháo và cho rằng đây là vở kịch thiếu đầu tư. Liệu nước mắt có hoàn toàn là chiêu trò để lôi kéo sự thông cảm hay do những áp lực phải chịu đựng quá lớn từ scandal trên trời rơi xuống. Tạo phản ứng ngược so với mong đợi, giờ đây Elight đang đứng trước bão công kích mạnh mẽ.

Ngoài “bóc mẽ” và mỉa mai tập thể thầy cô Elight nói chung và cô Kiều Trang nói riêng, đám đông còn nặng lời mạt sát, công kích đến những vấn đề cá nhân. Gọi những nhân vật này bằng vô số lời lẽ không hay ho, thậm chí là nhục mạ nặng nề bằng những từ không tiện nhắc tới. Tình hình cũng không mấy khả quan khi nhìn lại cuộc tranh luận giữa Maxk Nguyễn và cư dân mạng. Thay vì đưa ra những lời lẽ bình phẩm mang tính góp ý, rất đông bạn trẻ lại sa đà vào việc công kích cá nhân của Maxk. Để rồi hạ bệ và công kích tập thể thay vì có thể nhẹ nhàng đóng góp theo một cách bình thường.

Công kích cá nhân: thói quen cũ bao giờ mới bỏ?

Công kích cá nhân là gì? Nếu google trên mạng, bạn sẽ dễ thấy định nghĩa: “Công kích cá nhân là người A dùng một lập luận tấn công các đặc tính hay động cơ, hoàn cảnh cá nhân của người B thay vì phải tấn công lý luận mà người B vừa đưa ra. Điều này xảy ra chủ yếu với mục đích để cho đối thủ phải mang tiếng xấu trước công chúng.”

Nói dễ hiểu hơn, thay vì bạn bảo người bạn của mình rằng: “À, điều cậu vừa nói sai rồi nhé, hoa anh đào không chỉ mọc ở Nhật Bản đâu.”, thì bạn lại nói rằng: “Ôi, cái đồ… chân ngắn như cậu, đương nhiên là nói không đúng về hoa anh đào rồi”. Vậy đó, bạn dùng “chân ngắn” trở thành 1 trong những lý lẽ phản bác, dù rằng rõ ràng nó không hề liên quan đến vấn đề mà cả hai đang tranh cãi. Đây là cách mà cư dân mạng thường hay dùng nhất trong những comment miệt thị người người khác của mình.

Ai cũng từng mắc lỗi, mong được tha thứ nhưng trong đám đông không phải ai cũng là người bao dung, vị tha trước mọi sai lầm. Vì vậy, nhận lỗi với thái độ cầu thị, sửa sai luôn là cách làm khôn ngoan nhất, tuy không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, quyền nổi giận, bất bình trước cái sai không đồng nghĩa với việc công kích và hạ bệ người khác. Hai câu chuyện điển hình trên là một ví dụ rõ nét nhất. Phủ cho mình một tài khoản trên Facebook, người ta có thể dễ dàng tung hoành khắp nơi và để lại những bình luận suy diễn vô căn cứ, chỉ trích bất kì nhân vật nào. Thế nhưng, nạn nhân thì khác, họ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường mà do chính những “người đi đường”… vạ miệng gây ra. Lời nói trên mạng xã hội tuy có sức lan tuyền mạnh mẽ, nhưng mãi mãi là ảo, còn tổn thương, lại là thứ có thật!

Chia sẻ

Bài viết

Bảo Vii

Thiết kế

Công Hải

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất